Đề tham khảo học sinh giỏi lớp 9 năm 2008-2009

KỲ THI HỌC SINH GIỎI LỚP 9

NĂM HỌC 2008 – 2009

MÔN THI: NGỮ VĂN

THỜI GIAN: 150 PHÚT

ĐỀ BÀI

Câu 1:  (4 điểm)

Từ các ý sau, em hãy viết một đoạn văn nghị luận (khoảng 90 chữ) :

– Có những cuốn sách giáo dục ta niềm tin yêu cuộc sống ;

– Có những cuốn sách giáo dục ta lòng nhân ái, vị tha ;

– Có những cuốn sách nhắc nhở ta sống đừng nhỏ nhen chật hẹp ;

– Có những cuốn sách làm ta cảm động về tình mẫu tử ;

– Có những cuốn sách bồi dưỡng cho ta lòng yêu quê hương đất nước ;

– Có những cuốn sách giúp ta biết thông cảm và xót xa cho thân phận người phụ nữ.

Câu 2: (6 điểm)

Cảm nhận của em về đoạn thơ sau :

“ Câu hát căng buồm với gió khơi,

Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời.

Mặt trời đội biển nhô màu mới,

Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi.”

( trích “Đoàn thuyền đánh cá” –  Huy Cận – SGK Ngữ văn 9 – tập một, trang 140)

Câu 3: (10 điểm)

Bài học nhỏ về dân số thế giới

“ Nếu rút gọn theo một tỉ lệ nhất định để dân số của thế giới còn 100 người thì  thế giới sẽ gồm:

57 người châu á, 21 người châu Âu, 14 người thuộc Tây bán cầu, 8 người châu  Phi.

52 người nam, 48 người nữ.

30 người da trắng, 70 người da màu.

30 người Cơ Đốc giáo, 70 người thuộc về các dân tộc khác.

6 người sở hữu 59% toàn bộ tài sản của toàn thế giới và tất cả đều là người Mỹ;

80% người sống trong điều kiện nhà cửa dưới mức bình thường.

70 người không biết đọc.

50 người bị thiếu ăn.

1 người sắp chết và 1 em bé sắp chào đời.

1 người (vâng, chỉ một mà thôi !) có bằng đại học.

1 người có máy vi tính.”

( theo “Điều kỳ diệu sẽ đến” – Nhà xuất bản Trẻ – năm 2006, trang 148 – 149)

Những con số trong văn bản trên có thể nói lên nhiều vấn đề, em hãy viết bài văn nghị luận bộc lộ suy nghĩ của mình về một vấn đề mà em tâm đắc nhất.

————–Hết————–

ĐÁP ÁN  VÀ HƯỚNG DẪN CHẤM ĐỀ CHÍNH THỨC

 

Câu 1: ( 4 điểm)

  1. Yêu cầu
  2. Về kĩ năng:

– Từ các ý đã cho, học sinh biết tìm ra chủ đề chung: tác dụng của sách. Đó là luận điểm của đoạn văn cần viết.

–  Học sinh viết được đoạn văn nghị luận xã hội (độ dài khoảng 90 chữ), đảm bảo về hình thức, về nội dung, về sự liên kết các câu trong đoạn văn…

  1. Về kiến thức:

–  Luận điểm rõ ràng.

–  Triển khai luận điểm từ các ý đã cho.

  1. Chuẩn  cho điểm:

–  Nêu rõ luận điểm : (1  điểm)

– Triển khai được luận điểm từ các ý đã cho: (1 điểm)

– Biết trình bày nội dung đoạn văn: (1 điểm)

– Biết liên kết các câu trong đoạn văn: (1 điểm)

Nếu đảm bảo các yêu cầu trên nhưng viết hơn một đoạn văn thì cho 1 điểm.

Câu 2: ( 6 điểm)

  1. Yêu cầu
  2. Về kĩ năng:

– Đây là dạng cơ bản của  bài văn nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ. Học sinh cần biết những đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ trong chỉnh thể nghệ thuật, từ đó nêu được cảm nhận của bản thân.

– Bài viết ngắn gọn, có bố cục rõ ràng, diễn đạt mạch lạc và có cảm xúc. Không sai các lỗi cơ bản về hình thức.

  1. Về kiến thức: Trên cơ sở những hiểu biết về tác giả và tác phẩm, học sinh cần làm rõ:
  2. a)  Đoạn thơ là lời ca say mê, hào hứng, lãng mạn của tác giả về hình ảnh đoàn thuyền đánh cá trở về khi bình minh lên;  bộc lộ niềm vui, niềm tự hào của nhà thơ trước đất nước và cuộc sống mới.
  3. b) Hình ảnh đoàn thuyền trở về và tâm trạng của nhà thơ được thể hiện qua các yếu tố nghệ thuật:

+ Hình ảnh lãng mạn, tráng lệ, lộng lẫy.

+ Sự kết hợp của cảm hứng về lao động với cảm hứng về thiên nhiên, vũ trụ.

+ Âm hưởng khoẻ khoắn, sôi nổi.

+ Biện pháp nhân hoá đặc sắc.

  1. Chuẩn cho điểm

Trên cơ sở đáp ứng tốt các yêu cầu về kĩ năng, kiến thức, cho điểm như sau :

– Mở bài: 1 điểm

–  Kết bài: 1 điểm

– Thân bài:  4 điểm

+ ý 2a: 2 điểm

+ ý 2b: 2 điểm

Câu 3:   (10 điểm)

  1. Yêu cầu:
  2. Về kĩ năng :

– Đây là dạng đề mở, dạng nghị luận xã hội, học sinh có kĩ năng đọc – hiểu văn bản để chọn lựa vấn đề nghị luận, xây dựng hệ thống luận điểm, thực hiện các thao tác  nghị luận phù hợp.

– Bài viết có bố cục rõ ràng; luận điểm hợp lý và chính xác, luận cứ đầy đủ, lập luận chặt chẽ; diễn đạt mạch lạc và thuyết phục; không sai các lỗi cơ bản về hình thức.

  1. Về kiến thức :
  2. a) Trên cơ sở đọc hiểu văn bản, học sinh chọn để bộc lộ suy nghĩ về một vấn đề tâm đắc nhất, có thể là:

– Sự gia tăng dân số (ở châu á, ở Việt Nam)

– Bình đẳng giới.

– Nạn phân biệt chủng tộc.

– Vấn đề tôn giáo, chính sách tự do tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta.

– Sự phân hoá giàu nghèo.

– Vấn đề về sự nghèo đói, nạn thất học.

– Sự may mắn của em: có nhà ở, được đi học, đủ ăn…

– Có thể có một số vấn đề khác (hợp lý).

  1. b) Vấn đề được lựa chọn dù có ý nghĩa toàn nhân loại nhưng học sinh phải biết liên hệ thực tế ở Việt Nam, thực tế ở địa phương, liên hệ bản thân.
  2. Chuẩn cho điểm

Giám khảo thận trọng cân nhắc và linh hoạt để đánh giá theo định hướng chung là trên cơ sở đáp ứng tốt các yêu cầu về kĩ năng và kiến thức, cho điểm cụ thể như sau :

– Mở bài:   1 điểm.

– Kết luận: 1 điểm.

– Thân bài:  8 điểm.

+ Chọn vấn đề phù hợp, chính xác:   2 điểm.

+ Thấy rõ ý nghĩa nhân văn của vấn đề:   2 điểm.

+ Biết liên hệ thực tế cuộc sống (đất nước, địa phương): 2 điểm.

+ Liên hệ bản thân:  2 điểm

Những bài làm của học sinh tỏ ra hiểu vấn đề, biết cách làm bài văn nghị luận xã hội, bố cục tương đối rõ ràng, diễn đạt tương đối khá, ít sai các lỗi cơ bản về hình thức: có thể cho đến điểm trung bình (5/10 điểm)

Khuyến khích những bài làm có sáng tạo, có những phát hiện mới.

Lưu ý chung:

Do tính chất của kì thi và đặc điểm của dạng đề mở, giám khảo thận trọng và linh hoạt để chấm điểm cho hợp lí, tránh đếm ý cho điểm một cách máy móc. Khuyến khích những bài viết sáng tạo, diễn đạt tốt, chữ viết rõ ràng.

———————– Hết—————————

Thảo luận cho bài: Đề tham khảo học sinh giỏi lớp 9 năm 2008-2009