Đề thi học sinh giỏi Văn 9 trường THCS Cao Dương năm 2014-2015

Đề thi học sinh giỏi Văn 9 trường THCS Cao Dương

Câu 1 : ( 4 điểm )

Cảnh chị em Thúy Kiều du xuân trở về được nhà thơ Nguyễn Du viết:

Nao nao dòng nước uốn quanh

Nhịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang

Và cũng không gian cảnh ấy nhưng khi chia tay với Kim Trọng, tác giả Truyện Kiềulại viết :

Dưới cầu nước chảy trong veo,

Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha.

Em hãy so sánh hai câu thơ trên và phân tích nghệ thuật sử dụng từ ngữ độc đáo trong những câu thơ đó.

Câu 2: (6 điểm)

Trong câu chuyện “Lỗi lầm và sự biết ơn” ( Ngữ văn 9 – Tập 1 – Trang 160) có câu:

“ Những điều viết lên cát sẽ mau chóng xóa nhòa theo thời gian, nhưng không ai có thể xóa được những điều tốt đẹp đã được ghi tạc trên đá, trong lòng người”

Trình bày suy nghĩ của em về câu nói trên ? (Viết thành văn bản khoảng một trang giấy thi).

Câu 3: ( 10 điểm )

“Một trong những thành công xuất sắc của truyện ngắn Chiếc lược ngà là việc sáng tạo tình huống truyện bất ngờ mà tự nhiên, hợp lí đã thể hiện một cách cảm động tình cảm cha con sâu nặng và cao đẹp trong hoàn cảnh éo le của chiến tranh.”

Bằng những hiểu biết của em về văn bản Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng hãy  làm sáng tỏ ý kiến trên.

HẾT

Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm

HƯỚNG DẪN CHẤM THI HỌC SINH GIỎI LỚP 9

Năm học 2014-2015.

Môn thi: Ngữ văn

Câu 1: (4điểm)

*Yêu cầu hình thức:

– Học sinh biết cách tạo dựng đoạn văn .

– Lời văn trong sáng,mạch lạc,giàu cảm xúc

*Yều cầu nội dung: Về cơ bản thể hiện được những ý sau:

  1. So sánh hai cặp câu thơ:

– Giống nhau:

+ Hai cặp câu thơ đều miêu tả cảnh thiên nhiên trong cùng một thời điểm: buổi chiều xuân trong tiết thanh minh.

+ Đều sử dụng bút pháp tả cảnh ngụ tình với những từ láy giàu giá trị biểu cảm.

– Khác nhau:

+ Cặp câu thơ thứ nhất: là cảnh được miêu tả tại nơi Thúy Kiều cùng hai em gặp nấm mộ của Đạm Tiên – một nấm mồ vô chủ bên đường lạnh lẽo không có người hương khói. Cảnh vật được cảm nhận qua cái nhìn của một tâm hồn đa sầu đa cảm như Thúy Kiều nên mang nỗi buồn xao xuyến, buâng khuâng, mang mác.

+ Cặp câu thơ thứ hai: là cảnh được miêu tả gắn liền với cuộc kì ngộ và chia tay giữa người quốc sắc (Thúy Kiều) và  kẻ thiên tài (Kim Trọng) trong buổi du xuân trở về ấy. Qua tâm hồn của một người con gái với tình yêu trong sáng chớm nở cảnh vật cũng trở nên thơ mộng, hữu tình và đầy thi vị.

  1. Nghệ thật sử dụng từ ngữ độc đáo:

– Cặp câu thơ thứ nhất:

+ Tác giả sử dụng các từ láy: nao nao, nho nhỏ một cách tinh tế, chính xác gợi nhiều cảm xúc cho người đọc, vừa gợi được sắc thái cảnh vật, vừa thể hiện được tâm trạng con người.

+ Cách sử dụng từ ngữ tinh tế ấy gợi tả cảnh chiều xuân đẹp êm dịu, thơ mộng, trong trẻo và cảm xúc buâng khuâng xao xuyến về một ngày vui xuân đang còn mà sự linh cảm về một điều gì đó sắp xảy ra đã xuất hiện.

– Cặp câu thơ thứ hai:

+ Tác giả sử dụng từ láy: thướt tha, tính từ: trong veo một cách tinh tế, chính xác, gợi nhiều cảm xúc cho người đọc, vừa gợi tả được sắc thái của cảnh vật vừa thể hiện tâm trạng con người.

+ Đó là cảnh sắc chiều xuân thanh dịu, thơ mộng, hữu tình và cảm xúc bồi hồi, xao xuyến, thiết tha trong tâm hồn nhân vật.

* Biểu điểm:

Điểm 4: Đạt tất cả các yêu cầu trên – không mắc lỗi

Điểm 3: Đạt 2/3 yêu cầu trên – không mắc lỗi.

Điểm 2: Đạt 1/ 2 yêu cầu còn mắc lỗi diễn đạt.

Điểm 1: Đạt dưới  1 /2 yêu cầu mắc nhiều lỗi.

Câu 2: ( 6điểm)

*Yêu cầu về hình thức:

– HS biết cách làm kiểu bài nghị luận bố cục chặt chẽ, sử dụng các thao tác giải thích – chứng minh- bình luận.

*Yêu cầu về nội dung: Về cơ bản thể hiện được những ý sau:

  1. Giải thích ý nghĩa câu nói:

– Những điều viết lên cát nhanh chóng bị xóa nhòa: lỗi lầm.

– Những điều được ghi tạc trên đá, trong lòng người: sự biết ơn.

  1. Suy nghĩ:

– Mỗi chúng ta suy nghĩ và biết cách xóa đi những lỗi lầm mắc phải trong cuộc sống. Những lỗi lầm đó cần được mau chóng xóa nhòa theo thời gian, không còn chỗ đứng trong cuộc sống của mỗi con người để cuộc sống tươi đẹp  hơn không có đau buồn,  thù hận.

– Chúng ta cần học cách khắc ghi những ân nghĩa lên đá, trong lòng người. Đó là những điều tốt đẹp, chồi non của cuộc sống, mỗi con người từ đó đơm hoa kết trái làm đẹp cho đời cho cuộc sống chúng ta.

  1. Bài học rút ra được:

– Hãy bao dung độ lượng với tất cả mọi người.

– Lòng nhân ái là nét đẹp truyền thống của con người Việt Nam.

– Biết tha thứ và ghi nhớ ân nghĩa, ân tình: Đây là một trong những phẩm chất tốt đẹp nhất chỉ có ở con người, có nó cuộc sống đẹp  hơn ý nghĩa hơn…

*Biểu điểm:

– Điểm 4,5- 6: Hiểu rõ yêu cầu của đề bài, đảm bảo các yêu cầu về kĩ năng và kiến thức, có lập luận chặt chẽ, có sự kết hợp nhuần nhuyễn các thao tác lập luận, bài viết có cảm xúc, diễn đạt lưu loát.

– Điểm 3- 4: Hiểu rõ yêu cầu của đề bài, đáp ứng hầu hết các yêu cầu về kĩ năng và kiến thức, có lập luận tương đối chặt chẽ, có sự vận dụng thành công các thao tác lập luận, diễn đạt tương đối tốt.

– Điểm 1,5- 2,5:  Hiểu yêu cầu của đề bài, đáp ứng được cơ bản các yêu cầu về kĩ năng và kiến thức, lập luận chưa chăt chẽ, có thể còn một số lỗi nhỏ về diễn đạt.

– Điểm 0,5 – 1: Chưa nắm vững yêu cầu của đề bài, chưa đáp ứng được ½ yêu cầu về kĩ năng và kiến thức, mắc lỗi chính tả và diễn đạt.

– Điểm 0: để giấy trắng.

Câu 3: (12 điểm)

* Yêu cầu về hình thức:

– HS biết cách làm một bài văn nghị luận văn học dựa trên một tác phẩm truyện, có năng lực cảm thụ, giải thích, chứng minh, đánh giá khái quát làm rõ ý kiến văn học.

– Trình bày mạch lạc, rõ ràng, lập luận chặt chẽ, có cảm xúc.

*Yêu cầu về nội dung: Về cơ bản thể hiện được những ý sau:

  1. Giới thiệu khái quát tác giả, tác phâm và vấn đề cần nghị luận.
  2. Tình huống truyện:

– Hai cha con gặp nhau sau tám năm xa cách, nhưng thật bất ngờ bé Thu lại không nhận cha. Đến lúc em nhận ra và biểu lộ tình cảm mãnh liệt thì ông Sáu  lại phải đi chiến đấu.

– Ở khu căn cứ ông Sáu dồn tất cả tình yêu thương và nỗi mong nhớ con vào việc làm cây lược ngà để tặng con như lời hứa, nhưng ông đã hi sinh khi chưa kịp trao cho con món quà đầy ý nghĩa và thiêng liêng ấy.

– Nhận xét: Tình huống truyện đầy bất ngờ mà tự nhiên, hợp lí. Qua đó thể hiện hoàn cảnh éo le trong chiến tranh, đồng thời để nhân vật bộc lộ được tình cảm cha con sâu nặng, thiêng liêng, cảm động.

  1. Tình cảm cha con:
  2. Tình cảm của người con đối với cha:

– Khi bé Thu chưa nhận cha: đối xử xa lạ, ngờ vực, lạnh nhạt, có lúc phản ứng rất quyết liệt, gay gắt.

– Khi bé Thu nhận ra cha: nghe lời bà ngoại giải thích em ân hận, biểu lộ tình yêu cha cuống quýt, mãnh liệt, đầy cảm động.

– Đánh giá: Thái độ và hành động của bé Thu ở cả hai thời điểm là không đáng trách mà rất đáng thương, đáng nhận được sự đồng cảm.Đó là cách biểu lộ tình yêu thương ba tuyệt đối của một đứa trẻ có cá tính, có tình yêu Ba sâu sắc, mãnh liệt mà cũng rất hồn nhiên, trong sáng.

  1. Tình cảm của người cha đối với con:

– Khi về thăm nhà: nóng vội, khao khát được gặp con, dành hết tình yêu thương, sự quan tâm, chăm sóc cho con mà không được đền đáp nên ông rất đau khổ và bất lực.

– Khi trở lại chiến trường: ông day dứt, ân hận và dồn hết nỗi nhớ, tình yêu thương con vào việc làm cây  lược ngà cho con. Trước lúc hi sinh lời trao gửi cuối cùng ông nhờ người bạn trao tận tay cho con gái cây lược ấy.

– Đánh giá: Tình cảm cha con ở người chiến sĩ cách mạng trong hoàn cảnh đau thương, mất mát đầy éo le của chiến tranh thật cao đẹp và cảm động biết nhường nào.

  1. Đánh giá chung:

– Khẳng định giá trị đặc sắc của tình huống truyện góp phần làm nổi bật ý nghĩa chủ đề tác phẩm: tình cha con sâu nặng, thiêng liêng, thắm thiết trong hoàn cảnh éo le của chiến tranh.

– Từ đó gợi trong lòng người đọc nỗi xúc động thấm thía vê những đau thương mất mát, những cảnh ngộ éo le mà con người phải gánh chịu do chiến tranh.

*Biểu điểm:

– Điểm 9-10: Đảm bảo ý cơ bản, bố cục hợp lí, luận điểm rõ ràng, văn phong trong sáng, chữ viết rõ ràng, không mắc lỗi ngữ pháp, chính tả, diễn đạt, bộc lộ năng lực cảm thụ, biết tổ chức bài văn nghị luận.

– Điểm 7-8: Đảm bảo phần lớn ý cơ bản, ít mắc lỗi diễn đạt, chính tả…

– Điểm 5-6: Đảm bảo 2/3 ý cơ bản, ít mắc lỗi diễn đạt, chính tả…

– Điểm 3-4: Bài sơ sài, diễn đạt vụng, nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp, diễn đạt…

– Điểm dưới 3: Bài quá sơ sài/lạc đề, cẩu thả, mắc lỗi trầm trọng về chính tả, ngữ pháp, không biết viết bài văn nghị luận.

Lưu ý: Đây là bài thi phát hiện HS năng khiếu nên khuyến khích các em trên cơ sở ý cơ bản, có những phát hiện riêng, độc đáo. Tuy nhiên sự sáng tạo phải có logic, có sức thuyết phục…

Thảo luận cho bài: Đề thi học sinh giỏi Văn 9 trường THCS Cao Dương năm 2014-2015