Đề và gợi ý môn Văn thi THPT quốc gia năm 2018

Đề gồm phần Đọc hiểu và Làm văn. Trong đó có câu 5 điểm yêu cầu phân tích hình ảnh trong tác phẩm “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam.

Gợi ý giải đề Ngữ văn thi THPT quốc gia

Câu 5 điểm trong đề thi THPT quốc gia 2018 lại rơi vào tác phẩm “Hai đứa trẻ” trong chương trình Ngữ văn lớp 11. 

Phần I: ĐỌC HIỂU

Câu 1: Đoạn trích được viết theo thể thơ tự do.

Câu 2: Trong đoạn trích, tác giả đã nhắc đến những yếu tố về tiềm lực tự nhiên của đất nước gồm: đất đai, khoáng sản, châu báu, núi non, thềm lục địa, biển (bể), rừng, phù sa, sông.

Câu 3: Hiệu quả của việc sử dụng câu hỏi tu từ trong đoạn trích là:

  • Gợi suy nghĩ, nhận thức về thực trạng sử dụng tiềm lực tự nhiên của đất nước.
  • Nhắc nhở con người về việc sử dụng tiềm lực tự nhiên của đất nước.
  • Tác giả thể hiện niềm tự hào trước những tiềm lực tự nhiên của đất nước nhưng đồng thời cũng bộc lộ những trăn trở, suy tư, lo nghĩ về việc sử dụng , phát huy những tiềm lực đó.

Câu 4: Học sinh nêu rõ quan điểm đồng tình hoặc không đồng tình, lí giải hợp lí, thuyết phục về việc sử dụng tiềm lực trong thực tiễn hiện nay.

Phần II: LÀM VĂN

Câu 1:

Hình thức đoạn văn: Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành.

Xác định yêu cầu cần nghị luận: Sứ mệnh đánh thức tiềm lực đất nước của mỗi cá nhân trong cuộc sống hiện nay.

* Triển khai vấn đề nghị luận

– Giải thích:

  • Sứ mệnh là nhiệm vụ quan trọng, thiêng liêng của mỗi con người.
  • Tiềm lực là những sức mạnh tiềm tàng.

=> Sứ mệnh đánh thức tiềm lực là nhiệm vụ quan trọng của mỗi người về việc khơi dậy, phát huy những sức mạnh của dân tộc về môi trường tự nhiên, văn hóa – xã hội của đất nước.

– Học sinh trình bày quan điểm, suy nghĩ của mình về sứ mệnh đánh thức tiềm lực đất nước của mỗi cá nhân, có thể làm theo hướng sau:

+ Nhìn nhận đúng về tiềm lực của đất nước, con người Việt Nam hiện nay.

  • Thuận lợi: Về tự nhiên – thiên nhiên đất nước có nhiều tài nguyên đất đai, biển, khoáng sản. Kinh tế – xã hội đang trong thời kì hội nhập, đất nước công nghiệp hóa hiện đại hóa.
  • Khó khăn: Nguồn tài nguyên ngày càng cạn kiệt, xảy ra nhiều thiên tai, ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến cuộc sống con người. Kinh tế – xã hội còn gặp nhiều khó khăn trong thời buổi hội nhập…

+ Ý thức sứ mệnh, nhiệm vụ cụ thể của mỗi cá nhân trong tư cách người công dân của đất nước:

  • Trong môi trường tự nhiên: đấu tranh bảo vệ tự nhiên, giữ gìn môi trường lành mạnh, trong sạch…
  • Trong môi trường văn hóa – xã hội: con người cần sống tốt, sống đẹp, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, hòa nhập nhưng không hòa tan, không làm mất đi bản sắc văn hóa dân tộc…

* Lưu ý: Thí sinh cần viết chuẩn chính tả, ngữ nghĩa, ngữ pháp tiếng Việt khi viết bài, đặt câu; có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận.

Câu 2:

– Hình thức: Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận với mở bài giới thiệu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài khái quát được vấn đề.

– Nội dung:

* Giới thiệu ngắn gọn tác giả, tác phẩm và vấn đề cần nghị luận.

* Phân tích sự đối lập giữa vẻ đẹp của hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa và cảnh bạo lực của gia đình hàng chài

– Vẻ đẹp con thuyền khi ở ngoài xa:

  • Điểm nhìn: từ xa, trong làn sương mờ ảo.
  • Vẻ đẹp của “cái đẹp tuyệt đỉnh”, cảnh tượng đẹp, thơ mộng đầy thi vị. Tâm hồn nghệ sĩ tinh tế nhạy cảm. Nghệ thuật là sự giản dị, tự nhiên.
  • Con thuyền khiến Phùng nhận ra “cái đẹp là đạo đức” giúp tâm hồn con người thánh thiện.

– Cảnh bạo lực của gia đình hàng chài khi con thuyền đến gần:

  • Điểm nhìn: chiếc thuyền đâm thẳng vào trước chỗ Phùng đứng, gần và rõ nét.
  • Hình ảnh: Người đàn bà: cao lớn, khuôn mặt mệt mỏi, tấm lưng áo bạc phếch và rách rưới; người đàn ông với tấm lưng rộng và cong, mái tóc tổ quạ, hàng lông mày cháy nắng, hai con mắt đầy vẻ độc dữ.

=> Hình ảnh trần trụi, gai góc của đời sống.

  • Hành động: Người chồng hùng hổ đánh vợ, người vợ cam chịu đầy nhẫn nhục; đứa con giằng thắt lưng, quật lại bố để bảo vệ mẹ.

=> Giống như một vở kịch câm, đầy nghịch lí về hiện thực.

– Ý nghĩa của vẻ đẹp đối lập: Mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc đời: tồn tại những khoảng cách và mâu thuẫn, người nghệ sĩ phải có cái nhìn toàn diện.

* Liên hệ sự đối lập giữa cảnh phố huyện đêm khuya và hình ảnh đoàn tàu trong Hai đứa trẻ của Thạch Lam. Từ đó, rút ra nhận xét về cách nhìn hiện thực của hai tác giả.

– Tương đồng:

  • Hai tác giả đều không xa rời hiện thực đời sống con người, thể hiện quan niệm “nghệ thuật vị nhân sinh”.
  • Hai tác giả đều đặt hiện thực đen tối đối lập với khát vọng tốt đẹp để khám phá chiều sâu hiện thực.

– Khác biệt: Cả hai tác giả đều xuất phát từ giá trị nhân đạo. Nhưng ở Nguyễn Minh Châu do bị chi phối bởi cảm hứng hiện thực nên có cái nhìn đa chiều, toàn diện. Còn Thạch Lam là nhà văn của cảm hứng lãng mạn nên tập trung, hướng chủ yếu đến giá trị nhân đạo.

Thảo luận cho bài: Đề và gợi ý môn Văn thi THPT quốc gia năm 2018