Suy nghĩ về nhân vật người đàn bà trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu

Đề bài: Anh (chị) hãy trình bày suy nghĩ của mình về nhân vật người đàn bà trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của nhà văn Nguyễn Minh Châu.

Chiếc thuyền ngoài xa sáng tác năm 1983 là truyện ngắn xuất sắc của Nguyễn Minh Châu. Nội dung kể về chuyến đi thực tế của một nghệ sĩ nhiếp ảnh với những sự việc mà anh bất ngờ được chứng kiến. Thông qua đó thể hiện cách nhìn của tác giả về hiện thực cuộc sống, một cái nhìn thấu hiểu và trĩu nặng tình thương cùng sự băn khoăn về thân phận con người.

Truyện có ba nhân vật chính: chánh án Đẩu, nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng và người đàn bà hàng chài, trong đó nhân vật người đàn bà để lại ấn tượng sâu sắc trong tâm trí người đọc. Cuộc đời và số phận của chị giống như bao cuộc đời và số phận của những người phụ nữ hàng chài khác : đông con, nghèo khổ… Là nạn nhân của bạo lực gia đình nhưng chị rất mực thương chồng, thương con, nhẫn nhục cam chịu đòn roi của chồng vì không muốn gia đình tan vỡ. Người đàn bà ấy có vai trò quan trọng trong việc thể hiện tư tưởng chủ đề tác phẩm. Nhà văn đã khắc họa chân dung nhân vật này bằng thủ pháp nghệ thuật tương phản để làm nổi bật sự khác biệt giữa hình thức bên ngoài và phẩm chất bên trong, giữa tính cách và thân phận, vẻ đẹp đáng trân trọng ở người đàn bà hàng chài là đức tính vị tha, hi sinh đến quên mình của một người vợ, người mẹ lam lũ, vất vả, chồng chất trên vai gánh nặng mưu sinh. Phẩm chất ấy hiện lên qua từng chi tiết đầy kịch tính của truyện.

 

cam nhan ve nhan vat nguoi phu nu trong chiec thuyen ngoai xa

Tác giả chỉ gọi nhân vật của mình là người đàn bà một cách phiếm định chứ không có tên tuổi cụ thể với chủ ý nói đến những người đàn bà vô danh ở những vùng biển khác nhau nhưng cùng chung số phận đau thương. Bao nhiêu giọt nước mắt tủi hờn của họ tuôn rơi mà người đời không mấy khi để ý tới.

Tác giả giới thiệu vài nét về hình dáng bên ngoài của nhân vật này: Người đàn bà trạc ngoài bốn mươi, một thân hình quen thuộc của đàn bà vùng biển, cao lớn với những đường nét thô kệch. Mụ rỗ mặt. Khuôn mặt mệt mỏi sau một đêm thức trắng kéo lưới, tái ngắt và dường như đang buồn ngủ… tấm lưng ảo bạc phếch và rách rưởi, nửa thân dưới ướt sũng…
Nhưng bên trong cái hình thức xấu xí ấy lại là một tấm lòng nhân hậu, vị tha, độ lượng, giàu đức hi sinh. Người đàn bà hàng chài rất hiểu chồng và thương chồng, cái gã đàn ông cục tính hễ mở miệng ra là đòi giết vợ, giết con, là nguyền rủa: Chúng mày chết hết đi cho ông nhờ! Theo lời chị ta kể thì chồng chị hồi còn trẻ là một anh con trai cục tính nhưng hiền lành lắm và không biết Uống rượu. Anh ta không chịu đi lính để lấy tiền nuôi vợ con mà cam chịu cuộc sống vất vả của dân chài. Sau giải phóng, cuộc sống khó khăn, thiếu thốn kéo dài là nguyên nhân biến tính nết cục cằn của anh ta thành hung bạo. Anh ta giải tỏa sự bức bối, căng thẳng bằng cách thường xuyên đánh vợ. Khi lũ con còn nhỏ, anh ta đánh vợ ngay tại thuyền. Đến lúc chúng đã lớn, người vợ xin chồng cho lên bờ để chịu đòn. Theo suy nghĩ của chị thì trong hoàn cảnh đông con, túng quẫn, những người đàn ông hàng chài nếu không đánh vợ cho hả giận thì cũng uống rượu để giải sầu.
Sức chịu dựng và sự hi sinh thầm lặng của người đàn bà hàng chài làm cho người đọc phải ngỡ ngàng. Vừa ở dưới thuyền lên đến bên chiếc xe rà phá mìn bị hỏng nằm trên bờ cát, chị ta đã bị anh chồng rút chiếc thắt lưng tía quất tới tấp vào người. Chị không hề né tránh mà cắn răng cam chịu, không kêu rên, không chống trả và cũng không chạy trốn. Chị chấp nhận những trận đòn hằng ngày như một phần cuộc đời mình ; chẳng khác gì người đánh cá phải đương đầu với sóng to, gió lớn khi biển động.
Người đàn bà ấy chấp nhận đau khổ, coi đó là lẽ đương nhiên, bởi một lí do quan trọng là trên chiếc thuyền lưới vó đánh cá ngoài khơi xa, cần phải có một người đàn ông khỏe mạnh và giỏi nghề để giúp vợ nuôi đàn con đông đúc. Chị nghĩ rất đúng rằng mình sống cho con chứ không phải cho bản thân và tự an ủi là nếu những người vợ khác chấp nhận các ông chồng nghiện rượu thì mình cũng chấp nhận để cho chồng đánh đập thường xuyên. Chị chỉ xin chồng hãy đánh ở trên bờ, đừng để các con nhìn thấy. Tất cả suy nghĩ, hành động của chị đều vì chồng, vì con, đó là điểu đáng thương mà cũng đáng quý biết chừng nào !
Hình như người đàn bà hàng chài chẳng bao giờ để lộ ra bên ngoài nỗi đau khổ của mình. Sự nhẫn nhục cam chịu hầu như chi phối toàn bộ suy nghĩ và hành động của chị. Thấp thoáng ở người đàn bà ấy là bóng dáng những người vợ, người mẹ đảm đang, nhân hậu, bao dung và hi sinh đến quên mình.
Người đàn bà ấy cũng rất tự trọng. Sau khi biết hành động vũ phu của chồng mình đã bị đứa con trai và người khách lạ (nghệ sĩ Phùng) chứng kiến, chị thấy đau đớn, vừa đau đớn vừa vô cùng xấu hổ, nhục nhã. Chắc chắn đây không chì là sự đau đớn về thể xác. Giọt nước mắt đau khổ của người đàn bà đã ứa ra. Đó là giọt nước mắt của nhọc nhằn và chịu đựng. Chị không muốn bất cứ ai chứng kiến và thương xót cho tình cảnh trớ trêu của mình, kể cả thằng Phác, đứa con trai mà chị quý nhất. Thân thể bị chà đạp, nhân phẩm bị xúc phạm nhưng người đàn bà ấy không hề để ý, không hề bận tâm. Đúng là sự nhẫn nhục của một người có nhân cách, có lòng tự trọng và thấu hiểu lẽ đời.
Bên trong vẻ cam chịu, nhẫn nhục ấy là tính cách can đảm, cứng cỏi và khát vọng hạnh phúc dù nhỏ nhoi nhưng thật cảm động, ở tòa án huyện, chính người đàn bà ấy đã đem đến cho Phùng và Đẩu những suy nghĩ, xúc cảm mới. Được mời lên tòa án để giải quyết chuyện gia đình, lúc đầu chị ta lúng túng, rụt rè tìm một góc tường để ngồi. Chị thấy sợ hãi Khi đến một không gian lạ và cảm thấy mình thật nhỏ bé giữa chốn công đường. Cái thế ngồi của chị như cố thu mình lại để tự vệ, cho dù đã được Đẩu, Phùng chia sẻ và cảm thông.
Nguyễn Minh Châu đã thể hiện thành công sự thay đổi bất ngờ trong thái độ và ngôn ngữ của người đàn bà hàng chài khi bày tỏ tâm sự về gia cảnh vả quyết tâm giữ gìn hạnh phúc bé nhỏ của đời mình. Lúc đầu, chị thưa gửi rất lễ phép, xưng là con và có lúc đã năn nỉ van xin chánh án Đẩu : Con lạy quý tòa… Nhưng khi đã lấy lại được sự tự tin, tâm thế người đàn bà đó đột ngột thay đổi. Chị ta chuyển sang cách xưng hô thân mật và có phần suồng sã : Chị cám ơn các chủ ! Đây là chị nói thành thực, chị cám ơn các chú. Lòng các chú tốt, nhưng các chú đâu có phải là người làm ăn… cho nên các chú đâu có hiểu được cái việc của các người làm ăn lam lũ, khó nhọc… Sự thay đổi bất ngờ ấy khiến Đẩu và Phùng hết sức ngạc nhiên.
Chị ta đã nói cho Đẩu và Phùng biết nỗi vất vả và nguy hiểm khôn lường của người đàn bà trên một chiếc thuyền đánh cá không có đàn ông, nhất là những khi biển động. Giọng nói của người đàn bà tha thiết như giãi bày, mong nhận được sự chia sẻ của người nghe: Mong các chú cách mạng thông cảm cho, đám đàn bà hằng chài ở thuyền chúng tôi cần phải có người đàn ông để chèo chống khi phong ba, để cùng làm ăn nuôi nấng đặng một sắp con nhà nào cũng trên dưới chục đứa. Ông trời sinh ra người đàn bà là để đẻ con, rồi nuôi con cho đến khi khôn lớn, cho nên phải gánh lấy cái khổ. Đàn bà ở thuyền chúng tôi phải sống cho con chứ không thể sống cho chính mình như ở trên đất được ! Mong các chú lượng tình cho cái sự lạc hậu. Các chú đừng bắt tôi bỏ nó!
Giọng người đàn bà bớt sầu não phần nào khi nói về hạnh phúc được hi sinh của người vợ, người mẹ. Bên ngoài, chị ta là một kẻ quê mùa, thất học; nhưng bên trong lại là người từng trải và thấu hiểu sâu sắc lẽ đời. Qua lời kể của chị, Đẩu và Phùng hiểu thêm phần nào về cuộc sống cực nhọc và bất trắc của nghề chài lưới ngoài khơi xa cùng với những niềm vui, nỗi buồn của một gia đình hàng chài vất vả nuôi một đận con trong một chiếc thuyền hẹp. Bên cạnh đó là đời sống tinh thần nghèo nàn của những người sống lênh đênh trên biển, không biết giãi bày tâm sự với ai. Người đàn bà hàng chài gọi Đẩu và Phùng là các chú cách mạng. Cách gọi như thế có cái gì đó vừa thân thương nhưng cũng vừa xạ lạ, bởi các chủ có hiểu gì về cuộc sống đời thường với những chuyện phức tạp như thế này đâu?! Hình ảnh người đàn bà vùng biển đã ám ảnh Phùng, cũng chính là cuộc sống đời thường đang ám ảnh tâm trí các nghệ sĩ trên hành trình phản ánh hiện thực và sáng tạo nghệ thuật.
Người đàn bà hàng chài trân trọng tình mẫu tử và nâng niu những niềm vui, hạnh phúc nhỏ nhoi chắt lọc từ trong cuộc sống thiếu thốn, đau khổ triền miên. Nét mặt chị tươi hẳn lên khi kể rằng trong gia đình mình đôi khi vẫn có niềm vui. Ấy là khi vợ chồng con cái sống hòa thuận, vui vẻ… và vui nhất là lúc ngồi nhìn đàn con chúng nó được ăn no. Vì thương đàn con nheo nhóc mà người đàn bà hàng chài cắn răng chấp nhận những trận đòn tàn bạo của chồng. Vì thương chồng mà chị cảm thông và tha thứ cho tính vũ phu. Ở đây, tình thương và lẽ đời đã chiến thắng. Người lao động lam lũ, nghèo khổ không có uy quyền gì nhưng cái tâm của một người đàn bà thương con sâu sắc cũng là một thứ uy quyền có sức lay động rất lớn. Nó làm cho những trí thức như chánh án Đẩu, nghệ sĩ Phùng chợt tỉnh ngộ ra nhiều điều trong cuộc sống đời thường.
Tính cách người đàn bà hàng chài trong truyện được tác giả khắc họa thông qua các mối quan hệ gia đình và xã hội: Với chồng thì cam chịu, nhẫn nhục nhưng không phải mù quáng mà là sự cảm thông và thương xót. Với con thì tận tâm, bao bọc, che chở, cố tránh cho con khỏi bị tổn thương, luôn mang nặng mặc cảm có lỗi với con. Với cán bộ tòa án, lúc đầu chị tỏ ra sợ sệt, e ngại, sau đó tự tin hơn và thành thật bộc bạch suy nghĩ của mình. Đây là tính cách của một người đàn bà lao động chất phác, lam lũ, giàu lòng thương con, thương chồng và sống bằng kinh nghiệm thực tiễn. Người đàn bà hàng chài là hiện thân của vẻ đẹp khiêm nhường và thế giới tâm hồn phức tạp, bí ẩn của con người.
 Nói đến bạo lực trong gia đình người đàn bà hàng chài, tác giả đã khơi dậy trong lòng người đọc nỗi xót thương pha lẫn lo âu trước tình trạng phụ nữ và trẻ em bị ngược đãi, về nguy cơ trẻ em sẽ sớm nhiễm thói vũ phu, thô bạo do bị tổn thương tâm hồn, đánh mất niềm tin vào cuộc sống. Nhà văn không chỉ lên án bạo lực, phê phán sự ngu muội, không chỉ bày tỏ tình thương yêu với những con người nhỏ bé, bất hạnh, mà còn cảnh báo một nguy cơ đáng sợ: Nếu không giải phóng con người ra khỏi vòng luẩn quẩn của sự đói nghèo, tăm tối thì không thể đẩy lùi được cái ác. Đó là chiều sâu tư tưởng nhân đạo của tác phẩm.
Hình tượng người đàn bà hàng chài trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa đã thể hiện tấm lòng trĩu nặng tình thương, nỗi lo âu cho số phận con người của nhà văn Nguyễn Minh Châu, đồng thời cho thấy, tác giả đã có cái nhìn không hề đơn giản về cuộc sống.

Thảo luận cho bài: Suy nghĩ về nhân vật người đàn bà trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu