Đề thi vào Lớp 10 môn Văn Sở GD&ĐT Hà Nội Năm 2011
KÌ THI TUYỂN SINH LỚP 10 TRUNG HỌC PHỔ THÔNG
Môn thi: NGỮ VĂN
Thời gian: 120 phút (không tính thời gian giao đề)
ĐỀ CHÍNH THỨC
Phần I (6 điểm)
Đọc đoạn thơ sau:
“ Người đồng mình thương lắm con ơi
Cao đo nỗi buồn
Xa lo chí lớn
Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn
Sống trên đá không chê đá gập ghềnh
Sống trong thung không chê thung nghèo đói
Sống như sông như suối
Lên thác, xuống ghềnh Không lo cực nhọc”
(Theo Ngữ văn lớp 9, tập hai, NXB Giáo dục, 2010)
1. Đoạn trích thơ trên trích trong tác phẩm nào? Nêu tên tác giả của tác phẩm ấy. “Người đồng mình” được nhà thơ nói đến là những ai?
2. Xác định thành ngữ trong đoạn thơ trên. Em hiểu ý nghĩa của thành ngữ đó như thế nào?
3. Dựa vào phần đã trích dẫn, hãy viết một đoạn văn nghị luận khoảng 10 câu theo cách lập luận tổng hợp- phân tích- tổng hợp làm rõ những đức tính cao đẹp của “Người đồng mình” và lời nhắc nhở của cha với con, trong đó có sử dụng câu ghép và phép lặp (gạch dưới câu ghép và những từ ngữ dùng làm phép lặp)
Phần II (4 điểm)
Dưới đây là một đoạn trong “Chuyện người con gái Nam Xương” (Nguyễn Dữ) …
“Đoạn rồi nàng tắm gội chay sạch, ra bến Hoàng Giang ngửa mặt lên trời mà than rằng:
– Kẻ bạc mệnh này duyên phận hẩm hiu, chồng con rẫy bỏ, điều đâu bay buộc, tiếng chịu nhuốc nhơ, thần sông có linh, xin ngài chứng giám. Thiếp nếu đoan trang giữ tiết, trinh bạch gìn lòng, vào nước xin làm ngọc Mị Nương, xuống đất xin làm cỏ Ngu Mĩ. Nhược bằng lòng chim dạ cá, lừa chồng dối con, dưới xin làm mồi cho cá tôm, trên xin làm cơm cho diều quạ, và xin chịu khắp mọi người phỉ nhổ.”…
(Theo Ngữ văn lớp 9, tập một, NXB Giáo dục, 2010)
1. Trong tác phẩm, lời thoại trên là độc thoại hay đối thoại? Vì sao?
2. Lời thoại này được Vũ Nương nói trong hoàn cảnh nào? Qua đó nhân vật muốn khẳng định những phẩm chất gì? Ghi lại ngắn gọn (khoảng 6 câu) suy nghĩ của em về những phẩm chất ấy của nhân vật.
3. Làm nên sức hấp dẫn của truyện truyền kỳ là những yếu tố kỳ ảo. Nêu hai chi tiết kỳ ảo trong truyện “Người con gái Nam Xương”
Gợi ý làm bài thi môn Ngữ văn “Đề thi vào Lớp 10 môn Văn Sở GD&ĐT Hà Nội Năm 2011-2012”
Phần I (6 điểm)
1. Đoạn trích thơ trên trích trong tác phẩm nào? Nêu tên tác giả của tác phẩm ấy. “Người đồng mình” được nhà thơ nói đến là những ai?
Gợi ý: đoạn thơ trên trích từ bài thơ “Nói với con” của Y Phương – “Người đồng mình” là người vùng mình, người miền mình, có thể hiểu cụ thể là những người cùng sống trên một miền đất, cùng một quê hương, cùng một dân tộc.
2. Xác định thành ngữ trong đoạn thơ trên. Em hiểu ý nghĩa của thành ngữ đó như thế nào?
Gợi ý: thành ngữ có trong đoạn thơ trên là “Lên thác xuống ghềnh”, nhấn mạnh nỗi vất vả, khó nhọc trong cuộc sống làm ăn của “người đồng mình”.
3. Dựa vào phần đã trích dẫn, hãy viết một đoạn văn nghị luận khoảng 10 câu theo cách lập luận tổng hợp- phân tích – tổng hợp làm rõ những đức tính cao đẹp của “Người đồng mình” và lời nhắc nhở của cha với con, trong đó có sử dụng câu ghép và phép lặp (gạch dưới câu ghép và những từ ngữ dùng làm phép lặp)
Gợi ý:
a. Về hình thức: – đoạn văn nghị luận viết theo cách tổng- phân- hợp gồm ba phần: mở đoạn, thân đoạn, kết đoạn, liền mạch, không xuống dòng. – Viết khoảng 10 câu, chữ viết đúng chính tả, trình bày rõ ràng, sạch sẽ.
b. Về nội dung:
Học sinh làm rõ ý chính đề yêu cầu: Những đức tính cao đẹp của “người đồng mình” và lời nhắc của cha đối với con. Học sinh có thể phân tích theo hai cách: Hoặc “cảm nhận những đức tính cao đẹp của “người đồng mình” được nhà thơ ca ngợi rồi tìm hiểu lời nhắc nhở của cha đối với con, hoặc có thể kết hợp phân tích cả hai ý này.
Học sinh có thể tham khảo dàn ý đoạn viết sau:
*Mở đoạn: Giới thiệu đoạn thơ, trích tác phẩm “Nói với con” của Y Phương và nêu ý chính mà đề bài yêu cầu.
*Thân đoạn: Có thể sắp xếp những mạch ý nhỏ sau: – Cuộc sống của “Người đồng mình” còn nhiều vất vả, nhiều nỗi buồn, song họ luôn mạnh mẽ, giàu ý chí, nghị lực vươn lên trong cuộc sống, thể hiện qua cách nói của người miền núi: “Cao đo nỗi buồn Xa nuôi chí lớn” -Sự thủy chung bền bỉ, gắn bó với quê hương, dẫu còn cực nhọc, đói nghèo. Phân tích điệp ngữ “không chê” mang tính khẳng định, hình ảnh mộc mạc mà giàu ý nghĩa khái quát như “đá”, “thung”, “gập ghềnh” “nghèo đói”, chỉ nơi sống và cuộc sống ở đó còn gặp nhiều khó khăn, vất vả. – “Người đồng mình” có cách sống mộc mạc, hồn nhiên, khoáng đạt. Phân tích hình ảnh so sánh “ Sống như sông, như suối”. Thành ngữ “lên thác xuống ghềnh” chỉ nỗi khó nhọc trong cuộc sống, làm ăn, song “người đồng mình’ không lo cực nhọc” vẫn sống tự tin, thanh thản. * Người cha nhắc nhở con: -Sống phải có nghĩa tình, chung thủy với quê hương mình. – Biết chấp nhận và vượt qua gian nan thử thách bằng ý chí, bằng niềm tin của mình. => Phân tích qua lời gọi tha thiết “con ơi”, cụm từ “cha vẫn muốn” , điệp ngữ “ không chê”, “sống”… để thấy lời mong mỏi tha thiết con sẽ làm được những điều cha mong muốn.
*Phần kết đoạn: Bằng giọng thơ thiết tha, trìu mến, cách diễn đạt tình cảm và suy nghĩ với những hình ảnh cụ thể, mộc mạc mà có tính khái quát, giàu chất thơ, nhà thơ dân tộc Y Phương qua đoạn thơ trên đã giúp ta hiểu thêm về sức sống mạnh mẽ, bền bỉ của một dân tộc miền núi, nhắc nhở ta gắn bó với quê hương và có ý chí nghị lực vươn lên trong cuộc sống. c. Về ngữ pháp: Học sinh sử dụng thích hợp, chính xác, gạch chân và chú thích rõ ràng câu ghép và từ ngữ dùng làm phép lặp.
Phần II (4 điểm)
1. Trong tác phẩm, lời thoại trên là độc thoại hay đối thoại? Vì sao?
Gợi ý: – Trong tác phẩm, lời thoại trên là độc thoại, vì đó là lời than của Vũ Nương và cũng là lời nguyền của nàng nói với lòng mình để giãi bày tấm lòng trong trắng của mình trước khi tự vẫn.
2. Lời thoại này được Vũ Nương nói trong hoàn cảnh nào? Qua đó nhân vật muốn khẳng định những phẩm chất gì? Ghi lại ngắn gọn (khoảng 6 câu) suy nghĩ của em về những phẩm chất ấy của nhân vật.
Gợi ý: -Lời thoại này được Vũ Nương nói đến trong hoàn cảnh khi bị chồng mình là Trương Sinh nghi ngờ là người vợ không thủy chung. Vũ Nương đã phân trần, khẳng định tấm lòng thủy chung, khát khao cuộc sống gia đình, tình nghĩa vợ chồng, cầu xin chồng đừng nghi oan, tìm mọi cách hàn gắn cuộc sống hạnh phúc gia đình đang có nguy cơ tan vỡ, song nàng vẫn bị chồng mắng nhiếc, đánh đập, đuổi nàng đi không cho nàng thanh minh, không cho họ hàng, hàng xóm bênh vực và biện bạch cho. Cuộc hôn nhân của nàng và Trương Sinh đã đến độ không thể hàn gắn nổi. Vũ Nương đã đau đớn, thất vọng đến tột cùng, ra bến Hoàng Giang mượn dòng nước con sông quê hương để giãy bày nỗi oan khuất và tấm lòng thủy chung, trong sáng của mình trước khi tự vẫn. * Qua lời thề nguyền, Vũ Nương muốn khẳng định – khao khát được sống hạnh phúc trong cuộc sống gia đình. – Tấm lòng thủy chung, trong sáng của mình với chồng. – Lòng tự trọng của một người vợ khi bị chồng đánh đập, hắt hủi. * Học sinh viết tiếp (khoảng 6 câu) bày tỏ sự chia sẻ, cảm thông với tâm sự đau đớn, tuyệt vọng của Vũ Nương, nhưng cũng thấy: – Nàng hiểu được thân phận của mình, tự nhận mình là “kẻ bạc mệnh” có “duyên phận hẩm hiu”, song vẫn khát khao được sống hạnh phúc với chồng con và mong thần sông minh oan cho tấm lòng thủy chung, trong trắng của mình. Lời than, lời thề nguyền của Vũ Nương thật thống thiết, ai oán.
Hành động tự trẫm mình của Vũ Nương là hành động quyết liệt cuối cùng để bảo toàn danh dự. có nỗi tuyệt vọng đắng cay, nhưng người đọc cũng thấy được lòng tự trọng, sự chỉ đạo của lý trí, chứ không như hành động bột phát trong cơn nóng giận như truyện cổ tích miêu tả “Nàng chạy một mạch ra sông, đâm đầu xuống nước tự vẫn”. – Phẩm chất cao đẹp của Vũ Nương thể hiện qua lời thề nguyền cũng là phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ lao động xưa: Dù cuộc sống của họ có khổ đau bất hạnh, song họ vẫn luôn giữ tròn phẩm chất thủy chung, sắt son, nghĩa tình của mình.
3. Làm nên sức hấp dẫn của truyện truyền kỳ là những yếu tố kỳ ảo. Nêu hai chi tiết kỳ ảo trong truyện “Người con gái Nam Xương”.
Gợi ý: Học sinh có thể đưa các chi tiết kỳ ảo sau: – Phan Lang nằm mộng rồi thả rùa, sau chạy giặc Minh, chết đuối, lạc vào động rùa của Linh Phi được Linh Phi cứu, đãi yến tiệc rồi trò chuyện với Vũ Nương dưới thủy cung. – Vũ Nương hiện về giữa dòng sông sau khi Trương Sinh lập đàn giải oan cho nàng ở bến Hoàng Giang trong cảnh võng lọng, cờ tán rực rỡ, nói vài lời từ biệt với chồng rồi trở lại sống với Linh Phi.