Đề thi Học sinh giỏi Văn 9 2014-2015 Phù Ninh

Đề thi Học sinh giỏi Văn 9 2014-2015 Phù Ninh

Mời các bạn học sinh tham khảo thêm:

Đề thị học sinh giỏi Văn 9 trường THCS Nhơn Bình năm 2014-2015

PHÒNG GD& ĐT PHÙ NINH

ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI LỚP 9

NĂM HỌC 2014-2015

Môn: Ngữ văn

Thời gian làm bài: 120 phút (Không kể thời gian giao đề)

……………………………………………………………

Câu 1(3,0 điểm):             Quê hương anh nước mặn, đồng chua

Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá.

Anh với tôi đôi người xa lạ

Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau

(Đồng chí – Chính Hữu)

Đề thi Học sinh giỏi Văn 9 2014-2015 Phù Ninh

Đề thi Học sinh giỏi Văn 9 2014-2015 Phù Ninh

a)Tìm và giải thích nghĩa của các thành ngữ có trong bốn câu thơ trên. Nghĩa của các thành ngữ này được tổ chức theo phương thức ẩn dụ hay hoán dụ? Vì sao?

b)Viết một đoạn văn khoảng 8 câu theo cấu trúc diễn dịch nêu cảm nhận của em về đoạn thơ.

Câu 2 (5,0 điểm): Trong một ca khúc của mình, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có những ca từ như sau:

“Sống trong đời sống cần có một tấm lòng.

Để làm gì em biết không?

Để gió cuốn đi.”

Em hiểu ý nghĩa những ca từ trên như thế nào? Lời ca gợi cho em suy nghĩ gì về lẽ sống của con người?

Câu 3 (12,0 điểm ):

Trong bài “Đọc Kiều”, nhà thơ Chế Lan Viên viết:

Chạnh thương cô Kiều như đời dân tộc

Sắc tài sao mà lắm truân chuyên.

 

Dựa vào những hiểu biết của em về Truyện Kiều của Nguyễn Du, hãy giải thích và làm sáng tỏ nội dung ý hai câu thơ.

HƯỚNG DẪN CHẤM BÀI THI HỌC SINH GIỎI LỚP 9

NĂM HỌC 2014-2015

Môn: Ngữ văn

CÂU YÊU CẦU NỘI DUNG ĐẠT DƯỢC ĐIỂM
1 a. H/s nêu được 2 thành ngữ, giải thích nghĩa của 2 thành ngữ:

– Nước mặn đồng chua: Thành ngữ chỉ vùng đất nhiễm mặn ở ven biển và vùng đất phèn có độ chua cao, đó là những vùng đất xấu khó trồng trọt.

– Đất cày lên sỏi đá: Thành ngữ chỉ vùng đất cằn cỗi khô hạn, đất đai bạc màu khó canh tác.

– Nghĩa của các thành ngữ được tổ chức theo phương thức hoán dụ dựa trên mối quan hệ gần gũi giữa các sự vật.

b. Yêu cầu hình thức: Viết được đoạn văn có kết cấu diễn dịch, độ dài khoảng 8 câu.

– Yêu cầu nội dung: Cảm nhận được tình đồng chí của người lính bắt nguồn từ sự tương đồng về cảnh ngộ.

Cảm nhận được cái hay về nghệ thuật: Lời thơ mộc mạc giản dị, cách nói bằng thành ngữ, kết cấu câu thơ đối xứng…

0,5

0,5

1,0

1,0
2 Yêu cầu về nội dung: HS trả lời được các ý cơ bản sau:

* Giới thiệu: Bài hát cũng như một tác phẩm Văn học- là con đẻ tinh thần của người sáng tác, được người sáng tác gửi gắm trong đó những suy nghĩ, tình cảm, khát vọng, ước mơ… mà chuyển đến với bạn đọc. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng vậy, những lời ca sau đây trong một bài hát đã khiến người đọc phải suy ngẫm mãi không thôi về lẽ sống làm người (trích) (0,5 đ).

* Giải thích ý nghĩa lời ca:

– Sống trong đời sống cần có một tấm lòng: Sống ở đời cần có tình cảm, lòng yêu thương, sự quan tâm chia sẻ với mọi người niềm vui, nỗi buồn, ước vọng khát khao, đặc biệt là sự đồng cảm biết quan tâm và sẻ chia với khó khăn của người khác.

– Để gió cuốn đi có thể hiểu theo hai cách:

+ Gió cuốn đi để chia sẻ yêu thương, để tình yêu và sự quan tâm được nhân ở mức độ rộng lớn khắp cả cuộc đời, với cả mọi người, không hạn hẹp chỉ là trong gia đình, trong làng xóm, tập thể nơi mình gắn bó. Đó là sự sẻ chia hào phóng rộng rãi cho tất cả những gì đáng thương, đáng được đồng cảm sẻ chia.

+ Để gió cuốn đi còn được hiểu:  Thái độ yêu thương quan tâm giúp đỡ người khác một cách vô tư, hào hiệp không cần được vinh danh, lưu danh, không cần người khác biết ơn và trả ơn.

Dù hiểu theo cách nào thì lời ca cũng thật đẹp đẽ.

Ý nghĩa ca từ của Trịnh Công Sơn thiên về cách hiểu thứ hai.

* Ý nghĩa của lời ca gợi suy nghĩ về lẽ sống: Ca từ giúp ta hiểu một tấm lòng trong đời sống là vô cùng cần thiết nó là biểu hiện một nhân cách tốt, một lối sống cao đẹp. Từ đó, ta nhận thấy: Sống ở đời cần có lòng yêu thương, đặc biệt là sự đồng cảm biết quan tâm và sẻ chia với khó khăn của người khác, tránh   lối sống vị kỷ tàn nhẫn.

-Những tấm lòng trong đời sống sẽ góp phần tạo dựng một xã hội nhân ái văn minh, giúp con người vượt qua mọi thử thách.

-Tấm lòng bồi đắp tâm hồn tình cảm, xây dựng lối sống lành mạnh đó là điều kiện thiết yếu, là hành trang để con người có thể sống trong cộng đồng giữa cuộc đời.

-Rút ra bài học sâu sắc cho bản thân: Nhìn lại mình trong mối quan hệ với mọi người, suy nghĩ về lý tưởng sống và phương hướng hành động trong tương lai.

II.  Yêu cầu về hình thức: H/s phải viết thành đoạn văn có bố cục mạch lạc, lập luận chặt chẽ, diễn đạt lưu loát mới cho điểm tối đa, còn lại tùy mức độ bài viết để cho điểm.

0,5

2,5

2,0

3 A. Yêu cầu chung:

1. Về kĩ năng: H/s biết cách làm bài văn nghị luận tổng hợp về một hình tượng văn học được miêu tả trong tác phẩm, bố cục bài viết mạch lạc, diễn đạt lưu loát, văn viết có hình ảnh, cảm xúc.

2. Về kiến thức: Giải thích được ý nghĩa hai câu thơ, dựa vào tác phẩm chứng minh được Kiều là người con gái có tài, có sắc, có phẩm hạnh đáng quí nhưng nàng lại có số phận bất hạnh.

B. Yêu cầu cụ thể:

I.Mở bài:

-Dẫn dắt trích dẫn nhận định

-Nêu vấn đề

II.Thân bài:

1-Giải thích ý nghĩa hai câu thơ:

-Đời dân tộc:  Hoàn cảnh lịch sử của dân tộc ta: Một đất nước giàu đẹp cả về giá trị tài nguyên cùng những di sản quí báu về tinh thần nhưng trong suốt chiều dài lịch sử bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước đã phải trải qua bao sóng gió, khó khăn trở ngại.

-So sánh Kiều như đời dân tộc: Là khái quát số phận và nhân phẩm của người con gái họ Vương: Người con gái có tài có sắc có cả phẩm hạnh đáng quí nhưng người con gái ấy lại có số phận bất hạnh long đong chìm nổi.

– Số phận của kiều là điển hình tiêu biểu cho cuộc đời của người phụ nữ Việt Nam trong xã hội cũ: Tài, sắc, hiếu hạnh nhưng trắc trở khổ đau.

-Thái độ của tác giả qua hai câu thơ: Chạnh thương: Cảm thương cho nỗi khổ của người phụ nữ đồng thời trân trọng và khẳng định vẻ đẹp phẩm chất tâm hồn ở họ.

2-Phân tích chứng minh:

a-Vẻ đẹp tài sắc, đức hạnh của Kiều:

– Kiều là cô gái có nhan sắc tuyệt trần (D/c, phân tích)

– Kiều là cô gái thông minh tài hoa (D/c, phân tích)

– Kiều là cô gái có phẩm chất tâm hồn đáng quí (D/c, phân tích)

b- Kiều có cuộc sống khổ cực truân chuyên:

– Tình yêu sớm bị dập vùi tan nát (D/c, phân tích)

– Bản thân trở thành món hàng mua đi bán lại (D/c, phân tích)

– Bị đánh đập , lừa gạt, chà đạp tàn nhẫn đến mức tuyệt vọng (D/c, phân tích).

c. Đánh giá: Số phận của Kiều là số phận chung của người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa . Số phận ấy có ý nghĩa tố cáo xã hội bất công, đặc biệt là đối với người phụ nữ.

Tác giả thể hiện rõ cái nhìn nhân đạo, tiến bộ đối với người phụ nữ trong xã hội phong kiến: Cảm thương, trân trọng.

III. Kết bài:

– Khẳng định hai câu thơ giúp người đọc thêm hiểu, thêm trân trọng nhân vật Thúy Kiều, về giá trị Truyện kiều của Nguyễn Du.

– Liên hệ: Người phụ nữ ngày nay có quyền bình đẳng, được tôn trọng, đã và đang phát huy vai trò đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước.

* Lưu ý: Trên đây là những gợi ý có tính chất định hướng; Giám khảo căn cứ vào sự sáng tạo của học sinh để vận dụng đánh giá điểm cho phù hợp.

2,0

4,0

4,0

2,0

Thảo luận cho bài: Đề thi Học sinh giỏi Văn 9 2014-2015 Phù Ninh