Bi kịch gia đình trong tác phẩm Mùa lá rụng trong vườn

Bi kịch gia đình trong tác phẩm Mùa lá rụng trong vườn

Mời các bạn tham khảo thêm tài liệu:

Bố cục bài văn hay ( Phần 2)

Hướng dẫn:

       Mùa lá rụng trong vườn được Ma Văn Kháng viết xong tháng 12 năm 1982, xuất bản lần đầu năm 1985. Từ đó đến nay tác phẩm được tái bản nhiều lần. Năm 2001, nhà biên kịch Đặng Minh Châu chuyển thể Mùa lá rụng trong vườn và Đám cưới không giấy giá thúthành kịch bản văn học; đạo diễn Quốc Trọng dựng thành phim nhiều tập Mùa lá rụng.

Với vai trò là một trong những cuốn sách “tiền trạm” của Đổi mới mà ở đó chứa đựng nhiều dự báo sáng suốt, ngay khi vừa ra đời, Mùa lá rụng trong vườn đã được độc giả đón nhận một cách nhiệt tình. Chỉ trong hai năm 1985 và 1986 đã có hàng chục bài báo viết về tác phẩm này; báo Người Hà Nội đã tổ chức thảo luận bàn tròn về tiểu thuyết Mùa lá rụng trong vườn; Hội Nhà văn Việt Nam trao giải B về văn xuôi cho Mùa lá rụng trong vườn. Đã hơn hai mươi năm trôi qua, trong khi biết bao tác phẩm một thời được coi là tiếng nói của thời đại, là “sách gối đầu giường” đã vơi cạn sức hút, Mùa lá rụng trong vườn vẫn còn được tìm đọc và còn gợi được nhiều suy nghĩ.
        Mùa lá rụng trong vườn viết về đề tài gia đình, một đề tài không mới trong văn học Việt Nam hiện đại. Ngay từ những năm ba mươi của thế kỷ XX, nhiều sáng tác của Tự lực văn đoàn đã khai thác đề tài này. Các tiểu thuyết Đoạn tuyệtLạnh lùng (Nhất Linh);Nửa chừng xuânThừa tự, Gia đình, Thoát ly (Khái Hưng); Gánh hàng hoa (Nhất Linh – Khái Hưng)… đã tập trung phản ánh cuộc đấu tranh giải phóng cá nhân, đấu tranh cho tự do hôn nhân, cho quyền sống của người phụ nữ chống lại sự ràng buộc khắt khe của lễ giáo phong kiến trong đại gia đình phong kiến. GS. Trương Chính đã đánh giá rất cao đóng góp của Tự lực văn đoàn trên vấn đề kêu gọi giải phóng phụ nữ và tự do hôn nhân (dĩ nhiên là bằng văn học và theo kiểu của văn học). Ông viết: “Các nhà văn Tự lực văn đoànđã công kích nhiều mặt của chế độ phong kiến, đặc biệt là luân lý phong kiến đối với phụ nữ. Họ chủ trương tự do hôn nhân, tự do yêu đương xây dựng hạnh phúc gia đình trên tình yêu đôi lứa. Họ căm thù cảnh mẹ chồng nàng dâu, họ chủ trương đàn bà trẻ được tự do cải giá, họ vạch bộ mặt giả dối, xảo quyệt của những người mẹ ghẻ. Họ đứng về phía những người chống lại lớp người cũ. Họ đứng về phía cá nhân chống lại chế độ gia đình” [3, tr. 15]. Từ sau 1945, đất nước phải trải qua ba mươi năm chiến tranh giải phóng dân tộc. Lúc này vận mệnh dân tộc được đặt lên hàng đầu. Vấn đề cá nhân, gia đình trở thành thứ yếu. Theo GS. Nguyễn Đăng Mạnh, các nhà văn thời kỳ này “chủ yếu làm công việc đốt lửa nhiệt tình trong độc giả bằng cách mô tả và ngợi ca những tấm gương chói lọi trong chiến đấu, hy sinh… Những tác phẩm viết về sản xuất hay những đề tài khác cũng thế, vấn đề đặt ra chủ yếu cũng là vấn đề ý chí cách cách mạng, nhiệt tình cách mạng [4, tr. 460]. Mặt khác, một thời do nhận thức rằng chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa không có bi kịch nên  người ta nghĩ là có thể bỏ qua việc nghiên cứu các quan hệ gia đình, cho rằng các quan hệ cha con, vợ chồng, anh em… hình như chẳng có gì phải bàn bạc nữa. Mọi người đều đặt quyền lợi của tập thể, của dân tộc lên trên hết. Cả dân tộc phấn đấu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Trong các sáng tác lấy công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc làm bối cảnh, nếu có miêu tả xung đột gia đình, các nhà văn thường khai thác mâu thuẫn nảy sinh giữa lớp trẻ sục sôi nhiệt huyết, say mê lý tưởng với các thành viên thủ cựu trong gia đình (thường là ông bố – kẻ đại diện cho quyền lực của chế độ gia trưởng) để khẳng định con đường làm ăn tập thể, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Riêng với những tác phẩm viết về đề tài “chiến đấu”, gia đình lại được nhìn nhận như một “tổ chức” thống nhất, tất cả mọi người đều ủng hộ, giúp đỡ nhau hoàn thành tốt công việc của tập thể, của xã hội. Đó là gia đình chị Tư Hậu (trong Một truyện chép ở bệnh viện – Bùi Đức Ai), má Bảy (trong Gia đình má Bảy – Phan Tứ), chị Út Tịch (trong Người mẹ cầm súng – Nguyễn Thi)… Một cách nhìn nhận, thể hiện như thế về gia đình là do yêu cầu lịch sử, do quy định của hoàn cảnh, nên khó có thể khác được.

 Đặt trong bối cảnh đó, có thể nói, Ma Văn Kháng, với Mùa lá rụng trong vườn, đã có công khơi lại mạch viết về chủ đề gia đình vốn bị ngưng đọng gần nửa thế kỷ trong văn học Việt Nam.
Cũng đề cập chuyện gia đình, nhưng là gia đình Việt Nam trong thời kỳ phát triển mới của đất nước, Mùa lá rụng trong vườn  không nói lại những vấn đề từng được các tiểu thuyết của Tự lực văn đoàngiải quyết khá ổn thỏa, mà  tập trung bàn về tính phức tạp trong các mối quan hệ thuộc nội bộ gia đình hoặc giữa gia đình với xã hội, với dân tộc. Dưới cách đặt vấn đề mới của tác giả, các mối quan hệ thông thường giữa cha và con, vợ và chồng, anh và em, bố chồng và nàng dâu, chị dâu và em chồng… bỗng trở thành điểm thử thách sự bền vững của kiểu gia đình truyền thống trong cuộc va chạm với kiểu gia đình hiện đại. Nguy cơ rạn nứt, đổ vỡ trong từng gia đình do vậy cũng được dự báo kịp thời. Ngoài những điều đó, ở Mùa lá rụng trong vườn, tác giả còn nêu lên sự tác động đáng ngại của xã hội  thời mở cửa đối với tổ chức gia đình vốn dĩ rất dễ bị thương tổn. Việc đề cao đồng tiền quá mức, việc sống buông thả theo dục vọng thấp hèn (mặt trái của nền kinh tế thị trường) rất dễ làm xói mòn mọi giá trị truyền thống, làm đảo điên xã hội.
         
 Mùa lá rụng trong vườn kể chuyện một gia đình trí thức còn giữ nhiều nền nếp cổ truyền. Nhìn trên nét lớn, đây cũng là một gia đình kiểu “tứ đại đồng đường” (dù không thật điển hình), bởi ở trong gia đình lớn có sự tồn tại của các gia đình nhỏ (gia đình Đông – Lý, gia đình Luận – Phượng và sau này có thêm vợ con Cừ). Bề ngoài đây là một gia đình mô phạm mẫu mực, có nề nếp gia phong: “Ôi cái gia đình gồm hai ông bà xưa nay được tiếng là mô phạm mẫu mực, với năm anh con trai, năm hòn ngọc quý, anh là liệt sĩ, anh đóng trung tá, anh làm nhà báo, anh đi học nước ngoài… anh nào cũng đẹp người đẹp nết, cùng mấy cô con dâu cán bộ nhà nước, cô nào cũng đảm, cũng dễ thương, ưa nhìn, cái gia đình rất đáng tự hào về sự hoà mục, tiêu biểu cho các quan hệ của con người trong một gia đình thuộc xã hội mới”. Vậy mà cuộc sống khó khăn, đầy biến động của đất nước sau chiến tranh đã đẩy gia đình “mẫu mực” ấy vào một bước ngoặt với những dấu hiệu rạn nứt rõ ràng, không dễ khắc phục.
Sự xáo trộn dữ dội như một quy luật tất yếu của xã hội trong thời kỳ chuyển đổi từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường đã ảnh hưởng đến mọi gia đình Việt Nam. Ma Văn Kháng đã dùng hình ảnh ẩn dụ mùa lá rụng để nói lên qui luật đó. Mọi loài cây trong vườn vào mùa thay lá đều biến đổi. Chúng trút bỏ những chiếc lá vàng cũ kỹ, thay vào đó là những chiếc lá non tơ mơn mởn. Nhưng những chiếc lá mới ấy cũng mọc lên từ những cành mà trước đó không lâu nó đã rũ bỏ không thương tiếc những chiếc lá cũ. Bởi thế, Mùa lá rụng trong vườn  không chỉ đề cập vấn đề “thời kỳ quá độ đôi khi cuốn hút chúng ta vào những mục tiêu kinh tế, cơ sở vật chất, kỹ thuật… mà xem nhẹ việc xây dựng con người, xây dựng cá nhân, xây dựng cá tính…”[4. tr. 280] hay “lối sống ích kỷ, buông thả theo những dục vọng thấp hèn, coi đồng tiền là trên hết, bất chấp những nguyên tắc luật lệ của đạo đức xã hội đang có nguy cơ xâm nhập vào từng gia đình, làm đảo lộn những gì trước đây cho là thiêng liêng, cao cả” [1, tr. 46] mà còn nêu lên yêu cầu đổi mới gia đình truyền thống cho phù hợp với xã hội mới. Truyền thống văn hoá dân tộc và truyền thống gia đình Việt Nam cùng sự đổi mới và thích ứng của nó trong thời đại mới là những vấn đề cơ bản mà nhà văn đặt ra trong tác phẩm. Khăng khăng giữ lại tất cả những gì của ngày xưa không phải là chuyện hợp thời, nhưng thoát ly truyền thống, phá vỡ mọi nề nếp nhất định sẽ dẫn tới bi kịch.

Bi kịch gia đình trong tác phẩm Mùa lá rụng trong vườn
       

  Mùa lá rụng trong vườn trước hết là hồi chuông cảnh tỉnh những người có tư tưởng thủ cựu, cố duy trì, níu kéo kiểu gia đình truyền thống. Trong tác phẩm, ông Bằng là người đại diện cho lớp người đó. Ông cố gắng duy trì cái nề nếp cổ xưa, với hàng trăm điều nhỏ nhặt nhằm xây dựng gia đình hoà thuận, trên kính dưới nhường, trọng nghĩa khinh tài, hướng về sự phát triển đạo đức tinh thần. Đối với ông danh dự gia đình là trên hết. Ông luôn khuyên dạy các con mình phải giữ gìn danh dự: ” Phải giữ gìn các con ạ. Giữ gìn từ những cái nho nhỏ vì từ những cái nho nhỏ cộng lại, hợp thành văn hoá, nền tảng đạo lý đấy”. Vì danh dự gia đình mà ông đánh Cừ – người con trai mới mười ba tuổi – một trận đòn “thiếu sống thừa chết”, rồi thẳng thừng đuổi con ra khỏi nhà, mặc dầu không biết đích xác Cừ có phải là người lấy cắp đồng hồ của khách hay không. Ông muốn dựa vào một nền tảng tinh thần vững bền để chống lại tất cả cái xấu đang tàn phá cuộc sống. Trong những dịp chuyện trò với con cái hay dịp cúng gia tiên vào cuối năm, ông luôn nhắc đến những kỷ niệm đẹp, những đứa con ngoan, thành đạt mà cố lảng tránh Cừ – người con trai bất trị đã bỏ cơ quan trốn đi biệt tích – nhưng lòng ông luôn nổi sóng. Ông chống chọi với hoàn cảnh, với sự thật phũ phàng, thực ra là ông tự dối lòng mình. Trong con người ông luôn có cuộc đấu tranh nội tâm dữ dội. Ông dùng lý trí để khước từ Cừ nhưng tình cha con trong ông không bao giờ phai nhạt. Hình ảnh Cừ luôn in đậm trong trái tim ông. Bởi vậy, khi nghe Đông nói: “Theo con, ba nên có một động tác: làm một cái đơn đưa tới uỷ ban khước từ nó, không chịu trách nhiệm về nó”, ông đã bị tăng huyết áp, mặt tối sầm lại. Hoặc khi cầm bức thư Cừ từ nước ngoài gửi về tay ông run rẩy và không dám mở ra xem. Khi biết Cừ vỡ mộng về “miền đất hứa” và dùng cái chết để sữa chữa lỗi lầm, ông đã ngã gục. Ông Bằng ngã gục không hoàn toàn vì việc Cừ phản bội tổ quốc chạy ra nước ngoài làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến thanh danh gia đình. Ông vốn quá hiểu con mình: ngay từ nhỏ Cừ đã là một đứa trẻ hư hỏng, bất trị, vào bộ đội rồi mà vẫn sống buông thả, sau đó phụ bạc vợ con và bỏ cơ quan trốn đi biệt tích… Cái chết thương tâm, sự hối hận muộn màng của người con trai nơi đất khách quê người cùng việc nó nói ra sự thật về cách giáo dục câu nệ, cứng nhắc, hà khắc, lỗi thời của chính ông đã làm ông gục ngã! Chính vì vậy, trước lúc từ giã cõi đời, ông đã hối hận, nhận ra sai lầm của mình. Ông dặn các con: “Thằng Cừ, lá rụng về cội, thương xót vong linh nó”.
Cũng vì thanh danh gia đình mà ông hy sinh cả tình cảm riêng tư. Vợ chết, ông mất thăng bằng. Cả nhà toàn là người lớn. Ban ngày họ đi làm. Hầu như ông phải sống thui thủi một mình ở nhà. Láng giềng có bà Lang Chí nhân từ, hiền dịu và nhiều khổ đau. Đời bà là một chuỗi những mất mát thiệt thòi. Bà không được hưởng cái hạnh phúc thiêng liêng và giản dị như rất nhiều người đàn bà khác. Nay bà thường xuyên đến chữa mắt và săn sóc ông. Họ là những con người cô đơn đang khao khát một tình bạn khi tuổi xế tàn. Trong lần cùng bà hành hương về cội nguồn vào đầu xuân, ông đã tìm được sự yên ổn. Những tưởng bà sẽ là người bạn tri kỷ, tâm giao của ông, nhưng ông lại dùng lý trí cưỡng lại khát vọng cháy bỏng và chân thật đó. Đây là những suy nghĩ và hành động mang nặng tư tưởng cổ hủ, lỗi thời. Trong con người ông đầy mâu thuẫn. Bề ngoài ông tỏ ra vững vàng, kiên định nhưng bên trong ông rất hoang mang. Ông lo sợ khôn nguôi về một sự đổ vỡ trong gia đình. Sự chênh vênh, chao đảo, bất ổn trong tâm hồn ông Bằng cũng phản ánh phần nào thái độ chênh vênh, phân vân của ngòi bút Ma Văn Kháng. Một mặt, nhà văn lờ mờ cảm nhận được có cái gì đó không ổn, không hợp thời của kiểu gia đình xưa nhưng mặt khác ông lại luyến tiếc những nề nếp, những tôn ti trật tự tạo nên truyền thống gia đình người Việt. Do đó trái tim ông đập cùng nhịp với trái tim ông Bằng nhưng lý trí lại mách bảo ông điều ngược lại. Quả thật, phải xét thời điểm ra đời của tác phẩm (viết xong năm 1982, trước Đổi mới bốn năm), chúng ta mới thấy hết tính dự báo của nó; mới nâng niu, trân trọng những cách tân táo bạo của nhà văn.

Bi kịch gia đình trong tác phẩm Mùa lá rụng trong vườn
    

  Mùa lá rụng trong vườn còn đề cập một thực trạng đáng báo động nữa của xã hội buổi giao thời: không ít người có lối sống ích kỷ, chỉ biết chạy theo dục vọng cá nhân, chạy theo đồng tiền, thoát ly truyền thống, phá vỡ mọi chuẩn mực đạo đức xã hội… Tất cả những điều đó đang hàng ngày, hàng giờ làm băng hoại mọi mối quan hệ gia đình. Trong gia đình ông Bằng xuất hiện hai con người nổi loạn muốn hê tung tất cả, phủ định sạch trơn mọi chuẩn mực đạo đức truyền thống là Cừ và Lý. Cừ vốn là kẻ “trong người đã có sẵn cái mầm hư hỏng”. Mọi lời khuyên bảo, dạy dỗ của ba mẹ đối với Cừ chỉ là hành động “đạo đức giả”. Trong thâm tâm Cừ “coi đạo đức là con số không vô nghĩa”, nên dù bị chửi mắng, đánh đập, doạ nạt đủ điều Cừ vẫn chứng nào tật nấy. Đi bộ đội, Cừ luôn viết thư về nhà kêu khổ để “tróc” cho được nhiều tiền của ba mẹ. Cừ lại  coi việc hệ trọng “trăm năm”  chỉ là “chuyện sinh hoạt vặt vãnh”. Hơn thế, sau khi để lại cho một cô gái nhẹ dạ hai đứa con, Cừ rũ bỏ trách nhiệm làm chồng, làm cha rồi rủ rê một người đàn bà khác trốn chồng cùng mình vượt biên. Chỉ khi đến được “miền đất hứa” thì Cừ mới tỉnh ngộ và  nhận ra rằng “làm kẻ nô lệ dẫu có đeo đầy vàng thì cũng vẫn nhục”, và “con đã đánh mất cái quý giá lắm! Mỗi người chỉ có thể thuộc về một dân tộc nhất định, từ trong tâm hồn. Con người sống có hai nhu cầu vật chất và tinh thần. Phá vỡ đạo đức thì gặp ngay hung bạo. Khinh rẻ giá trị tinh thần thì đời sống trống rỗng, hoang tàn… Con đã oán giận một cái gì đó, cay cú một cái gì đó. Rồi lại ước ao một cái gì đó. Bây giờ thì vỡ mộng, phản tỉnh với cái ước ao, tiếc nuối cái đã oán giận, cay cú”. Như người đi vào đường hầm, càng vào sâu càng bế tắc, Cừ đã chọn cái chết nơi đất khách quê người để chuộc lỗi lầm của mình.
Khác với Cừ là nhân vật chỉ hiện lên gián tiếp thông qua lời kể của các thành viên trong gia đình và qua nội dung bức thư tuyệt mệnh anh để lại, Lý là nhân vật được Ma Văn Kháng khắc hoạ rất đậm nét trong tác phẩm. Lý là nhân vật phức tạp, có cá tính, có đời sống nội tâm phong phú. Có lúc chị đôn hậu đáng yêu, có lúc chị đanh đá tàn nhẫn. Nhà nghiên cứu Vân Thanh đã có những đánh giá về Lý như sau: “Nhân vật này mang nhiều nét đổi mới trong bút pháp tác giả. Đó là một phụ nữ đẹp, sắc sảo, tháo vát nhưng ít học. Khi còn trẻ, là một thiếu nữ mơ mộng, chị đã lấy một anh bộ đội hiền lành. Tự hào về sự anh dũng chiến đấu của chồng, chị đã chung thuỷ với chồng suốt những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt, đã một mình nuôi con thành người. Nhưng chị lại là một con người thích quyền hành muốn sai khiến người khác, dám đứng mũi chịu sào, tự coi mình hơn người, chị lại thích ăn diện, thích theo đòi cuộc sống xa hoa”[2, tr 161]. Đánh giá trên tuy chính xác nhưng còn thiếu phần lý giải. Nhà nghiên cứu chưa chú ý chỉ ra nguyên nhân dẫn đến những thay đổi dữ dội trong con người Lý.
Bi kịch gia đình trong tác phẩm Mùa lá rụng trong vườn

Bi kịch gia đình trong tác phẩm Mùa lá rụng trong vườn

Trước hết, kiểu gia đình nề nếp gia phong như nhà ông Bằng hoàn toàn xa lạ với Lý. Lý mồ côi bố mẹ từ lúc còn rất nhỏ. Tuổi thơ chị không được sống trong mái ấm gia đình, lớn lên lại không được cắp sách đến trường như bao đứa trẻ khác và sớm bị tiêm nhiễm lối sống xô bồ nơi thị thành. Ngay từ những năm đầu lên thành phố sống với chú, Lý đã quen với “những câu đùa cớt nhả, những lời ướm hỏi bóng gió và cái lối tán tỉnh sàm sỡ của đám trai hàng phố”. Tuổi mười lăm, Lý ” đã thinh thích một cái nhìn đưa đẩy, một cái vuốt má nghịch ngợm của một người đàn ông”. Nhà Lý ở cạnh nhà vợ chồng viên quan ba tàu bay. Hàng ngày chứng kiến cảnh cô vợ anh ta thướt tha trong bộ áo dài hoa hiên đi ra chợ, tìm đến những hàng bún, hàng phở ngon nổi tiếng, rồi nửa buổi trở về với một làn đầy thức ăn, niềm ao ước cuộc sống lứa đôi, cuộc sống đủ đầy, xa hoa, hưởng lạc thức dậy mãnh liệt nơi chị. Chị sớm tìm được thần tượng cho mình. Vì vậy, khi Đông xuất hiện trong bộ quân phục sĩ quan, sao vàng lấp lánh trên mũ, khẩu súng ngắn K54 kênh kênh bên hông là “Lý cảm mến và chẳng bao lâu đã yêu tha thiết anh đại uý quân đội nhân dân Việt Nam nọ”. Yêu Đông, lấy Đông là Lý yêu và lấy một thần tượng, là biến cái mộng thành vợ một sĩ quan như nữ sinh Đồng Khánh vẫn hằng lưu giữ trong tâm trí thành hiện thực chứ thực ra Lý chưa hiểu gì về con người Đông. Tiếp đó, Đông đi chiến đấu biền biệt. Năm thì mười hoạ anh mới được sống cùng vợ trong dịp nghỉ phép hay ra Hà Nội công tác. Trong chiến tranh những dịp ấy vô cùng hiếm hoi. Bởi vậy, thời gian họ sống với nhau vô cùng ít ỏi. Từ khi Đông trở về “hình ảnh một ông trung tá trong nỗi nhớ, một ông trung tá được miêu tả hết sức trừu tượng nhưng đầy hãnh diện trước mọi người” ở chị không còn. Bây giờ Đông là xương thịt như mọi người, đã về hưu, tự coi mình đã hoàn thành nghĩa vụ, sống đơn giản, bằng lòng với cuộc sống buồn tẻ – điều đó đã làm cho Lý hoàn toàn vỡ mộng. Câu nói: “Không hiểu tại sao tôi lại lấy ông đấy, ông Đông ạ?” trở thành câu nói  thường nhật mỗi khi chị không bằng lòng với chồng. Thêm nữa, tuổi 40 là tuổi hồi xuân, sắc đẹp của người phụ nữ đạt đến độ viên mãn nhất. Lý vốn đẹp, nay càng đẹp và  hấp dẫn hơn. Chị vẫn giữ nguyên vẻ tươi mát và duyên dáng. Nhiều người vẫn trầm trồ, ngưỡng vọng chị. Bản thân Lý cũng cảm nhận và tự hào về vẻ đẹp hình thể của mình. Sáng sáng, chị thường đứng trước gương ngắm tấm thân  ngọc ngà, trẻ trung gần như khỏa thân của mình.  Nhưng Đông thờ ơ  trước vẻ đẹp và những đòi hỏi chính đáng của chị, không còn là chỗ dựa tinh thần để chị có thể xẻ chia hay bộc bạch nỗi niềm tâm sự. Trong khi đó, bên chị không hiếm những kẻ nhăm nhăm lợi dụng cái phần tối tăm mà thực sự chị  cũng có thừa. Sự năng động, tháo vát của chị được lãnh đạo xí nghiệp sử dụng triệt để. Có điều, họ chỉ chú ý vào kết quả mà không quan tâm đến hành vi và cách thức làm việc để đạt được kết  quả đó của chị nên Lý không phân biệt được tốt –  xấu, trắng – đen, phải – trái. Mặt khác, họ tâng bốc chị quá mức. Nào là “cô là con người năng động nhất”, nào là “chị ấy là con dao pha của chúng tôi”. Vì thế, Lý nhầm  tưởng những hành động “đi cửa sau” của mình là thức thời, năng động phù hợp với xu thế thời đại. Từ đó, Lý có cái ảo tưởng mình có vai trò rất quan trọng “chị ngây ngất vì vinh quang, lòng tràn ngập cái cảm giác mình là nhân vật nổi trội nhất, tài năng nhất, có quyền hành cao nhất lúc này”. Chị thường kể một cách hào hứng với vẻ đầy tự hào về những việc làm của mình. Hơn thế, hàng ngày chị trực tiếp làm việc với tay trưởng phòng vật tư thoái hoá, lẳng lơ, lắm tiền nhiều mưu kế. Hắn sử dụng mọi mánh khoé xảo quyệt để quyến rũ chị. Sự chiều nịnh khéo léo cùng sự sành điệu trong các ngón ăn chơi của hắn đã đẩy Lý từ chỗ không làm chủ được cám dỗ vật chất đến sa ngã, hư hỏng. Tuy nhiên những lúc tỉnh táo chị hoàn toàn phân biệt được đâu là phải đâu là trái, đâu là tốt đâu là xấu. Chị nhận ra chân tướng, thủ đoạn của tay trưởng phòng và vạch trần bản chất xấu xa của anh ta. Chị cảm thấy ghê tởm anh ta, ghê tởm cả chính mình và thề sẽ không bao giờ gặp lại hắn nữa. Lúc ấy, chỉ cần có người tin cậy nâng đỡ, an ủi, sẻ chia là chị vượt qua được sự chông chênh đó. Nhưng người chồng vô lo đến mức vô tâm của chị đã không làm được việc ấy. Vì thế, tâm trạng Lý xáo động: có nhiều chiều lang thang vô định như kẻ mắc bệnh trầm cảm, có những buổi vẩn vơ một mình trên ghế đá và những đêm dài ngột ngạt, trơ trọi trong buồng vắng. Cuối cùng, Lý phó mặc cho “những cảm giác đòi thoả mãn và bất chấp” sai khiến, dẫn chị đến chỗ buông xuôi, trượt ngã.
Bản tính Lý là người thích quyền hành, thèm sai khiến người khác, tự coi mình là quan trọng, là hơn người. Từ ngày có Phượng chuyển về, vai trò của Lý trong gia đình giảm dần. Tệ hại hơn, sự tin cậy của mọi người đối với chị cũng không được như xưa. Luận gián tiếp nói lên điều đó khi ca ngợi chị Hoài là người chín chắn, trung thực, “hoàn toàn tin cậy được”. Cần khéo léo từ chối sự mối mai của chị khi thông báo tháng sau cưới vợ. Còn ông Bằng, trong chúc thư, trao sổ tiết kiệm ba ngàn đồng cho Phượng chứ không phải cho chị, mặc dù chị là cô dâu trưởng và từ trước đến nay mọi việc lớn nhỏ trong nhà đều do bàn tay chị xếp đặt. Thêm nữa, Luận vốn là người hiểu và kính phục chị, luôn ca ngợi chị tài giỏi, tháo vát, chân tình… nhưng bây giờ công khai lên án chị gay gắt, gọi chị là “quỷ sa tăng”. Niềm tin cậy, chỗ bám víu của chị trong gia đình không còn. Chị trở nên cô độc, trơ trọi. Gia đình giờ đây đâu còn là nơi an lạc của chị! Mọi người trong nhà giờ đâu còn chở che, nâng đỡ, vỗ về, an ủi chị! Bao nhiêu bực dọc, bao nhiêu cay đắng, bao nhiêu ấm ức bấy lâu chất chứa trong lòng chị tuôn ra. Chị như kẻ cùng đường, xù lông xù cánh chống trả: “Đối đáp bốp chát, ăn miếng trả miếng, chửi vỗ mặt nhau đanh đá hàng tôm hàng cá, thơn thớt dựng chuyện, vu khống đê tiện một cách nanh ác”. Những nét thô kệch, phàm tục do thiếu văn hoá căn bản trong Lý bộc phát ra hết, vì thế lúc này con người chị chỉ rặt những nét trâng tráo, vô liêm sĩ, bản năng và hoang dã.
Lý cùng đường. Mọi sợi dây ràng buộc chị với chồng và các thành viên trong gia đình đứt tung. Chị buông thả theo lối sống phóng túng, sa đoạ, trác táng với tay trưởng phòng vật tư thoái hoá biến chất. Sự hư hỏng của Lý diễn ra dần dần theo một quá trình buông thả mà không được sự hướng dẫn, giáo dục của tập thể, người thân. Chị vừa thiếu một nền tảng, căn cốt văn hoá vừa thiếu một người tri kỷ, định hướng nâng đỡ về tinh thần, lại chịu tác động mạnh mẽ những mặt trái của kinh tế thị trường, khiến chị không cưỡng lại được sự cám dỗ vật chất, lối sống vị kỷ, thực dụng, bản năng. Nhà văn luôn dõi theo những bước chân của Lý. Ông sung sướng, hả hê khi Lý là một nàng dâu xinh đẹp, đảm đang; một viên chức mẫn cán. Ông hóa thân vào ông Bằng ca ngợi Lý hiếu thảo; hóa thân vào Luận khen Lý tài giỏi, chân tình; mượn lời Phượng, lời ông thiếu tá khen Lý trẻ đẹp hay lời ông giám đốc xí nghiệp đánh giá Lý năng nổ, tháo vát. Ngược lại khi Lý sa ngã, hư hỏng, ông đau đớn, xót xa. Nỗi đau xót có khi nhà văn âm thầm nuốt vào lòng nhưng phần nhiều được bột phát thành những lời phê phán khá quyết liệt. Giận Lý, trách Lý chủ yếu là để trách cứ những thành viên trong gia đình đã không nâng đỡ, che chở và định hướng cho Lý; là trách tập thể, xã hội không giáo dục, uốn nắn kịp thời những sai phạm của chị mà lại bỏ mặc và cuối cùng bỏ rơi chị. Chính vì thế, nhà văn đã chọn giải pháp để chị hối hận, nhận ra sai lầm và xin trở lại mái nhà xưa. Mọi người trong gia đình cũng nhận thức được trách nhiệm của mình về sự sa ngã của chị và mở rộng cánh cửa đón chị trở về.
Một năm trôi qua, gia đình ông Bằng xẩy ra biết bao chuyện. Có ai ngờ ngôi nhà bề ngoài tưởng là êm ấm, thuận hoà ở đầu cái phố đẹp, ẩn mình dưới vườn cây yên tĩnh lại là một vùng chứa nhiều sóng gió đến thế. Một số thành viên trong gia đình  có người phải từ giã cõi đời, có kẻ phải tìm đến cái chết, có kẻ thương tích đầy mình, nhưng tất cả đã nhận ra chân lý: gia đình dù chỉ là giọt nước của biển cả, song nếu thiếu những giọt nước nhỏ bé ấy thì làm sao có được đại dương bao la! Chúng ta, những độc giả củaMùa lá rụng trong vườn không phải không có lúc băn khoăn về những trang viết có phần cường điệu về tính vô tâm, vô trách nhiệm và thái độ thụ động trước hoàn cảnh của Đông – một trung tá đã trải qua mấy chục năm “vào sinh ra tử”. Chúng ta cũng không hoàn toàn bằng lòng với một số giải pháp tác giả đặt ra trong tác phẩm, chẳng hạn việc ông để các nhân vật “nổi loạn” nhận ra lỗi lầm của chính họ quá dễ dàng. Nhưng về cơ bản Mùa lá rụng trong vườn là một tác phẩm tốt, để lại nhiều dư âm trong lòng người đọc, giúp họ thức nhận được vai trò quan trọng của mái ấm gia đình và những thông điệp nhà văn gửi gắm trong tác phẩm là đổi mới phải gắn liền với kế thừa. Đổi mới nhưng không bao giờ quên những tinh hoa truyền thống. Có như vậy, chúng ta vừa tránh được tụt hậu vừa giữ vững bản sắc dân tộc trong việc  xây dựng gia đình, xã hội Việt Nam hiện đại phù hợp  với xu thế hội nhập của thời đại mới.

Thảo luận cho bài: Bi kịch gia đình trong tác phẩm Mùa lá rụng trong vườn