Thi học sinh giỏi Ngữ văn 12 bảng B cấp tỉnh 2013-2014
Thi học sinh giỏi Ngữ văn 12 bảng A cấp tỉnh 2013-2014
Môn thi: NGỮ VĂN 12 THPT – BẢNG B
Thời gian: 150 phút (không kể thời gian giao đề)
Câu 1 (8 điểm).
Anh/chị có suy nghĩ gì về câu nói của Fran KA.Clark:
“Ai cũng muốn làm điều gì đó rất lớn lao, nhưng lại không nhận ra rằng cuộc sống được tạo thành từ những điều rất nhỏ”.
(Dẫn theo “Hành trang vào đời”, NXB Tổng hợp tp Hồ Chí Minh – 2008, tr.38)
Câu 2 (12 điểm).
Chất thơ trong truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam.
— Hết —
HƯỚNG DẪN VÀ BIỂU ĐIỂM ĐỀ THI CHÍNH THỨC
Môn thi: NGỮ VĂN 12 – THPT BẢNG B
(Hướng dẫn chấm gồm 02 trang)
A.Yêu cầu chung:
- Có kiến thức văn học và xã hội đúng đắn; kĩ năng làm văn tốt: bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ, diễn đạt trong sáng, có hình ảnh và sức biểu cảm, ít mắc lỗi chính tả.
- Hướng dẫn chấm chỉ nêu những nội dung cơ bản, có tính định hướng, định tính chứ không định lượng. Giám khảo cần hết sức linh hoạt khi vận dụng. Cần đánh giá bài làm của thí sinh trong tính chỉnh thể; trân trọng những bài viết có ý kiến và giọng điệu riêng. Chấp nhận các cách kiến giải khác nhau, kể cả không có trong hướng dẫn chấm, miễn là hợp lí và có sức thuyết phục.
- Tổng điểm toàn bài là 20,0 điểm, cho lẻ đến 0,5 điểm.
- Yêu cầu cụ thể:
Câu 1 (8 điểm).
1.Giải thích:
– Ai cũng muốn làm điều gì đó rất lớn lao: khát vọng hướng tới những cái đích của đời người, làm thay đổi cuộc sống theo chiều hướng tốt đẹp hơn.
– nhưng lại không nhận ra rằng cuộc sống được tạo thành từ những điều rất nhỏ: không ý thức được rằng những việc lớn bao giờ cũng phải bắt đầu từ nhiều việc nhỏ, như những dòng sông được tạo thành từ nhiều con suối…
- Bình luận:
– Mơ ước làm nên điều lớn lao là nguyện vọng chính đáng của mọi người, cần được tôn trọng, động viên, khuyến khích.
– Nhưng phải luôn ý thức rằng:
+ Một nhân cách hoàn thiện vốn được bồi đắp từ những việc làm rất nhỏ, nhất là những hành vi đạo đức, lối sống. Ý nghĩa của cuộc sống cũng được kiến tạo từ những điều đơn sơ, bình dị.
+ Phê phán lối sống, cách nghĩ, lời nói ngụy biện: vì việc lớn mà quên việc nhỏ, muốn trở thành vĩ nhân mà quên mình cũng là một con người bình thường.
- Bài học:
– Nhận thức sâu sắc rằng, việc gì nhỏ mấy mà có ích thì kiên quyết làm…
– Thường xuyên rèn luyện đức tính kiên nhẫn, bắt đầu từ những việc làm nhỏ để có thể hướng tới những điều lớn lao.
Biểu điểm:
– Điểm 7-8: Đáp ứng tốt các yêu cầu trên, hành văn trong sáng, có cảm xúc.
– Điểm 5-6: Đáp ứng được phần lớn các yêu cầu trên, hành văn trong sáng, mạch lạc, ít mắc lỗi.
– Điểm 3-4: Đáp ứng được khoảng một nửa yêu cầu trên, còn một số lỗi về diễn đạt, chính tả.
– Điểm dưới 3: Không hiểu đề hoặc hiểu còn mơ hồ, nhiều lỗi diễn đạt.
Câu 2 (12 điểm).
Đề kiểm tra năng lực tổng hợp kiến thức lí luận văn học, cảm thụ tác phẩm và kĩ năng vận dụng các thao tác lập luận.
Sau đây là một số gợi ý:
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm, vấn đề nghị luận.
- Giải thích khái niệm chất thơ: là chất trữ tình, thể hiện qua việc bộc lộ tình cảm, cảm xúc.
- Chất thơ trong truyện ngắn Hai đứa trẻ:
– Bức tranh thiên nhiên phố huyện từ lúc chiều muộn đến đêm khuya: bình dị, thân thuộc, êm ả, nên thơ…
– Tâm hồn hai đứa trẻ: ngây thơ, trong sáng, tinh tế, nhạy cảm, nhân hậu…
– Giọng văn nhẹ nhàng, truyền cảm, giàu tính nhạc và sức biểu cảm…
- Đánh giá:
– Chất thơ là yếu tố làm nên vẻ đẹp riêng, tạo sức hấp dẫn cho truyện ngắn Hai đứa trẻ.
– Chất thơ làm nên dấu ấn phong cách Thạch Lam: “mỗi truyện ngắn như một bài thơ trữ tình đượm buồn…”
Biểu điểm:
– Điểm 11-12: Đáp ứng tốt các yêu cầu trên, hành văn trong sáng, có cảm xúc, giàu hình ảnh.
– Điểm 9-10: Đáp ứng được phần lớn các yêu cầu trên, hành văn trong sáng, mạch lạc.
– Điểm 8-9: Đáp ứng 2/3 yêu cầu trên, hành văn ít mắc lỗi.
– Điểm 6-7: Đáp ứng được 1/2 yêu cầu trên, còn mắc một số lỗi về diễn đạt, chính tả.
– Điểm 4-5: Đáp ứng được một số ý, còn lỗi diễn đạt.
– Điểm dưới 3: Còn non kém về nhiều mặt.