Bình luận câu tục ngữ ” Một điều nhịn chín điều lành”

Bình luận câu tục ngữ ” Một điều nhịn chín điều lành”

Nghị luận xã hội về quan điểm của em về đồng tiền trong cuộc sống

Đề bài:

Phải chăng: Một điều nhịn, chín điều lành? Anh (chị) hãy viết bài văn bình luận câu tục ngữ này.

Bài làm:
Tục ngữ, thành ngữ là kho tàng kinh nghiệm quý giá mà người xưa để lại cho chúng ta. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, kho kinh nghiệm đó không những không bị mai một mà còn được trải nghiệm, mài giũa và ý nghĩa của nó ngày càng được khẳng định trong cuộc sống. Câu tục ngữ tiêu biểu nói về kinh nghiệm ứng xử ở đời được nhiều người biết đến là câu: Một điều nhịn, chín điều lành. Hình thức ngắn gọn với hai vế đăng đối cùng vần điệu uyển chuyển của nó khiến người nghe tiếp thu dễ dàng. Ngoài ra, cách so sánh cường điệu cũng làm tăng sức thuyết phục của nội dung.

Trong câu tục ngữ trên có hai khái niệm là nhịn và lành. Nhịn là đức tính nhẫn nại, nhún nhường, luôn giữ hòa khí trong giao tiếp, ứng xử. Lành là kết quả tốt đẹp, thỏa đáng, đúng như mong muốn. Bằng cách so sánh cường điệu: một điều với chín điều, câu tục ngữ nhấn mạnh hiệu quả mà con người đạt được khi biết giữ thái độ nhường nhịn, ôn hòa trong cuộc sống.

Tại sao một điều nhịn lại bằng chín điều lành? Xưa nay, cuộc sống bao giờ cũng đa dạng và phức tạp. Con người không sống đơn lẻ mà sống trong cộng đồng, tập thể, với rất nhiều mối quan hệ xã hội khác nhau. Cuộc sống luôn vận động đi lên là động lực lôi cuốn con người, mà con người lại là chủ thể của cuộc sống nên cần phải đấu tranh để sinh tồn và phát triển. Muốn vậy, con người phải đoàn kết, hợp tác với nhau, cần xác định được mâu thuẫn nào là cơ bản, là chủ yếu, để tìm ra cách giải quyết tốt nhất, tránh rạn vỡ, tổn thất. Như vậy, nhịn vừa là cách sống, phẩm chất sống, vừa là phương pháp ứng xử quan trọng ở đời.

 

Bình luận câu tục ngữ ” Một điều nhịn chín điều lành”

Bình luận câu tục ngữ ” Một điều nhịn chín điều lành”

Vậy đối tượng nhịn là những ai và cần nhịn như thế nào? Có nhiều tình huống, nhiều mối quan hệ đa dạng đang diễn ra hằng ngày mà chúng ta là người trong cuộc. Trước hết là trong tình cảm vợ chồng – mối quan hệ gắn bó keo sơn kể từ khi hẹn hò thề thốt cho đến khi đầu bạc răng long. Bản chất cuộc sống là luôn luôn mâu thuẫn bởi nó vừa thống nhất, vừa đối lập cho nên chuyện xích mích là thường tình, tự nhiên. Nhưng khi vợ chồng không đồng quan điểm thì chúng ta nên ứng xử theo phương châm: Chồng giận thì vợ bớt lời, Cơm sôi nhỏ lửa chẳng đời nào khê. Khi chồng say rượu to tiếng thì vợ nên nói năng nhẹ nhàng hoặc im lặng. Khi vợ cáu gắt, kêu ca việc nhà việc cửa thì chồng nên an ủi, động viên để không khí gia đình trở lại ấm êm.

Mở rộng ra ngoài xã hội, mỗi người đều có những mối quan hệ với bạn bè đồng nghiệp, đồng chí, với người cao tuổi, cấp lãnh đạo v.v… Bạn bè không cho ta tiền bạc, vật chất mà cho ta lời khuyên nhủ, sự chia sẻ… Giàu vì bạn là vậy. Nhờ bạn bè, ta có thể vượt lên trong những hoàn cảnh khó khăn, trắc trở. Đồng nghiệp là những người cùng hội cùng thuyền. Chúng ta nên lắng nghe ý kiến của đồng nghiệp và luôn giữ thái độ hòa nhã khi đối thoại, tránh đối đầu để tăng cường sức mạnh tập thể nhằm thực hiện mục đích và lí tưởng chung.
Sử sách còn lưu truyền giai thoại về hai vị anh hùng dân tộc thời Trần là Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn và Thái sư Trần Quang Khải. Vốn có hiềm khích về quyền lợi trong dòng tộc, nhưng Trần Hưng Đạo đã vì vận mệnh của đất nước mà khéo léo giãi bày tâm sự với Trần Quang Khải, ông đã đích thân ân cần múc nước tắm cho Thái sư để bày tỏ thành tâm thiện ý của mình. Hai vị danh tướng đã biết đặt cái chung lên trên cái riêng, cùng chỉ huy quân dân nhà Trần đánh thắng quân xâm lược Nguyên – Mông!
Nguyễn Trãi sau khi giúp Lê Lợi đánh đuổi giặc Minh ra khỏi bờ cõi, lập nên nghiệp lớn, đã dốc hết tài đức phò vua xây dựng đất nước. Nhưng khi triều đình của vua Lê Thái Tổ bị bọn gian thần, quyền thần thao túng, khuynh đảo thì Nguyễn Trãi đã lui về ở ẩn tại Côn Sơn để giữ trọn khí tiết và lòng trung hiếu với sơn hà, xã tắc.
Còn đối với kẻ thù, chúng ta nên ứng xử như thế nào cho đúng? Đó là một vấn đề phức tạp, đòi hỏi chúng ta phải có thái độ mềm mỏng, khôn khéo, linh hoạt và sáng suốt. Mối quan hệ với kẻ thù là mối quan hệ đối đầu, vì vậy trong đấu tranh chúng ta phải kiên quyết giữ vững lập trường, không khoan nhượng; nhưng về phương pháp đấu tranh thì tiến thoái, cương nhu uyển chuyển. Khi quân địch mạnh hơn hẳn, chúng ta nên tạm thời rút lui để bảo toàn lực lượng và làm cho kẻ địch chủ quan; đôi khi, phải nhẫn nhục, cam chịu để giữ gìn bí mật và tìm cách đối phó. Ngày xưa, các thế hệ tiền bối thường có cách ứng xử khôn ngoan với kẻ thù phương Bắc để giữ tình giao hảo, tránh họa binh đao, xây dựng nền hòa bình lâu dài cho đất nước.
Ở thời đại ngày nay, sự hội nhập toàn cầu và nền kinh tế thị trường muôn màu muôn vẻ nhiều khi gây nên những áp lực lớn làm cho con người dễ bị ức chế, bức xúc. Thái độ bàng quan, vô cảm của quan chức; thói quan liêu, hách dịch của lãnh đạo dễ gây ra những phản ứng tức thời, thậm chí dẫn đến xung đột đáng tiếc. Những lúc đó đòi hỏi chúng ta phải biết bình tĩnh kiềm chế, không nên có thái độ, hành động tỏ ra đối đầu bởi nó sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường. Giữa nhịp điệu sống dồn dập, hối hả, con người càng phải biết trở về với văn hóa truyền thống, cần học tập những giá trị tinh thần quý báu được gửi gắm trong kho tàng thành ngữ, tục ngữ. Câu tục ngữ: Một điều nhịn, chín điều lành ngắn gọn mà hàm súc. Đó là triết lí sống, là phương châm ứng xử khôn ngoan không chỉ cho mỗi người mà còn vận dụng cho cả cộng đồng dân tộc. Nó không những nhắc nhở về cách ứng xử tế nhị mà còn dạy chúng ta phương pháp đấu tranh khôn khéo và có hiệu quả nhất để đạt được mục đích của mình.

Thảo luận cho bài: Bình luận câu tục ngữ ” Một điều nhịn chín điều lành”