Phân tích câu nói Thất bại là mẹ thành công
Bình luận lời đối đáp của Bóc-na Sô với người vũ nữ
Đề bài:Anh (chị) hãy phân tích nội dung câu cách ngôn: Thất bại là mẹ thành công.
Bài làm:
Chúng ta ai cũng muốn thành đạt trong cuộc sống, nhưng con đường dẫn tới thành công thường gian nan, vất vả, thậm chí có khi còn nguy hiểm. Để động viên con cháu bền gan phấn đấu và tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng, ông cha chúng ta đã có câu cách ngôn chí lí: Thất bại là mẹ thành công.
Thực tế cho thấy điều đó là đúng. Chúng ta làm bất cứ việc gì dù nhỏ, dù lớn thì lúc đầu cũng khó. (Vạn sự khởi đầu nan). Khó vì thiếu hiểu biết, khó vì chưa quen việc. Nếu thiếu tính kiên nhẫn, chúng ta sẽ chán nản, bỏ dở nửa chừng hoặc không bao giờ làm việc đó nữa. Như thế là thái độ buông xuôi, chấp nhận thất bại. Mà người nào đã chấp nhận thất bại ngay từ đầu thì suốt đời khó có thể đạt được thành công. Những kẻ như vậy bị mọi người coi là “đồ vô dụng”.
Có thể lấy ví dụ trong học tập. Sự kiên trì và nghị lực phấn đấu là yếu tố quyết định thành công. Nhiều bạn học sinh gia đình nghèo túng, điều kiện sinh hoạt và học tập thiếu thốn nhưng ý chí và khát vọng vươn lên thật đáng nể phục. Thi vào Đại học một lần không đỗ, các bạn không nản chí, tiếp tục ôn luyện để thi lại, thực hiện bằng được ước mơ của mình là trở thành kĩ sư, bác sĩ hay nhà giáo… Nhiều sinh viên vừa học vừa làm để tự nuôi thân, không ngại nhọc nhằn, gian khổ. Sau thời gian học Đại học, họ vừa tiếp thu được kiến thức cơ bản từ nhà trường, vừa trưởng thành lên rất nhiều trong cuộc sống. Bài học đầu tiên mà họ rút ra được từ thực tế là mọi khó khăn, trở ngại trên con đường đi tới chỉ thử thách ý chí và nghị lực chứ không thể nào chặn đứng được bước chân hăm hở của những con người có mục đích đúng đắn và lập trường kiên định.
Phân tích câu nói Thất bại là mẹ thành công
Điều quan trọng là chúng ta phải biết chấp nhận thất bại, vì từ thất bại, con người sẽ suy ngẫm, phân tích để nhận ra đâu là đúng, đâu là sai? Cái gì nên làm và cái gì không nên làm? Kinh nghiệm “xương máu” đó sẽ vô cùng có ích, giúp chúng ta hạn chế những sai lầm tiếp theo và mở ra khả năng dẫn đến thành công.
Những tấm gương thành đạt trong sự nghiệp mà tên tuổi cả thế giới đều biết như Ê-đi-xơn, Anh-xtanh, Men-đê-lê-ép, Đác-uyn, Pát-xtơ, Lô-mô-nô- xốp, Xi-ôn-cốp-xki, Gra-ham Bell, Hu-ghes, Pi-tơ Carl, Bill Gates… đã có những phát minh khoa học to lớn làm thay đổi cuộc sống của nhân loại. Họ đã phải tìm tòi nghiên cứu trong nhiều năm ròng rã, phải trải qua nhiều lần thất bại mới đạt được thành công.
Có những mẩu chuyện rất cảm động về tinh thần làm việc không mệt mỏi của các nhà bác học. Ví dụ như Ê-di-xơn, nhà bác học người Mĩ rất nghiêm khắc với bản thân. Để có được bất kì một phát minh nào, ông kiên trì làm hết thí nghiệm này đến thí nghiệm khác, cho tới khi nào đạt kết quả mới thôi. Nghiên cứu về bình ắc-quy, ông làm thí nghiệm tới 5000 lần. Quá trình tìm vật liệu thích hợp để làm dây tóc bóng điện, con số thí nghiệm lên đến 8000 lần.
Hay như Xi-ôn-cốp-xki (1857 – 1935) nhà vật lí học người Nga đã chế tạo ra tên lửa nhiều tầng đầu tiên. Thời còn là sinh viên, ông tiết kiệm từng đồng rúp để mua sách, mua dụng cụ thí nghiệm nên chỉ sống chủ yếu bằng bánh mì và nước lã. Để giải đáp thắc mắc vì sao quả bóng không có cánh mà vẫn bay lên được, ông đã đọc không biết bao nhiêu là sách. Nghĩ ra điều gì, ông lại mày mò làm thí nghiệm, có khi đến hàng trăm lần. Nhờ khổ công nghiên cứu kiên trì, bền bỉ suốt 40 năm mà ông đã thực hiện thành công mơ ước tìm đường lên các vì sao. Ông có một câu nói nổi tiếng là: “Các vì sao không phải để nhìn ngắm mà để chinh phục”. Nước Nga trở thành cường quốc trong lĩnh vực vũ trụ như ngày nay phải kể đến cống hiến vô cùng quan trọng của nhà khoa học vĩ đại Xi-ôn-cốp-xki, người được tôn vinh là ông tổ của ngành khoa học vũ trụ.
Ở nước ta cũng có rất nhiều gương sáng về nghị lực phấn đấu như giáo sư Trần Đại Nghĩa (tên thật là Phạm Quang Lễ, quê ở tỉnh Vĩnh Long), tốt nghiệp kĩ sư cầu cống, kĩ sư điện và kĩ sư hàng không tại Pháp. Năm 1946, nghe tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông đã rời bỏ cuộc sống đầy đủ tiện nghi ở nước ngoài, theo Bác Hồ về nước. Bác Hồ đặt tên mới cho ông là Trần Đại Nghĩa và giao nhiệm vụ nghiên cứu chế tạo vũ khí phục vụ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Trên cương vị Cục trưởng Cục quân giới, ông đã cùng anh em miệt mài nghiên cứu chế tạo ra những loại vũ khí có sức công phá lớn như súng ba-dô-ca, súng không giật, bom bay tiêu diệt xe tăng và lô cốt giặc… Những cống hiến của giáo sư Trần Đại Nghĩa được đánh giá rất cao. Ông đã được Nhà nước trao tặng nhiều huân chương và danh hiệu cao quý như Anh hùng Lao động, Giải thưởng Hổ Chí Minh.
Trong lĩnh vực y tế có các giáo sư bác sĩ Đặng Văn Ngữ, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Văn Hưởng… đã đem hết nhiệt huyết, tài năng và sức lực để nghiên cứu, chế tạo ra những thứ thuốc kháng sinh đặc biệt chống nhiễm trùng, chống sốt rét cho chiến sĩ ta trên chiến trường. Giáo sư bác sĩ Tôn Thất Tùng là người đề xuất và thử nghiệm thành công phương pháp mổ gan khô. Bác sĩ Nguyễn Tài Thu chỉ với những cây kim châm cứu nhỏ bé đã chữa khỏi bệnh nan y cho hàng ngàn bệnh nhân trong và ngoài nước, khẳng định hiệu quả phương pháp chữa bệnh cổ truyền của dân tộc ta trước thế giới… Tất cả những thành công đó đều là kết quả của quá trình học tập và làm việc miệt mài, chấp nhận gian nan, thử thách, chấp nhận hiểm nguy, thất bại để có được thành công.
Trong lĩnh vực học tập cũng có nhiều tấm gương kiên trì, khổ luyện vượt khó để đạt kết quả tốt mà đài báo đã nêu trong thời gian qua.
Thế mới biết ý chí, nghị lực, lòng kiên nhẫn, sự bền bỉ đóng vai trò quan trọng, quyết định thành công hay thất bại của từng công việc và của sự nghiệp mỗi người. Có lí tưởng, mục đích ban đầu chưa đủ, phải có ý chí kiên định, lập trường vững vàng, khát vọng chiến thắng kết hợp với một phương pháp làm việc năng động và sáng tạo thì chúng ta mới có thể thành công. Chúng ta hãy luôn ghi nhớ lời khuyên của ông cha: Có công mài sắt, có ngày nên kim và lời dạy quý báu của Bác Hồ:
Không có việc gì khó,
Chỉ sợ lòng không bền.
Đào núi và lấp biển,
Quyết chí ắt làm nên.