Những giá trị đích thực của cuộc sống có nguy cơ bị mai một, lung lay

“Khi con người mải mê chạy theo những giá trị ảo thì những giá trị đích thực của cuộc sống có nguy cơ bị mai một, lung lay.”

Trình bày suy nghĩ của anh (chị) về ý kiến trên.

Bài Làm

Giá trị ảo

Giá trị ảo

1. Mở bài

  • Trong cuốn tiểu thuyết “Thép đã tôi thế đấy”, nhân vật Paven đã có lần đưa ra quan điểm: “Đời người chỉ sống một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận về những năm tháng đã sống hoài, sống phí”. Thật vậy, cuộc sống ngắn ngủi, bởi vậy, việc con người sử dụng thời gian như thế nào? Xác định điều gì là quan trọng trong cuộc sống là điều vô cùng quan trọng. Cuộc sống luôn tồn tại cả những giá trị thật, lẫn những giá trị ảo, cả những điều ý nghĩa lẫn những điều phù du.
  • Có ý kiến cho rằng: Khi con người mải mê chạy theo những giá trị ảo thì những giá trị đích thực của cuộc sống có nguy cơ bị mai một, lung lay.

2. Thân bài

a) Giải thích

– Giải thích từ ngữ:

  • Giá trị ảo: là những giá trị không có thật, không bền vững, thường chỉ tồn tại tạm htời, phút chốc. Giá trị ảo thiên về biểu hiện bề ngoài, hình thức, không phản ánh đúng bản chất đối tượng.
  • Giá trị đích thực: là những giá trị có thật trong cuộc sống, là những giá trị bền vững, tồn tại lâu bền. Giá trị thực thiên về những biểu hiện tinh thần, thể hiện bản chất, nội dung của đối tượng.

– Nội dung cả câu: Khi con người mải mê theo đuổi những giá trị bề ngoài, hình thức, ảo, thì con người không chỉ sẽ đánh mất những phẩm chất tốt đẹp của bản thân mà nền tảng đạo đức xã hội cũng dễ bị tha hóa, mai một.

b) Bàn luận

(1) Biểu hiện của lối sống chạy theo những giá trị ảo

Trong cuộc sống, biểu hiện của giá trị ảo rất đa dạng: ảo trong thế giới ảo và ảo trong cả cuộc sống thực. Giá trị ảo trong thế giới ảo thường gắn với những cảm giác thành công, chiến thắng, được ngưỡng mộ, được sùng bái, những tình bạn, những sự chia sẻ trong cộng đồng mạng. Giá trị ảo trong cuộc sống thực thường thiên về những giá trị hình thức, vật chất như trang sức, áo quần, ở một khía cạnh nào đó còn có thể là danh vọng, quyền lực, tiền bạc, sự nổi tiếng…

(2) Những giá trị đích thực của cuộc sống có nguy cơ bị lung lay như thế nào khi chạy theo những giá trị ảo

  • Coi trọng lối sống ảo, con người sẽ đánh mất thời gian, sức lực để tô vẽ cho gương mặt ảo của mình, thỏa mãn những xúc cảm có được từ thế giới ảo, họ sẽ không còn tâm trí vun đắp, bồi dưỡng, trân trọng những mối quan hệ, những tình cảm đích thực trong cuộc sống hàng ngày và ngày một ngày hai, những điều đó sẽ bị tàn lụi đi.
  • Chạy theo hình thức, nô lệ của tiền bạc, địa vị, danh lợi một cách mù quáng, con người không chỉ đánh mất những người thân yêu, mà thậm chí còn bị tha hóa về nhân cách, dẫm đạp lên những chuẩn mực đạo đức xã hội, sống hưởng thụ, ích kỉ.
  • Khi theo đuổi những giá trị ảo, đời sống bên trong con người luôn luôn bị những tính toán, suy nghĩ thiệt hơn, sự bon chen bao phủ. Cuối cùng, đến một lúc nào đó, khi những giá trị ảo va vấp vào đời thực và biến mất, con người cũng sẽ thấy mệt mỏi, hoang mang, trống rỗng.
  • Xã hội sẽ trì trệ, chậm phát triển khi con người coi trọng những giá trị bên ngoài hơn là những gì thực chất bên trong, coi trọng danh hơn thực, hình thức hơn nội dung, tiền tài địa vị hơn là tâm hồn trí tuệ, thì những giá trị ảo dễ trở thành tiêu chí để đánh giá sự thành – bại, hay xác định, vị trí, công việc của con người.

(3) Mở rộng, phản đề

  • Tiêu chí đánh giá con người là ở nhân cách, nhân phẩm, trí tuệ, học vấn. Bởi vậy, trong cuộc sống, con người phải biết tiết chế những tham vọng về tiền bạc, về địa vị để có cuộc sống ý nghĩa, bình yên, thanh thản. Đó mới là những gì bền vững, thiết thực, để mỗi con người được là chính mình, đóng góp cá nhân vào việc phát triển đời sống xã hội.
  • Thế giới ảo tự nó không phải là xấu, tiêu cực nhưng cách làm của con người đã làm nó có tác động ngược lại đến đời sống xã hội. Tiền bạc, địa vị, danh vọng cũng rất quan trọng trong cuộc sống mỗi người nhưng không nên coi đó là mục đích tối thượng, chạy theo một cách mù quáng, trở thành nô lệ của nó.

c) Bài học nhận thức và hành động

– Nhận thức: Nhận thức được tác hại của lối sống chạy theo những giá trị ảo cũng như vai trò quan trọng của giá trị thực trong cuộc sống.

– Hành động:

  • Chú trọng vào những giá trị thật bắt đầu từ việc quan tâm, nâng niu những điều nhỏ nhất trong cuộc sống hàng ngày.
  • Chú trọng bồi đắp tâm hồn, trí tuệ bằng nỗ lực học tập, cố gắng hoàn thiện bản thân.

3. Kết bài

Mỗi người chỉ có một cuộc đời để sống. Làm sao để cuộc đời trôi đi không vô nghĩa là câu hỏi mà nhân loại từ xưa tới nay luôn khao khát giải đáp. Trân trọng những giá trị thật, sống trọn vẹn với những giá trị thật, phải chăng cũng là một đáp án cho câu hỏi muôn đời đó.

Thảo luận cho bài: Những giá trị đích thực của cuộc sống có nguy cơ bị mai một, lung lay