Đề thi chọn học sinh giỏi Ngữ văn 9 năm 2014-2015

Đề thi chọn học sinh giỏi Ngữ văn 9 năm 2014-2015

Mời các bạn học sinh tham khảo thêm:

Đề thi Học sinh giỏi Văn 9 2014-2015 Phù Ninh

ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI

 NĂM HỌC 2014 – 2015

Môn: Ngữ văn lớp 9- Lần 2

Thời gian làm bài: 150 phút

(Không kể thời gian giao đề)

Câu 1 (3,0 điểm):

Phân tích giá trị biểu đạt của ngôn ngữ và  các biện pháp tu từ hiệu trong đoạn thơ sau:

“ Sương trắng rỏ đầu cành như giọt sữa

Tia nắng tía nháy hoài trong ruộng lúa

Núi uốn mình trong chiếc áo the xanh

Đồi thoa son nằm dưới ánh bình minh.”

(Đoàn Văn Cừ, Chợ tết )

Đề thi chọn học sinh giỏi Ngữ văn 9 năm 2014-2015

Đề thi chọn học sinh giỏi Ngữ văn 9 năm 2014-2015

Câu 2 (5,0 điểm):

Nhận xét về vai trò của chi tiết nghệ thuật trong truyện, có ý kiến cho rằng: “Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn”. Chi tiết vết thẹo trong truyện ngắn Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng  đã thể hiện rõ điều đó.

Em hãy trình bày hiểu biết của em về vấn đề trên.

Câu 3 (12 điểm):

Nguồn gốc cốt yếu của văn chương là lòng thương người và rộng ra thương cả muôn vật, muôn loài…

(Hoài Thanh, Ý nghĩa văn chương,

SGK Ngữ văn 7, T2, NXB Giáo dục Việt Nam, 2011, Tr.60)

Em hiểu ý kiến trên như thế nào? Hãy làm sáng tỏ qua tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương (Trích Truyền kỳ mạn lục) của Nguyễn Dữ và đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích (Trích Truyện Kiều) của Nguyễn Du.

Hết

Họ và tên thí sinh: ……………………… Số báo danh: ……………..

 

HƯỚNG DẪN CHẤM ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI

MÔN NGỮ VĂN 9

  1. Hướng dẫn chung
  2. Giám khảo cần nắm vững yêu cầu chấm để đánh giá tổng quát bài làm của thí sinh, tránh cách chấm đếm ý cho điểm một cách máy móc, linh hoạt trong việc vận dụng đáp án và thang điểm.
  3. Cần khuyến khích những bài làm có tính sáng tạo, nội dung bài viết có thể không trùng với yêu cầu trong đáp án nhưng lập luận thuyết phục, văn phong sáng rõ,…
  4. Việc chi tiết hóa điểm số của các ý (nếu có) phải đảm bảo không sai lệch với tổng điểm của mỗi phần và được thống nhất trong Hội đồng chấm thi.
  5. Điểm toàn bài tính lẻ đến 0,5 điểm.
  6. Đáp án và thang điểm:

Câu 1: (3,0 điểm )

1.1.Yêu cầu chung:

– Học sinh viết thành đoạn văn ( hoặc bài văn ngắn).

– Phát hiện và phân tích được hiệu quả của các biện pháp tu từ trong đoạn thơ.

1.2.Yêu cầu cụ thể:

– Giới thiệu: bốn câu thơ của Đoàn Văn Cừ trong bài thơ Chợ tết: miêu tả bức tranh thiên nhiên vùng đồi núi trung du khi tết đến, xuân về với các biện pháp nghệ thuật đặc sắc.                                                                                               ( 0,5 điểm)

– Chỉ ra và phân tích giá trị biểu đạt của ngôn ngữ và  các biện pháp tu từ: ( 2 điểm)

+ Biện pháp so sánh: “ Sương trắng rỏ đầu cành như giọt sữa”: Hình ảnh giọt sương “ rỏ” xuống được so sánh như “ giọt sữa”.  Gợi dáng vẻ, sự ngọt ngào, thơm mát, tinh khiết… của giọt sương ban mai.                                              ( 0,75 điểm)

+ Biện pháp nhân hoá: Tia nắng “nháy” , “ núi uốn mình” , trong chiếc “ áo the xanh”, “ đồi thoa son” –“ nằm”: Cảnh vật vô tri trở nên sống động như con người: tia nắng như đứa trẻ tinh nghịch, reo vui, núi đồi như cô thiếu nữ đang trang điểm, làm duyên làm dáng  muốn hoà vào dòng người  đi chợ tết.             ( 0,75 điểm)

+ Ẩn dụ: “chiếc áo the xanh” : ngầm thể hiện sắc màu của cỏ cây hoa lá mọc trên núi, gợi sức sống tràn trề của mùa xuân.                                        ( 0,25 điểm)

+ Từ ngữ giàu hình ảnh, các tính từ chỉ màu sắc: trắng, tía, xanh, đỏ ( son), hồng

( bình minh) và các động từ nháy, uốn, thoa, nằm…: Góp phần tạo nên một bức tranh rộn rịp những hình sắc tươi vui.                                             ( 0,25 điểm)

 

– Các biện pháp nghệ thuật đã tạo nên bức tranh sinh động, tươi tắn, có hồn và rực rỡ đầy sức sống của thiên nhiên, gợi được cả cái náo nức, vui vẻ của thiên nhiên trong buổi sáng mùa xuân tươi đẹp. Đoạn thơ thể hiện tình yêu thiên nhiên, yêu quê hương đất nước tha thiết của nhà thơ…                                            ( 0,5 điểm).

Câu 2. (5,0 điểm):

  1. Yêu cầu

1.1. Về hình thức:

Thí sinh có thể viết thành đoạn văn hoặc bài văn nghị luận văn học ngắn, diễn đạt lưu loát,  không mắc lỗi diễn đạt, dùng từ, chính tả.

1.2. Về nội dung:

Bài viết có thể trình bày theo các cách khác nhau nhưng cơ bản nêu được các ý sau:

1.2.1. Nêu đ­ược vai trò của chi tiết nghệ thuật trong truyện:

– Chi tiết là một trong những yếu tố nhỏ nhất tạo nên tác phẩm; để làm nên một chi tiết nhỏ có giá trị đòi hỏi nhà văn phải có sự thăng hoa về cảm hứng và tài năng nghệ thuật.

– Nghệ thuật là một lĩnh vực đặc thù: Tầm vóc của ngư­ời nghệ sỹ có thể đư­ợc làm nên từ những yếu tố nhỏ nhất. Nhà văn lớn có khả năng sáng tạo đư­ợc những chi tiết nhỏ nh­ưng giàu giá trị biểu đạt, góp phần đắc lực trong việc thể hiện chủ đề t­ư t­ưởng của tác phẩm.

1.2.2. Đánh giá giá trị của chi tiết “vết thẹo” trong truyện ngắn Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng.

  1. Giá trị nghệ thuật:

– Tạo sự hoàn chỉnh, chặt chẽ cho cốt truyện: Vết thẹo trên mặt ông Sáu là chi tiết nghệ thuật đặc sắc, nối kết các tình tiết trong truyện,  tạo nên nghệ thuật thắt nút, mở nút bất ngờ, hợp lý:

+ Ông Sáu trở về gia đình gặp con vì vết thẹo mà bé Thu không  nhận cha.

+ Nhờ vết thẹo mà khi bà giải thích Thu hiểu cha và hối hận.

+ Thu nhận cha, yêu cha, yêu vết thẹo, không muốn chia tay cha.

– Tạo kịch tính, tăng sức hấp dẫn cho tác phẩm.

  1. Giá trị nội dung: Chi tiết nhỏ nhưng góp phần thể hiện nội dung truyện.

– Vết thẹo là chứng tích của chiến tranh, chiến tranh đã gây ra nỗi đau về thể xác và tinh thần cho con người, đã chia cắt nhiều gia đình.

–  Chứng tỏ chiến tranh có thể hủy diệt tất cả nhưng không thể hủy diệt được tình cảm con người: cụ thể tình cha con.

– Làm rõ nét vẻ đẹp của các nhân vật:

+ Ông Sáu yêu nước, dũng cảm,dám chấp nhận hi sinh.

+ Bé Thu có cá tính mạnh mẽ, có tình yêu thương cha sâu sắc, mãnh liệt.

Câu 3. (12,0 điểm):

1.Yêu cầu về kĩ năng:

– HS có kĩ năng làm bài nghị luận văn học tổng hợp, biết kết hợp các phép lập luận như giải thích, phân tích, chứng minh…

– Hiểu đúng và hướng trúng vào vấn đề mà đề bài yêu cầu: giá trị nhân đạo trong tác phẩm văn chương.

– Biết lựa chọn dẫn chứng, phân tích và bình dẫn chứng sao cho làm sáng rõ vấn đề.

– Biết kết hợp với liên hệ, mở rộng để trình bày vấn đề một cách thấu đáo, toàn diện.

– Văn viết có cảm xúc, diễn đạt lưu loát, trôi chảy; biết dùng từ, đặt câu chuẩn xác, gợi cảm.

– Bố cục bài phải hoàn chỉnh, chặt chẽ.

2.Yêu cầu về nội dung kiến thức:

  1. Giới thiệu vấn đề nghị luận (1,0 điểm)

– Vấn đề trung tâm của văn chương là vấn đề con người và nguồn gốc cốt yếu của văn chương chính là lòng thương người.

– Lòng thương người hay nói rộng ra là giá trị nhân đạo là phẩm chất cốt lõi, là tiêu chuẩn cho một tác phẩm văn học chân chính.

  1. Giải thích ý kiến (3,0 điểm)

– Hoài Thanh đã đưa ra vấn đề quan trọng, được coi là nguồn gốc cốt yếu của văn chương:lòng thương người mà rộng ra thương cả muôn vật, muôn loài.

+ Văn chương: chỉ các tác phẩm thơ văn. Đối tượng phản ánh của tác phẩm văn chương là con người và vạn vật. Nhà văn sáng tác tác phẩm, một mặt phản ánh hiện thực, mặt khác bày tỏ tình cảm với con người và vạn vật. Tác phẩm là tiếng nói của tâm hồn, cảm xúc  của người sáng tác, được hình thành, nảy nở từ tình cảm của tác giả đối với cuộc sống, con người, quan trọng nhất là tình  thương.

+Tình thương người, thương cả muôn vật, muôn loài: là lòng nhân ái – một tình cảm rộng lớn, cao cả, mang tầm nhân loại. Tình cảm ấy không chỉ là cội nguồn của văn chương mà còn là thước đo giá trị của tác phẩm văn chương chân chính. Đó chính là giá trị nhân đạo, là những ý nghĩa nhân văn sâu sắc mà nhà văn gửi gắm trong tác phẩm.

+ Nói đến giá trị nhân đạo, đến ý nghĩa nhân văn là nói đến vấn đề con người, vấn đề nhân sinh đặt ra trong tác phẩm. Ở đó, con người luôn được đặt ở vị trí hàng đầu, trong mối quan tâm thường trực của các nhà văn.

Ý kiến của Hoài Thanh là một nhận định về giá trị tư tưởng của tác phẩm văn chương, khẳng định nguồn gốc cốt yếu của các tác phẩm văn chương chính là giá trị nhân đạo.

+ Biểu hiện của giá trị nhân đạo trong tác phẩm rất đa dạng song thường tập trung vào những mặt cụ thể sau: lòng thương yêu, sự cảm thông, xót xa trước những hoàn cảnh, những số phận bất hạnh; lên án, tố cáo các thế lực tàn bạo chà đạp lên quyền sống của con người; ngợi ca, đề cao những vẻ đẹp, phẩm giá cao quý; trân trọng, nâng niu khát vọng sống, khát vọng tình yêu và hạnh phúc của con người.

– Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ và đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích (Truyện Kiều) của Nguyễn Du là minh chứng rõ nhất cho quan điểm: nguồn gốc cốt yếu của văn chương chính là lòng thương người.

  1. Giá trị nhân đạo qua tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương và đoạn tríchKiều ở lầu Ngưng Bích (7,0 điểm)

– Tấm lòng yêu thương, đồng cảm, xót xa cho những số phận người phụ nữ tài sắc mà bất hạnh, gặp nhiều bi kịch trong cuộc đời: số phận của Kiểu bị ném vào nhà chứa, rồi giam lỏng trong lầu Ngưng Bích với nỗi cô đơn, buồn tủi, thương thân, xót phận; là tình cảnh oan khiên nghiệt ngã của Vũ Nương, đến mức nàng phải dùng cái chết để chứng tỏ tấm lòng trong trắng, tiết hạnh của mình.   (2, 5 điểm)

– Qua bi kịch thân phận của Kiều và Vũ Nương, cả hai nhà văn gián tiếp lên án, tố cáo xã hội phong kiến bất công, tàn bạo đã tước đi quyền sống, chà đạp lên con người. Đó là chiến tranh phi nghĩa, là chế độ nam quyền (Chuyện người con gái Nam Xương), là bọn quan lại tham lam, là lũ buôn thịt bán người dồn đẩy con người vào cảnh ngộ đau thương(Truyện Kiều).                                    (1,0 điểm)

– Khẳng định, ngợi ca vẻ đẹp, phẩm chất cao quý của người phụ nữ, dù cuộc đời của họ bất hạnh, khổ đau, oan trái, truân chuyên. Đó là lòng chung thủy, sự hiếu hạnh, giàu tình yêu thương, luôn sống vì người khác, nghĩ cho người khác của Kiều và Vũ Nương.                                                                                      (2,5 điểm)

– Trân trọng, đề cao những khát vọng nhân văn của người phụ nữ: khát vọng về tình yêu, hạnh phúc, về một mái ấm gia đình bình dị, sum vầy.          (1,0 điểm)

  1. Đánh giá về ý kiến của Hoài Thanh (1,0 điểm)

– Ý kiến của Hoài Thanh về nguồn gốc, phẩm chất của văn chương là ý kiến đúng đắn, khoa học bởi nó đã nói lên đặc trưng, thuộc tính quan trọng nhất của văn học: Văn học là tiếng nói của tâm hồn, cảm xúc; văn học mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc “Văn học là nhân học” (M. Gorki).

– Tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương (Trích Truyền kỳ mạn lục) của Nguyễn Dữ và đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích (Trích Truyện Kiều) của Nguyễn Du đã thể hiện rõ nét quan niệm văn học của Hoài Thanh. Bởi cả hai đều là những tác phẩm mang giá trị nhân đạo cao cả, hướng tới con người, vì con người.

Lưu ý:

– Chỉ cho điểm tối đa khi thí sinh đạt được cả yêu cầu về kĩ năng và kiến thức.

– Giáo viên cần linh hoạt trong khi chấm,có thể thưởng cho những bài viết sáng tạo phù hợp với yêu cầu của đề bài.

Thảo luận cho bài: Đề thi chọn học sinh giỏi Ngữ văn 9 năm 2014-2015