Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn trường THPT Lương Ngọc Quyến, Thái Nguyên (Lần 2)

Đề thi thử môn Ngữ Văn THPT Lương Ngọc Quyến (Lần 2)
I. PHẦN ĐỌC HIỂU

Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi từ câu 1 đến câu 4

(1) Rất nhiều người kiếm tìm sự an toàn và chắc chắn trong tư duy số đông. (2) Họ nghĩ rằng nếu số đông người đang làm việc gì đó, việc đó chắc chắn phải đúng. (3) Đó phải chăng là một ý tưởng tốt? (4) Nếu mọi người chấp nhận nó, phải chăng đó là biểu tượng cho sự công bằng, liêm chính, lòng từ bi và sự nhạy cảm? (5) Không hẳn. (6) Tư duy số đông cho rằng Trái đất là tâm điểm của vũ trụ, nhưng Copernicus nghiên cứu những vì sao, các hành tinh và chứng minh một cách khoa học rằng Trái đất và những hành tinh khác trong thái dương hệ của chúng ta đang quay quanh Mặt trời. (7) Tư duy số đông cho rằng phẫu thuật không cần những dụng cụ y tế sạch, nhưng Joseph Lister đã nghiên cứu tỉ lệ tử vong cao trong các bệnh viện và giới thiệu biện pháp khử trùng, ngay lập tức cứu được bao nhiêu mạng người. (8) Tư duy số đông cho rằng phụ nữ không nên có quyền bỏ phiếu, tuy nhiên những người như Emmeline Pankhurst và Susan B.Anthony đã đấu tranh và giành được quyền đó. (9) Tư duy số đông đưa Hitler lên nắm quyền lực ở Đức, nhưng đế chế của Hitler đã giết hại hàng triệu người và gần như tàn phá cả châu Âu. (10) Chúng ta luôn cần nhớ rằng có một sự khác biệt lớn giữa sự chấp nhận và trí tuệ. (11) Mọi người có thể nói rằng có sự an toàn trong một số trường hợp tư duy số đông, nhưng nó không phải lúc nào cũng đúng.

(Trích Tôi tư duy, tôi thành đạt – John Maxwel)

1 Đoạn văn được viết theo phương thức biểu đạt nào là chính?
  • Phương thức biểu đạt chính là nghị luận
2
Anh/chị hãy xác định và nêu tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn văn từ câu (6) đến câu (9).
    • Phép lặp cấu trúc
    • Tác dụng: Nhấn mạnh vấn đề cần bàn luận, giọng điệu hùng biện lôi cuốn hấp dẫn thể hiện nhiệt huyết của người viết; tạo sự liên kết về hình thức giữa các câu.
3
Anh/ chị hiểu như thế nào là tư duy số đông?
  • Tư duy số đông là cách suy nghĩ, nhìn nhận, đánh giá của đa số, của đại bộ phận tầng lớp trong xã hội về vấn đề, hiện tượng nào đó.
4 Suy nghĩ của anh/chị về câu nói: “Rất nhiều người kiếm tìm sự an toàn và chắc chắn trong tư duy số đông”. Anh/chị ứng xử với tư duy số đông như thế nào?
    • Thí sinh có thể có nhiều cách diễn đạt khác nhau nhưng đảm bảo nội dung: Tư duy số đông vừa có tác động đến suy nghĩ của con người vừa hạn chế tính độc lập sáng tạo của con người. Bời người ta thường nghĩ rằng nếu số đông làm việc gì đó, việc đó chắc phải đúng. Tư duy số đông vừa có tác độngtích cực, vừa có tác động tiêu cực.
    • Cách ứng xử với tư duy số đông:
      • Cần bình tĩnh nhìn nhận vấn đề và có chính kiến riêng .
      • Tránh a dua theo đám đông mà thiếu sáng suốt.
      • Tư duy số đông không phải lúc nào cũng đúng nhưng cũng cần lắng nghe để xác lập cho bản thân một cách nghĩ đúng và một cách làm đúng.
II. PHẦN LÀM VĂN
1. Từ nội dung phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn ( khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về vấn đề: Tư duy số đông có phải là lực cản của sự thành công?
  • Tư duy số đông có phải là lực cản của sự thành công? Anh /chị hãy trả lời câu hỏi trên bằng một đoạn văn khoảng 200 chữa. Đảm bảo cấu trúc đoạn văn nghị luận 200 chữCó đủ các phần mở đoạn, phát triển đoạn, kết đoạn. Mở đoạn nêu được vấn đề, phát triển đoạn triển khai được vấn đề, kết đoạn kết luận được vấn đề.b. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; rút ra bài học nhận thức và hành động.

    c. Nội dung nghị luận: thí sinh có thể trình bày suy nghĩ theo nhiều cách, dưới dây là một số gợi ý về nội dung:

    • Đồng tình: Nếu quan niệm thành công là sáng tạo, là tạo ra những khác biệt mang tính đột phá thì tư duy số đông nhiều khi lại tạo ra đường mòn, hạn chế tìm tòi trong suy nghĩ và hành động của con người. Khi đó, tư duy số đông sẽ là lực cản của thành công.
    • Phản đối: Cũng có người quan niệm thành công là đạt được mục tiêu đề ra trong cuộc sống. Trên con đường thực hiện mục tiêu, con người cần phải biết lắng nghe và khi đó có cách nhìn nhận, đánh giá của số đông cũng có những tác dụng nhất định: thể hiện xu hướng, trào lưu phổ biến nào đó; cảnh báo tính khả thi của mục tiêu đặt ra; chỉ ra hướng tiếp cận với công chúng… Khi đó, tư duy số đông không phải là lực cản của sự thành công, ngược lại có ý nghĩa quan trọng với việc mang lại thành công.
    • Vừa đồng tình, vừa phản đối:
      • Tư duy số đông là lực cản nếu con người chưa đủ năng lực tìm tòi cái mới, cái riêng cho suy nghĩ và hành động của mình. Con người sẽ bị lệ thuộc vào cách nghĩ, cách làm của số đông.
      • Tư duy số đông của có thể là lực đẩy, thôi thúc người ta tìm kiếm cách nghĩ, cách làm riêng, nỗ lực tìm tòi, kiến tạo những giá trị mới.

    d. Rút ra bài học nhận thức và hành động đúng đắn, phù hợp.

    e. Chính tả, ngữ pháp: đảm bảo các quy tắc về chính tả, dùng từ, đặt câu,…

Về nhân vật Phùng trong truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu, có ý kiến cho rằng: nét nổi bật ở người nghệ sĩ này là một tâm hồn nhạy cảm và say mê cái đẹp. Ý kiến khác thì nhấn mạnh: vẻ đẹp sâu xa của nghệ sĩ Phùng chính là một tấm lòng trăn trở, lo âu về thân phận con người.

Anh/chị có suy nghĩ gì về những ý kiến trên?

  • a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề.b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luậnc. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; thể hiện sự cảm nhận sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm (trong đó phải có thao tác phân tích, so sánh); biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng. Thí sinh có thể triển khai bài làm theo nhiều cách nhưng phải đảm bảo nội dung chính sau:* Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm:
    • Khái quát về tác giả, tác phẩm: truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu
    • Trích dẫn hai ý kiến:
      • Nét nổi bật ở người nghệ sĩ này là một tâm hồn nhạy cảm và say mê cái đẹp.
      • Vẻ đẹp sâu xa của nghệ sĩ Phùng chính là một tấm lòng trăn trở, lo âu về thân phận con người.

    * Giải thích:

    • Ý kiến 1: Nét nổi bật ở người nghệ sĩ này là một tâm hồn nhạy cảm và say mê cái đẹp: khả năng khám phá, phát hiện tinh tế và sự rung động mãnh liệt trước cái đẹp.
    • Ý kiến 2: Vẻ đẹp sâu xa của nghệ sĩ Phùng chính là một tấm lòng trăn trở, lo âu về thân phận con người: mối quan tâm đến số phận con người, nhất là những mảnh đời bất hạnh, thái độ bất bình trước những ngang trái cuộc đời. 0,5

    * Chứng minh ý kiến qua nhân vật Phùng

    • Một tâm hồn nhạy cảm và say mê cái đẹp: nhạy bén với vẻ đẹp trời cho của “chiếc thuyền ngoài xa” trong bối cảnh trời biển; sung sướng đến ngây ngất khi bắt gặp cái đẹp, nhanh chóng nắm bắt và thu vào ống kính khoảnh khắc tuyệt mỹ đó; Dẫn chứng (say mê cái đẹp, bỏ cả tuần để săn cảnh biển trong sương sớm…)
    • Một tấm lòng trăn trở, lo âu về thân phận con người:
      • Thái độ khi chứng kiến cảnh bạo lực trong gia đình hàng chài: sửng sốt, bức xúc, căm phẫn, xông vào can thiệp để bảo vệ người đàn bà hàng chài…
      • Lắng nghe, day dứt với chuyện đời người đàn bà hàng chài; lo lắng, ám ảnh về thân phận và tương lai của họ; thay đổi quan niệm về nghệ thuật và cuộc đời.
    • Nhân vật Phùng là đại diện tiêu biểu cho người nghệ sĩ chân chính với niềm đam mê nghệ thuật và trái tim nhạy cảm, nhân hậu.

    * Bình luận

    • Hai ý kiến trên bàn về những vẻ đẹp khác nhau trong tâm hồn người nghệ sĩ Phùng: ý kiến thứ nhất đề cao phẩm chất hàng đầu của một người nghệ sĩ: sự nhạy cảm và niềm say mê cái đẹp; ý kiến thứ hai nhấn mạnh phẩm chất đáng quý của người nghệ sĩ là tấm lòng hướng đến cuộc sống và con người.
    • Hai ý kiến không đối lập mà bổ sung cho nhau, hợp thành cái nhìn cái nhìn thống nhất và toàn diện về vẻ đẹp phẩm chất của nhân vật nghệ sĩ Phùng.

    * Đánh giá chung về nhân vật Phùng

    • Nhân vật Phùng là đại diện tiêu biểu cho người nghệ sĩ – trí thức chân chính với niềm đam mê nghệ thuật và trái tim nhạy cảm, nhân hậu luôn trăn trở trước nỗi đau của con người
    • Nghệ thuật: Xây dựng nhân vật qua tạo tình huống có ý nghĩa nhận thức để nhân vật bộc lộ tính cách; Chọn phương thức trần thuật thứ 3: điểm nhìn trần thuật linh hoạt – người kể chuyện giấu mặt nhưng có lúc trao điểm nhìn cho nhân vật khiến câu chuyện vừa khách quan vừa đậm chất triết lí

    d. Sáng tạo: Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.
    e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.

Thảo luận cho bài: Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn trường THPT Lương Ngọc Quyến, Thái Nguyên (Lần 2)