Phân tích bài thơ Thơ Duyên của Xuân Diệu
Phân tích bài thơ Hầu trời của Tản Đà
Bài làm
1. Xuân Diệu được coi là nhà thơ tình số một của văn học Việt Nam hiện đại.
Thơ tình, nói chung, là thơ viết về tình yêu của một nam hay một nữ với một đối tượng khác giới. Ấy thế mà cũng có nhiều loại: có thơ về tình yêu tan vỡ, tức thơ thất tình; có thơ về tình yêu đơn phương; có thơ về thời kì “thơ” của tình yêu (trước hôn nhân); có thơ về thời kì “văn xuôi” của tình yêu (sau hôn nhân)… Tình yêu suôn sẻ, chẳng có vướng mắc song gió gì, xem ra lại ít thấy trong thơ hơn cả. Dù thuộc loại nào thì thơ tình Xuân Diệu cũng hết sức sôi nổi, mãnh liệt. Vì đối với Xuân Diệu, tình yêu thật sự bao giờ cũng đòi hỏi vô biên và tuyệt đích, là sự giao cảm hết mình từ thể xác đến linh hồn.
Thơ duyên cũng là một bài thơ tình, nhưng không thuộc loại kể trên.
Đây chỉ là cây chuyện trai thanh gái lịch ngẫu nhiên gặp nhau trên đường vậy thôi. Có những ngày đẹp trời và may mắn, bỗng nhiên ta đi cùng đường với một người đẹp. Thế là đủ vui sướng và phấn khởi rồi. Nhưng chưa thể gọi là tình yêu thật sự được. Tình yêu gì mà giữa hai người lại có một khoảng cách mà “anh” cũng như “em” không ai có ý định rút ngắn nó lại. Vì có quen biết gì đâu, đã có tình gì thật sự đâu. Một khoảng cách rất cần thiết để đi với nhau một cách tự nhiên, và để chàng trai có thể tưởng tượng ra biết bao nhiêu điều êm đẹp, dịu dàng, thú vị :
Em bước điềm nhiên không vướng chân,
Anh đi lững đững chẳng theo gần
Vô tâm – nhưng giữa bài thơ dịu
Anh với em như một cặp vần.
Tác giả đặt tên cho tác phẩm của mình là Thơ duyên. Dựa vào hình tượng thơ, có thể hiểu duyên ở đây theo nghĩa rộng, không chỉ gắn với quan hệ nam nữ. Bài thơ diễn tả những cảm nhận tinh tế của tác giả trước sự hoà hợp của thiên nhiên với thiên nhiên, giữa thiên nhiên với con người và giữa anh với em,… Một cách tự nhiên, tất cả dường như đều kết duyên với nhau, cặp dôi với nhau, hiệp vần với nhau trong âm hưởng của nhạc (“nơi nơi động tiếng huyền”), trong không khí của thơ và mộng (“Chiều mộng hoà thơ”) và trong tình yêu thương (“Lần đầu rung động nỗi thương yêu”) để sáng tạo nên “bài thơ dịu” treo lên giữa một buổi chiều thu.
Xuân Diệu đâu chỉ là nhà thơ của tình yêu. Đó là một tâm hồn rộng mở luôn luôn khát khao giao cảm với đời, với thiên nhiên vũ trụ :
Là thi sĩ nghĩa là ru với gió
Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây
Để linh hồn ràng buộc với muôn dây…
Hiểu bài thơ theo hướng ấy, ta sẽ thấy Thơ duyên là sự giao duyên của trời đất với cỏ cây, của chim muồng ríu rít trên cành, của con đường nhỏ với gió xiêu xiêu, của cành hoang với nắng chiều, của cánh cò trên ruộng với mây biếc trên trời, của lòng anh với lòng em,… như một thứ duyên trời xe kết vậy thôi, chứ có mối lái gì đâu :
Ai hay tuy lặng bước thu êm
Tuy chẳng băng nhân gạ tỏ niềm
Trông thấy chiều hôm ngơ ngẩn vậy
Lòng anh thôi đã cưới lòng em.
Thơ duyên tạo ra một thế giới hài hoà, một thế giới đầy tình tứ, trong đó vạn vật thảy đều giao duyên với nhau. Cái gốc của sáng tạo ấy là ở đâu ? Là ở một tâm hồn thiếu niên bắt đầu bước vào tuổi dậy thì, khao khát yêu và được yêu. Niềm khao khát ấy tạo nên ở anh ta một thứ nhỡn quan riêng về thế giới : nhìn đâu cũng thấy có quan hộ ái ân, tình tự, có thể tạm gọi là “nhỡn-quan-ân-ái-giao-duyên” chăng ? Một tâm hồn như vậy, một nhỡn quan như vậy lại gặp được một buổi chiều thu thơ mộng ! Gọi Thơ duyên là một bài thơ tình là hiểu theo nghĩa như vậy – thơ của tâm hồn một chàng trai “Lần đầu rung động nỗi thương yêu”.
Cùng một tứ với Thơ duyên còn có bài Rạo rực. Cũng niềm khát khao ấy, cũng một nhỡn quan ấy, chỉ khác là không gặp được “em” nào để ghép vần, nên “anh” trở thành lạc lõng, tự thấy “vô duyên” :
Tơ liễu giong gần tơ liễu êm
Bướm bay lại sánh bướm bay kèm
Nghìn đôi chim hót, chàng trai ấy
Không có người yêu để gọi “em”
Có phải chàng tơ đến tuổi rồi
Ra đường ngỡ được thấy hoa khôi
Uổng cho áo mới mừng xuân rộn !
Ai đợi chàng đâu ? Chỉ nắng cười.
Chàng trai trong Thơ duyên may mắn hơn, có được một “em” đồng hành để tạo nên một cặp vần trong một bài thơ thu tuyệt đẹp. Tuy nhiên tình yêu ở đây cũng chỉ là một nỗi “rạo rực” để “anh” ghép vần với “em”, để lòng anh “cưới” lòng em trong tưởng tượng thế thôi. Của tiếng chim ríu rít như càng vang vọng hơn, càng lảnh lót hơn, dường như khắp nơi nơi, thiên nhiên cùng một lúc dạo lên khúc nhạc để mừng đón thu về :
Thu đến – nơi nơi động tiếng huyền.
Xuân Diệu có nhiều bài thơ thu trong sáng như thế. Đối với ống, mùa thu, thậm chí mùa đông cũng có thể đầy xuân sắc. Xuân xuất tự lòng người nên không có mùa – Xuân không mùa :
Xuân ở giữa mùa đông khi nắng hé
Giữa mùa hè khi trời biếc sau mưa
Giữa mùa thu khi gió sáng bay vừa
Lùa thanh sắc ngẫu nhiên trong áo rộng…
Nhưng khác với mùa xuân, mùa hạ, cảnh thu bao giờ cũng đẹp một cách dịu dàng – đúng là một “bài thơ dịu”, là những “bước thu êm”. Màu sắc dịu, đường nét thanh nhẹ, ánh sáng trong mát, âm thanh nhẹ nhàng, êm ái. Hai câu thơ mở đầu, âm điệu thật dịu dàng mềm mại (chú ý những phụ âm):
Chiều mộng hoa thơ trên nhánh duyên,
Cây me ríu rít cặp chim chuyền…
Không phải ngẫu nhiên mà nhà thơ dùng nhiều từ láy. Có phải để cho tất cả trở nên mềm mại hơn chăng, nhỏ nhắn hơn chăng, sẽ sàng hơn chăng ?
Con đường nhỏ nhỏ, gió xiêu xiêu
Lả lả cành hoang, nắng trở chiểu ;
Trong không khí ấy, con người cũng không muốn ồn ào :
Em bước điềm nhiên không vướng chân,
Anh đi lững đững chẳng theo gần.
im ắng để lắng nghe và thưởng thức cuộc giao duyên của trời đất, cỏ cây.
Có người cho rằng Thơ duyên là một tác phẩm đứng bên lề sáng tác của Xuân Diệu trước Cách mạng tháng Tám (thơ tình mà không âu sầu, u uất, thơ về cảnh chiều thu mà không quạnh quẽ thê lương). Nhưng trong Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh đã hai lần nhắc đến bài thơ này với những lời ngợi ca rất mực và cho rằng Thơ duyên, cũng như Nguyệt cầm, Đây mùa thu tới,… “mới thực sự là Xuân Diệu”. Ở đây, “sự bồng bột của Xuân Diệu có lẽ đã phát biểu ra một cách đầy đủ hơn cả trong những rung động tinh vi”.
Nếu ở thơ Thế Lữ là màu sắc, đường nét rõ ràng :
Trời cao xanh ngắt. Ô kìa !
Hai con hạc trắng bay về Bồng lai.
thì ở thơ Xuân Diệu là biến thái của hình và sắc khó gọi tên ra được :
Con đường nhỏ nhỏ, gió xiêu xiêu
Lả lả cánh hoang, nắng trở chiều ;
Hoài Thanh dẫn ra hai câu thơ sau đây của bài Thơ duyên và nhận xét:
Mây biếc về đâu bay gấp gấp
Con cò trên ruộng cánh phân vân.
“Từ con cò của Vương Bột lặng lẽ bay với ráng chiều đến con cò của Xuân Diệu không bay mà cánh phân vân, có sự cách biệt của hơn một ngàn năm và của hai thế giới”. Hoài Thanh không nói rõ “sự cách biệt” ấy ở chỗ nào. Có lẽ một đằng là hoạt động hữu hình :
Lục hà dữ cô lộ tê phi,
Thu thuỷ cộng trường thiên nhất sắc.
(Ráng chiều và con cò cô đơn cùng bay,
Nước thu và trời thu một màu).
còn một đằng là những vận động vô hình trong gân cốt của cánh cò đang ngập ngừng “phân vân” trước khi cất mình theo “mây biếc” chăng ?
Nỗi băn khoăn, niềm xôn xao trong linh hồn “cái tôi thơ mới” mà Xuân Diệu gửi vào cánh cò “phân vân” ấy, nhà thơ thời Đường chưa thể có được.