Gợi ý làm bài thi môn Ngữ văn “Đề thi vào Lớp 10 môn Văn Sở GD&ĐT Hà Nội Năm 2012”
Phần I :
1. Những câu thơ trích dẫn trong đề bài thuộc tác phẩm Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật. Bài thơ được sáng tác vào năm 1969 (trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ).
2. Từ phủ định trong câu thơ : không có, không phải. Việc dùng liên tiếp từ phủ định không nhằm khẳng định tính chất đặc biệt của hình tượng những chiếc xe trong bài thơ. Trước hết, xét về nguồn gốc những chiếc xe này cũng có kính bình thường như tất cả mọi chiếc xe. Cho nên, xe không kính không phải vì xe không có kính. Tuy nhiên, do hoàn cảnh ác liệt của chiến tranh, xe đã trở nên bất thường : không có kính. Cái điều này góp phần nói lên sự khốc liệt của chiến tranh, lòng dũng cảm của người chiến sĩ lái xe, không biết sợ, bất chấp hoàn cảnh khốc liệt. Từ đó, nó góp phần tạo nên một giọng điệu vừa gần gũi tự nhiên, vừa ngang tàng khí phách của người chiến sĩ trong tiểu đội những chiếc xe không kính.
3. Thí sinh có thể viết những đoạn văn cụ thể khác nhau. Tuy nhiên, đó phải là những đoạn văn nghị luận khoảng 12 câu theo cách lập luận diễn dịch với nội dung làm rõ cảm giác của người chiến sĩ lái xe trên chiếc xe không kính. Đoạn văn đó phải có sử dụng câu phủ định và phép thế. Gạch dưới câu phủ định và những từ ngữ dùng làm phép thế. Đây chỉ là một ví dụ :
– Người chiến sĩ lái xe có rất nhiều cảm giác khi điều khiển những chiếc xe không kính.
– Trước hết, vì xe không có kính chắn gió nên gió cứ lùa thẳng vào buồng lái.
– Nó làm cho người lái xe có cảm giác mắt trở nên khó chịu.
– Nhưng bên cạnh đó, lái những chiếc xe không kính lại mang tới những cảm giác thú vị.
– Người chiến sĩ thấy giữa mình và con đường không còn sự cách ngăn.
– Con đường vì miền Nam phía trước chạy thẳng vào tim.
– Nó nối liền trái tim của người chiến sĩ với miền Nam ruột thịt.
– Ngoài ra, nó còn nối liền người ngồi trong xe với thiên nhiên rộng lớn ở bên ngoài.
– Người chiến sĩ thấy ánh sao, cánh chim trên bầu trời như trở nên gần gũi.
– Không có kính ngăn trở, chúng như sa, như ùa vào buồng lái.
– Tâm hồn của người lính lái xe không kính lãng mạn biết bao!
4. Không có kính, rồi xe không có đèn
Không có mui xe, thùng xe có xước
Phần II:
1. Câu hỏi yêu cầu thí sinh giới thiệu ngắn gọn về tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa trong khoảng nửa trang giấy thi. Đáp ứng câu hỏi này, thí sinh cần nêu một số những nội dung căn bản sau :
– Giới thiệu ngắn gọn về nhà văn Nguyễn Thành Long và khẳng định Lặng lẽ Sa Pa là một truyện ngắn thành công của ông.
– Giới thiệu ngắn gọn xuất xứ của truyện : được sáng tác trong dịp đi thực tế ở Lào Cai vào tháng 6 và 7 năm 1970 và được in trong tập Giữa trong xanh, xuất bản năm 1972.
– Giá trị nội dung của truyện được thể hiện ở sự khắc họa thành công hình ảnh những người lao động bình thường mà tiêu biểu là anh thanh niên làm công tác khí tượng ở một mình trên đỉnh núi cao. Đó là một thanh niên giàu nghị lực đã vượt qua hoàn cảnh bằng những suy nghĩ rất đẹp, giản dị mà sâu sắc; có những tính cách và phẩm chất đáng mến: hiếu khách, cởi mở và chân tình; khiêm tốn, thành thật; có đời sống tâm hồn trẻ trung, phong phú và lành mạnh. Đó là những người lao động khác: ông kỹ sư vườn rau Sa Pa, người cán bộ nghiên cứu về sét… Qua đó, truyện còn khẳng định vẻ đẹp của con người lao động và ý nghĩa của những công việc thầm lặng.
– Giá trị nghệ thuật của truyện được thể hiện trong tình huống truyện hợp lý, trong cách kể chuyện tự nhiên, trong nghệ thuật xây dựng nhân vật chân thật, sống động và trong sự kết hợp giữa tự sự, trữ tình và bình luận.
2. Trong nhan đề Lặng lẽ Sa Pa, tác giả đã sắp xếp các từ khác với trật tự thông thường. Tác giả đã sử dụng biện pháp đảo ngữ (lặng lẽ Sa Pa thay vì Sa Pa lặng lẽ) nhằm làm nổi bật tính chất lặng lẽ của Sa Pa và tinh thần lao động thầm lặng đáng quý của những con người trên vùng đất Sa Pa đúng với cảm hứng của nhà văn Nguyễn Thành Long khi sáng tác truyện : « Sa Pa không chỉ là một sự yên tĩnh. Bên dưới sự yên tĩnh ấy, người ta làm việc, hy sinh, yêu thương và mơ ước.
3. Thí sinh có thể ghi lại một dẫn chứng ở một bài thơ đã học có biện pháp đảo ngữ. Câu hỏi chỉ yêu cầu nêu rõ tên tác phẩm và dẫn chứng không giới hạn năm học. Do vậy, học sinh có thể lấy dẫn chứng ở chương trình lớp 9 mà cũng có thể ở các lớp dưới. Đây là một vài ví dụ :
– Một mùa xuân nho nhỏ, lặng lẽ dâng cho đời. (Mùa xuân nho nhỏ – Thanh Hải)
– Lom khom dưới núi tiều vài chú, lác đác bên sông chợ mấy nhà. (Qua đèo Ngang – Bà Huyện Thanh Quan)
– Ung dung buồng lái ta ngồi, nhìn đất nhìn trời nhìn thẳng. (Bài thơ về tiểu đội xe không kính – Phạm Tiến Duật).
Điều này cho thấy đảo ngữ là một biện pháp tu từ được dùng phổ biến trong thơ văn.