Đề thi học sinh giỏi Văn 9 trường Phụ Khánh năm 2014-2015
Mời các bạn học sinh tham khảo thêm:
Thi học sinh giỏi Văn 9 Trường Ấm Thượng năm 2014-2015
PHÒNG GD & ĐT HẠ HÒA
TRƯỜNG THCS PHỤ KHÁNH
ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI LÓP 9
MÔN: NGỮ VĂN
NĂM HỌC : 2014 – 2015
( Thời gian làm bài : 150 phút)
Câu 1. (4,0 điểm)
Hãy chỉ ra biện pháp tu từ từ vựng và ý nghĩa của chúng trong các câu thơ sau:
a . “Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu”
(Ông đồ, Vũ Đình Liên)
- Để miêu tả cảnh biệt li của Thúy Kiều với gia đình, đại thi hào Nguyễn Du viết:
“Đau lòng kẻ ở người đi
Lệ rơi thấm đá, tơ chia rũ tằm”
(Truyện Kiều, Nguyễn Du)
- “Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm
Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm
Nhóm niềm yêu thương, khoai sắn ngọt bùi
Nhóm nồi xôi gạo mới sẻ chung vui
Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ
Ôi kì lạ và thiêng liêng – bếp lửa!”
(Bếp lửa, Bằng Việt)
Câu 2: ( 6,0 điểm)
NGƯỜI ĂN XIN
Một người ăn xin đã già. Đôi mắt ông đỏ hoe, nước mắt ông giàn giụa, đôi môi tái nhợt, áo quần tả tơi. Ông chìa tay xin tôi.
Tôi lục hết túi nọ đến túi kia, không có lấy một xu, không có cả khăn tay, chẳng có gì hết. Ông vẫn đợi tôi. Tôi chẳng biết làm thế nào. Bàn tay tôi run run nắm chặt lấy bàn tay run rẩy của ông:
– Xin ông đừng giận cháu! Cháu không có gì cho ông cả.
– Ông nhìn tôi chăm chăm, đôi môi nở nụ cười:
– Cháu ơi, cảm ơn cháu! Như vậy là cháu đã cho lão rồi.
Khi ấy tôi chợt hiểu ra: cả tôi nữa, tôi cũng vừa nhận được một cái gì đó của ông.
(Theo Tuốc-ghê-nhép, Ngữ văn 9, tập một, NXB Giáo dục 2009, tr.22)
Từ câu chuyện trên, em hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 300 từ) bàn về lòng nhân ái của con người trong cuộc sống.
Câu 3: (10 điểm)
Phân tích những thành công về nghệ thuật miêu tả, khắc họa nhân vật của thi hào Nguyễn Du qua các đoạn trích Truyện Kiều em đã học và đọc thêm.
——————–
ĐÁP ÁN CHẤM BÀI
Câu 1. (4.0 điểm) Yêu cầu học sinh trả lời được các câu hỏi:
- Biện pháp tu từ: nhân hóa (buồn, sầu).
Ý nghĩa: Nỗi buồn tủi, cô đơn của ông đồ trong buổi suy tàn của nền Hán học. (1.0 điểm)
- Biện pháp tu từ: tiểu đối (kẻ ở-người đi), nói quá (lệ rơi thấm đá), ẩn dụ (tơ chia rũ tằm).
– Ý nghĩa: Nỗi đau đớn đến đứt ruột của Thúy Kiều khi phải giã biệt gia đình, đồng thời thể hiện tinh thần nhân đạo của Nguyễn Du dành cho nhân vật.(2.0 điểm)
- Biện pháp tu từ: Điệp từ (nhóm).
Ý nghĩa: Hình ảnh người bà quen thuộc bên bếp lửa không chỉ nhóm những gì thân thuộc hữu hình mà còn nuôi dưỡng những kí ức tuổi thơ của cháu. (1.0 điểm)
Câu 2. (6.0 điểm) Yêu cầu:
- a) Về kỹ năng: (0 điểm)
Học sinh biết trình bày suy nghĩ về một vấn đề tư tưởng, đạo lí thông qua một câu chuyện. Biết viết thành bài văn rõ ràng, chặt chẽ. Bài viết mạch lạc, có cảm xúc, tránh lỗi dùng từ, diễn đạt, chính tả…
- b) Về nội dung: (0 điểm)
Bài viết có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần nêu được các ý:
– Truyện kể về việc cho và nhận của cậu bé và người ăn xin, qua đó ngợi ca cách ứng xử cao đẹp, nhân ái giữa con người với con người.
– Sự đồng cảm, tình yêu thương chân thành và cách ứng xử lịch sự là món quà quý giá ta tặng cho người khác.
– Và khi ta trao món quà tinh thần quý giá ấy ta cũng nhận được món quà quý giá tương tự.
– Truyện gợi cho chúng ta nhiều suy ngẫm về việc cho và nhận trong cuộc sống: cái cho và nhận là gì? Đâu phải chỉ là vật chất, có thể là giá trị tinh thần, có khi chỉ là một câu nói, một cử chỉ… và thái độ khi cho và nhận cần phải chân thành, có văn hóa.
– Xác định thái độ sống và cách ứng xử của bản thân: tôn trọng, quan tâm chia sẻ với mọi người…
– Câu chuyện có tác dụng giáo dục lòng nhân ái cho mỗi chúng ta…
Câu 3. (10 điểm)
- a) Về kỹ năng: (0 điểm)
– Học sinh nhận thức được yêu cầu về kiểu bài, nội dung, giới hạn…
– Biết làm bài văn nghị luận văn học: bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ; diễn đạt trong sáng, biểu cảm; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, viết câu…
- b) Về nội dung: (0 điểm)
Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng phải bám sát yêu cầu của đề là nêu bật được những thành công về nghệ thuật miêu tả, khắc họa nhân vật của thi hào Nguyễn Du qua các đoạn trích Truyện Kiều đã học (giám khảo lưu ý thí sinh lạc sang phân tích nhân vật).
* Mở bài:
Dẫn dắt và đưa được vấn đề nghị luận – thành công về nghệ thuật miêu tả nhân vật của Nguyễn Du qua các đoạn trích Truyện Kiều.
* Thân bài :
+ Nghệ thuật miêu tả, khắc họa nhân vật
– Khắc họa chân dung nhân vật chính diện (Thúy Kiều, Thúy Vân) bằng bút pháp ước lệ, tượng trưng (phân tích, chứng minh qua Chị em Thúy Kiều)
+ Thúy Vân có vẻ đẹp tươi tắn, đoan trang, phúc hậu. Vẻ đẹp như dự báo trước số phận yên ổn của nàng sau này (thua, nhường)
+ Thúy Kiều đẹp sắc sảo mặn mà, lại còn có tài năng hơn người trong quan niệm thẩm mĩ thời phong kiến: cầm, kì, thi, họa. Nàng còn là một cô gái có tâm hồn phong phú, sâu sắc, nhạy cảm. Sắc đẹp, tài năng, tâm hồn của Kiều qua ngòi bút của Nguyễn Du đã dự báo trước tương lai số phận đau khổ bất hạnh của nàng (ghen, hờn…)
– Khắc họa tính cách nhân vật qua miêu tả ngoại hình, ngôn ngữ, cử chỉ, hành động (phân tích, chứng minh qua Mã Giám Sinh mua Kiều): Mã Giám Sinh là nhân vật phản diện, được khắc họa bằng bút pháp tả thực. Hắn là một con buôn lưu manh, giả danh một Giám sinh đi hỏi vợ. Về tính danh thì mập mờ. Về diện mạo thì trai lơ. Ngôn ngữ cộc lốc, hành động thô bỉ, xấc xược, vô lễ, ti tiện. Hắn lạnh lùng vô cảm trước những đau khổ của con người. Người đọc sẽ nhớ mãi chân dung tên lái buôn họ Mã với những chi tiết đắt giá tót, cò kè…
– Miêu tả nội tâm nhân vật qua ngôn ngữ độc thoại và nghệ thuật tả cảnh ngụ tình (phân tích, chứng minh qua Kiều ở lầu Ngưng Bích): Đoạn thơ là “một bức tranh tâm tình đầy xúc động”. Nghệ thuật tả cảnh ngụ tình của thi hào trong đoạn thơ cho ta cảm nhận sâu sắc nỗi buồn tủi, cô đơn, lo sợ… của nàng Kiều trước ngoại cảnh rộng lớn, heo hút, mịt mờ… Nghệ thuật độc thoại nội tâm biểu lộ nỗi nhớ da diết của Kiều trong cảnh “bên trời góc bể bơ vơ”
– Khắc họa tính cách nhân vật qua ngôn ngữ đối thoại (Thúy Kiều báo ân báo oán).
+ Qua lời Kiều nói với Thúc Sinh, Hoạn Thư cho thấy nàng là người sắc xảo, trọng ân nghĩa, bao dung, vị tha
+ Lời đối đáp của Hoạn Thư bộc lộ rõ tính cách “khôn ngoan”, “quỷ quái tinh ma” của nhân vật này.
+ Đánh giá chung
– Thúy Vân, Thúy Kiều, những nhân vật chính diện được Nguyễn Du tôn vinh và được khắc họa bằng bút pháp ước lệ cổ điển. Họ là những nhân vật lí tưởng, được mô tả với những chi tiết chọn lọc, ngôn ngữ trang trọng phù hợp với cảm hứng tôn vinh, ngưỡng mộ con người.
– Nhân vật phản diện như Mã Giám Sinh được khắc họa bằng bút pháp tả thực, ngôn ngữ trực diện. Nhân vật này gắn với cảm hứng phê phán, tố cáo xã hội của Nguyễn Du.
– Tôn trọng truyền thống nghệ thuật trung đại nhưng Nguyễn Du cũng in dấu ấn cá nhân trong việc khắc họa chân dung các nhân vật. Nhiều nhân vật của ông đã đạt tới mức điển hình hóa, chính vì vậy người ta thường nói: tài sắc như Thúy Kiều, ghen như Hoạn Thư, đểu như Sở Khanh, mặt sắt (Hồ Tôn Hiến)…
Qua khắc họa chân dung mà thể hiện tính cách, tư cách nhân vật cùng cảm hứng nhân văn của Nguyễn Du trước cuộc đời và con người.
* Kết bài:
– Khẳng định tài năng nghệ thuật miêu tả nhân vật của Nguyễn Du thể hiện qua các đoạn trích Truyện Kiều đã học.
– Có thể nêu ý nghĩa, tác dụng của vấn đề hoặc bộc lộ cảm nghĩ sâu sắc của mình qua phân tích…