Phân tích tác hại của thái độ thiếu trung thực trong thi cử
Nghị luận xã hội về Bệnh vô cảm trong xã hội hiện nay
Đề bài:
Hãy phân tích tác hại của thái độ thiếu trung thực trong thi cử. Theo anh (chị), làm thế nào để khắc phục được thái độ sai trái đó?
Bài làm:
Trong những năm qua, ngành giáo dục “nóng” lên với nhiều vấn đề như hiện tượng ngồi nhầm lớp, bệnh thành tích, đạo đức người thầy… Thái độ thiếu trung thực trong thi cử cũng là một vấn đề nổi cộm làm đau đầu các nhà giáo dục. Tiêu cực trong thi cử gây ra những tác hại lớn, ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục và toàn thể xã hội. Đã đến lúc không thể làm ngơ và cần có những biện pháp thích hợp để trả lại sự trong sáng, nghiêm túc cho các kì thi và sự công bằng cho học sinh và thầy cô giáo.
Thái độ sai trong thi cử mà biểu hiện cao nhất là hiện tượng gian lận khi làm bài đã tới mức “báo động đỏ” – không chỉ làm đau đầu các quan chức có trách nhiệm đối với ngành giáo dục mà còn làm nhức nhối lương tâm tất cả những ai quan tâm tới sự nghiệp “trồng người” của đất nước ta. Trong thời gian gần đây, các phương tiện như báo chí, truyền thanh, truyền hình đề cập rất nhiều về vấn đề này, nhất là vào dịp diễn ra kì thi tốt nghiệp các cấp và thi tuyển sinh vào hệ Cao đẳng, Đại học hàng năm.
Vậy nguyên nhân của thái độ tiêu cực này là ở đâu? Xét kĩ, chúng ta sẽ thấy nó có “họ hàng thân thuộc, dây mơ rễ má” với các hiện tượng tiêu cực khác như thói lười biếng, thói giả dối và bệnh thành tích… Sâu xa hơn, nó bắt nguồn từ nhận thức lệch lạc về mục đích và tầm quan trọng của việc học đối với sự hình thành nhân cách và thành công hay thất bại trong cuộc đời của mỗi con người.
Ngay từ ngày xưa, tổ tiên chúng ta đã có quan điểm hết sức đúng đắn là học để làm người. Tiên học lễ, hậu học văn, tức là trước hết phải học lễ giáo (những điều giáo dục về khuôn phép sống theo tư tưởng Nho giáo). Có thể hiểu đơn giản là học phép cư xử, học đạo lí nhân nghĩa. Sau đó mới là học chữ thánh hiền (chữ Nho) để có được những kiến thức cơ bản trong việc tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Những lời khẳng định tầm quan trọng của sự học có giá trị như chân lí muôn đời: Ngọc bất trác, bất thành khí, Nhân bất học, bất tri lí. (Ngọc không mài không sáng. Người không học không biết đâu là lí lẽ, đúng, sai). Hoặc: Có học thì như lúa như nếp, không học thì như rơm như cỏ…
Phân tích tác hại của thái độ thiếu trung thực trong thi cử
Thái độ thiếu trung thực trong thi cử đã và đang trở thành một vấn nạn lớn trong ngành giáo dục ở tất cả các cấp. Điều này cho thấy thực trạng đáng buồn của bức tranh giáo dục Việt Nam trong thời gian qua. Thái độ thiếu trung thực trong thi cử biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như quay cóp, giở tài liệu (phao) thi hộ thi thay, đánh dấu bài, sử dụng các phương tiện hiện đại hỗ trợ… Dù dưới bất cứ hình thức nào thì đó vẫn là hành vi xấu, không thể chấp nhận, không được phép tồn tại. Trong những kì thi tốt nghiệp các cấp, thi vào Cao đẳng và Đại học, hàng loạt trường hợp sai trái đã bị phanh phui, nhưng cũng không ít trường hợp gian lận đã trót lọt khiến cho nỗi lo của ngành giáo dục nói riêng và của cả xã hội nói chung cứ chất chồng thêm mãi, khó mà giải quyết nổi. Để xảy ra các hiện tượng gian lận trong thi cử, các giám thị phải chịu một phần trách nhiệm. Sự rộng rãi hay cố tình dung túng của họ đã tạo cơ hội cho thí sinh làm điều xấu, điều sai. Tuy vậy, nguyên nhân chính vẫn xuất phát từ nhận thức lệch lạc, thiếu nghiêm túc của thí sinh về học hành và thi cử. Mặt khác, cơ chế thi cử cũ kĩ, lạc hậu ở nước ta là mảnh đất màu mỡ cho hiện tượng thiếu trung thực phát triển.
Những học sinh có thái độ sai trong thi cử phần lớn là do lười biếng, không muốn mất nhiều công sức học tập nhưng lại muốn được điểm cao. Đã lười học thì không thể nào nắm vững các kiến thức cơ bản và phương pháp làm bài tập của từng môn học. Cho nên lúc làm bài, họ chỉ có một trong hai cách là quay cóp bài của bạn hoặc giở tài liệu đã chuẩn bị sẵn dưới nhiều hình thức khác nhau mà giờ đây được gọi là “phao”. Thời buổi khoa học kĩ thuật hiện đại nên “phao” cũng muôn hình muôn vẻ. Kiều “cổ điển” thì cả bộ đề thi được phô tô thu nhỏ giấu vào trong quần áo, giày vớ để mang lọt vào phòng thi.
“Hiện đại” hơn thì làm bài thi theo hướng dẫn từ bên ngoài qua điện thoại di động có lắp tai nghe, được ngụy trang tinh vi để qua mắt giám thị… Có thể những hành vi sai phạm ấy được thực hiện một cách trót lọt và các thí sinh ấy thi đỗ, nhưng họ không hiểu rằng họ đã đánh mất cái quý giá nhất của con người là lòng tự trọng. Nếu khởi đầu sự nghiệp bằng dối trá thì trong suốt cuộc đời, họ phải sống trong dối trá, mà điều đó là một cực hình.
Nhiều người nghĩ một cách đơn giản và nông cạn là hiện tượng thiếu trung thực trong thi cử không hại đến ai, đến điều gì nên người nào gian lận được thì cứ việc gian lận. Thực ra, gian lận trong thi cử là một tệ nạn gây tác hại nghiêm trọng và lâu dài cho xã hội, quốc gia. Trước hết, ngành giáo dục bị ảnh hưởng nhiều nhất về mặt chất lượng. Thiếu trung thực trong thi cử tất yếu sẽ sản sinh ra những con người yếu kém về nhân cách và tài năng. Những con người ấy nếu nhờ thần thế mà được sắp đặt vào các vị trí quan trọng trong xã hội thì họ sẽ gây ra những hậu quả khôn lường, gây thiệt hại to lớn cho nhân dân, đất nước.
Sai lầm trong giáo dục là sai lầm nguy hiểm nhất, vì nó không chỉ ảnh hưởng xấu đến một cá nhân mà còn gieo rắc tai họa cho cả một thế hệ. Một cử nhân “dỏm”, một thạc sĩ, tiến sĩ “học giả mà bằng thật”, thậm chí một ông Hiệu trưởng, một ông trưởng khoa Văn trường Cao đẳng Sư phạm hẳn hoi mà chưa có bằng tốt nghiệp… Trung học phổ thông (?!) Quả là khó tin nhưng đó là sự thực. Hiện tượng con sâu làm rầu nồi canh như vậy đã làm giảm sút uy tín của ngành giáo dục khá nhiều. Những người tài sơ đức thiểu như thế mà làm công việc đào tạo thì chất lượng sản phẩm con người mà họ đào tạo ra sẽ như thế nào?
Mặt khác, hiện tượng thiếu trung thực sẽ phá vỡ sự nghiêm túc cần phải có ở chốn trường thi. Thầy không ra thầy, trò không ra trò biến thi cử thành một trò đùa may rủi. Khống thể để sự lộn xộn, phản giáo dục như thế tồn tại mãi vì giáo dục không đơn thuần là vấn đề truyền thụ kiến thức mà trước hết là vấn đề dạy dỗ, rèn luyện tư cách, đạo lí làm người. Thiếu trung thực là biểu hiện của sự thoái hóa nhân cách, đánh mất lòng tự trọng và phụ lòng tin của mọi người đối với mình. Khởi đầu bằng sự dối trá, gian lận thì tất yếu không thể có được một kết quả tốt đẹp trong cuộc đời. Bên cạnh đó, hiện tượng thiếu trung thực trong thi cử sẽ tạo ra sự bất công giữa người chăm chỉ, thật thà và kẻ lười nhác, dối trá; làm đảo lộn mọi giá trị tài năng và đạo đức trong xã hội.
“Bệnh thành tích” là mảnh đất màu mỡ cho thói dối trá, gian lận trong thi cử phát triển. Không chỉ thí sinh mà cả thầy cô giáo cũng có thái độ sai. Việc cố tình để lộ đề thi ở trường này, trường khác, hiện tượng giám thị gợi ý, thậm chí đọc bài giải cho thí sinh chép cũng có, dù biết rằng là vi phạm nội quy thi cử. Rồi một số phụ huynh nông nổi, cạn nghĩ cũng có những hành động tiêu cực như ném phao, nhờ người giải bài, thuê người thi hộ, đe dọa giám thị… để “hỗ trợ” con em thi “đỗ”.
“Nói không với tiêu cực trong thi cử” đang là một vấn đề cần thiết phải làm ngay đối với ngành giáo dục. Bên cạnh việc tuyên truyền giáo dục ý thức trung thực là những biện pháp kỉ luật nghiêm minh, đủ sức răn đe những thí sinh có ý định gian lận trong thi cử. Trước hết, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên có sự đổi mới trong cách ra đề thi, đòi hỏi người thi phải có tư duy và phương pháp làm bài chứ không tạo cơ hội cho họ sao chép. Đổi mới cách ra đề thi là một cách hạn chế tiêu cực trong thi cử khá hiệu quả. Mặt khác, công tác coi thi cần được thực hiện nghiêm túc, có trách nhiệm. Một khi giám thị coi thi không nghiêm túc thì làm sao đòi hỏi sự nghiêm túc ở thí sinh? Đã từng tồn tại hiện tượng các giáo viên cố ý bỏ ra ngoài hay canh chừng cho học sinh chép tài liệu, thậm chí làm bài hộ học sinh trong các kì thi tốt nghiệp. Phải chấm dứt ngay tình trạng đó và nếu ai cố tình vi phạm thì phải chịu những hình thức kĩ luật thích dáng. Đối với các thí sinh có thái độ không trung thực trong thi cử cũng cần xử phạt nghiêm khắc tùy theo mức độ như trừ điểm hay hủy bài thi, thậm chí cấm dự thi vĩnh viễn. Những điều sai trái trong thi cử phải bị xử lí trước pháp luật. Có như vậy thì mới lập lại được trật tự kỉ cương nơi trường thi và mới xóa bỏ bất công: kẻ lười biếng, dốt nát, dối trá thì đỗ, còn người chăm chỉ, học khá, trung thực thì lại trượt.
Để đẩy lùi và dần dần xóa bỏ những biểu hiện tiêu cực trong học tập và thi cử, cần có sự kết hợp đồng bộ, chặt chẽ của toàn xã hội trong một thời gian dài. Trước mắt, mỗi học sinh phải có nhận thức đúng đắn về mục đích của việc học là để nâng cao trình độ hiểu biết toàn diện để sau này có đủ khả năng làm việc và tạo dựng sự nghiệp cho bản thân, đồng thời đóng góp hữu ích cho sự nghiệp phát triển của đất nước. Hi vọng trong một thời gian không xa, các kì thi sẽ trở nên nghiêm túc và trường thi đúng là nơi đánh giá chính xác về mặt chất lượng học tập của học sinh và giảng dạy của giáo viên. Các kì thi sẽ là nơi đọ sức, so tài để phát hiện ra những hiền tài phục vụ cho sự nghiệp dựng xây đất nước giàu mạnh.