Bình luận lời đối đáp của Bóc-na Sô với người vũ nữ

Bình luận lời đối đáp của Bóc-na Sô với người vũ nữ

Trình bày quan điểm của em về câu nói: Đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều

Đề bài:

Bóc-na Sô khi đã nổi tiếng, có một vũ nữ đề nghị ông cưới cô ta với lí do: Nếu ông và em lấy nhau thì con của chúng ta sẽ thông minh như ông và xinh đẹp như em, thật là tuyệt vời! Bớc-na Sô hóm hỉnh đáp lại: Nếu tôi và em lấy nhau, mà con cái chúng ta lại đẹp như tôi và thông minh như em, thì đáng sợ biết bao!

Bài làm:
Anh (chị) hãy bình luận lời đối đáp trên.

Bớc-na Sô là nhà văn, nhà biên kịch lớn của nước Anh. Ông vốn là người thông minh, lịch lãm và hài hước, được nhiều người mến phục nhưng bề ngoài lại xấu trai. Sau khi Bớc-na Sô trở nên nổi tiếng, có một vũ nữ đề nghị ông cưới cô ta với lí do: Nếu ông và em lấy nhau thì con của chúng ta sẽ thông minh như ông và xinh đẹp như em, thật là tuyệt vời! Bớc-na Sô hóm hỉnh đáp lại: Nếu tôi và em lấy nhau, mà con cái chúng ta lại đẹp như tôi và thông minh như em, thì đáng sợ biết bao!

Đây là một giai thoại vui chứng minh cho sự thông minh, dí dỏm của Bớc- na Sô thể hiện trong một tình huống giao tiếp khá thú vị. Cô vũ nữ xinh đẹp chủ động đề nghị ông hãy cưới cô ta làm vợ. Cuộc đối thoại phần nào phản ánh tính cách của từng người.

Trước hết, ta hãy bàn đến nội dung câu nói của cô vũ nữ: Nếu ông và em lấy nhau thì con của chúng ta sẽ thông minh như ông và xinh đẹp như em, thật là tuyệt vời! Về cấu trúc, câu có ba vế. Vế thứ nhất có tính chất giả thiết: Nếu ông và em lấy nhau, vế thứ hai có tính chất suy luận: thì con của chúng ta sẽ thông minh như ông và xinh đẹp như em. Vế thứ ba có tính chất kết luận: thật là tuyệt vời!

Câu nói ấy có thể xuất phát từ một trong hai cơ sở. Một là từ lòng kính phục, ngưỡng mộ đặc biệt của cô đối với Bớc-na Sô, tình cảm ấy chuyển thành tình yêu và ước muốn tiến tới hôn nhân thật sự. Hai là cô ta muốn lợi dụng sự nổi tiếng của Bớc-na Sô để mình cũng trở nên nổi tiếng.

Cô vũ nữ hình dung tình yêu, hôn nhân và chuyện sinh con đẻ cái hoàn toàn theo cảm tính nên cho rằng mọi sự đều sẽ dễ dàng, đơn giản như vẽ một đường thẳng trên giấy. Cô ta tràn trề hi vọng khi tương lai tươi đẹp hiện ra trước mắt.

Nếu xuất phát từ cơ sở thứ nhất thì tình cảm của cô vũ nữ thật đáng trân trọng vì cô biết khao khát và hướng tới sự hoàn thiện, hoàn mĩ của con người, biết nghĩ tới sự phát triển và lan tỏa của cái tốt, cái đẹp trong cuộc đời. Đó là cái nhìn lạc quan, tin tưởng không thể thiếu trong tình yêu.

Tuy nhiên, lời nói của cô vũ nữ thể hiện suy nghĩ phiến diện, một chiều vì cô ta chỉ nhận thấy ưu điểm nổi trội của hai người: sắc đẹp của cô và trí thông minh của Bớc-na Sô. Có nghĩa là chỉ thấy màu hồng của tình yêu mà chưa hình dung ra hết những gian nan, trở ngại tam tứ núi, ngũ lục sông mà kẻ đang yêu phải vượt qua để đến với nhau. Cuộc sống sau hôn nhân thường gặp muôn vàn phức tạp, khó khăn chứ không suôn sẻ, một chiều như cô nghĩ. Là cha là mẹ, ai cũng muốn con cái mình sinh ra sẽ đẹp như hoa, như ngọc, sẽ thông minh, giỏi giang như thần đồng. Nhưng ao ước được mười phân vẹn mười thì quả là khó vì điều đó còn phụ thuộc vào bao nhiêu yếu tố khác nữa ngoài ý muốn và khả năng của con người

Bình luận lời đối đáp của Bóc-na Sô với người vũ nữ

Bình luận lời đối đáp của Bóc-na Sô với người vũ nữ

.

Vì vậy, Bớc-na Sô nổi tiếng thông minh, hiểu biết đã hóm hỉnh đáp lại cô vũ nữ bằng một câu nhẹ nhàng, trào lộng mà không kém phần thâm thúy: Nếu tôi và em lấy nhau, mà con cái chúng ta lại đẹp như tôi và thông minh như em, thì đáng sợ biết bao! Câu trả lời của nhà văn cũng gồm ba vế. Vế thứ nhất có tính chất giả thuyết: Nếu tôi và em lấy nhau, vế thứ hai có tính chất suy luận: mà con cái chúng ta lại đẹp như tôi và thông minh như em. Vế thứ ba có tính chất kết luận: thì đáng sợ biết bao!

Là một nhà văn từng trải nên suy nghĩ của Bớc-na Sô không bồng bột, cảm tính như suy nghĩ của cô vũ nữ mà điềm tĩnh, chín chắn và dựa trên quy luật vận động của sự vật, sự việc. Tình yêu và hôn nhân đối với ông cũng là một hiện tượng xã hội có hai mặt đối lập và thống nhất với nhau. Sự việc không bao giờ diễn ra một chiều, một hướng theo ý định chủ quan mà nó phát triển theo quy luật khách quan ngoài ý muốn của con người.

Bớc-na Sô đã chỉ ra khả năng hoàn toàn ngược lại từ sự kết hợp này: con gái sinh ra sẽ xấu như cha và thiếu trí tuệ như mẹ (cô vũ nữ) thì đáng sợ biết bao! Câu trả lời của Bớc-na Sô không phải là sự từ chối thẳng thừng đề nghị của cô vũ nữ mà ông chỉ đưa ra khả năng thứ hai, tức khía cạnh mà cô vũ nữ không nhận ra để cô ta “tỉnh ngộ”, nếu câu đề nghị của cô ta xuất phát từ ý định thiếu nghiêm túc là muốn lợi dụng sự nổi tiếng của ông.

Qua đoạn đối đáp ngắn gọn và cách lập luận bác bỏ sắc sảo của Bớc-na Sô, người đọc đã nhận ra chân dung tinh thần của hai nhân vật: nhà văn Bớc-na Sô thông minh, hóm hỉnh, thâm thúy nhưng… xấu trai và cô vũ nữ xinh đẹp nhưng suy nghĩ có phần hời hợt và nông nổi. Câu trả lời tuy thẳng thắn nhưng vẫn giữ được thái độ lịch sự cần thiết, chứng tỏ ông hiểu mình, hiểu người. Thấp thoáng sau câu nói đó là nụ cười hóm hỉnh tự trào về vẻ ngoài “xí trai’’ của Bớc-na Sô.
Câu chuyện giữa nhà văn tài hoa và cô vũ nữ xinh đẹp tuy ngắn gọn nhưng hàm súc, mang lại cho chúng ta những bài học bổ ích. Trước hết là về phương pháp nhìn nhận, suy nghĩ, phân tích trước các vấn đề dù đơn giản hay phức tạp của cuộc sống, cần sáng suốt, tỉnh táo khi nhìn nhận sự việc trong quy luật vận động của nó, không thể chỉ bằng cảm tính hay lí tính đơn thuần vì rất dễ dẫn đến sai lầm. Tiếp đến là bài học về nhân sinh quan. Cuộc sống cần có tình yêu, tình yêu chân thành dẫn đến hạnh phúc gia đình bền vững. Nó tạo ra động lực to lớn cho hai vợ chổng vượt lên mọi trở ngại để vun đắp tương lai. Câu chuyện thú vị giữa nhà văn Bớc-na Sô và cô vũ nữ có tính chất ngụ ngôn chứa đựng triết lí sâu sắc và là bài học bổ ích cho thanh niên trước ngưỡng cửa tình yêu, hôn nhân và gia đình.

Thảo luận cho bài: Bình luận lời đối đáp của Bóc-na Sô với người vũ nữ