Viết thư cho bạn góp ý về việc học văn
Phân tích truyện ngắn Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng
Đề bài:
Bạn em say mê học Toán nhưng lại chưa thích học Văn. Em hãy góp ý với bạn để giúp bạn học tập toàn diện hơn và đạt kết quả cao hơn.
Bài làm:
Thành phố Đà Nẵng, ngày…tháng…năm 2005
Hoàng thân mến!
Mình đã nhận được thư của bạn. Được biết bạn đoạt giải nhất kì thi Toán khối lớp 9 của thành phố Hồ Chí Minh, mình mừng lắm! Cho mình chia vui cùng bạn nhé!
Bên cạnh niềm vui lớn ấy, có điều này khiến mình còn băn khoăn: bạn nói là bạn vẫn chưa yêu thích môn Văn nên dành rất ít thời giờ cho nó, vì nghĩ rằng nó không cần thiết. Mình nhớ hồi hai đứa còn học chung lớp ở ngoài này, có lần Hoàng nói với mình rằng, sau này sẽ thi vào ban A, trường trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong. Như vậy thì cần gì đến Văn? Chỉ cần học Văn sao cho đủ điểm trung bình là được rồi. Mình không đồng ý với cách nghĩ ấy và chúng ta đã tranh luận hàng giờ với nhau. Nhân dịp này, mình trao đổi thêm với Hoàng về chuyện học Văn nhé!
Có thể nói, lịch sử phát triển của Văn học cũng lâu đời như lịch sử phát triển của Toán học vậy. Từ xa xưa, con người đã biết sử dụng Văn học như một phương tiện để lưu truyền kinh nghiệm và phản ánh đời sống xã hội. Nói cụ thể hơn nữa thì dân tộc nào trên thế giới cũng coi Văn học là sản phẩm tinh thần của dân tộc mình.
Thông qua Văn học, chúng ta nhận thức được nhiều điều bổ ích về con người, về cuộc sống trong quá khứ cũng như hiện tại. Đọc ca dao, tục ngữ hay thần thoại, cổ tích, chúng ta hình dung được tổ tiên, ông cha ta xưa sinh sống ra sao trong suốt mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước. Những ước mơ, khát vọng chinh phục thiên nhiên; những bài học về đạo lí, kinh nghiệm sống ở đời được gửi gắm qua các loại hình văn học từ lúc còn truyền miệng đến khi có chữ viết, cứ thấm dần vào máu thịt, qua năm tháng, tạo nên đời sống tinh thần phong phú cho mỗi con người.
Văn học hướng con người tới Chân, Thiện, Mĩ. Vì vậy, nó là món ăn tinh thần quan trọng. Nó giúp con người hoàn thiện nhân cách để trở nên hữu ích hơn đối với gia đình và xã hội. Ngoài ra, Văn học coi là một phương tiện giải trí lành mạnh và bồ ích sau những giờ học tập và làm việc căng thẳng.
Tác dụng của Văn học lớn lao như thế nên việc học Văn rất cần thiết.
Chúng ta học Văn (bao hàm cả tiếng Việt) tức là học những tinh hoa của tiếng nói dân tộc, tiếng mẹ đẻ thân yêu. Bạn cứ thử nghĩ xem, mọi chuyện sẽ như thế nào khi một ngựời Việt lại không rành tiếng Việt? Điều đó gây trở ngại lớn trong học tập cũng như trong giao tiếp hằng ngày. Việc học Văn sẽ giúp chúng ta có được kĩ năng sử dụng thành thạo ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết. Hai kĩ năng này liên quan chặt chẽ với nhau và là cơ sở nền tảng đế chúng ta học tốt các môn khác. Có thể nói không có một lĩnh vực khoa học nào mà không cần đến ngôn ngữ làm phương tiện, dù dưới hình thức này hay hình thức khác, dù ít hay nhiều.
Bên cạnh việc học tốt tiếng Việt, chúng ta còn học làm văn, tức là học cách xây dựng các loại văn bản khác nhau thường phải sử dụng đến. Một bức thư, một lá đơn, một bản báo cáo… muốn viết cho đúng, cho hay đều phải học cả đấy, Hoàng ạ! Học và thực hành. Học ở trên lớp, học thêm ở nhà và thường xuyên đọc sách để nâng cao hiểu biết. Đó là những điều nên làm trong quá trình học Văn.
Hoàng thân mến!
Mình biết Hoàng say mê học Toán, thậm chí còn ước mơ sẽ trở thành một nhà Toán học trong tương lai nữa. Điều đó rất đáng quý, mình ủng hộ bạn. Nhưng ai cấm một nhà Toán học vừa có tư duy chính xác, vừa có tâm hồn nhạy cảm của một nghệ sĩ? Sẽ thú vị biết bao khi đọc một bài thơ, một truyện ngắn, một tiểu thuyết nào đó, ta hiểu được cái hay, cái đẹp của nó và rút ra từ tác phẩm những bài học bổ ích cho mình? Hiểu được con người và cuộc sống xung quanh ta, đó là hạnh phúc, là niềm vui phải không bạn?
Mạnh Hùng