Phân tích hai câu ca dao: “Anh hùng là anh hùng rơm, Ta cho mồi lửa hết cơn anh hùng”
Phân tích bài ca dao “Làm trai cho đáng sức trai, Khom lưng chống gối gánh hai hạt vừng”
Phân tích bài ca dao:
Anh hùng là anh hùng rơm,
Ta cho mồi lửa hết cơn anh hùng.
Bài làm:
Nhân dân lao động châm biếm, giễu cợt mạnh mẽ một hạng đàn ông khác trong xã hội. Đó là những kẻ nông nổi không có tài năng, dũng khí, nhưng lại hay khoe khoang, khoác lác, ra vẻ ta đây hơn người.
Không biết thành ngữ anh hùng rơm có từ bao giờ nhưng ý nghĩa của nó thật hay, thật ấn tượng. Nó vẽ lên hình ảnh một kẻ tài năng thi tầm thường, có khi hèn nhát nữa, nhưng mở miệng thì toàn chuyện lớn lao trên trời dưới bể để lòe thiên hạ.
Nghệ thuật chơi chữ ở câu ca dao này khá độc đáo. Anh hùng rơm là thành ngữ dùng để chế giễu những kẻ không có can đảm, tài năng nhưng lại hay khệnh khạng, hung hăng, vênh váo. Kiểu câu định nghĩa: Anh hùng là anh hùng rơm, kết hợp với hình ảnh mồi lửa (rơm dễ cháy, ngọn lửa bốc lớn nhưng tắt rất nhanh) cùng cụm từ đặc biệt độc đáo và sáng tạo: cơn anh hùng, tạo nên xâu chuỗi liên tưởng rất thú vị, từ đó bật ra tiếng cười trào lộng sảng khoái mà thâm thúy.
Anh hùng thuộc về tính cách, bản chất của con người; còn cơn anh hùng thì lại hoàn toàn là bốc đồng trong chốc lát, giả tạo mà thôi. Không những không lừa được ai mà lại còn làm trò cười cho thiên hạ. Đối với hạng người này, ta chỉ cần giao cho một việc nhỏ trong hoàn cảnh có khó khăn, thử thách thì bản chất bất tài, hèn kém sẽ lộ ra ngay. Khác nào anh hùng bện bằng rơm, chỉ cần một mồi lửa nhỏ châm vào là cháy rụi thành tro bụi.
Câu ca dao: Anh hùng là anh hùng rơm… như một lời mỉa mai, đay nghiến, dằn mặt những kẻ tự vỗ ngực xưng là anh hùng mà chẳng mảy may làm được việc gì cho xứng đáng. Cái bản chất rỗng tuếch của họ được tác giả dân gian mổ xẻ, phanh phui bằng một cụm từ ngộ nghĩnh là cơn anh hùng. Quả thật không còn từ nào xác đáng hơn và khinh miệt hơn.