Phân tích đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga (mẫu 2)
Phát biểu cảm nghĩ về truyện Sơn Tinh Thủy Tinh (Mẫu 2)
Đề bài:
Em hãy viết bài văn Phân tích đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga (trích truyện Lục Văn Tiên của Nguyễn Đình Chiểu.)
Bài làm:
Trước khi lên kinh ứng thí, Lục Vân Tiên định ghé thăm nhà để từ biệt cha mẹ. Trên đường đi, chàng đã bẻ cây làm gậy xông vào đánh tan bọn cướp hung hãn, cứu hai người con gái là tiểu thư Kiều Nguyệt Nga và nàng hầu Kim Liên. Nguyệt Nga cảm kích muốn mời chàng về nhà để tạ ơn, nhưng Vân Tiên khẳng khái chối từ.
Ở đoạn trích này, tác giả tập trung thể hiện phẩm chất tốt đẹp của hai nhân vật chính: Lục Vân Tiên tài ba, dũng cảm, trọng nghĩa, khinh tài và Kiều Nguyệt Nga hiền hậu, đoan trang, ân tình. Thông qua đó, tác giả thể hiện khát vọng hành đạo giúp đời của mình.
Bố cục đoạn trích có thể chia làm hai đoạn:
Đoạn một: Từ đầu… đến thác rày thân vong: Lục Vân Tiên đánh tan bọn cướp, cứu Kiều Nguyệt Nga.
Đoạn hai: Phần còn lại: Thái độ cư xử đúng mực của Lục Vân Tiên, Nguyệt Nga cảm ơn ân nghĩa cứu mạng.
Trước đoạn trích này là cảnh dân chúng hốt hoảng chạy vào rừng lên non, để trốn khỏi sự tàn bạo của bọn cướp Phong Lai. Thấy vậy, Lục Vân Tiên không thể làm ngơ nên đã dừng lại hỏi han. Mọi người khuyên chàng không nên tự chuốc lấy nguy hiểm vào thân:
Dân ràng: lũ nó còn đây,
Qua xem tướng bậu thơ ngây đã đành.
E khi họa hổ bất thành,
Khi không mình lại xô mình xuống hang.
Nhân vật Lục Vân Tiên được tác giả khắc hoạ theo kiểu mẫu quen thuộc trong truyện thơ Nôm truyền –thống: Một chàng trai tài giỏi cứu một cô gái đẹp thoát khỏi tình huống hiểm nghèo; rồi từ ân nghĩa đến tình yêu, giống như Thạch Sanh đánh đại bàng, cứu công chúa Quỳnh Nga. Trong thời buổi nhiễu nhương, hỗn loạn, người ta trông mong sự xuất hiện của những trang anh hùng hảo hán, dám ra tay nghĩa hiệp giúp đời. Kết cấu có hậu đó thường phản ánh niềm mong ước tha thiết của nhân dân.
Lục Vân Tiên là một nhân vật tượng trưng cho lí tưởng thẩm mĩ của Nguyễn Đình Chiểu. Chàng trai tuổi vừa hai tám (tức là mười sáu tuổi), đầy nhiệt huyết, mong có dịp thi thố tài năng, hăm hở muốn lập công danh. Trận đụng độ với bọn cướp Phong Lai hung dữ là thử thách đầu tiên trong đời chàng:
Vân Tiên ghé lại bên đàng,
Bẻ cây làm gậy nhằm làng xông vô.
Kêu rằng: “Bớ đảng hung đồ,
Chớ quen làm thói hồ đồ hại dân”.
Phong Lai mặt đỏ phừng phừng:
Thằng nào mà dám lẫy lừng vào đây.
Trước gây việc dữ tại mầy,
Truyền quân bốn phía phủ vây bịt bùng.”
Dám xông vào chỗ hiểm nguy để đánh cướp, cứu người mắc nạn, hành động ấy bộc lộ tính cách anh hùng và tấm lòng vì nghĩa của Vân Tiên. Vân Tiên đanh thép cảnh cáo bọn cướp, nhanh chóng dẹp tan lũ hung đồ:
Vân Tiên tả đột hữu xông,
Khác nào Triệu Tử phá vòng Đương Dang.
Lâu la bốn phía vỡ tan,
Đều quăng gươm giáo tìm đàng chạy ngay.
Phong Lai trở chẳng kịp tay,
Bị Tiên một gậy thác rày thân vong.
Vân Tiên chỉ có một mình với hai tay không, trong khi bọn cướp rất đông, gươm giáo đủ đầy, thanh thế lẫy lừng: Người đều sợ nó có tài khôn đương. Vậy mà chàng không hề run sợ, vẫn bẻ cây làm gậy xông vào đánh cướp. Hình ảnh Vân Tiên được miêu tả thật đẹp, thật oai hùng theo cách tả của văn chương thời xưa, nghĩa là chàng được so sánh với những nhân vật lí tưởng như dũng tướng Triệu Tử Long mà người Việt Nam, đặc biệt là người dân Nam Bộ vốn mê Tam Quốc và giàu tinh thần thượng võ, không ai không thán phục!
Hành động của Vân Tiên chứng tỏ đức tính cao quý của con người vị nghĩa vong thân (vì việc nghĩa quên thân mình) và tài năng của bậc anh hùng có đủ sức mạnh đế bênh vực kẻ yếu, trừng trị nhừng kẻ bạo tàn. Theo quan điểm dân gian, bậc trượng phu thấy việc nghĩa thì phải ra tay. Loại người thấy việc nghĩa mà dửng dưng ngoảnh mặt làm ngơ sẽ bị người đời chê bai, khinh ghét: Kiến ngãi bất vi vô dõng dã (thấy điều nghĩa mà không làm thì không dũng cảm).
Thái độ và hành động vì nghĩa của Lục Vân Tiên thề hiện chàng thấm nhuần quan điểm đúng đắn đó. Chàng sẵn sàng xả thân cứu người, bất chấp nguy hiểm đến tính mạng của mình. Tính cách ấy đáng ca ngợi vô cùng!
Sau khi phá tan bọn cướp, Lục Vân Tiên lựa lời an ủi người bị nạn:
Dẹp rồi lũ kiến chòm ong,
Hỏi: “Ai than khóc ở trong xe nầy ?”
Thưa ràng: “Tôi thiệt người ngay,
Sa cơ nên mới lầm tay hung đồ.
Trong xe chật hẹp khôn phô,
Cúi đầu trăm lạy cứu cô tôi cùng”.
Vân Tiên nghe nói động lòng;
Dấp rằng: “Ta đă trừ dòng lâu la.
Khoan khoan ngồi đó chớ ra,
Nàng là phận gái, ta là phận trai.
Tiểu thơ con cái nhà ai,
Đi đâu nên nỗi mang tai bất kì?
Chẳng hay tên họ là chi ?
Khuê môn phận gái việc gì đến đây?
Trước sau chưa hãn dạ nầy,
Hai nàng ai tớ ai thầy nói ra?”
Thái độ cư xử của Vân Tiên đối với Kiều Nguyệt Nga thể hiện tính chính trực, hào hiệp và nhân hậu. Thấy hai cô gái còn chưa hết sợ hãi, Vân Tiên ân cần hỏi han, an ủi họ. Khi nghe trong kiệu vọng ra tiếng nói muôn được tạ ơn, Vân Tiên vội gạt đi: Khoan khoan ngồi đó chớ ra, Nàng là phận gái, ta là phận trai.
Câu nói này vừa chứa đựng sự câu nệ của lễ giáo phong kiến nam nữ thụ thụ bất thân, vừa thể hiện suy nghĩ trong sáng của Vân Tiên: Làm ơn há dễ trông người trả ơn. Chàng không muôn nhận những cái lạy tạ của hai cô gái và từ chối lời mời về thăm nhà của Nguyệt Nga. Sau đó, chàng không nhận chiếc trâm vàng nàng tặng mà chỉ cùng nàng xướng họa một bài thơ rồi thanh thản ra đi, không hề vấn vương. Dường như đối với Vân Tiên, làm việc nghĩa là bổn phận, là lẽ tự nhiên về chàng không coi đó là công trạng. Đó là thái độ nghĩa hiệp rât đáng khâm phục của các trang anh hùng hảo hán:
Làm ơn há dễ trông người trả ơn.
Nay dà rõ đặng nguồn cơn,
Nào ai tính thiệt so hơn làm gì.
Nhớ câu kiến nghĩa bất vi,
Làm người thế ấy cũng phi anh hùng”.
Phẩm chất tốt đọp của nhân vật Kiều Nguyệt Nga được tác giả thế hiện qua lời lẽ chân thành mà nàng giãi bày với Lục Vân Tiên. Đó là lời lẽ của một tiểu thư khuê các, đoan trang và có học thức:
Con nầy tì tất tên là Kim Liên.
Quê nhà ở quận Tây Xuyên,
Cha làm tri phủ ở miền Hà Khê.
Sai quân đem bức thơ về,
Rước tôi qua đó định bề nghi gia.
Làm con dâu dám cãi cha,.
Ví dầu ngàn dặm đàng xa cũng đành.
Chẳng qua là sự bất bình,
Hay vầy cũng chẳng đăng trình làm chi.
Lâm nguy chẳng gặp giải nguy,
Tiết trăm năm củng bỏ đi một hồi
Xin cho tiện thiếp lạy rồi sẽ thưa.
Chút tôi liễu yếu đào thơ
Giữa đường lâm phải bụi dơ đã phần.
Hà Khê qua đó cũng gần,
Xin theo củng thiếp đền ân cho chàng.
Gặp đây đương lúc giữa đàng,
Của tiền chẳng có, bạc vàng cũng không.
Gẫm câu báo đức thù công,
Lấy chi cho phỉ tấm lòng cùng ngươi”;
Tiết trăm năm cũng bỏ đi một hồi.
Lấy chi cho phỉ tấm lòng cùng ngươi
Nhân vật Kiều Nguyệt Nga đã chinh phục được tình cảm yêu mến của nhân dân, những con người luôn đặt ân nghĩa len hàng đầu, coi ân nghĩa là gốc rễ của đạo đức.
Qua đoạn trích, chúng ta hiểu được khát vọng cứu người, giúp đời của tác giả và phẩm chất cao quý của hai nhân vật chính Lục Vân Tiên, Kiều Nguyệt Nga. Lục Vân Tiên tiêu biểu cho vẻ đẹp lí tưởng của người anh hùng trọng nghĩa. Nguyệt Nga tiêu biểu cho vẻ đẹp trong sáng, chung thuỷ sắt son của người phụ nữ. Họ đã trở thành gương sáng để các bậc cha mẹ giáo dục con cái: Trai thời trung hiếu làm đầu, Gái thời tiết hạnh làm câu trau mình. Hình tượng tuyệt vời của Lục Vân Tiên, Nguyệt Nga mãi mãi in sâu trong tâm thức của dân tộc Việt Nam yêu chính nghía, ghét gian tà.