Phân tích đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga
Mời các bạn tham khảo thêm tài liệu:
Phân tích hình ảnh Lục Vân Tiên đánh cướp
Hướng dẫn phân tích:
Nguyễn Đình Chiểu là một nhà thơ mù yêu nước sống ở cuối thế kỉ XIX, cuộc đời của ông nhiều đau thương bất hạnh. Xã hội nhiều biến động lớn lao nhưng sự nghiệp thơ ca của Nguyễn Đình Chiểu lại là những “dấu ấn thâm trầm của thời đại” và xã hội. Trong đó tác phẩm Lục Vân Tiên là một truyện thơ Nôm điển hình.
Truyện Lục Vân Tiên ra đời vào cuối thế kỉ XIX, tác phẩm được viết theo thể loại truyện thơ Nôm bình dân lục bát dài hơn 2000 câu. Truyện kể xoay quanh nhân vật trung tâm là chàng thư sinh Lục Vân Tiên – vị anh hùng nghĩa hiệp, lý tưởng trẻ tuổi đầy tài năng và ý chí sẵn sàng rat ay trừng trị kẻ ác độc, bênh vực những con người yếu đuối ,bất hạnh. Cùng với hình ảnh Lục Vân Tiên là Kiều Nguyệt Nga một tiểu thư khuê các, dịu dàng và xinh đẹp.
Lục Vân Tiên – một chàng trai mới trải qua mười sáu mùa xuân tươi, vừa rời trường học, đang chuẩn bị hành trang bước vào cánh cửa của cuộc đời, lòng đầy hăm hở ,muốn lập công danh ‘danh tôi đặng rạng, tiếng thầy bay xa’ cho mình và một phần muốn khuếch trương người thầy của mình, cũng mong thi thố tài năng cứu người, giúp đời. gặp tình huống “bất bằng” này là một thử thách đầu tiên khi tiếp xúc với cuộc sống bên ngoài và cũng là một dịp may , một cơ hội để thể hiện tài năng:
Tôi xin ra sức anh hào,
Cứu người cho khỏi lao đao buổi nầy.
Hành động đánh cướp giải nguy cho người bị hại trước hết đã bộc lộ tính cách anh hùng , tài năng và tấm lòng vị nghĩa của chàng trai trẻ Lục Vân Tiên. Chàng chỉ có một mình ,lại không có vũ khí phòng thân trong khi bọn cướp đông người, gươm giáo đủ đầy, thanh thế lẫy lừng, vang vọng khắp chốn nhân gian: “Người đều sợ nó có tài khôn đương”. Vậy mà Vân Tiên không một chút do dự nề hà, tính toán thiệt hơn, nhanh nhạy “bẻ cây làm gậy” xông thẳng vào giữa đám cướp.
Hình ảnh Lục Vân Tiên trong trận đánh bọn cướp được miêu tả thật đẹp, có thể sánh ngang với dũng tướng Triệu Tử Long trong Tam Quốc mà người Việt Nam có rất nhiều thế hệ hâm mộ, không mấy ai không thán phục. Hành động của chàng thư sinh họ Lục thể hiện một con người có đạo đức , “vị nghĩa vang thân”. Cái tài của bậc anh hùng và cái sức mạnh bênh vực kẻ yếu đã làm nổi bật lên phẩm chất và tính cách của Lục Vân Tiên.
Cách cư xử sau khi đánh cướp lại một lần nữa bộc lộ phẩm chất tốt đẹp của con người chính trực, hào hiệp, trọng nghĩa khinh tài cũng rất từ tâm, nhân hậu. Sauk hi tàn quân của bọn cướp đã bỏ chạy hết, thấy hai cô gái còn chưa hết hãi hùng, e sợ, Vân Tiên “động lòng” tìm cách an ủi, vỗ về “ta đã trừ dòng lâu la” và ân cần hỏi han. Hành động của chàng trai họ Lục rất đàng hoàng, chững chạc,nhất là thái độ ứng xử với hai cô gái đẹp “khoan khoan ngồi đó chớ ra” càng thể hiện chàng là một con người có học vấn. Ở đây có phần câu nệ của lễ giáo chủ yếu là đức tính khiêm nhường có pha một chút rụt rè. Với cử chỉ nghĩa hiệp Làm ơn há dễ trông người trả ơn chàng thư sinh trẻ Lục vân Tiên không muốn nhận cái lạy tạ của hai cô gái trẻ xinh đẹp và từ chối lời mời về thăm nhà của Nguyệt Nga để cha nàng có cơ hội đền đáp công ơn cứu mạng. Ở đoạn sau chàng từ chối không nhận chiếc trâm vàng của Kiều Nguyệt Nga, hai bên chỉ cùng xướng họa một bài thơ rồi Lục Vân Tiên ra đi không vấn vương tiếc nuối. Dường như đối với Vân Tiên, làm việc nghĩa là một bổn phận, một lẽ tự nhiên. Con người ‘trọng nghĩa khinh tài’ ấy không coi đó là một công trạng. Đây là cách cư xử mang tinh thần nghĩa hiệp của một bậc anh hùng hào hiệp . Qua những tích cách và phẩm chất đó, bạn đọc có thể thấy rõ nhân vật Lục Vân Tiên là một hình ảnh đẹp, lý tưởng mà Nguyễn ĐÌnh Chiểu có thể gửi gắm niềm tin và ước mong của mình.
Về phần Kiều Nguyệt Nga , một cô gái khuê các, đoan trang, thùy mị và có học thức được biểu hiện qua những lời giãi bày của nàng đối với Lục Vân Tiên. Lời lẽ và cách xưng hô của Nguyệt Nga “quân tử”, “tiện thiếp” càng tô đậm vẻ đẹp học thức cho nàng. Lời nói văn vẻ, dịu dàng mực thước, cách trình bày vấn đề rõ ràng, khúc chiết, vừa đáp ứng đầy đủ những điều thăm hỏi của Lục Vân Tiên, vừa thể hiện sự chân thành tấm lòng cảm kích, xúc động của mình:
Trước xe quân tử tạm ngồi
Xui cho tiện thiếp lạy rồi sẽ thưa
Nguyệt Nga là một con người rất mực đằm thắm, ân tình.
Ơn ai một chút chẳng quên
Huống hồ đây lại là một cái ơn rất lớn, không chỉ là ơn cứu mạng mà còn cứu cả cuộc đời con gái trong trắng, trinh tiết của nàng.
Lâm nguy chẳng gặp giải nguy,
Tiết trăm năm cũng bỏ đi một hồi.
Bởi vậy, Nguyệt Nga chọn một quyết định rằng nàng sẽ tự nguyện gắn bó cuộc đời mìn với Lục Vân Tiên, một chàng trai khảng khái, hào hiệp nàng quyết giữ trọn ân tình ,thủy chung với chàng.
Nguyễn Đình Chiểu là một nhà thơ mù nhưng tấm lòng, tâm hồn và tình cảm của ông luôn luôn trong sáng, cao thượng. Ta có thể thấy rõ điều này qua đoạn trích “Lục Vân Tiên” mang đậm tính chất tự truyện, ta có thể xem nhân vật Lục Vân Tiên trong truyện là nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu – một chàng trai tài giỏi cứu một cô gái “liễu yếu đào tơ” thoát khỏi tình huống hiểm nghèo. Giữa thời buổi nhiễu nhương hỗn loạn này tác giả đã thay mặt nhân dân phản ánh mong ước có những con người tài đức, dám ra tay cứu nạn , giúpđời. Nghệ thuật ngôn ngữ của đoạn trích được Nguyễn Đình Chiểu sử dụng rất bình dị, mộc mạc, gần với lời nói hàng ngày của người dân Nam Bộ, rất tự nhiên, dễ đi vào lòng bạn đọc.