Bài 9: Luyện tập về các biện pháp tu từ từ vựng
Mời mọi người tham khảo thêm tài liệu:
Bài 10: Luyện tập trau dồi vốn từ
Hướng dẫn Luyện tập về các biện pháp tu từ từ vựng:
Bài tập 1: Xác định và phân tích phép tu từ có trong các đoạn thơ sau:
A. Đau lòng kẻ ở người đi
Lệ rơi thấm đá tơ chia rũ tằm. (Nguyễn Du)
B. Rễ siêng không ngại đất nghèo
Tre bao nhiêu rễ bấy nhiêu cần cù (Nguyễn Duy)
C. Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu
Ngàn dâu xanh ngắt một màu
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai? (Chinh phụ ngâm khúc)
D. Bàn tay ta làm nên tất cả
Có sức người sỏi đá cũng thành cơm (Chính Hữu)
Gợi ý:
A. Nói quá: thể hiện nỗi đau đớn chia li khôn xiết giữa người đi và kẻ ở.
B. Nhân hoá – ẩn dụ: Phẩm chất siêng năng cần cù của tre như con người Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc.
C. Điệp ngữ: Nhấn mạnh không gian xa cách mênh mông bát ngát giưa người đi và kẻ ở. Từ đó tô đậm nỗi sầu chia li, cô đơn của người chinh phụ.
D. Hoán dụ: bàn tay để chỉ con người.
Bài tập 2: Câu nào sau đây sử dụng biện pháp nói giảm nói tránh?
- Thôi để mẹ cầm cũng được.
- Mợ mày phát đạt lắm, có như dạo trước đâu.
- Bác trai đã khá rồi chứ.
- Lão hãy yên lòng mà nhắm mắt.
Gợi ý: D
Bài tập 3: Cho các ví dụ sau: Chân cứng đá mềm, đen như cột nhà cháy, dời non lấp biển, ngàn cân treo sợi tóc, xanh như tàu lá, long trời lở đất.
Nhận xét nào sau đây nói đúng nhất về các ví dụ trên?
A- Là các câu tục ngữ có sử dụng biện pháp so sánh.
B- Là các câu thành ngữ có sử dụng biện pháp nói quá.
C- Là các câu tục ngữ có sử dụng biện pháp nói quá.
D- Là các câu thành ngữ dùng biện pháp so sánh.
Gợi ý: B
Bài tập 4: Vận dụng các phép tu từ đã học để phân tích đoạn thơ sau:
“ Cứ nghĩ hồn thơm đang tái sinh
Ngôi sao ấy lặn, hoá bình minh.
Cơn mưa vừa tạnh, Ba Đình nắng
Bác đứng trên kia, vẫy gọi mình”
(Tố Hữu)
Gợi ý: – Xác định được các phép tu từ có trong đoạn thơ:
hoán dụ: Hồn thơm; ẩn dụ: Ngôi sao, bình minh
Từ ngữ cùng trường từ vựng chỉ các hiện tượng tự nhiên: Ngôi sao, lặn, bình minh, cơn mưa, tạnh, nắng.
– Phân tích cách diễn đạt bằng hình ảnh để thấy cái hay cái đẹp của đoạn thơ: thể hiện sự vĩnh hằng, bất tử của Bác: hoá thân vào thiên nhiên, trường tồn cùng thiên nhiên đất nước, giảm nhẹ nỗi đau xót sự ra đi của Người. Hình ảnh thơ vừa giàu sắc thái biểu cảm vừa thể hiện tấm lòng thành kính thiêng liêng của tác giả đối với Bác Hồ.