Bài 4: Phần trả lời câu hỏi SGK
Bài 4: Lao động việc làm, chất lượng cuộc sống
1. (trang 15 SGK Địa lý 9) Dựa vào hình 4.1 (trang 15 SGK Địa lý 9), hãy:
– Nhận xét về cơ cấu lực lượng lao động giữa thành thị và nông thôn. Giải thích nguyên nhân.
– Nhận xét về chất lượng của lực lượng lao động ở nước ta. Để nâng cao chất lượng lực lượng lao động cần có những giải pháp gì.
Hình 4.1. Biểu đồ cơ cấu lực lượng lao động phân theo thành thị, nông thôn và theo đào tạo, năm 2003 (%)
* Cơ cấu lực lượng lao động của nước ta giữa thành thị và nông thôn:
– Lao động nước ta tập trung chủ yếu ở nông thôn, năm 2003 chiếm 75,8% tổng số lao động.
– Thành thị có tỉ lệ lao động thấp hơn nhiều so với nông thôn, năm 2003 chiếm 24,2%.
– Lao động nước ta có sự phân bố không đồng đều.
*Giải thích:
– Do đặc điểm và tính chất của nền kinh tế của nước ta là nông nghiệp vẫn là ngành kinh tế chủ yếu, nông nghiệp nước ta còn lạc hậu, việc cơ giới hoá nông nghiệp còn nhiều hạn chế nên vẫn còn sử dụng một lực lượng lao động đông. Do đó đa số người dân của nước ta vẫn phải sinh sống ở nông thôn – gắn với sản xuất nông nghiệp.
– Quá trình đô thị hoá ở nước ta đang diễn ra nhanh , nhưng trình độ đô thị hoá còn thấp, quá trình công nghiệp hoá , hiện đại hoá của đô thị vẫn còn đang tiếp diễn. Hơn nữa đa số các đô thị ở nước ta có quy mô vừa và nhỏ… nên số lao động thành thị của nước ta vẫn còn chiếm một tỉ lệ nhỏ trong tổng số lao động của cả nước.
* Nhận xét về chất lượng của lực lượng lao động nước ta:
– Lực lượng lao động của nước ta còn có nhiều hạn chế về trình độ chuyên môn và tay nghề, đặc biệt là đội ngũ cán bộ quản lí, công nhân kĩ thuật lành nghề còn thiếu nhiều. Số lao động không qua đào tạo còn chiếm một tỉ lệ cao trong tổng số lao động, năm 2003 chiếm tới 78,8%.
– Lực lượng lao động đã qua đào tạo chỉ chiếm có 21,2%, thấp hơn nhiều lần tỉ lệ lao động không qua đào tạo.
Giải pháp để nâng cao chất lượng cho lực lượng lao động nước ta.
– Mở các trung tâm đào tạo, hướng nghiệp, dạy nghề ở các địa phương.
– Tư vấn lao động và tìm kiếm việc làm cho người lao động.
– Có kế hoạch đào tạo hợp lí và có chiến lược đầu tư mở rộng đào tạo, dạy nghề.
2. (trang 16 SGK Địa lý 9) Quan sát hình 4.2 (trang 16 SGK Địa lý 9), hãy nêu nhận xét về cơ cấu và sự thay đổi cơ cấu lao động theo ngành ở nước ta.
– Phần lớn lao động nước ta tập trung ở khu vực nông-lâm-ngư nghiệp. Nhưng đang có xu hướng giảm dần từ 71,5% năm 1989 xuống còn 59,6% năm 2003 (giảm 11,9% ).
– Tỉ lệ lao động trong khu vực công nghiệp – xây dựng và dịch vụ còn chiếm tỉ lệ nhỏ, nhưng đang có xu hướng tăng dần. Công nghiệp và xây dựng tăng từ 11,2% (1989) lên 16,4% (2003); dịch vụ tăng từ 17,3% (1989) lên 24,0% (2003).
3. (trang 16 SGK Địa lý 9) Để giải quyết vấn đề việc làm, theo em cần phải có những giải pháp nào.
– Phân bố lại dân cư và nguồn lao động.
– Thực hiện tốt chính sách dân số, sức khoẻ sinh sản.
– Thực hiện đa dạng hoá các hoạt động sản xuất (nghề truyền thống, thủ công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp…) chú ý thích đáng đến hoạt động của các ngành dịch vụ.
– Tăng cường hợp tác liên kết để thu hút vốn đầu tư nước ngoài, mở rộng sản xuất hàng xuất khẩu.
– Mở rộng, đa dạng các loại hình đào tạo các cấp, các ngành nghề, nâng cao chất lượmg đôị ngũ lao động để họ có thể tự tạo những công việc hoặc tham gia vào các đơn vị sản xuất dễ dàng, thuận lợi.
– Đẩy mạnh xuất khẩu lao động.
4. (trang 17 SGK Địa lý 9) Tại sao giải quyết việc làm đang là vấn đề xã hội gay gắt ở nước ta.
+ Còn nhiều người trong độ tuổi lao động thất nghiệp hoặc thiếu việc làm
Năm 2005:
– Tỉ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị là 5,3%
– Tỉ lệ thiếu việc làm ở nông thôn là 9,3%
+ Nguồn lao động là vốn quý của quốc gia, nếu không sử dụng hết sẽ vừa gây lãng phí, vừa gây khó khăn cho việc nâng cao chất lượng cuộc sống, xóa đói giảm nghèo, ổn đinh xã hội.
5. (trang 17 SGK Địa lý 9) Chúng ta đã đạt được những thành tựu gì trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Trong các năm qua, chất lượng cuộc sống của dân cư nước ta từng bước được cải thiện:
+ Mức thu nhập bình quân đầu người tăng liên tục (từ 289 USD năm 1995 lên 1024 USD năm 2008), tỉ lệ hộ nghèo giảm dần.
+ Người dân được hưởng các dịch vụ xã hội (văn hóa, giáo dục, y tế…) ngày càng tốt hơn.
+ Tỉ lệ người lớn biết chữ đạt trên 90%
+ Tuổi thọ trung bình của dân cư được nâng cao, tỉ lệ tử vong, suy dinh dưỡng của trẻ em ngày càng giảm.
6. (trang 17 SGK Địa lý 9) Dựa vào bảng số liệu dưới đây, nêu nhận xét về sự thay đổi trong sử dụng lao động theo các thành phần kinh tế ở nước ta và ý nghĩa của sự thay đổi đó.
Bảng 4.1. CƠ CẤU SỬ DỤNG LAO ĐỘNG THEO THÀNH PHẦN KINH TẾ
(Đơn vị: %)
* Nhận xét:
– Cơ cấu sử dụng lao động của nước ta đang có sự chuyển dịch, thay đổi theo hướng:
– Tỉ lệ lao động trong khu vực kinh tế Nhà nước giảm trong giai đoạn 1985 – 1985 từ 15%(1985) xuống 9,0% (1995).
– Tỉ lệ lao động trong khu vực kinh tế khác tăng về tỉ trọng từ 85%(1985) lên 91%(1995)
– Đến giai đoạn 1995-2002 cơ cấu sử dụng lao động lại có sự thay đổi ngược lại, nhưng không nhiều. Đó là tỉ lệ lao động trong khu vực kinh tế Nhà nước tăng 9%(1995) lên 9,6%(2002) còn các khu vực kinh tế khác giảm 91%(1995) xuống 90,4%(2002).
*Ý nghĩa của sự thay đổi đó:
-Tạo điều kiện thuận lợi để nền kinh tế nước ta chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường trong giai đoạn hiện nay.
– Góp phần giải quyết tình trạng thiếu việc làm và thất nghiệp lớn ở nước ta hiện nay.
– Nâng cao chất lượng nguồn lao động ở nước ta.