Axit Nucleic (tiếp)
GIẢI BÀI TẬP AXIT NUCLÊIC
I. CÂU HỎI SÁCH GIÁO KHOA
A. PHẦN TÌM HIỂU VÀ THẢO LUẬN
▼ Quan sát hình 6.1 SGK Sinh học 10 và mô tả cấu trúc của phân tử ADN.
Trả lời:
– ADN cấu tạo theo nguyên tắc đa phân. Mỗi đơn phân là 1 nuclêôtit.
– Mỗi nuclêôtit có cấu tạo gồm 3 thành phần là đường pentôzơ (5C), nhóm phôtphat và bazơ nitơ.
Có 4 loại nuclêôtit là A, T, G, X. Các loại nuclêôtit chỉ khác nhau về bazơ ni tơ.
– Các nuclêôtit liên kết nhau theo 1 chiều xác định (3′ —> 5′) tạo nên 1 chuỗi pôlinuclêôtit.
Mỗi trình tự xác định của các nuclêôtit trên phân tử ADN mã hóa cho 1 sản phẩm nhất định (prôtêin hay ARN) được gọi là gen. Một phân tử ADN thường có kích thước rất lớn và chứa rất nhiều gen.
– Mỗi phân tử ADN gồm 2 chuỗi pôlinuclêôtit liên kết với nhau bằng các liên kết hiđrô giữa các bazơ nitơ của các nuclêôtit theo nguyên tắc bổ sung: A của chuỗi pôlinuclêôtit này liên kết với T của chuỗi polinuclêôtit kia bằng 2 liên kết hiđrô, G của chuỗi pôlinuclêôtit này liên kết với X của chuỗi pôlinuclêôtit kia bằng 3 liên kết hiđrô và ngược lại.
– Hai chuỗi pôlinuclêôtit của phân tử ADN xoắn lại quanh 1 trục tưởng tượng tạo 1 xoắn kép đều đặn giống như một cầu thang xoắn, trong đó các bậc thang là các bazơ nitơ, còn thành và tay vịn là các phân tử đường và các nhóm photphat.
– Ở tế bào nhân sơ, phân tử ADN thường có cấu trúc mạch vòng.
– Ở tế bào nhân thực, phân tử ADN có cấu trúc mạch thẳng.
▼ Hãy cho biết các đặc điểm cấu trúc của ADN giúp chúng thực hiện chức năng lưu giữ, bảo quản và truyền đạt thông tin di truyền.
Trả lời:
– Thông tin di truyền được lưu giữ trong phân tử ADN dưới dạng số lượng và trình tự các nuclêôtit. Trình tự các nuclêôtit trên ADN làm nhiệm vụ mã hóa cho trình tự các axit amin trong chuỗi pôlipeptit (cấu tạo nên prôtêin). Các prôtêin lại cấu tạo nên các tế bào và do vậy quy định các đặc điểm của cơ thể sinh vật. Vậy, các thông tin trên ADN quy định tất cả các đặc điểm của cơ thể sinh vật.
– Do được cấu tạo từ 2 mạch theo nguyên tắc bổ sung nên thông tin di truyền được bảo quản tốt vì khi có sự hư hỏng (đột biến) ở mạch này thì mạch không bị hư sẽ được dùng làm khuôn để sửa chữa cho mạch bị hư.
– Thông tin trên ADN được truyền từ tê bào này sang tê bào khác nhờ sự nhân đôi ADN trong quá trình phân bào.
Thông tin di truyền trên ADN (gen) còn được truyền từ ADN -» ARN -» prôtêin thông qua các quá trình phiên mã và dịch mã.
▼ Có bao nhiêu loại phân tử ARN và người ta phân loại chúng theo tiêu chí nào?
Trả lời:
Có 3 loại ARN là mARN, tARN và rARN. Người ta dựa theo chức năng để phân loại ARN.
B. CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP
Giải bài tập 1 trang 30 SGk sinh học 10: Nêu sự khác biệt về cấu trúc giữa ADN và ARN.
Trả lời:
ADN |
ARN |
|
4 loại nuclêôtit |
A, T, G, X |
A, U, G, X |
Cấu tạo |
gồm 2 chuỗi pôlinuclêôtit |
gồm 1 chuỗi pôlinuclêôtit |
Nguyên tắc bổ sung |
A nối với T G nối với X |
A nối với U G nối với X |
Giải bài tập 2 trang 30 SGk sinh học 10: Nếu phân tử ADN có cấu trúc quá bền vững cũng như trong quá trình truyền đạt thông tin di truyền không xảy ra sai sót gì thì thế giới sinh vật có thể đa dạng như ngày nay không?
Trả lời:
Nếu phân tử ADN có câu trúc quá bền vững cũng như trong quá trình truyền đạt thông tin di truyền không xảy ra sai sót gì thì thế giới sinh vật không thể đa dạng như ngày nay.
Giải bài tập 3 trang 30 SGk sinh học 10: Trong tế bào thường có các enzim sửa chửa các sai sót về trình tự nuclêôtit. Theo em, đặc điểm nào về cấu trúc của ADN giúp nó có thể sửa chữa những sai sót nêu trên?
Trả lời:
Do ADN được cấu trúc từ 2 mạch theo nguyên tắc bổ sung, khi có sự sai sót về trình tự nuclêôtit ở mạch này thì mạch kia được dùng làm khuôn để sửa chữa cho mạch có sai sót kia.
Giải bài tập 4 trang 30 SGk sinh học 10: Tại sao cũng chỉ có 4 loại nuclêôtit nhưng các sinh vật khác nhau lại có những dặc điểm và kích thước rất khác nhau?
Trả lời:
Chỉ có 4 loại nuclêôtit nhưng các sinh vật khác nhau lại có những đặc điểm và kích thước rất khác nhau là do số lượng, thành phần, trật tự sắp xếp các nuclêôtit khác nhau trên ADN.