Đề thi học sinh giỏi Ngữ văn lớp 9 GD-ĐT Nghĩa Thành
Phòng GD – ĐT Nghĩa Hành ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI CẤP HUYỆN
MÔN: NGỮ VĂN – LỚP 9
Thời gian: 150’ ( Kể cả giao đề )
– Câu 1: ( 1.5 đ ) Từ đồng âm và từ nhiều nghĩa đều có hình thức âm thanh giống nhau. Dựa vào đâu ta phân biệt được từ đồng âm và từ nhiều nghĩa? Cho ví dụ.
– Câu 2: ( 2 đ ) Cảm nhận của em về câu thơ sau trong “ Truyện Kiều ” của Nguyễn Du.
“ Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”
– Câu 3: ( 2 đ ) Nhận xét về ý nghĩa của việc thay đổi các đại từ nhân xưng mà nhân vật trữ tình đã sử dụng trong bài thơ “ Mùa xuân nho nhỏ ” ( Thanh Hải )
– Câu 4: ( 2.5đ ) Tìm điểm chung về quan niệm sống được biểu hiện trong hai tác phẩm “Lặng lẽ Sa Pa ” ( Nguyễn Thành Long ) và “ Mùa xuân nho nhỏ ” ( Thanh Hải )
– Câu 5: ( 3 đ ) Viết đoạn văn ngắn với nhan đề “ Tác hại của trò chơi điện tử ”.
– Câu 6: ( 9 đ ) Có ý kiến cho rằng: Chất liệu hiện thực và cảm hứng lãng mạn kết hợp một cách hài hoà làm nên vẻ đẹp độc đáo cho “ Bài thơ về tiểu đội xe không kính ” của Phạm Tiến Duật. Em hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.
————————————————-
ĐÁP ÁN & BIỂU ĐIỂM
ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI CẤP HUYỆN
MÔN: NGỮ VĂN – LỚP 9
– Câu 1: ( 1.5 đ )
– Từ đồng âm là từ có hình thức âm thanh giống nhau nhưng hoàn toàn khác xa nhau về nghĩa ( 0.5 đ )
– Từ nhiều nghĩa là những từ có mối liên hệ với nhau về nghĩa ( 0.5 đ )
– Cho được ví dụ. ( 0.5 đ )
– Câu 2: ( 2 đ ) Tuỳ theo cảm nhận của học sinh, nhưng phải nêu được những ý trọng tâm sau:
* Nội dung: ( 1 đ )
– Giới thiệu vị trí câu thơ trong truyện kiều.
– Câu thơ vẻ nên bức tranh mùa xuân tươi đẹp, trong sáng hài hoà, tràn đầy sức sống ( màu xanh của cỏ gợi sức sống, màu trắng của hoa gợi sự trong sáng ).
– Đằng sau bức tranh ấy là tâm trạng vui tươi của Thuý Kiều. Thiên nhiên được cảm nhận qua con mắt của người con gái tài sắc đang có cuộc sống êm đềm, tươi đẹp.
* Nghệ thuật thể hiện: ( 1 đ )
– Bút pháp chấm phá, kế thừa tinh hoa của văn học cổ, từ ngữ giàu chất tạo hình.
– Câu 3: ( 2 đ )
– Chỉ rõ được biểu hiện thay đổi các đại từ nhân xưng “ tôi ” ( khổ 1 ) sang “ ta” ( khổ 4 – 6 ) ( 0.5 đ )
– Phân tích ý nghĩa trong việc thay đổi:
+ Việc thay đổi là sự sắp đặt có dụng ý của tác giả. ( 0.25 đ )
+ Việc thay đổi đó thể hiện qua quan hệ giữa cái riêng và cái chung trong cảm xúc, suy nghĩ ( 0.25 đ )
+ Cái riêng “ Tôi ” ; cái chung “ Ta ” từ cá nhân “ Tôi ” đi đến với mọi người “ Ta ” để được hoà nhập, dâng hiến. ( 1 đ )
– Câu 4: ( 2.5đ )
– Giới thiệu hai tác phẩm. ( 0.25 đ )
– Chỉ ra được các điểm chung:
+ Ước nguyện được cống hiến cho đời. ( 0.5 đ )
+ Sự cống hiến hoàn toàn tự nguyện, âm thầm và lặng lẽ. ( 0.5 đ )
+ Là cống hiến những gì đẹp đẽ nhất cho đất nước. ( 0.5 đ )
+ Đây là lý tưởng của một thế hệ thanh niên thời bây giờ. ( 0.25 đ )
– Cần đan xen ngắn gọn những dẫn chứng trong từng tác phẩm đề minh hoạ. ( 0.5 đ )
– Câu 5: ( 3 đ ) Học sinh viết được đoạn văn nghị luận ngắn, đúng nội dung, đề tài, đảm bảo các ý sau:
– Giới thiệu vấn đề- mặt phải, mặt trái của trò chơi điện tử.
– Phân tích tác hại – nguyên nhân
– Biện pháp khắc phục – bài học bản thân.
– Câu 6:
- a) Bài viết đúng yêu cầu về văn nghị luận kết hợp với miêu tả và biểu cảm ( 1 đ )
- b) Nội dung:
– Đánh giá ý kiến nhận xét về “ bài thơ về tiểu đội xe không kính ” ( 1 đ )
– Phân tích được chất liệu hiện thực có trong bài thơ ( 3 đ )
– Phân tích được cảm hứng lãng mạn thể hiện trong bài thơ ( 2 đ )
– Khẳng định một lần nữa sự kết hợp giữa chất liệu hiện thực và cảm hứng lãng mạn tạo nên vẻ đẹp cho bài thơ và hình ảnh những chiến sỹ lái xe trên tuyến đường Trường Sơn ( 1 đ )
- c) Bài văn đảm bảo bố cục ba phần. Lời văn rõ ràng, câu từ chính xác không sai chính tả. ( 1 đ )
———————–