Đề thi vào Lớp 10 môn Văn Sở GD&ĐT Hà Nội Năm 2010

Đề thi vào Lớp 10 môn Văn Sở GD&ĐT Hà Nội Năm 2010
KÌ THI TUYỂN SINH LỚP 10 TRUNG HỌC PHỔ THÔNG
Môn thi: NGỮ VĂN
Thời gian: 120 phút (không tính thời gian giao đề)
ĐỀ CHÍNH THỨC

Phần I (7,0 điểm)

Cho đoạn trích

“Con bé thấy lạ quá, nó chớp mắt nhìn tôi như muốn hỏi đó là ai, mặt nó bỗng tái đi,

rồi vụt chạy và kêu thét lên : “Má! Mà!”. Còn anh, anh đứng sững lại đó, nhìn theo con,

nỗi đau đớn khiến mặt anh sầm lại trông thật đáng thương và hai tay buông xuống như bị gãy”

                                                                                                   (Ngữ văn 9, tập một, NXB Giáo dục 2009, tr.196)

1. Đoạn trích trên được rút ra từ tác phẩm nào, của ai ? Kể tên hai nhân vật được người kể chuyện nhắc tới trong đoạn trích.

2. Xác định thành phần khởi ngữ trong câu : ” Còn anh, anh đứng sững lại đó, nhìn theo con, nỗi đau đớn khiến mặt anh sầm lại trông thật đáng thương và hai tay buông xuống như bị gãy”

3. Lẽ ra, cuộc gặp mặt sau tám năm xa cách sẽ ngập tràn niềm vui và hạnh phúc nhưng trong   một đoạn văn nghị luận khoảng 12 câu theo phép lập luận quy nạp làm rõ tình cảm sâu nặng của người cha đối với con trong tác phẩm trên, trong đoạn văn có sử dụng câu bị động và phép thể (gạch gưới câu bị động và những từ ngữ dùng làm phép thể).

Phần II (3,0 điểm)

Bài thơ “Bếp lửa” của Bằng Việt được mở đầu như sau :

“Một bếp lửa chờn vờn sương sớm

Một bếp lửa ấp iu nồng đượm

Cháu thương bà biết mấy nắng mưa.”

                                                                                              (Ngữ văn 9, tập một, NXB Giáo dục 2009, tr.143)

1. Chỉ ra từ láy trong dòng thơ đầu. Từ láy ấy giúp em hình dung gì về hình ảnh“bếp lửa” mà tác giả nhắc tới ?

2. Ghi lại ngắn gọn cảm nhận của em về câu thơ : “Cháu thương bà biết mấy nắng mưa”.

3. Tình cảm gia đình hòa quyện với tình yêu quê hương đất nước là một đề tài quen thuộc của thơ ca. Hãy kể tên 2 bài thơ Việt Nam hiện đại trong chương trình Ngữ văn 9 viết về đề tài ấy và ghi rõ tên tác giả.

Gợi ý làm bài thi môn Ngữ văn “Đề thi vào Lớp 10 môn Văn Sở GD&ĐT Hà Nội Năm 2010”

Phần I (7 điểm)

  • Đoạn văn trên được rút từ tác phẩm “Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng

Hai nhân vật được người kể chuyện nhắc tới trong đoạn trích là anh Sáu và bé Thu (1 điểm)

  • Xác định thành phần khởi ngữ trong câu: Còn anh.(0,5 điểm)
  • Lẽ ra, cuộc gặp mặt sau tám năm xa cách sẽ ngập tràn niềm vui và hạnh phúc nhưng trong câu chuyện, cuộc gặp ấy lại khiến nhân vật “anh“ đau đớn. Bởi vì, khi người cha được về thăm nhà, khao khát đốt cháy lòng ông là được gặp con, được nghe con gọi tiếng “ba” để được ôm con vào lòng và sống những giây phút hạnh phúc bấy lâu ông mong đợi. Nhưng thật éo le, con bé không những không nhận mà còn tỏ thái độ rất sợ hãi.(1,5 điểm)
  • Đoạn văn (4 điểm)

a. Về hình thức:

– Đoạn văn trình bày theo phép lập luận quy nạp: Câu chốt ý nằm ở cuối đoạn, không có câu mở đoạn, thân đoạn làm sáng rõ nội dung chính bằng các mạch ý nhỏ

– Đảm bảo số câu quy định (khoảng 12 câu); khi viết không sai lỗi chính tả, phải trình bày rõ ràng

b. Về nội dung:

– Các câu trong đoạn phải hướng vào làm rõ nội dung chính sẽ chốt ý ở cuối đoạn là: Tình cảm sâu nặng của người cha đối với con, được thể hiện trong tác phẩm “Chiếc lược ngà”

–  Khi anh Sáu về thăm nhà:

+ Khao khát, nôn nóng muốn gặp con nên anh đau đớn khi thấy con sợ hãi bỏ chạy: “mặt anh sầm lại, trông thật đáng thương và hay tay buông xuống như bị gãy”

+ Suốt ba ngày ở nhà: “Anh chẳng đi đâu xa, lúc nào cũng vỗ về con” và khao khát “ mong được nghe một tiếng ba của con bé”, nhưng con bé chẳng bao giờ chịu gọi.

+ Phải đến tận lúc ra đi anh mới hạnh phúc vì được sống trong tình yêu thương mãnh liệt của đứa con gái dành cho mình.

– Khi anh Sáu ở trong rừng tại khu căn cứ (ý này là trọng tâm):

+   Sau khi chia tay với gia đình, anh Sáu luôn day dứt, ân hận về việc anh đã đánh con khi nóng giận. Nhớ lời dặn của con: “ Ba về! ba mua cho con môt cây lược nghe ba!” đã thúc đẩy anh nghĩ tới việc làm một chiếc lược ngà cho con.

+ Anh đã vô cùng vui mừng, sung sướng, hớn hở như một đứa trẻ được quà khi kiếm được một chiếc ngà voi. Rồi anh dành hết tâm trí, công sức vào làm cây lược “ anh cưa từng chiếc răng lược, thận trọng, tỉ mỉ và cố công như người thợ bạc”.“ trên sống lưng lược có khắc một hàng chữ nhỏ mà anh đã gò lưng, tẩn mẩn khắc từng nét: “Yêu nhớ tặng Thu con của ba”

+ khi bị viên đạn của máy bay Mỹ bắn vào ngực, lúc không còn đủ sức trăn trối điều gì, anh đã “đưa tay vào túi, móc cây lược” đưa cho bác Ba, nhìn bác Ba hồi lâu.

=> Cây lược ngà trở thành kỷ vật minh chứng cho tình yêu con thắm thiết, sâu nặng của anh Sáu, của người chiến sỹ Cách mạng với đứa con gái bé nhỏ trong hoàn cảnh chiến tranh đầy éo le, đau thương, mất mát. Anh Sáu bị hy sinh, nhưng tình cha con trong anh không bao giờ mất.

cHọc sinh sử dụng đúng và thích hợp trong đoạn văn viết câu bị động và phép thế.

Đoạn văn tham khảo:

Ngư­ời đọc sẽ nhớ mãi hình ảnh một ngư­ời cha, người cán bộ cách mạng xúc động dang hai tay chờ đón đứa con gái bé bỏng duy nhất của mình ùa vào lòng sau tám năm xa cách (1). Mong mỏi ngày trở về, nóng lòng được nhìn thấy con, đư­ợc nghe tiếng gọi “ba” thân thư­ơng từ con, anh Sáu thực sự bị rơi vào sự hụt hẫng: “anh đứng sững lại đó, nhìn theo con, nỗi đau đớn khiến mặt anh sầm lại trông thật đáng thương và hai tay buông xuống như bị gãy” (2). Mong mỏi bao nhiêu thì đau đớn bấy nhiêu. và anh cũng không ngờ rằng chính bom đạn chiến tranh vừa là nguyên nhân gián tiếp, vừa là nguyên nhân trực tiếp của nỗi đau đớn ấy (3). Ba ngày anh đ­ược ở nhà anh chẳng đi đâu xa, để được gần gũi, vỗ về bù  đắp những ngày xa con (4). Cử chỉ gắp từng miếng trứng cá cho con cho thấy anh Sáu là người sống tình cảm, sẵn sàng dành cho con tất cả những gì tốt đẹp nhất (5).

Bởi vậy, lòng người cha ấy đau đớn biết như­ờng nào khi anh càng muốn gần thì đứa con lại càng đẩy anh ra xa, anh không buồn sao được khi đứa con máu mủ của mình gọi mình bằng “người ta”: “Anh quay lại nhìn con vừa khe khẽ lắc đầu vừa cư­ời. Có lẽ vì khổ tâm đến nỗi không khóc đư­ợc, nên anh phải cười vậy thôi” (6). Những tưởng ngư­ời cha ấy sẽ ra đi mà không được nghe con gọi bằng “ba” lấy một lần, nhưng thật bất ngờ đến tận giây phút cuối cùng, khi không còn thời gian để chăm sóc vỗ về nữa, anh mới thực sự được làm cha và đã có những giây phút hạnh phúc vô bờ trong tình cảm thiêng liêng đó (7). Xa con, nhớ con, ở nơi chiến khu, anh dồn tâm sức làm chiếc lược để thực hiện lời hứa với con (8).

Người cha ấy đã vui mừng “hớn hở như­ trẻ được quà” khi kiếm được khúc ngà và anh đã quyết định làm chiếc lược cho con: “anh cưa từng chiếc răng lược, thận trọng, tỉ mỉ và cố công như ngư­ời thợ bạc.[…] anh gò lưng, tẩn mẩn khắc từng nét: “Yêu nhớ tặng Thu con của ba” (9). Ngư­ời cha nâng niu chiếc lược ngà, ngắm nghía nó, mài lên tóc cho cây lược thêm bóng thêm mượt, “Cây lược ngà ấy chưa chải lư­ợc mái tóc của con, như­ng nó như­ gỡ rối đư­ợc phần nào tâm trạng của anh”, chiếc lư­ợc ngà như là biểu tượng của tình thương yêu, săn sóc của người cha dành cho con gái (10). Câu chuyện được kể từ ngôi thứ nhất, người kể chuyện xư­ng “tôi” có mặt và chứng kiến toàn bộ câu chuyện giữa cha con anh Sáu, đã kể thật cảm động câu chuyện xảy ra sau đó: chưa kịp tặng con gái chiếc lược thì anh Sáu hi sinh, anh không đủ sức trăn trối điều gì nhưng vẫn kịp”đưa tay vào túi móc cây lược” nhờ bạn trao lại tận tay con gái, anh Sáu bị hy sinh, nhưng tình cha con trong anh không bao giờ mất (11). Như vậy có thể nói, tình cảm sâu nặng của người cha với người con đã được Nguyễn Quang Sáng thể hiện rất chân thực và cảm động, gậy được xúc động lâu bền trong lòng người đọc (12).

Trong đó:

Phép thế: một ngư­ời cha (1) được thế bằng anh Sáu (2)

Câu bị động: Câu 12

Phần II (3 điểm)

  • Từ láy trong đoạn thơ đầu là : Chờn vờn.

Từ láy ấy giúp em hình dung về hình ảnh “bếp lửa” vừa được nhen lên, ngọn lửa bắt đầu vờn quanh bếp ngòn to ngọn nhỏ, chập chờn trong kí ức.(1 điểm)

  • Cảm nhận của em về câu thơ: “Cháu thương bà biết mấy nắng mưa.”

+ Câu thơ đã bộc lộ trực tiếp tình cảm nhớ thương bà một cách sâu sắc, khi người cháu đã ở tuổi trưởng thành. Từ “thương” chất chứa bao tình cảm.

+ Hình ảnh ẩn dụ “nắng mưa trong câu thơ diễn tả dòng suy ngẫm hồi tưởng về cuộc đời người bà lận đận vất vả bên bếp lửa nấu ăn cho cả nhà trong mọi hoàn cảnh: Lúc “đói mòn  đói mỏi”, lúc “tám năm ròng cháu cùng bà nhóm lửa”. Nhất là lúc chiến tranh “Giặc đốt làng cháy tàn cháy rụi”.

Câu thơ  gợi hình ảnh người bà ở chịu thương chịu khó, hết lòng vì gia đình đồng thời thể hiện tình cảm nhớ thương, kính trọng bà của người cháu đã trựởng thành. (1 điểm)

  • Kể tên hai bài thơ Việt Nam hiện đại trong chương trình Ngữ văn 9 viết về đề tài tình cảm gia đình hòa quyện với tình yêu đất nước là một đề tài quen thuộc của thơ ca:

–         Nói với con của Y Phương

–     Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ của Nguyễn Khoa Điềm.(1 điểm)

Thảo luận cho bài: Đề thi vào Lớp 10 môn Văn Sở GD&ĐT Hà Nội Năm 2010