Đề thi học sinh giỏi môn Văn 12 cấp tỉnh Bình Thuận
Mời các bạn học sinh tham khảo thêm:
Đề thi học sinh giỏi Ngữ văn 12 cấp tỉnh Hưng Yên
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
BÌNH THUẬN
KỲ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI LỚP 12 CẤP TỈNH
Năm học :2011 – 2012
Môn thi :NGỮ VĂN
Thời gian : 180 phút (Không kể thời gian giao đề)
Câu 1: 6 điểm.
Những người bạn giả dối giống như những chiếc bóng: chúng theo gót ta ra ngoài nắng ấm, và rời bỏ ta ngay khi ta bước vào bóng râm. (C. Bôvi)
Ý kiến của anh – chị ?
(Viết không quá 60 dòng)
Câu 2: 6 điểm.
Cảm nhận của anh – chị về nghệ thuật miêu tả màu sắc, ánh sáng, bóng tối, âm thanh trong truyện ngắn “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam.
Câu 3: 8 điểm.
Cảm nhận về hoài niệm qua hai khổ thơ sau:
Nhớ gì như nhớ người yêu
Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương
Nhớ từng bản khói cùng sương
Sớm khuya bếp lửa người thương đi về.
(Trích Việt Bắc – Tố Hữu)
Nhớ bản sương giăng, nhớ đèo mây phủ
Nơi nao qua, lòng lại chẳng yêu thương ?
Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn !
(Trích Tiếng hát con tàu – Chế Lan Viên)
ĐÁP ÁN, BIỂU ĐIỂM
- Phần chung về kĩ năng:
– Bố cục bài viết rõ ràng.
– Lập luận chặt chẽ, lý luận sắc sảo.
– Ít mắc lỗi chính tả và lỗi diễn đạt.
- Về kiến thức:
Câu 1. 6 điểm
Đề yêu cầu kiểm tra kiến thức xã hội của học sinh trong quan hệ ứng xử, tình bạn, tình người, về cách sống ở đời. Học sinh có thể đưa ra nhiều cách suy nghĩ, nhận định, bình giải về câu nói của Bôvi và bày tỏ cách nhìn nhận, đánh giá, ứng xử và rút ra bài học cho bản thân, nhưng tựu trung cần đạt được những nội dung cơ bản sau:
- “Những người bạn giả dối”
“Giả dối” là không chân thực, nhằm mục đích đánh lừa. “Những người bạn giả dối” là những người sống với bạn không thật lòng, chỉ dựa trên danh nghĩa tình bạn để lợi dụng bạn nhằm thực hiện những mưu đồ lợi ích riêng tư cho chính bản thân.
- So sánh giống như những chiếc bóng: chúng theo gót ta ra ngoài nắng ấm, và rời bỏ ta ngay khi ta bước vào bóng râm. Ý này học sinh cần giải thích làm rõ:
- Nghĩa tường minh khá rõ: khi ta ra ngoài nắng ấm thì chiếc bóng luôn luôn xuất hiện ở bên cạnh ta; khi ta vào trong bóng râm , phản chiếu của ánh nắng không còn thì bóng ta sẽ mất đi. Đó là một hiện tượng vật lý khách quan mang tính tất yếu.
- Hàm ý “nắng ấm” có thể hiểu đó là khi ta có cuộc sống có thể là thành đạt, khá giả, sung túc, vinh quang… thì lúc ấy “những người bạn giả dối” bám theo ta để nương tựa, nhờ đỡ, lợi dụng ta vì lợi ích nào đó cho chính bản thân. Ngược lại bóng râm có thể hiểu đó là lúc ta rơi vào cảnh thất cơ, lỡ vận, khó khăn, hoạn nạn,… thì sự giả dối ấy của họ tất yếu hiện hình, lộ rõ, rời bỏ ta vì biết rằng bám theo ta cũng không có thêm được lợi ích gì.
- Bình luận mở rộng về tình bạn và ý nghĩa câu nói của Bôvi.
- Tình bạn hiểu đúng nghĩa là người quen biết, có quan hệ gần gũi, do hợp tình, hợp ý, cùng chí hướng … là sự kết nối tình cảm thiêng liêng, tạo nên sự gắn bó mật thiết, để nương tựa giúp đỡ cho nhau cùng tiến bộ, cùng nhau tâm tình chia sẻ những nỗi niềm khi vui cũng như khi buồn, giúp nhau để vượt qua những lúc hiểm nghèo, khó khăn, hoạn nạn…
- Câu nói của Bôvi là nhằm lên án, phê phán bản chất của những kẻ cơ hội, đó không phải là tình bạn chân chính, mà là những con người dựa trên danh nghĩa tình bạn để lợi dụng cho cá nhân một cách thấp hèn, ích kỉ, không có nhân cách. Qua đó vừa cảnh báo về cách chọn bạn để sống, vừa nhắn nhủ với người đời hiểu đúng về tình bạn và sống với bạn cho ra nhân cách con người.
(Khi liên hệ mở rộng, học sinh cũng có thể đưa ra ví dụ như những người trước đây đang có quyền chức thì bao nhiêu người xum xoe gần gũi, nhưng khi về nghỉ hưu – cái ánh nắng sáng lên quyền lực ấy không còn thì cái bóng kia cũng mất – chẳng mấy kẻ đến thăm, … đều được chấp nhận).
Lưu ý:
Quy định của đề yêu cầu viết không quá 60 dòng, nhưng không nhất thiết phải viết đúng con số ấy, bài viết có thể dao động trên dưới 60. Cái chính là nhằm yêu cầu học sinh biết chọn lọc ý để trình bày một cách súc tích, cô đọng.
BIỂU ĐIỂM
– Điểm 6 :
+ Bài làm đáp ứng được các yêu cầu ở đáp án.
+ Cách trình bày, đặt vấn đề tỏ ra hợp lý, thấu đáo.
+ Mắc vài lỗi chính tả và lỗi diễn đạt thông thường.
– Điểm 4 :
+ Bài làm xác định được yêu cầu đề, cách lập luận rõ ràng, nhưng nội dung giải thích chỉ lướt qua, chưa nói được 1 trong 2 ý (a hoặc b) ở nội dung 3, kiến thức về vốn sống còn hạn chế.
+ Văn viết rõ ý.
+ Mắc khoảng 3, 4 lỗi chính tả và lỗi diễn đạt.
– Điểm 2 :
+ Bài viết chỉ nêu chung chung, nhận thức vấn đề còn non nớt, đôi chỗ sai lệch về kiến thức, vốn sống tỏ ra khá nghèo nàn.
+ Văn viết đôi chỗ còn rối, lủng củng.
+ Mắc nhiều lỗi chính tả và lỗi diễn đạt.
– Điểm 0 :
+ Bài viết hoàn toàn lạc đề.
+ Hoặc chỉ viết được đôi ba câu nhập đề.
***
Câu 2. 6 điểm
Đề chỉ yêu cầu cảm nhận, phân tích về nghệ thuật miêu tả màu sắc, ánh sáng, bóng tối, âm thanh trong truyện, qua đó thấy được cái tinh tế trong việc tả cảnh với giọng văn nhẹ nhàng, êm mượt đầy chất thơ của tác giả. Bài làm của học sinh cần thể hiện được những nội cơ bản sau :
- Giới thiệu vài nét về tác giả, hoàn cảnh và cảm hứng sáng tác.
- Về màu sắc, ánh sáng và bóng tối, âm thanh trong truyện. (Học sinh cần nhớ và nêu lên những chi tiết để phân tích, cảm nhận. Sau đây là những gợi ý để giám khảo tham khảo chấm bài).
- Màu sắc, ánh sáng và bóng tối
a1. Cảnh chiều tàn nơi phố huyện với không gian “phương tây đỏ rực như lửa cháy và những đám mây ánh hồng như hòn than sắp tàn”. Tất cả như loé lên để rồi lịm tắt, nhường lại cho màu đen của bóng đêm bào trùm. Trước tiên là “mấy quả thuốc sơn đen” nơi cửa hàng tựa như điểm xuất phát bóng tối để rồi ngập tràn lên đôi mắt của Liên và lan toả vào không gian.
Trời vào đêm, “các con ngõ dần dần chứa đầy bóng tối”. “Tối hết cả, đường thăm thẳm ra sông, con đường qua chợ về nhà, các ngõ vào làng lại càng sẫm đen hơn nữa”.
a2. Bóng tối đã làm nổi bật lên ánh sáng. Hình ảnh ánh sáng lại hoà trộn lẫn vào bóng đêm, tất cả đều trở nên nhỏ nhoi, khiêm nhường, yếu ớt, từ ánh sáng nhấp nháy của con đom đóm là là trên mặt đất, hay len vào những cành cây; ánh sáng của những ngôi sao lặng lẽ trên bầu trời xa, ánh sáng qua khe cửa khép của vài cửa hàng đã nghỉ, ánh sáng của gánh phở bác Siêu, … không thể xua đi bóng tối để làm vui cho cái phố huyện buồn lặng lẽ được.
a3. Chỉ đến khi đoàn tàu đi qua, “các toa tàu sáng trưng”, rực lên, như “đem một chút thế giới khác” đến, mang theo niềm vui, nhưng chiếc tàu chỉ thoáng qua, đêm tối lại “bao bọc chung quanh”, trả lại cho “đêm của đất quê” với “ruộng đồng mênh mông vắng lặng”.
- Âm thanh:
b1. Khi chiều tàn, “tiếng trống thu không” “từng tiếng một vang ra để gọi buổi chiều”, nhằm kết thúc thời khắc giữa ngày sang đêm, cái không gian của “một chiều êm ả như ru”. Tiếng trống chậm rãi, khoan thai, không vui, không buồn.
Khi vào đêm, “tiếng trống cầm canh đánh tung lên một tiếng khô khan, không vang động ra xa, rồi chìm ngay vào bóng tối”, càng làm tăng thêm sự lặng lẽ, xác xơ trong không gian chật hẹp.
b2. Rồi văng vẳng tiếng ếch nhái “kêu ran ngoài đồng”, tiếng muỗi vo ve, tiếng chó cắn, những âm thanh gợi cảm giác buồn thấm thía “vào tâm hồn ngây thơ” của cô bé Liên.
b3. “Tiếng đòn gánh kĩu kịt nghe rõ rệt” từ gánh phở bác Siêu vọng lên trong đêm tối như đè lên đôi vai nhọc nhằn lam lũ quanh năm của người lao động. Tiếng đàn bầu của gia đình ông xẩm với kiếp sống bấp bênh, tạm bợ.
b4. Tiếng người: Tiếng nói thì rời rạc, nhác gừng; tiếng cười thì vô cảm,…
b5. Đó là tất cả những âm thanh từ chiều vào đêm, một bản hoà âm với những điệu buồn của một vùng quê nghèo tỉnh lặng.
- Cảm nhận về nghệ thuật miêu tả và chất thơ trong văn Thạch Lam. (Những trích dẫn bên trên đã có những câu mang chất thơ rồi, nhưng học sinh cần phải biết rút ra cảm nhận, đánh giá để thấy được bút pháp đặc sắc riêng của tác giả. Sau đây là những gợi ý về yêu cầu bài làm của học sinh để giám khảo tham khảo chấm bài).
- Nhà văn quan sát, miêu tả một cách tỉ mỉ, tinh tế về ánh sáng – bóng tối, màu sắc, âm thanh với những biến thái phong phú, tinh vi, gợi được không khí của truyện khá sâu sắc. Cảnh ấy được thông qua lăng kính tâm trạng, góp phần làm nổi bật bức tranh đời sống phố huyện nghèo và niềm khát khao cuộc sống tươi sáng của con người – ở đây là của chị em Liên, An.
- Văn của Thạch Lam nói chung và trong Hai đứa trẻ nói riêng, câu văn uyển chuyển, nhuần nhị, trong sáng, giàu hình ảnh, nhiều đoạn văn mang đầy chất thơ. (Học sinh dựa vào một số câu văn để chứng minh. Gợi ý một số ngữ liệu sau để giám khảo tham khảo làm căn cứ chấm bài: “Phương tây đỏ rực như lửa cháy và những đám mây ánh hồng như hòn than sắp tàn”. “Chiều, chiều rồi. Một buổi chiều êm ả như ru, văng vẳng tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng theo gió nhẹ đưa vào”. “Trời bắt đầu vào đêm, một đêm mùa hạ êm như nhung và thoảng qua gió mát”. “Vòm trời hàng ngàn ngôi sao ganh nhau lấp lánh, lẫn với vệt sáng của những con đom đóm bay là là trên mặt đất hay len vào những cành cây”.
- Tả cảnh cũng như tả tình, văn Thạch Lam thường nhẹ nhàng, mềm mại, gợi cảm giác lâng lâng lan toả mơ hồ, mà thấm thía, lắng đọng, nhiều hình tượng để lại ấn tượng hết sức sâu đậm trong lòng người đọc.
BIỂU ÐIỂM
– Điểm 6 :
+ Bài làm đáp ứng được các yêu cầu ở đáp án.
+ Nắm vững nội dung truyện, trích dẫn ngữ liệu trực tiếp, chính xác, cảm nhận vấn đề tinh tế, sâu sắc.
+ Văn viết có cảm xúc.
+ Mắc vài lỗi chính tả và lỗi diễn đạt thông thường.
– Điểm 4 :
+ Hiểu được nội dung đề, nhưng rơi vào trích dẫn gián tiếp là chính.
+ Nội dung phần 1 ở đáp án chỉ nói thoáng qua.
+ Nêu được 1/3 ý trong nội dung a và ¼ ý trong 4 nội dung b (b1, b2, b3, b4), chưa nói được phần b5 của phần 2 và 1/3 ý trong phần 3 ở đáp án.
+ Văn viết trôi chảy, rõ ràng.
+ Mắc khoảng 3, 4 lỗi chính tả và lỗi diễn đạt thông thường.
– Điểm 2 :
+ Chưa đề cập đến nội dung ở phần 1. Nắm không vững nội dung truyện, bài làm còn nói chung chung, nhớ các chi tiết truyện nhiều chỗ không chính xác.
+ Trình bày ý tứ nhìn chung thiếu mạch lạc, văn viết đôi chỗ còn rối, lủng củng.
+ Mắc nhiều lỗi chính tả và lỗi diễn đạt..
– Điểm 0 :
– Bài viết hoàn toàn lạc đề
– Hoặc chỉ viết đôi ba câu nhập đề.
***
Câu 3. 8 điểm
Tuy yêu cầu cảm nhận hai khổ thơ trong hai bài thơ của hai tác giả, nhưng học sinh phải nắm được tổng quát về nội dung của hai bài thơ, để từ đó nêu cảm nhận về hoài niệm thể hiện trong khổ thơ. Học sinh có thể trình bày và cảm nhận nhiều cách khác nhau, nhưng tựu trung yêu cầu trong quá trình làm bài phải biết so sánh, đối chiếu cảm hứng hoài niệm của mỗi nhà thơ và nói được những nội dung cơ bản sau:
- Nêu vài nét về hai tác giả, hoàn cảnh, cảm hứng sáng tác và vị trí đoạn trích.
- Về hai khổ thơ:
- Học sinh có thể so sánh sự gặp gỡ giữa hai tác giả:
a1. Đều thể hiện một hoài niệm đẹp đẽ, ân tình về thiên nhiên và con người trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp. Nếu trong “Việt Bắc” Nhớ từng bản khói cùng sương thì trong “Tiếng hát con tàu” Nhớ bản sương giăng, nhớ đèo mây phủ. Đó là những hình ảnh hết sức đặc trưng của núi rừng phía Bắc.
a2. Tình cảm của hai tác giả cũng đều biểu hiện tấm lòng yêu thương qua nỗi nhớ hết sức thiết tha, triều mến.
- Nhưng cách biểu đạt cụ thể của từng tác giả có khác nhau. Sau đây là gợi ý để giám khảo tham khảo chấm bài, cho điểm.
b1. 4 câu thơ ở bài Việt Bắc, cần cảm nhận được:
Ý 1: “Nhớ gì như nhớ người yêu”: so sánh với nỗi “nhớ người yêu” để thấy được cung bậc của nỗi nhớ nghe thiết tha, nồng ấm, êm đềm.
Ý 2: Ba câu thơ tiếp theo giải đáp câu hỏi tu từ nói rõ “nhớ gì”. Hóa ra là nhớ cảnh, nhớ người. Cảnh ấy xoay vòng theo thời gian, lúc trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương, hình ảnh khói sương trên các bản làng. Nỗi nhớ bao trùm không gian và thời gian – đêm ngày, khuya, sớm. Nghĩa là mọi nơi, mọi lúc, mọi hình ảnh đều khắc đậm trong kí ức không thể phai mờ.
(Lưu ý hình ảnh sớm khuya bếp lửa người thương đi về có thể gợi cho học sinh cảm nhận theo nhiều cách: có thể đó là hình ảnh của những người hậu cần (có thể là nam, cũng có thể là nữ) chăm lo việc ăn uống cho cán bộ, bộ đội, hoặc những người thân quen nơi các bản làng; cũng có thể gợi cho học sinh hiểu “người thương” ở đây vượt lên trên giới hạn tình cảm bạn bè, đồng đội – là tình cảm lứa đôi… Bởi cảm xúc thơ gợi lên nỗi niềm thiết tha nhưng hình ảnh người thương khá mơ hồ, không xác định cụ thể).
b2. 4 câu thơ ở bài Tiếng hát con tàu, cần cảm nhận được:
Ý 1. Nỗi nhớ về không gian cũng hết sức mênh mang, đằm thắm. Nói không gian nhưng thật ra là nói về con người ở nơi ấy, đã gắn bó với những tình cảm yêu thương đùm bọc, che chở cho mình, nên “nơi nao qua, lòng lại chẳng yêu thương”. Không gian ấy trở nên có hồn, có nghĩa, hết sức ân tình.
Ý2. Hai câu thơ: Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở / Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn ! kết lại những nhận thức về hoài niệm – không chỉ riêng cho khổ thơ mà là hai câu thơ cô đúc nhất trong bài, giống như câu châm ngôn, chứa đựng một triết lý sâu sắc, nhưng không phải là những câu châm ngôn mang những lời lẽ giáo huấn khô khan, mà đó là một quy luật tình cảm, quy luật của trái tim và được cảm nhận bằng chính trái tim.
- Nếu trong Việt Bắc cảm xúc của Tố Hữu được thể hiện thể thơ lục bát, uyển chuyển, nhẹ nhàng gợi lên nỗi nhớ vời vợi, bâng khuâng, với cách biểu đạt cảm xúc bằngbiện pháp so sánh làm cho tình cảm giữa cán bộ – bộ đội và nhân dân Việt Bắc thêm thắm thiết, giọng thơ mang đậm chất trữ tình thì trong Tiếng hát con tàu của Chế Lan Viên sử dụng thể thơ tám chữ rắn rỏi, cứng cáp, rút ra một triết lý về quy luật tình cảm mang đầy màu sắc trí tuệ. Chỉ hai khổ thơ cũng cho thấy khá rõ được phong cách của mỗi nhà thơ.
BIỂU ÐIỂM
– Ðiểm 8 :
+ Bài làm đáp ứng được các yêu cầu ở đáp án.
+ Biết cách so sánh và cảm nhận thơ tinh tế.
+ Văn viết có hình ảnh và cảm xúc.
+ Mắc vài lỗi chính tả và lỗi diễn đạt thông thường.
– Ðiểm 6 :
+ Chưa nói được nội dung c hoặc chỉ đề cập thoáng qua, nói được ½ số ý ở nội dung a, chưa nói được Ý 1 ở nội dung b1, cảm nhận được nội dung b2 nhưng phân tích, lập luận chưa thấu đáo.
+ Văn viết trong sáng, mạch lạc.
+ Mắc khoảng vài ba lỗi chính tả và lỗi diễn đạt.
– Điểm 4 :
+ Chưa đề cập đến hoàn cảnh sáng tác của từng bài thơ, nêu được ½ số ý ở nội dung a, chưa nói được Ý 1 ở nội dung b1, nói được ½ số ý ở nội dung b2, nhưng lập luận chưa thỏa đáng; chưa nói được nội dung c, chưa liên hệ nội dung khái quát toàn bài thơ để dẫn dắt cho quá trình phân tích, lập luận.
+ Văn viết rõ ý.
+ Mắc khoảng 3, 4 lỗi chính tả và lỗi diễn đạt thông thường.
– Điểm 2 :
+ Nội dung bài viết nhìn chung còn sơ sài. Hiểu thơ còn hời hợt, nông cạn.
+ Trình bày ý tứ thiếu mạch lạc, văn viết còn rối, lủng củng.
+ Mắc nhiều lỗi chính tả và lỗi diễn đạt.
– Điểm 0 :
– Bài viết hoàn toàn lạc đề.
– Hoặc chỉ mới viết được đôi ba câu nhập đề.
***
Lưu ý chung về bài làm ở ba câu: Đặc biệt chú ý đến những bài diễn đạt trôi chảy, văn có hình ảnh, có cảm xúc, tỏ ra có năng khiếu, nếu nội dung chưa đáp ứng được yêu cầu ở từng mốc điểm trong đáp án, giáo viên cần xem xét để cho con điểm hợp lý.