Đề bài:
Tìm trong đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều những câu thơ miêu tả chân dung bên ngoài của Mã Giám Sinh và những câu miêu tả nội tâm của Thúy Kiều. Phân tích những câu thơ đó.
Bài làm:
Truyện Kiều của Nguyễn Du ngoài giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo sâu sắc còn có giá trị nghệ thuật đạt tới đỉnh cao. Nguyễn Du tỏ ra hết sức tài tình trong việc miêu tả chân dung nhân vật vừa có tính cụ thể; vừa có tính khái quát cao. Đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều là một ví dụ tiêu biếu.
Những câu thơ miêu tả chân dung bên ngoài của Mã Giám Sinh:
Quá niên trạc ngoại tứ tuần,
Mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao.
Bút pháp tả thực sắc sảo, tài tình của Nguyễn Du đã vẽ nên chân dung sống động của tên lưu manh bán thịt buôn người nấp dưới vỏ bọc giám sinh. (Tên gọi chung cho sinh viên trường Quốc tử giám thời bây giờ.)
Cái tài của Nguyễn Du là không miêu tả dài dòng mà đi sâu vào những chi tiết tiêu biểu, chọn lọc, thể hiện tập trung nhất, nổi bật nhất thần thái của nhân vật.
Hình thức của Mã có nhiều mâu thuẫn. Tuổi tác của hắn được tác giả miêu tả bằng mấy từ phỏng đoán đứng liền nhau : quá, trạc, ngoại từ Việt có, từ Hán có, khiến người đọc càng khó hình dung ra đúng tuổi của hắn. Ngoại tứ tuần có thể hiểu là bốn mốt, bốn hai, mà cũng có thể là bốn lăm,bốn sáu. Ngày xưa, đàn ông năm mươi tuổi (ngũ tuần) là đã được xếp vào hạng lão. Vậy mà cách ăn mặc của Mã Giám Sinh lại cố làm ra vẻ trẻ trung, nhố nhăng như trai mới lớn: Mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao. Những tính từ tả thực mang ý nghĩa dung tục (nhẵn nhụi, bảnh bao) hàm chứa ý mỉa mai, diễu cợt của Nguyễn Du đối với nhân vật này. Rõ ràng, Mã Giám Sinh cố tình tìm mọi cách dùng cái vẻ ngoài hào nhoáng để che đậy bản chất xấu xa bên trong. Nực cười thay, hắn càng che giấu thì sự lố lăng, kệch cỡm của một tên con buôn vô học vẫn cứ hiện ra lồ lộ.
Những câu thơ miêu tả tâm trạng của Thúy Kiều:
Nỗi mình thêm tức nỗi nhà,
Thềm hoa một bước lệ hoa mấy hàng!
Ngại ngùng dợn gió e sương,
Ngừng hoa bóng thẹn trông gương mặt dày.
Mối càng vén tóc bắt tay,
Nét buồn như cúc điệu gầy như mai.
Chúng ta lại bắt gặp bút pháp ước lệ quen thuộc của Nguyễn Du khi tả những nhân vật chính diện mà ông yêu mến sắc đẹp của Kiều lúc bình thường vốn đã khiến cho Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh, thì lúc đau buồn đến tột cùng, nàng vẫn đẹp – vẻ đẹp não nùng làm thổn thức lòng người.
Nghệ thuật đối rất chỉnh đã được tác giả khai thác triệt để trong những dòng thơ tả tâm trạng Thúy Kiều. Cảm xúc chân thành của nhà thơ đã phá vỡ tính khuôn sáo của bút pháp cổ điển, đem lại cho người đọc niềm xúc động sâu xa.
Có lẽ lúc này, tâm trạng Kiều đã đến mức tột đỉnh của đau thương. Ngẫm đến tình yêu đầu đời trong sáng và đẹp đẽ với Kim Trọng phút chốc tan thành mây khói, trái tim Kiều như bị bàn tay thô bạo nào bóp nát. Rồi nghĩ đến tai họa từ đâu bất thần đổ xuống gia đình khiến cha và em lâm vào cảnh tội tù, tài sản bị lũ đầu trâu mặt ngựa cướp sạch sành sanh, Kiều đau đớn đứt từng đoạn ruột. Nỗi đau ghê gớm ấy theo những dòng nước mắt tuôn rơi. Nó khiến cho bước chân nàng trĩu nặng và gương mặt nàng ủ đột kém tươi: Thềm hoa một bước lệ hoa mấy hàng.
Như một cậy non vật vã trước cơn bão lớn, Kiều e sợ tất cả những gì đang hiển hiện trước mặt nàng, nhất là đối với những kẻ xa lạ như mụ mối, như Mã Giám Sinh. Tâm trí nàng vẫn chưa yên sau bao sự cố vừa xảy ra, dồn đẩy nàng tới bước đường cùng phải bán mình chuộc cha và chấp nhận dấn thân vào cuộc đời vô định đầy chông gai, sóng gió.