Đề thi thử THPT Quốc Gia môn Ngữ văn năm học 2015 – 2016 sở GD-ĐT Bình Định

Đề thi thử THPT Quốc Gia môn Ngữ văn sở GD-ĐT Bình Định
I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3.0điểm)

Đọc văn bản sau đây và trả lời câu hỏi từ Câu 1 đến Câu 4

Liên quan đến vụ tổ chức khủng bố IS đánh bom và xả súng đẫm máu ở Paris hôm 13 – 11-2015 vừa qua, khiến 129 người thiệt mạng và cả thế giới bàng hoàng, tại buổi tưởng niệm các nạn nhân, một video của hãng truyền thông Le Petit Journal đã ghi lại cuộc đối thoại xúc động giữa một ông bố người Pháp gốc Việt và cậu con trai nhỏ về những kẻ khủng bố và thảm kịch vừa xảy ra. Chỉ sau thời gian ngắn, video này đã lan truyền nhanh chóng trên các trang mạng xã hội và ngay lập tức nhận được hơn 11 triệu lượt chia sẻ trên Facebook.

Khi được hỏi về chuyện xảy ra ở Paris, cậu bé hồn nhiên cho biết, đó là do những người độc ác gây ra. Cậu bé còn nói cần phải chuyển nhà vì người độc ác có súng, có thể bắn chết người. Người bố ở bên cạnh dịu dàng trấn an con trai đừng nên lo lắng, sau đó còn dạy cậu bé: “Họ có súng còn chúng ta có hoa. Những bông hoa có thể chiến đấu chống lại những họng súng”.
(Nguồn Internet)

Câu 1.
Nêu nội dung chính của văn bản ? (0,25 điểm)
 Nội dung: Việc lan truyền nhanh chóng của cuộc đối thoại giữa ông bố người Pháp gốc Việt và cậu con trai nhỏ liên quan đến vụ xả súng đẫm máu ở Paris do tổ chức khủng bố IS gây ra. Qua cuộc đối thoại để khẳng định: hãy yêu thương, đoàn kết để đẩy lùi bóng tối của tội ác, của sự hận thù.

– Điểm 0,25: Ghi lại đúng nội dung trên (chấp nhận cách diễn đạt khác nhưng đúng ý)
– Điểm 0,125: Chỉ trả lời được một nửa ý.
– Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời

Câu 2.
Xác định phong cách ngôn ngữ của văn bản? (0,25 điểm)
 Phong cách ngôn ngữ: Phong cách ngôn ngữ báo chí

– Điểm 0,25: Trả lời đúng theo một trong các cách trên
– Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời

Câu 3.
Theo em, hình ảnh súng và hoa ở đây mang ý nghĩa gì? (0,5 điểm)
 Hình ảnh súng là biểu tượng của tội ác, chiến tranh, xung đột, lòng hận thù…

Hình ảnh hoa là biểu tượng của tình yêu, hòa bình, lòng thương yêu giữa con người với con người…
Có thể diễn đạt theo cách khác nhưng phải hợp lí, chặt chẽ.
– Điểm 0,5: Trả lời theo cách trên. Mỗi ý được 0,25đ
– Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời

Câu 4.
Viết một đoạn văn ngắn bày tỏ suy nghĩ của em về lời dạy của người bố với đứa con ở cuối văn bản? (0,5 điểm)
 Lời dạy của người bố: Không nên lùi bước, sợ hãi trước cái xấu, cái ác…‘; hãy sống yêu thương, đoàn kết lại để đẩy lùi bóng tối của tội ác, lòng hận thù…Câu trả lời có sức thuyết phục.

– Điểm 0,5: Nêu được bài học cho bản thân trong 5-7 câu phù hợp với nội dung văn bản… không mắc các lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp…
– Điểm 0,5: Nêu được bài học cho bản thân phù hợp với nội dung của văn bản nhưng chưa đủ dung lượng, chưa rõ ràng và còn mắc lỗi chính tả, diễn đạt
– Điểm 0: Cho điểm 0 đối với một trong những trường hợp sau:
+ Nêu bài học nhưng không có liên quan gì đến nội dung văn bản
+ Câu trả lời sai
+ Không có câu trả lời.

Đọc đoạn thơ sau và trả lời các câu hỏi từ câu 5 đến câu 8:

(1) Có những vĩ nhân được nhân loại khắc tên
Bởi những tấm bằng khắc danh trong lịch sử
Và có những tấm bằng chứng nhận những việc làm tuy nhỏ
Nhưng cố gắng hết mình vẫn quý trọng biết bao!
(2) Có được điều lớn lao
Từ những gì nhỏ bé
Đừng bao giờ chứng minh cuộc đời bằng những gì không thể
Như những tấm bằng không bằng được chính ta.

(Trích Tấm bằng – Hoàng Ngọc Qúy – Báo Tuổi trẻ)

Câu 5:
Chỉ ra phương thức biểu đạt chính? (0,5 điểm)
 – Điểm 0,5: Phương thức biểu đạt chính là biểu cảm

– Điểm 0: trả lời sai hoặc không trả lời

Câu 6:
Nội dung cơ bản của đoạn (1)? (0,25 điểm)
 Nội dung của đoạn thơ (1): Đóng góp cho xã hội dù lớn lao hay bé nhỏ được ghi nhận trong những tấm bằng đều được quý trọng tôn vinh.

-Điểm 0,25: trả lời đúng
-Điểm 0: trả lời sai hoặc không trả lời.

Câu 7:
Xác định và nêu ý nghĩa của biện pháp tu từ chính mà tác giả đã sử dụng?(0,5 điểm)
 – Biện pháp tu từ chính: điệp ngữ “Những tấm bằng”

– Ý nghĩa: nhấn mạnh, khắc sâu vai trò, ý nghĩa thực sự của những tấm bằng đối với cuộc sống con người.

– Điểm 0,5: trả lời đúng, đủ

– Điểm 0,25: trả lời được một ½ theo yeu cầu.

– Điểm 0: trả lời sai hoặc không trả lời

Câu 8:
Là một học sinh sắp bước vào kì thi THPT Quốc gia, anh/ chị suy nghĩ gì về lời nhắn gửi của tác giả trong hai câu thơ cuối?  (Trình bày trong khoảng 5 đến 7 câu). (0,25 điểm)
HS có thể trình bày suy nghĩ của mình qua thông điệp mà tác giả thể hiện trong hai câu thơ cuối của đoạn thơ theo những hướng khác nhau, song cần có sự hợp lí, thuyết phục trong một đoạn văn ngắn (5 -7 dòng) đạt chuẩn về hình thức.
Phần II. Làm văn (7,0 điểm)
Câu 1. (3,0 điểm)

Nhà văn Nguyễn Khải cho rằng: Để sống được hàng ngày tất nhiên phải nhờ vào những “giá trị tức thời”. Nhưng sống cho có phẩm hạnh, có cốt cách nhất định phải dựa vào những “giá trị bền vững”.
Viết một bài văn (khoảng 600 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến trên.

* Yêu cầu chung: Thí sinh phải biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận xã hội để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng, văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
* Yêu cầu cụ thể:
a) Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận (0,5 điểm):
– Điểm 0,5 điểm: Trình bày đầy đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết luận. Phần Mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; phần Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần Kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được nhận thức của cá nhân.
– Điểm 0,25: Trình bày đầy đủ ba phần Mở bài, Thân bài, Kết luận, nhưng các phần chưa thể hiện được đầy đủ yêu cầu như trên; phần Thân bài chỉ có 1 đoạn văn.
– Điểm 0: Thiếu Mở bài hoặc Kết luận, Thân bài chỉ có 1 đoạn văn hoặc cả bài viết chỉ có 1 đoạn văn.
b) Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0,5 điểm): Việc lựa chọn giá trị sống của bản thân sao cho phù hợp và ý nghĩa
– Điểm 0,5: Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: sự đánh giá/thái độ/quan điểm đối với công việc của bản thân và những người xung quanh.
– Điểm 0, 25: Xác định chưa rõ vấn đề cần nghị luận, nêu chung chung.
– Điểm 0: Xác định sai vấn đề cần nghị luận, trình bày lạc sang vấn đề khác.
c) Chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp; các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm (trong đó phải có thao tác giải thích, chứng minh, bình luận); biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng; dẫn chứng phải lấy từ thực tiễn đời sống, cụ thể và sinh động (1,0 điểm):
– Điểm 1,0: Đảm bảo các yêu cầu trên; có thể trình bày theo định hướng sau:
+ Giải thích ý kiến để thấy được:
++ Giá trị tức thời: là những giá trị vật chất và tinh thần chưa trải qua thử thách, sàng lọc của thời gian, có ý nghĩa trong thời điểm hiện tại, thoả mãn những nhu cầu cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Đây là những giá trị rất cần thiết vì thiếu nó con người không thể tồn tại.
++ Giá trị bền vững: Chỉ những giá trị tinh thần đã trải qua thử thách, sàng lọc của thời gian, có ý nghĩa lâu bền, trở thành nền tảng văn hoá, đạo lí của dân tộc và nhân loại như: tinh thần yêu nước, lòng nhân ái, tình cảm tri ân, sự ngay thẳng trong sạch, thẩm mỹ tinh tế… Đây là những giá trị quan trọng giúp con người sống có phẩm hạnh, cốt cách.
++ Mối quan hệ giữa hai giá trị: Vừa đối lập vừa thống nhất. Con người cần có những giá trị tức thời để duy trì cuộc sống, cũng rất cần những giá trị bền vững để sống có ý nghĩa.
+ Chứng minh tính đúng đắn (hoặc sai lầm; hoặc vừa đúng, vừa sai) của ý kiến bằng việc bày tỏ sự đồng tình (hoặc phản đối; hoặc vừa đồng tình, vừa phản đối) đối với ý kiến. Lập luận phải chặt chẽ, có sức thuyết phục.
+ Bình luận:
++ Muốn tồn tại con người cần phải tạo ra và nhờ vào những giá trị tức thời. Tuy nhiên nếu quá coi trọng những giá trị đó, con người sẽ bị chi phối bởi lối sống thực dụng, coi trọng vật chất, chỉ nhìn thấy những lợi ích trước mắt.
++ Để cuộc sống thật sự có ý nghĩa, con người nhất định phải vươn tới những giá trị tinh thần tốt đẹp. Tuy nhiên, cốt cách, phẩm giá con người không thể có tức thời trong ngày một ngày hai, mà đó là kết quả của quá trình học tập, rèn luyện, bồi đắp lâu dài về tâm hồn, trí tuệ, hành động. Đó cũng là cách để con người có một cuộc sống bền vững, không chỉ giới hạn trong thời gian đời người mà còn trong sự ghi nhận lâu dài của cộng đồng.
++ Những giá trị tức thời, nếu có ý nghĩa tích cực, được xã hội đón nhận, gìn giữ, lưu truyền sẽ trở thành những giá trị bền vững. Trong khi đó, có những giá trị đã được hình thành từ lâu, qua thực tiễn không còn phù hợp, trở nên lạc hậu, lỗi thời sẽ bị đào thải.
+ Bài học: Nhận thức được vai trò, ý nghĩa của mỗi giá trị. Hình thành kĩ năng sống, biết tiếp nhận hợp lí trước các giá trị của cuộc sống. Phải có bản lĩnh để sống có phẩm giá, cốt cách dựa theo nền tảng những giá trị bền vững về văn hóa, đạo lí của dân tộc và nhân loại.
– Điểm 0,75: Cơ bản đáp ứng được các yêu cầu trên, song một trong các luận điểm (giải thích, chứng minh, bình luận) còn chưa đầy đủ hoặc liên kết chưa thật chặt chẽ.
– Điểm 0,5: Đáp ứng 1/2 đến 2/3 các yêu cầu trên.
– Điểm 0,25: Đáp ứng được 1/3 các yêu cầu trên.
– Điểm 0: Không đáp ứng được bất kì yêu cầu nào trong các yêu cầu trên.
d) Sáng tạo (0,5 điểm)
– Điểm 0,5: Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm,…) ; thể hiện được quan điểm và thái độ riêng, sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
– Điểm 0,25: Có một số cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; thể hiện được một số suy nghĩ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
– Điểm 0: Không có cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; không có quan điểm và thái độ riêng hoặc quan điểm, thái độ trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
e) Chính tả, dùng từ, đặt câu (0,5 điểm):
– Điểm 0,5: Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
– Điểm 0,25: Mắc một số lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
– Điểm 0: Mắc nhiều lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.

Câu 2. (4,0 điểm)

Phân tích những nét khác nhau trong tư tưởng nhân đạo của Kim Lân và Tô Hoài được thể hiện qua hai tác phẩm “Vợ nhặt” và “Vợ chồng A Phủ”.

a. Mở bài (0.5đ): Kim Lân và Tô Hoài là những cây bút truyện ngắn nổi tiếng trong nền văn xuôi Việt Nam hiện đại. Vợ nhặt và Vợ chồng A Phủ là hai truyện ngắn có giá trị nhân đạo sâu sắc nhưng tư tưởng nhân đạo của mỗi nhà văn trong từng tác phẩm vẫn có những nét riêng.
b. Thân bài: (3.0đ)
* Giống nhau: đều thể hiện sự cảm thông sâu sắc trước số phận của người nông dân trong xã hội cũ, đều tố cáo, lên án các thế lực tàn bạo đã gây ra bi kịch cho con người và sự trân trọng vẻ đẹp phẩm chất của người lao động.
* Khác nhau:
– Ở truyện ngắn “ Vợ nhặt”:
+ Đặt nhân vật vào một tình huống đặc biệt , tác giả bày tỏ sự cảm thương trước số phận bi thảm của người nông dân bị nạn đói dồn đẩy đến bước đường cùng , giá trị con người trở nên rẻ mạt (HS phân tích quang cảnh xóm ngụ cư ngày đói, hình ảnh người đàn bà vợ nhặt…)
+ Tố cáo tội ác của bọn thực dân , phát xít đã gây ra nạn đói khủng khiếp.
+ Phát hiện và ngợi ca khát vọng sống , khát vọng hạnh phúc , tình cảm cưu mang đùm bọc lẫn nhau giữa những người cùng chung cảnh ngộ và niềm tin hướng về tương lai của họ ( hành động táo tợn, liều lĩnh của thị; hành động và tâm trạng của Tràng khi gặp thị, mời thị ăn và đưa thị về , suy nghĩ của bà cụ Tứ, của dân xóm ngụ cư trước hạnh phúc của Tràng…)
– Ở truyện “Vợ chồng A Phủ”:
+ Nhà văn cảm thông trước số phận bi thảm của người lao động vùng cao Tây Bắc , đặc biệt là thân phận người phụ nữ dưới ách áp bức bóc lột của bọn chúa đất phong kiến.( thân phận và cảnh ngộ của Mị khi về làm dâu nhà thống lý Pa Tra, số phận của A Phủ…)
+ Tố cáo , lên án tội ác của giai cấp phong kiến thống trị ( điển hình là cha con thống lý Pá Tra: bắt trả lãi cắt cổ, bắt người gạt nợ, trói người dã man, xử kiện không cho thanh minh).
+ Trân trọng khát vọng tự do , tinh thần đấu tranh phản kháng của quần chúng bị áp bức (tâm trạng của Mị trong đêm tình mùa xuân , khi cắt dây trói cứu A Phủ…)
c- Kết bài: (0.5đ)Đánh giá vấn đề: đóng góp riêng của mỗi nhà văn đã góp phần làm phong phú , mới mẻ cho truyền thống nhân đạo của văn học dân tộc ( đặc biệt là ở cái nhìn đầy lạc quan tin tưởng vào tương lai), tạo nên diện mạo mới cho văn xuôi giai đoạn 1945 – 1975.

Thảo luận cho bài: Đề thi thử THPT Quốc Gia môn Ngữ văn năm học 2015 – 2016 sở GD-ĐT Bình Định