Đề thi + Đáp án kỳ thi Học sinh giỏi Ngữ Văn 12 cấp tỉnh Hải Dương
Mời các bạn học sinh tham khảo thêm:
Đề thì Học sinh giỏi Ngữ văn 12 cấp tỉnh Đắk Lắk
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
HẢI DƯƠNG
KỲ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI TỈNH
LỚP 12 THPT
NĂM HỌC 2011 – 2012
MÔN THI: NGỮ VĂN
Thời gian làm bài: 180 phút
Đề thi gồm: 01 trang
Câu 1 (3,0 điểm)
Ngạn ngữ Pháp có câu: Những tư tưởng lớn thường xuất phát từ trái tim lớn, những ân tình nặng thường đến từ lẽ phải.
Ý kiến của anh (chị).
Câu 2 (7,0 điểm)
Bàn về sáng tạo văn chương, nhà phê bình Cao Xuân Hạo khẳng định: Nếu chỉ biết rập khuôn, chắp nhặt những cái sáo cũ thì dù câu đẹp lời hay, vẽ trăng tả gió thì rút cuộc cũng là bắt chước giọng người khác chẳng nói lên được tính tình thực của mình.
Anh (chị) hiểu nhận định trên như thế nào? Hãy chọn và phân tích một tác phẩm văn học đã học trong chương trình Ngữ văn THPT để làm rõ.
………… Hết ………..
HƯỚNG DẪN CHẤM MÔN NGỮ VĂN
(Hướng dẫn gồm 03 trang)
- YÊU CẦU CHUNG
– Giám khảo phải nắm được nội dung trình bày trong bài làm của học sinh để đánh giá chính xác, tránh đếm ý cho điểm. Vận dụng linh hoạt Hướng dẫn chấm, sử dụng nhiều mức điểm một cách hợp lí, khuyến khích những bài viết có cảm xúc, sáng tạo.
– Học sinh có thể làm bài theo nhiều cách nhưng nếu đáp ứng những yêu cầu cơ bản của đề, diễn đạt tốt vẫn cho đủ điểm.
– Điểm bài thi có thể cho lẻ đến 0,25 điểm và không làm tròn.
- YÊU CẦU CỤ THỂ
Câu 1 (3 điểm)
- Về kĩ năng
Học sinh biết cách làm bài văn nghị luận xã hội; lập luận chặt chẽ, có sức thuyết phục, văn viết mạch lạc.
- Về kiến thức
Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần làm rõ những nội dung cơ bản sau:
1 | Giải thích câu ngạn ngữ | 0,75 điểm |
– Tư tưởng lớn là những tư tưởng đem đến những phát minh hay những cống hiến vĩ đại cho nhân loại về kinh tế, chính tri, khoa học,… người có tư tưởng lớn là vĩ nhân, con người kiệt xuất. Trái tim lớn là trái tim cháy bỏng đam mê, khát khao sáng tạo không ngừng hướng tới những điều tốt đẹp cho con người.
– Ân tình nặng là tình yêu thương sâu nặng, sự gắn bó, sẻ chia giữa con người với con người. Lẽ phải là những chuẩn mực đạo đức của xã hội. Như vậy, trái tim lớn là nguồn gốc tạo nên tư tưởng lớn và lẽ phải là cái gốc để đem đến những ân tình sâu nặng. |
||
2 | Phân tích, lí giải | 1,25 điểm |
– Câu ngạn ngữ phản ánh một quy luật, trái tim lớn là nguồn gốc của tư tưởng lớn. Nhờ sự thôi thúc của trái tim lớn mà nhân loại có được những phát minh, cống hiến vĩ đại trên các lĩnh vực, làm giàu thêm kho tàng tri thức của loài người. Cuộc sống chỉ thực sự có ý nghĩa khi con người mang trong mình trái tim cao cả, sẵn sàng hi sinh để cho những tư tưởng lớn ra đời. Thực tế, nhiều nhà tư tưởng lớn của thế giới cũng như của nước ta đều xuất phát từ trái tim mãnh liệt hướng tới những cống hiến cho con người. Vì thế muốn có những tư tưởng lớn, con người phải có những đam mê, khám phá sáng tạo.
– Lẽ phải cũng là cái gốc của những ân tình sâu nặng. Đó chính là phẩm chất, đạo đức tốt đẹp giữa con người với con người, cá nhân với cộng đồng. Có thể nói tất cả những điều tốt đẹp trong cuộc sống đều bắt nguồn từ lẽ phải. – Câu ngạn ngữ đã chỉ ra mối quan hệ gắn bó hữu cơ giữa trái tim lớn với tư tưởng lớn, giữa lẽ phải với ân tình sâu nặng. Nếu không có trái tim lớn thì cũng không có được những tư tưởng lớn và không có lẽ phải thì cũng không có ân tình sâu nặng. Học sinh cần chọn dẫn chứng thực tế đời sống để làm rõ. |
||
3 | Bình luận, đánh giá | 1 điểm |
– Câu ngạn ngữ đưa ra quy luật phổ biến, đúng đắn trong đời sống xã hội. Nhưng khi vận dụng, cũng cần hiểu một cách linh hoạt: không phải khi nào trái tim lớn cũng đem đến những tư tưởng lớn, đúng đắn, tiến bộ và không phải khi nào lẽ phải cũng đem đến những ân tình nặng,…
– Tư tưởng lớn tác động trở lại giúp cho trái tim có thêm đam mê, nghị lực phấn đấu, vươn lên; ân tình sâu nặng cũng củng cố cho lẽ phải vững chắc hơn, đúng đắn hơn. – Rút ra bài học cho bản thân. |
Câu 2 (7 điểm)
- Về kĩ năng
Học sinh biết cách nghị luận một ý kiến bàn về văn học. Vận dụng linh hoạt các thao tác lập luận. Bố cục hợp lý chặt chẽ, văn viết mạch lạc, trong sáng, có cảm xúc, không mắc lỗi về diễn đạt.
- Về kiến thức
Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng phải làm rõ những nội dung cơ bản sau:
1 | Giải thích | 2 điểm |
– Rập khuôn, chắp nhặt là sự sao chép máy móc những điều có trước. Cho nên dù câu đẹp lời hay cũng chỉ là bắt chước giọng người khác chứ không phải sáng tạo nghệ thuật của mình. Vẽ trăng tả gió là những nội dung tác giả muốn khám phá, thể hiện nhưng nếu rập khuôn chắp nhặt thì chẳng nói lên được tính tình thực của mình. Vì vậy, nhà văn không muốn bắt chước giọng người khác và nói lên được tính tình thực của mình thì phải sáng tạo, tìm tòi, đổi mới để không lặp lại trong nghệ thuật.
Đồng quan điểm trên, Nam Cao đã từng khẳng định: “Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho, văn chương chỉ dung nạp những người…”,… – Sáng tạo, tìm tòi cái mới, cái riêng, cái độc đáo luôn là yêu cầu khắt khe làm nên giá trị của tác phẩm văn học vì: + Tác phẩm văn học ra đời phải thỏa mãn các tiêu chí: phản ánh hiện thực khách quan và khám phá thế giới tư tưởng, thỏa mãn nhu cầu thẩm mĩ đa dạng phong phú của con người. + Tác phẩm văn học được xây dựng bằng ngôn từ nghệ thuật, hình tượng có tính thẩm mĩ cao. + Tác phẩm văn học được xây dựng theo phương thức riêng theo đặc trưng của thể loại nhất định. Sự bắt chước, rập khuôn trong văn chương không nói đúng được bản chất, đặc trưng sáng tạo của văn chương. – Tác phẩm văn học là sản phẩm tinh thần của mỗi nhà văn nên bao giờ nó cũng mang dấu ấn riêng của tác giả, thể hiện qua cách chọn đề tài, chủ đề, nội dung tư tưởng, tình cảm và cách lí giải vấn đề bằng tài năng nghệ thuật. Sự sáng tạo tìm tòi cái riêng, cái mới tạo nên phong cách riêng độc đáo. Nhà văn tài năng không chỉ sáng tạo để không lặp lại người mà còn không lặp lại chính mình. – Với độc giả: Tác phẩm văn học là món ăn tinh thần, đem lại những nhận thức mới mẻ sâu rộng về mọi mặt của đời sống xã hội, những bài học quý giá về tư tưởng, tình cảm, lẽ sống thông qua hình tượng nghệ thuật có sức hấp dẫn, lôi cuốn. |
||
2 | Chọn và phân tích tác phẩm cụ thể | 5 điểm |
– Lựa chọn tác phẩm đúng yêu cầu, trình bày rõ lý do chọn tác phẩm và sự hiểu biết cơ bản về tác giả, tác phẩm. | 1 điểm | |
– Phân tích làm rõ giá trị của những sáng tạo trong tác phẩm đã chọn: | 4 điểm | |
+ Lựa chọn đề tài, chủ đề mang tính sáng tạo, mới mẻ.
+ Cách lý giải các vấn đề về nội dung, tư tưởng, tình cảm thẩm mĩ,… + Cách xây dựng hình tượng nghệ thuật của tác phẩm gắn với đặc trưng thể loại: Nếu là tác phẩm tự sự, cần chú ý tới tình huống truyện, nghệ thuật miêu tả khắc họa diễn biến nội tâm nhân vật, lối kể chuyện, hệ thống ngôn từ, kết cấu tác phẩm…; Nếu là tác phẩm trữ tình, cần chú ý tới tâm trạng nhân vật trữ tình, nghệ thuật sáng tạo hình ảnh, ngôn từ, giọng điệu, kết cấu,… + Đánh giá chung về “tính tình thực” của tác giả. |