Đề thi học sinh giỏi cấp tỉnh Hải Dương năm 2013-2014 môn Ngữ Văn 12

Đề thi học sinh giỏi cấp tỉnh Hải Dương năm 2013-2014

Mời các bạn học sinh tham khảo thêm:

Đề thi + Đáp án kỳ thi Học sinh giỏi Ngữ Văn 12 cấp tỉnh Hải Dương

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

HẢI DƯƠNG

KỲ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI TỈNH

LỚP 12 THPT NĂM HỌC 2013 – 2014

MÔN THI: NGỮ VĂN

Thời gian làm bài: 180 phút (Không kể giao đề)

Câu 1 (3,0 điểm)

Câu chuyện của hai hạt mầm

Có hai hạt mầm nằm cạnh nhau trên một mảnh đất màu mỡ. Hạt mầm thứ nhất nói: Tôi muốn lớn lên thật nhanh. Tôi muốn bén rễ sâu xuống lòng đất và đâm chồi nảy lộc xuyên qua lớp đất cứng phía trên…

Tôi muốn nở ra những cánh hoa dịu dàng như dấu hiệu chào đón mùa xuân… Tôi muốn cảm nhận sự ấm áp của ánh mặt trời và thưởng thức những giọt sương mai đọng trên cành lá.

Và rồi hạt mầm mọc lên.

Hạt mầm thứ hai bảo:

– Tôi sợ lắm. Nếu bén những nhánh rễ vào lòng đất sâu bên dưới, tôi không biết sẽ gặp phải điều gì ở nơi tối tăm đó. Và giả như những chồi non của tôi có mọc ra, đám côn trùng sẽ kéo đến và nuốt ngay lấy chúng. Một ngày nào đó, nếu những bông hoa của tôi có thể nở ra được thì bọn trẻ con cũng sẽ vặt lấy mà đùa nghịch thôi. Không, tốt hơn hết là tôi nên nằm ở đây cho đến khi cảm thấy thật an toàn đã.

Và rồi hạt mầm nằm im và chờ đợi.

Một ngày nọ, một chú gà đi loanh quanh trong vườn tìm thức ăn, thấy hạt mầm nằm lạc lõng trên mặt đất bèn mổ ngay lập tức.

(THẢO NGUYÊN, Nguồn: Hạt giống tâm hồn – Từ những điều bình dị – First News và NXB Tổng hợp TPHCM phối hợp ấn hành)

Suy nghĩ của anh (chị) về  vấn đề đặt ra trong câu chuyện trên?

Đề thi học sinh giỏi cấp tỉnh Hải Dương năm 2013-2014

Đề thi học sinh giỏi cấp tỉnh Hải Dương năm 2013-2014

Câu 2 (7,0 điểm)

Bàn về lao động nghệ thuật của nhà văn, Mác-xen Pruxt cho rằng:

“Một cuộc thám hiểm thực sự không phải ở chỗ cần một vùng đất mới mà cần một đôi mắt mới”.

Anh (chị) hiểu ý kiến trên như thế nào? Bằng hiểu biết về truyện ngắn “Chí Phèo” của Nam Cao và bài thơ “Tây Tiến” của Quang Dũng, hãy làm rõ quan niệm nghệ thuật của Mác-xen Pruxt.

 

………………………….Hết…………………………

HƯỚNG DẪN CHẤM MÔN NGỮ VĂN

  1. YÊU CẦU CHUNG

– Giám khảo phải nắm được nội dung trình bày trong bài làm của thí sinh, tránh đếm ý cho điểm. Vận dụng linh hoạt Hướng dẫn chấm, sử dụng nhiều mức độ điểm một cách hợp lí, khuyến khích những bài viết có cảm xúc, sáng tạo.

– Học sinh có thể làm bài theo nhiều cách nhưng nếu đáp ứng những yêu cầu cơ bản của đề, diễn đạt tốt vẫn cho đủ điểm.

– Điểm bài thi có thể cho lẻ đến 0,25 điểm và không làm tròn.

  1. YÊU CẦU CỤ THỂ

Câu 1 (3,0 điểm)

  1. Về kĩ năng

Biết cách làm bài văn nghị luận xã hội, lập luận chặt chẽ, có sức thuyết phục, văn viết mạch lạc, trong sáng, không mắc lỗi chính tả, dùng từ hoặc đặt câu.

b.Về kiến thức

Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo các nội dung cơ bản sau:

Nội dung Điểm tối đa
1. Giới thiệu câu chuyện và quan niệm sống tích cực mà truyện gợi ra: Sống phải có ước mơ cao đẹp, dám đương đầu với những khó khăn thử thách để thực hiện ước mơ. 0,25 đ
2. Giải thích 0,5đ
– Tóm tắt thật ngắn gọn truyện: Hạt mầm thứ nhất muốn lớn lên, bén rễ, đâm chồi nảy lộc, nở hoa dịu dàng nên đã mọc lên. Hạt mầm thứ hai sợ đất sâu tối tăm, sợ chồi non bị côn trùng nuốt, sợ trẻ con vặt hoa nên nằm im, chờ đợi, kết cục bị gà mổ tức khắc.

– Mượn câu chuyện hai hạt mầm, tác giả đã nêu lên và khẳng định một quan niệm nhân sinh đúng đắn, tích cực: Con người sống phải có ước mơ (mong muốn những điều tốt đẹp trong tương lai), dám đối đầu với khó khăn để biến ước mơ thành hiện thực và tỏa sáng. Sống không có ước mơ, hèn nhát, sợ hãi, thụ động… chỉ nhận được sự thất bại, thậm chí bị hủy diệt.

3 Lí giải vấn đề 1,25 đ
– Cuộc sống rất đa dạng và phong phú: có cơ hội cho con người lựa chọn nhưng cũng lắm thử thách gian nan. Hành trình sống của con người là không ngừng vươn lên để sáng tạo, in dấu ấn trong cuộc đời. Khó khăn không hoàn toàn là trở lực mà chính là động lực thôi thúc hành động, đạt tới thành công.

– Ước mơ tạo nên bản lĩnh, là nguồn sức mạnh tinh thần to lớn giúp con người vượt qua khó khăn “xuyên qua đá cứng” để sống và tận hưởng hương vị, vẻ đẹp của cuộc đời; là động lực thôi thúc con người tìm tòi, khám phá, đóng góp sức mình làm cho cuộc sống trở nên tươi đẹp hơn.

– Cuộc sống chỉ thực sự có ý nghĩa khi con người có ước mơ, khát vọng và nỗ lực vượt khó, chinh phục mọi thử thách để sinh tồn và phát triển.

– Sợ hãi trước cuộc sống, không dám làm bất cứ điều gì, chỉ biết thu mình trong vỏ bọc hèn nhát, thụ động chờ đợi con người sẽ trở nên yếu hèn.

– Cuộc sống không ước mơ, không dám đương đầu với thực tế là cuộc sống vô vị, nhàm chán, sống thừa, sống vô ích, con người sẽ chỉ nhận được thất bại, thậm chí có thể tan biến trong cuộc đời.

(Trong quá trình lí giải cần chọn dẫn chứng minh họa)

4. Bàn luận

– Bên cạnh những người có ước mơ, không ngừng vươn lên để sáng tạo, cũng còn không ít người sợ hãi, né tránh gian khổ, khó khăn. Bên cạnh những ước mơ chính đáng, phù hợp với mục tiêu cao đẹp của cộng đồng cũng còn có ước mơ vụn vặt, tầm thường, vị kỉ.

– Biểu dương những người có ước mơ, có nghị lực vươn lên. Phê phán những người sống không có ước mơ, thụ động, ngại khó ngại khổ, không có ý chí, nghị lực.

(dẫn chứng minh họa)

0,75đ
5 Liên hệ rút ra bài học về nhận thức và hành động. 0,25 đ

* Ghi chú: Nếu học sinh có ý kiến ngoài hướng dẫn nhưng có những kiến giải  hợp lý, thuyết phục thì giám khảo vẫn đánh giá, cho điểm (không vượt quá điểm tối đa của từng phần).

Câu 2 (7,0 điểm)

  1. Về kĩ năng

– Biết cách làm bài văn nghị luận văn học, bố cục rõ ràng, sử dụng linh hoạt các thao tác lập luận: giải thích, phân tích, chứng minh, bình luận…

– Văn viết mạch lạc, trong sáng, có cảm xúc, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.

  1. Về kiến thức

Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo các nội dung cơ bản sau:

Nội dung Điểm
1 Giới thiệu được vấn đề nghị luận và truyện ngắn “Chí Phèo” của Nam Cao, bài thơ “Tây Tiến” của Quang Dũng. 0,5đ
2 Giải thích ý kiến 1,5đ
– Giải thích từ ngữ

+ “Cuộc thám hiểm thực sự”: Quá trình lao động nghệ thuật nghiêmtúc,   gian khổ và đầy bản lĩnh của nhà văn để sáng tạo nên tác phẩm đích thực.

+ “Vùng đất mới”: Hiện thực đời sống chưa được khám phá (đề tài mới).

+ “Đôi mắt mới”: Cái nhìn, cách cảm thụ con người và đời sống mới mẻ.

→ Hàm ý câu nói: Trong quá trình sáng tạo nghệ thuật, điều cốt yếu là nhà văn phải có cái nhìn và cách cảm thụ độc đáo, giàu tính phát hiện về con người và đời sống.

– Bàn luận

+ Để tạo nên tác phẩm nghệ thuật đích thực, nhà văn phải có tài năng, tâm huyết, có bản lĩnh và phải biết lao động nghệ thuật nghiêm túc, gian khổ giống như“cuộc thám hiểm thực sự”. Nếu dấn thân vào“vùng đất mới” mà nhà văn không có cách nhìn, cách cảm thụ đời sống mới mẻ thì cũng không thể tạo nên tác phẩm nghệ thuật có giá trị đích thực.

+ Dù viết về đề tài đã cũ nhưng bằng cái nhìn độc đáo, giàu tính khám phá, phát hiện, nhà văn vẫn thấu suốt bản chất đời sống, mang lại cho tác phẩm giá trị tư tưởng sâu sắc.

+ Nếu nhà văn có“đôi mắt mới”, biết nhìn nhận con người và đời sống giàu tính khám phá, phát hiện lại tiếp cận với một“vùng đất mới”, thì sức sáng tạo của nhà văn và giá trị của tác phẩm càng độc đáo, càng cao. Vì thế, coi trọng vai trò quyết định của“đôi mắt mới”nhưng cũng không nên phủ nhận ý nghĩa của“vùng đất mới” trong thực tiễn sáng tác.

+ Để có cái nhìn và cách cảm thụ độc đáo nhà văn phải bám sát vào hiện thực đời sống; trau dồi tài năng, bản lĩnh (sự tinh tế, sắc sảo…); bồi dưỡng tâm hồn (tấm lòng, tình cảm đẹp với con người và cuộc đời…); xác lập một tư tưởng, quan điểm đúng đắn, tiến bộ.

(Trong quá trình bàn luận có thể lấy dẫn chứng minh họa)

4. Phân tích, chứng minh 4,5đ
 – Truyện ngắn “Chí Phèo” của Nam Cao

+ Đề tài: Cuộc sống của người nông dân nghèo Việt Nam thời kì trước Cách mạng tháng Tám. Đây là đề tài quen thuộc, được nhiều nhà văn khai thác và đã xây dựng được những hình tượng điển hình như trong: Tắt đèn (Ngô Tất Tố), Bước đường cùng (Nguyễn Công Hoan),…

+ Cũng viết về cuộc sống của người nông dân thời kì trước Cách mạng tháng Tám, Nam Cao không chỉ đề cập đến nỗi khổ đau về vật chất của người nông dân mà còn xoáy sâu vào bi kịch tinh thần đau đớn: Bi kịch bị tha hóa, bị cự tuyệt quyền sống làm người lương thiện.

+ Nhà văn trân trọng phát hiện phẩm chất tốt đẹp của con người. Khẳng định bản chất lương thiện của con người không bao giờ mất đi cho dù họ có bị hủy hoại và tàn phá cả nhân hình lẫn nhân tính…

– Bài thơ “Tây Tiến” của Quang Dũng

Khác với các thi sĩ cùng thời, khi viết về đề tài người lính (anh bộ đội Cụ Hồ) thời kỳ đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, Quang Dũng thể hiện một cách nhìn mới, một“đôi mắt mới”:

+ Nhà thơ không né tránh hiện thực mà nhìn thẳng vào cuộc chiến khốc liệt để làm nổi bật những hi sinh, mất mát.

+ Con đường Tây Tiến hiện ra vừa dữ dội, hùng vĩ vừa thơ mộng, mĩ lệ một thời.

+ Bức tượng đài người lính Tây Tiến (xuất thân từ tầng lớp trí thức Hà Nội) hào hoa, lãng mạn, đậm tinh thần bi tráng.

– Đánh giá khái quát

Nếu có“đôi mắt mới”, cách nhìn mới thì cho dù có viết về“vùng đất cũ” nhà văn vẫn tạo ra được những áng thơ, thiên truyện độc đáo, có giá trị, có phẩm chất và cốt cách văn học, có sức lay động lòng người, có khả năng sống mãi với thời gian.

2,0đ

2,0đ

0,5đ

4. Kết luận vấn đề 0,5đ

………………. Hết ………………..

Thảo luận cho bài: Đề thi học sinh giỏi cấp tỉnh Hải Dương năm 2013-2014 môn Ngữ Văn 12