Học sinh giỏi Ngữ Văn 12 sở giáo dục Thanh Hóa

Học sinh giỏi Ngữ Văn 12 sở giáo dục Thanh Hóa

Mời các bạn học sinh tham khảo thêm:

Đề thi học sinh giỏi Ngữ văn 12 trường Quỳnh Lưu 2 năm 2012-2013

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

THANH HOÁ

KỲ THI HỌC SINH GIỎI CẤP TỈNH

Năm học: 2012-2013

Môn thi: NGỮ VĂN

Lớp 12 THPT

Ngày thi: 15 tháng 3 năm 2013

Thời gian: 180 phút (không kể thời gian giao đề)

Đề này có 03 câu, gồm 01 trang.

Câu I (6,0 điểm)

Tục ngữ châu Phi có câu:

“Mỗi sáng, ở châu Phi có một con linh dương thức dậy. Nó biết rằng, nó phải chạy nhanh hơn con sư tử nhanh nhất, nếu không nó sẽ bị chết.

Mỗi sáng, ở châu Phi có một con sư tử thức dậy. Nó biết rằng, nó phải chạy nhanh hơn con linh dương chậm nhất, nếu không nó sẽ bị chết đói.

Điều quan trọng không phải việc bạn là sư tử hay linh dương.

Khi mặt trời mọc, bạn nên bắt đầu chạy.”

(Theo Frederman – Thế giới phẳng)

Học sinh giỏi Ngữ Văn 12 sở giáo dục Thanh Hóa

Học sinh giỏi Ngữ Văn 12 sở giáo dục Thanh Hóa

Từ câu tục ngữ trên đến thái độ sống của anh/chị?

Câu II (4,0 điểm)

Chất chân quê và linh hồn thơ mới trong đoạn thơ sau:

“Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông,

Một người chín nhớ, mười mong một người.

Gió mưa là bệnh của giời,

Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng.”

(Tương tư – Nguyễn Bính)

Câu III (10,0 điểm)

Bài học từ những nghịch lí trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu.

 

……………………………HẾT……………………………..

Hướng dẫn chấm

Yêu cầu cần đạt
I

 

 

6,0
Yêu cầu về kĩ năng 0,5
Biết cách làm một văn bản nghị luận xã hội, có bố cục rõ ràng, hợp lí; tổ chức sắp xếp hệ thống các ý một cách lôgic, lập luận chặt chẽ, thuyết phục; diễn đạt trôi chảy, mạch lạc; chữ viết rõ ràng, cẩn thận; không quá ba lỗi chính tả, không mắc lỗi dùng từ cơ bản…
Yêu cầu về kiến thức 5,5
1, Giải thích (1,0 điểm)
– Hiểu theo nghĩa đen: Con linh dương, con sư tử phải chạy vì bản năng sinh tồn của loài, không chạy chúng sẽ bị ăn thịt hoặc bị chết đói. 0,5
– Hiểu theo nghĩa bóng: Con người cũng phải “chạy” nhưng không chỉ là hoạt động của đôi chân mà còn là sự vận động về tri thức, về tư duy, về hoạt động trí tuệ => Con người sống là phải hành động, phải vận động từ chân tay đến đầu óc và cả tư tưởng… 0,5
2, Bình luận (3,5 điểm )
* Tại sao sống phải tích cực, phải luôn hành động (chạy)?
– Chạy không có nghĩa là đuổi theo một cách vô thức mà còn bao hàm cả việc tìm kiếm những mục tiêu cao đẹp. => Do đó con người “chạy” là để tồn tại, để khẳng định, để hoàn thiện bản thân và để phát triển. 0,5
– Nếu không chạy, không tích cực, không hành động con người sẽ bị tụt hậu, bị “bỏ rơi” trong xã hội hiện đại. 0,25

 

* Thái độ sống tích cực?
– Để sống con sư tử phải ăn thịt linh dương. Nhưng con người không thể vì hạnh phúc, quyền lợi của mình mà giẫm đạp lên sự sống, hạnh phúc của người khác. 0,5
– Con người “chạy” có mục đích, có hành động, có suy nghĩ tốt đẹp => “Chạy” là để sống tốt hơn, để cống hiến, để khẳng định. 0,5
– Sống tích cực, chủ động, sáng tạo; sống đẹp và sống có ý nghĩa, phải có suy nghĩ đúng, nhận thức đúng, hành động đúng…về mọi vấn đề trong cuộc sống.  (Dẫn chứng) 1,25
* Phê phán – lối sống thụ động, phụ thuộc, ỷ lại, phó mặc.   0,5
3, Bài học (1,0 điểm)
– Thanh niên phải biết định hướng cho mình mục tiêu tốt đẹp. Sống là phải luôn luôn hành động. Hành động có suy nghĩ và chịu trách nhiệm trước hàng động của mình. 1,0
 II 4.0
Yêu cầu về kĩ năng 0,25
  Đảm bảo một văn bản nghị luận có bố cục rõ ràng, hợp lí; tổ chức sắp xếp ý một cách lôgic, chặt chẽ; diễn đạt trôi chảy, mạch lạc; chữ viết rõ ràng, cẩn thận; không quá ba lỗi chính tả, không mắc lỗi dùng từ cơ bản…
Yêu cầu về kiến thức 3,75
1. Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm và vấn đề cần nghị luận.

(0,5 điểm)

– Nguyễn Bính là một trong những cây bút tiêu biểu của phong Thơ mới, là đỉnh cao của trường phái thơ mới – dân gian. 0,25
– Tương tư  là bài thơ đặc sắc, thể hiện đầy đủ đặc điểm của chất chân quê  và linh hồn của “Thơ mới”.

– Đoạn thơ mở đầu đã kết tinh điều đó.

0.25
2. Giải thích vấn đề. (0,5 điểm)
– “Chân quê” là nét riêng của thơ Nguyễn Bính. Đó là cái gốc, là bản sắc văn hoá của con người Việt Nam. Chất “chân quê” ấy được biểu hiện ở tình quê, hồn quê, ở hệ thống ngôn ngữ hình ảnh, thể thơ, cảm xúc và giọng điệu quê. 0,25
– Linh hồn “Thơ mới” trong thơ Nguyễn Bính chính là hồn cốt của cái tôi cá thể, cái tôi cảm xúc. 0,25
3. Biểu hiện của chất chân quê và linh hồn thơ mới trong đoạn thơ.

(2,25 điểm)

a. Chất chân quê (1,25 điểm)
– Thể thơ lục bát – thể thơ truyền thống của dân tộc gần gũi, quen thuộc; Sử dụng ẩn dụ, hoán dụ, so sánh, thành ngữ “chín nhớ mười mong” quen thuộc của ca dao, tục ngữ; sử dụng từ địa phương “giời” trong đoạn thơ. Tất cả gợi lên được phong vị chân quê, hồn quê của người Việt bao đời nay… 0,5
– Hệ thống hình ảnh thôn Đoài, thôn Đông gợi ra một không gian nghệ thuật mang đậm bản sắc dân gian. 0,25
– Lối nói có duyên, giọng điệu kể lể phù hợp với việc bộc bạch nỗi tương tư của một anh trai làng đích thị; sự chân thành trong tình cảm của chàng trai thể hiện cái mộc mạc, dung dị của những con người “chân quê”. 0,5
b, Linh hồn thơ mới (1,0 điểm)
– Cách xưng “tôi”- lộ rõ dần cái tôi cá thể chứ không phải là cái ta trữ tình. Cái “tôi” bộc lộ một cách tự nhiên, không hề giấu diếm, cảm xúc tràn ra bỏ qua “tinh thần trung dung” của đạo Nho. 0,5
– Nhân vật trữ tình hiện ra vừa như một tình nhân đắm đuối vừa như một nạn nhân tự nguyện rước bệnh – bệnh của tình yêu. Câu thơ cuối nỗi nhớ như vỡ oà, chàng trai tự thú nhận và bật lên thành lời “tôi yêu nàng”. Cách bày tỏ tình cảm như thế không thể có trong thơ ca truyền thống. 0,5
4. Đánh giá chung (0,5 điểm )
– Đoạn thơ thể hiện được tài năng Nguyễn Bính: Vừa chân quê, hồn hậu vừa mới mẻ. Chất “chân quê” và “linh hồn” thơ mới hòa quyện làm nên nét riêng trong phong cách thơ Nguyễn Bính. 0,25
– Nguyễn Bính đã “đánh thức người nhà quê vẫn ẩn náu trong lòng ta” và đóng góp một hồn “thơ quê” tạo nên một sắc màu riêng cho một thời đại trong thi ca Việt Nam. 0,25
III 10.0
Yêu cầu về kĩ năng 0,5
  Đảm bảo một văn bản nghị luận có bố cục rõ ràng, hợp lí; tổ chức sắp xếp hệ thống các ý một cách lôgic, chặt chẽ; diễn đạt trôi chảy, mạch lạc; chữ viết rõ ràng, cẩn thận; không quá năm lỗi chính tả, không mắc lỗi dùng từ cơ bản…
Yêu cầu về kiến thức    9,5
1. Khái quát về tác giả, tác phẩm; nêu vấn đề cần nghị luận.

(0.5 điểm )

0,5
2. Tóm tắt ngắn gọn cốt truyện và nêu những nghịch lý. (1,0 điểm ) 1,0
3. Bài học từ những nghịch lí trong “Chiếc thuyền ngoài xa”:

(7,0 điểm)

a. Nghịch lí giữa vẻ đẹp “tuyệt đỉnh”, “toàn bích” của cảnh chiếc thuyền lưới vó trong sương buổi bình minh với cảnh đời cơ cực, ngang trái. (3,5 điểm)
– HS làm rõ nghịch lí đó qua hai phát hiện của nghệ sĩ Phùng về cảnh thiên nhiên đẹp đẽ và cảnh đời đen tối của gia đình hàng chài. 1,5
– Bài học:

+ Cuộc sống luôn tồn tại những mặt đối lập và sự đối lập ấy có khi xảy ra trong cùng một sự vật hiện tượng. Người nghệ sĩ nói riêng và con người nói chung không nên chỉ một mực săn tìm cái đẹp mà cần phải biết tập trung nhãn lực, nhìn xuyên qua những cái bề ngoài đẹp đẽ để nhận ra được bản chất của sự vật, hiện tượng trong cuộc đời. Người nghệ sĩ nếu chỉ nhìn cuộc đời từ xa, từ bên ngoài sẽ không thể hiểu được sự thật về cuộc sống, về thân phận con người.

1,0
+ Hãy tỉnh táo trước cái đẹp. Bởi có những cái đẹp có thể ẩn chứa những phức tạp đi ngược lại hạnh phúc của con người. 0,25
+ Mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc đời: Nghệ thuật không thể tách rời cuộc sống. Cái đẹp phải đi liền với cái “thật”, con người phải được nhìn nhận ở “bề sâu, bề sau, bề xa” của nó. Đó là cái là cái chân, mỹ trong cuộc sống. 0,75
b. Nghịch lí giữa hình thức bên ngoài và phẩm chất bên trong; giữa nỗi đau khổ bị đánh đập, hành hạ của người đàn bà thuyền chài và việc chị khẩn cầu để không phải li dị người chồng vũ phu; giữa ý đồ cứu giúp tốt đẹp của Phùng và Đẩu với sự từ chối của nạn nhân…(2,5 điểm)
– HS phân tích nghịch lí trên qua hình ảnh người đàn bà và thái độ của Phùng, Đẩu khi nghe người đàn bà kể chuyện. 1,0
– Bài học:

+ Cuộc sống vốn không đơn giản, xuôi chiều mà chứa đựng những gồ ghề, và cả những góc khuất (của hoàn cảnh, của cuộc đời, của tâm hồn – chiều sâu nhân cách của con người); cả niềm vui lẫn nỗi buồn, sự vật vã, bức bối. Con người cũng vậy, vốn không nhất phiến, đơn chiều, lí tưởng mà là con người bề bộn, phức tạp. Vì vậy không nên nhìn cuộc sống và con người, cảnh ngộ, số phận một cách đơn giản xuôi chiều mà cần nhìn nhận cuộc sống và con người một cách đa chiều, đa diện mới có thể cảm nhận hết được những gai góc, phức tạp của nó. Bởi như tác giả đã từng nói: “Con người thì đa đoan, cuộc đời thì đa sự”.

1,0
+ Muốn thấu hiểu và giải quyết được nhiều mối quan hệ bên trong của đời sống, con người phải căn cứ vào thực tế của cảnh ngộ, làm cho cuộc sống “dễ thở” hơn, chứ không phải chỉ dựa vào lòng tốt, pháp luật hoặc lí thuyết, sách vở. Nếu chỉ thế sẽ không bao giờ có thể hiểu và giải quyết được trước độ vênh ngàn đời của sự sống. 0,5
c. Nghịch lí ở lão đàn ông vốn trước đây hiền lành và không bao giờ đánh vợ mà bây giờ trở nên vũ phu “ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng”; nghịch lí giữa việc vừa đánh vợ vừa nguyền rủa “mày chết đi cho ông nhờ” với việc vẫn chung sống với vợ trên một chiếc thuyền. (1,0 điểm)
– HS làm rõ qua việc phân tích nhân vật người đàn ông thuyền chài. 0,5
– Bài học:

+ Hoàn cảnh tạo ra tính cách, nó có thể làm xói mòn, tha hóa con người nên con người phải biết cải tạo hoàn cảnh làm cho hoàn cảnh trở nên nhân đạo hơn. Nói như Ănghen: “Nếu tính cách con người được tạo nên bởi hoàn cảnh thì cần phải làm cho hoàn cảnh trở nên nhân đạo hơn”.

0,25
+ Dù trong hoàn cảnh khổ sở, cùng cực đến mức nào con người vẫn không hoàn toàn mất hết nhân tính và vẫn sống có trách nhiệm. 0,25
4. Đánh giá, khẳng định lại những vấn đề đã nghị luận và những đóng góp của Nguyễn Minh Châu. (1,0 điểm)
– Bằng việc xây dựng những nghịch lý, Nguyễn Minh Châu đã gửi gắm nhiều bài học bổ ích, thiết thực. Đó cũng là những thông điệp ám ảnh cho mỗi nghệ sĩ nói riêng và con người nói chung trong cuộc đời. 0,5
– Khẳng định giá trị của tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa – tác phẩm tiêu biểu cho giai đoạn văn học sau năm 1975 của Nguyễn Minh Châu. Ông xứng đáng là người mở đường tinh anh và tài năng nhất của văn học ta hiện nay.

Thảo luận cho bài: Học sinh giỏi Ngữ Văn 12 sở giáo dục Thanh Hóa