Soạn bài lẽ ghét thương của Nguyễn Đình Chiểu
(Trích Truyện Lục Vân Tiên)
Soạn bài chạy giặc của Nguyễn Đình Chiểu
I. Đọc – hiểu văn bản
Câu 1. Những điều ông Quán ghét
10 câu thơ trong đoạn trích nói về lẽ ghét. Ghét việc tầm phào, ghét vua Trụ mê dâm, U Vương, Lệ Vương gây ra nhiều mối rắc rối, Ngũ Bá chia rẽ, đổ nát, sớm đầu tối đánh… Căn nguyên của cái ghét ở đây là do lòng thương dân, vì dân, ghét những kẻ hại dân, làm cho nhân dân sa hầm sẩy hang, chịu lầm than, nhọc nhằn… Nỗi khổ của dân được lặp lại nhiều lần, rải rác ở các câu 10, 12, 14, 16 thể hiện tấm lòng thường dân tha thiết của nhà thơ.
Để giãi bày cái ghét sâu sắc, tác giả sử dụng điệp từ ghét. Đoạn thơ có 8 từ ghét thì riêng hai câu thơ mở đầu đã có 4 từ:
Quán rằng: “Ghét việc tầm phào”
Ghét cay, ghét đắng, ghét vào tận tâm.
Kết hợp với biện pháp điệp ngữ, phép tăng cấp diễn tả mùi vị, độ sâu tăng dần của cái ghét. Từ cái ghét có vị cay sang cái ghét có vị đắng, đến ghét có vị sâu của lòng người, ghét vào tận tâm. Cách diễn đạt tăng cấp cho thấy cái ghét đã kết tinh thành cái căm thù. Ông Quán căm thù những kẻ hại dân. Điều này thể hiện tính nhân dân trong thơ văn Nguyễn Đình Chiểu.
Câu 2. Những điều ông Quán thương
Đối với cái ghét là lẽ thương, 16 câu thơ kế tiếp như lời tự bạch của ông Quán về tình thương: thương những người có tài cao chí cả, muốn cứu đời, giúp dân nhưng lại gặp rủi ro, bất hạnh nên không thực hiện được chí hướng. Phép điệp từ tiếp tục sử dụng với 9 từ thương trong đoạn thơ này.
Lòng thương của ông Quán thật rộng lớn: thương Nhan Tử mất sớm, dở dang công danh; thương Gia Cát Lượng có tài thao lược không cứu vãn được thời Hán mạt; thương Đồng Trọng Thư tài đức hơn người mà bị dồn vào thế bí; thương Đào Tiềm khí tiết thanh cao lại lui về ở ẩn; thương Hàn Dũ can vua bị đày…
Đoạn thơ được viết theo bút pháp ước lệ, mượn chuyện sách vở để nói chuyện đời. Tác giả kể về các nho gia đáng kính, đồng thời cũng nói về người đời đáng kính.
Ngôn ngữ thật sinh động với những trạng ngữ gợi tả: nếu ghét cay, ghét đắng, đa đoan, lằng nhằng… thì thương cái dở dang, phôi pha, bùi ngùi, chẳng may, bị lời xua đuổi…
Đoạn thơ kết thúc:
Xem qua kinh sử mấy lần
Nửa phần lại ghét, nửa phần lại thương
Cho thấy vì thương nên ghét. Đây là hai mặt tình cảm đối lập nhưng xuất phát từ lòng thương dân sâu sắc.
Câu 3. Nội dung, nghệ thuật và nhân vật trong đoạn trích
Nội dung: Nội dung đoạn trích thể hiện thái độ yêu thương nhân dân và vì dân. Đó là một tiêu chuẩn lớn để nhận định các giá trị, tư tưởng đạo lí trong Truyện Lục Vân Tiên. Thái độ yêu, ghét của tác giả thể hiện qua lời ông Quán. Tấm lòng nhân vật cũng là tấm lòng tác giả. Ghét những kẻ hại dân, thương nhưng ai biết thương dân. Dù đoạn thơ dùng nhiều đển cố của lịch sử Trung Hoa xưa nhưng thực ra để nói chuyện đương thời. Điều này cho thấy lẽ ghét thương của cụ Đồ Chiểu rất chân thành, không hề nặng sách vở.
Nghệ thuật: Đoạn thơ có nhiều điển cố nhưng đều là kiến thức phổ thông. Người bình dân vẫn thường nghe nên có thể hiểu được. Ngôn ngữ thơ chân chất, cách nói như đinh đóng cột, biểu hiện tâm huyết của tác giả. Hình thức câu thơ tuy đơn điệu nhưng không nhàm chán mà trái lại còn tô đậm tấm lòng thương ghét của nhà thơ, thể hiện rõ mạch cảm xúc trữ tình của nhà thơ.
Nhân vật: Trong Truyện Lục Vân Tiên, ngoài Ngư Ông, ông Tiều còn có ông Quán; họ đều là những lao động nghèo nhưng thực chất là hạng nho sĩ ẩn dật. Họ có đạo đức cao quý, có lối sống thanh cao và thường ra tay cứu giúp người đời.