Gợi ý đáp án đề thi Ngữ văn dành cho thí sinh thi vào lớp Chuyên Văn (Đề Ngữ văn Chuyên) thi tuyển sinh vào trường THPT Chuyên ĐHSP Hà Nội
Câu 1:
Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách, nhưng cần đảm bảo các yêu cầu sau:
– Cấu nói “sách mở ra trước mắt tôi những chân trời mới” (M.Gorki) cho thấy mỗi cuốn sách chân chính, tiến bộ đều luôn mang đến cho người đọc cả một thế giới mới mẻ, giúp mỗi người có thêm nhiều nhận thức sâu sắc về con người, cuộc đời, về bản thân; khơi dậy và nuôi dưỡng những tư tưởng, tình cảm tốt đẹp cho mỗi người.
– Tuy vậy, thực trạng văn hóa đọc của giới trẻ hiện nay vẫn có nhiều điều đáng suy ngẫm:
+ Thời gian, gánh nặng học tập cũng như sự đa dạng của các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là văn hóa nghe nhìn, cùng các trò chơi điện tử, internet với những trò chat chit, các trang mạng xã hội… khiến giới trẻ lười đọc sách hoặc không đọc và nghiên cứu những tác phẩm giá trị.
+ Nhiều bạn trẻ chọn sách đọc theo trào lưu. Điều này còn nguy hiểm hơn cả phong trào lười đọc sách. Nếu cuốn sách đó không mang nội dung phù hợp với văn hóa Việt Nam sẽ tạo ảnh hưởng xấu đối với suy nghĩ, tư tưởng và hành động của một bộ phận giới trẻ.
+ Nhiều người trong thế hệ trẻ hiện nay vẫn chịu khó đọc sách, có các bạn trẻ mê mải đọc sách trên xe bus, xe lửa, trong phòng chờ máy bay hay khi ngồi một mình trong quán café. Nhưng phần đông giới trẻ đọc truyện tranh, tiểu thuyết tình cảm, hay những cuốn sách về tình cảm dễ cuốn hút so với việc cảm nhận một tác phẩm văn học hay một cuốn sách khoa học mang nặng tính phân tích tư duy có giá trị, thậm chí đọc sách tào lao nhảm nhí có hại.
+ Một bộ phận lớn thế hệ trẻ, nhất là học sinh, sinh viên hiện nay đã quên đi sự tồn tại của các tác phẩm văn học kinh điển của thế giới như: “Không gia đình”, “Những tấm lòng cao cả”…
+ Nhiều bạn trẻ đọc những cuốn sách tiến bộ, tích cực, nhưng lại đọc qua loa, hời hợt, không lĩnh hội được hết giá trị của những nhận thức, tư tưởng, tình cảm mà tác giả gửi gắm, không rút ra được những kinh nghiệm sống và tri thức thiết thực, bổ ích cho mình.
– Nhìn chung, văn hóa đọc của thanh niên Việt Nam hiện nay đang xuống cấp. Để khắc phục tình trạng này, nhà trường và gia đình, xã hội cần tuyên truyền sâu rộng hơn về tác dụng lớn lao của văn hóa đọc, tạo các sự kiện giới thiệu về sách, các thư viện và tủ sách miễn phí…Mỗi bạn trẻ cũng cần có ý thức tạo thói quen đọc sách và học tập tri thức, kĩ năng, kinh nghiệm sống từ sách.
Câu 2:
Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách, nhưng cần đảm bảo các yêu cầu sau:
1. Vài nét về tác giả và tác phẩm:
– Với các tập truyện ngắn Bến quê (1985), Chiếc thuyền ngoài xa(1987), Cỏ lau (1989)…, Nguyễn Minh Châu “thuộc vào số những nhà văn mở đường tài năng và tinh anh nhất” của văn học Việt nam thời kì đổi mới (Nguyên Ngọc). Suốt cuộc đời cầm bút, ông không ngừng trăn trở về số phận nhân dân và trách nhiệm của nhà văn, luôn thiết tha truy tìm “cái hạt ngọc” ẩn giấu nơi bề sâu tâm hồn con người.
– Truyện ngắn “Bến quê” in trong tập truyện ngắn cùng tên của Nguyễn Minh Châu, xuất bản năm 1985. Đây là một tác phẩm có tính chất triết lí sâu sắc, mang tính trải nghiệm, có ý nghĩa tổng kết cuộc đời của một con người.
2. Phân tích những hình ảnh mang tính biểu tượng trong tác phẩm:
Trong truyện Bến quê, hầu như mọi hình ảnh đều mang hai lớp nghĩa : nghĩa thực và nghĩa biểu tượng. Ý nghĩa biểu tượng được gợi ra từ hình ảnh thực và hai lớp nghĩa này gắn bó thống nhất với nhau đem đến cho truyện ngắn này một vẻ đẹp riêng: vừa gợi cảm, sinh động, vừa khái quát triết lí.
– Hình ảnh bãi bồi, bến sông và toàn bộ khung cảnh thiên nhiên được dựng lên trong truyện mang ý nghĩa biểu tượng cho vẻ đẹp gần gũi, bình dị, thân thuộc của quê hương, xứ sở, của những gì thân thương nhất mà trong một đời người thường dễ dàng lãng quên bởi chính cái điều vòng vèo hay chùng chình thường mắc phải.
– Những bông hoa bằng lăng nhợt nhạt khi mới nở; đậm sắc hơn khi đã sắp hết mùa, rồi lại càng thẫm màu hơn, một màu tím thẫm như bóng tối. Đó là ý nghĩa biểu tượng về không gian và thời gian: cái đẹp gần gũi bình dị rồi cũng tàn phai bởi thời gian luôn thay đổi với những bước đi của nhịp hải hà.
– Những tảng đất lở bên bờ sông khi con lũ đầu nguồn đã dồn về, đổ ụp vào trong giấc ngủ của Nhĩ báo hiệu trước sự sống của nhân vật Nhĩ cũng đã sắp lụi tàn.
– Chân dung và cử chỉ của Nhĩ ở đoan cuối truyện: chỉ còn đôi bàn tay với những ngón tay vừa bấu chặt vừa run lẩy bẩy. Cánh tay gầy guộc đưa ra ngoài phía cửa sổ khoát khoát như đang hụt hẫng, cố bám víu hiện tại nhưng lại vô vọng bởi chính cái sự vòng vèo và chùng chình của con người. Hình ảnh này mang ý nghĩa biểu tượng sâu sắc:
+ Chân dung của Nhĩ ở cuối truyện là chân dung của một con người đang đi vào cõi chết nhưng đã thức nhận được cuộc đời và chính mình trong “một nỗi mê say đầy đau khổ”, khiến mặt mũi “đỏ rựng một cách khác thường”.
+ Hành động cuối cùng của Nhĩ có thể hiểu là anh đang nôn nóng thúc giục cậu con trai hãy mau kẻo lỡ chuyến đò duy nhất trong ngày. Nhưng không dừng ở cụ thể, hình ảnh này còn mang ý nghĩa khái quát. Cái cánh tay giơ lên khoát khoát của con người đã bước tới ngưỡng cửa của cái chết phải chăng là ước muốn cuối cùng của Nhĩ gửi lại cho đời: Anh muốn thức tỉnh mọi người hãy sống khẩn trương, có ích, đừng sa vào những cái “vòng vèo, chùng chình”, hãy dứt ra khỏi nó để hướng tới những giá trị đích thực, vốn rất giản dị gần gũi và bền vững của gia đình và của quê hương.
3. Chỉ ra những chiêm nghiệm, triết lí sâu sắc của nhà văn về con người và cuộc đời:
+ Cuộc sống và số phận con người chứa đầy những điều bất thường những nghịch lý, ngẫu nhiên, vượt ra ngoài những dự định và ước muốn cả những hiểu biết và toan tính của người ta.
+ Con người trên đường đời thường khó tránh khỏi cái “vòng vèo hoặc chùng chình”. Từ đó câu chuyện thức tỉnh ta đừng sa vào những điều vòng vèo, chùng chình để hướng đến những giá trị đích thực vốn giản dị, gần gũi và bền vững của cuộc sống.
– Cuộc sống thật đẹp – cái đẹp bình dị gần gũi song không dễ nhận ra – và tình yêu của con người với quê hương, cuộc sống thật bền chặt. Tác phẩm thức tỉnh mọi người sự trân trọng những vẻ đẹp và giá trị bình dị, gần gũi của gia đình, của quê hương.