Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
(1) Tôi tên là Nick Vujicic. Khi bắt tay vào viết quyển sách này, tôi hai mươi bảy tuổi. Khác biệt với hầu hết mọi người, tôi không tay, không chân ngay từ lúc mới lọt lòng. Hoàn cảnh nghiệt ngã tưởng đã có lúc nhấn chìm tôi nhưng rồi khát vọng sống mãnh liệt đã giúp tôi chiến thắng số phận (…)
(2) Nếu tôi thất bại, tôi sẽ thử làm lại, làm lại và làm lại nữa. Nếu bạn thất bại, bạn sẽ cố làm lại chứ? Tinh thần con người có thể chịu đựng được những điều tệ hơn là chúng ta tưởng. Điều quan trọng là cách bạn đến đích. Bạn sẽ cán đích một cách mạnh mẽ chứ?
(3) Bạn sẽ gặp khó khăn, bạn có thể khuỵu ngã và cảm thấy như thể mình không còn sức mạnh để đứng dậy được nữa. Tôi biết cảm giác đó. Tất cả chúng ta đều biết cảm giác đó. Cuộc sống không phải lúc nào cũng dễ dàng nhưng khi chiến thắng những dốc ghềnh của cuộc sống, chúng ta sẽ mạnh mẽ hơn, và càng quý trọng hơn những cơ hội mà chúng ta có được. Điều thực sự quan trọng chính là những thông điệp sống bạn chia sẻ với tất cả mọi người trong hành trình cao đẹp và cái cách bạn kết thúc hành trình ấy.
(4) Tôi yêu cuộc sống của bạn như yêu cuộc sống của chính mình. Hãy đến với nhau, những món quà dành cho chúng ta là rất đáng ngạc nhiên.
(Trích Cuộc sống không giới hạn của Nick Vujicic)
-
- Trong đoạn (1), tác giả đã nói đến hoàn cảnh nghiệt ngã mà mình gặp phải là: không tay, không chân ngay từ lúc mới lọt lòng.
- Điều giúp tác giả vượt qua hoàn cảnh ấy là khát vọng sống mãnh liệt.
-
- Trong câu “Cuộc sống không phải lúc nào cũng dễ dàng nhưng khi chiến thắng những dốc ghềnh của cuộc sống, chúng ta sẽ mạnh mẽ hơn, và càng quý trọng hơn những cơ hội mà chúng ta có được” ở đoạn (3), tác giả đã sử dụng phép tu từ ẩn dụ: Dốc ghềnh của cuộc sống.
- Ý nghĩa của phép tu từ ẩn dụ: chỉ những khó khăn, thách thức, khắc nghiệt… trong cuộc sống.
- Theo tác giả, “khi chiến thắng những dốc ghềnh của cuộc sống”, phần thưởng ta nhận được là: chúng ta sẽ mạnh mẽ hơn, và càng quý trọng hơn những cơ hội mà chúng ta có được.
- Câu nói “Tôi yêu cuộc sống của bạn như yêu cuộc sống của chính mình” trong đoạn (4) cho thấy tác giả là người yêu đời, yêu cuộc sống, yêu thương mọi người…
Thông qua cụm từ “Hãy đến với nhau”, tác giả muốn nhắn nhủ mọi người: Hãy xích lại gần nhau hơn, quan tâm, chia sẻ, động viên, giúp đỡ, yêu thương nhau nhiều hơn…
Câu 1:
Hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/ chị về ý kiến của Nick Vujicic được nêu trong đoạn trích ở phần Đọc – hiểu:
“Nếu tôi thất bại, tôi sẽ thử làm lại, làm lại và làm lại nữa. Nếu bạn thất bại, bạn sẽ cố làm lại chứ? Tinh thần con người có thể chịu đựng được những điều tệ hơn là chúng ta tưởng. Điều quan trọng là cách bạn đến đích. Bạn sẽ cán đích một cách mạnh mẽ chứ?”.
- Yêu cầu về hình thức:
- Viết đoạn văn khoảng 200 chữ
- Trình bày mạch lạc, rõ ràng; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
Yêu cầu về nội dung:
a. Giải thích:
- Thất bại: không đạt được mục đích, mục tiêu đã đặt ra; không làm được điều mình mong muốn…
- Làm lại và làm lại nữa: bắt đầu lại công việc mà ta đã thực hiện nhưng thất bại, chưa đạt được mục tiêu đã đề ra.
- Ý kiến của Nick Vujicic muốn đề cập đến sức mạnh của ý chí và nghị lực của con người. Thất bại là điều không thể tránh khỏi, nhưng sau mỗi lần thất bại con người cần có ý chí, nghị lực, niềm tin, biết vượt lên chính mình.
b. Bàn luận:
- Trong cuộc sống, mỗi người đều có ước mơ, mục đích để vươn tới. Trên con đường vươn tới mục đích, chúng ta có thể thất bại do nhiều nguyên nhân (nêu dẫn chứng).
- Điều quan trọng là đứng trước thất bại, chúng ta không được bỏ cuộc, phải dũng cảm đương đầu với khó khăn, thử thách, biết rút kinh nghiệm, biết đứng dậy làm lại từ đầu (nêu dẫn chứng).
- Khi làm lại từ đầu, chúng ta phải có động lực và niềm tin (nêu dẫn chứng).
- Câu nói của Nick Vujicic đã đánh thức ý chí, sự tự tin trong mỗi chúng ta; giúp chúng ta mạnh dạn đối mặt với những thử thách trong cuộc sống. Sức mạnh tinh thần lớn lao có thể giúp con người vượt qua mọi khó khăn…
- Phê phán những người hay nản chí, có suy nghĩ, thái độ và hành động tiêu cực khi gặp thất bại.
c. Bài học nhận thức và hành động:
- Câu nói của Nick Vujicic bao hàm một quan niệm sống tích cực và là lời khuyên bổ ích: Hãy làm lại khi đã rút kinh nghiệm sau mỗi lần thất bại; phải có ý chí, niềm tin, nỗ lực vươn lên; không đầu hàng số phận…
- Liên hệ bản thân (trả lời câu hỏi của Nick Vujicic).
Có nhận định cho rằng: “Người đàn bà làng chài trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu phải đứng trước hai con đường: hoặc chấp nhận những trận đòn oan nghiệt của chồng để giữ gia đình; hoặc li dị chồng để tự giải thoát bản thân”.
Người đàn bà ấy đã chọn con đường nào? Quan điểm của anh/ chị về sự lựa chọn đó của nhân vật.
- Yêu cầu về hình thức:
- Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận; thể hiện được những kỹ năng làm văn nghị luận văn học
- Bài làm có kết cấu chặt chẽ; trình bày mạch lạc, rõ ràng; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu…
Yêu cầu về nội dung:
Muốn giải quyết tốt câu hỏi đề này, trước hết phải nắm vững nội dung của câu chuyện trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa. Người đàn bà làng chài – nhân vật trung tâm của tác phẩm – thường bị chồng đánh đập tàn nhẫn. Mặc dù trước tòa án huyện, vị chánh án đã gợi ý lối giải thoát cho chị bằng cách bỏ người chồng vũ phu, nhưng chị vẫn kiên quyết từ chối. Thái độ ấy của người đàn bà đã khiến những người chứng kiến cảm thấy lạ lùng. Nhưng xét sâu trong bản chất và hoàn cảnh cụ thể của nhân vật, sự lựa chọn ấy là điều không thể khác được.
Bài viết có thể triển khai các ý chính sau:
- Truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu đề cập đến một vấn nạn: bạo hành trong gia đình. Người vợ trong một gia đình làng chài ở một tỉnh miền Trung là nạn nhân của người chồng vũ phu. Chị chịu đòn như cơm bữa, ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng. Hễ thấy khổ là chồng lại lôi vợ ra đánh, đánh định kì, thường xuyên, đánh độc ác, tàn bạo. Vì hành động nhẫn tâm ấy của người chồng, pháp luật đã phải can thiệp. Đẩu – chánh án của tòa án huyện đã phải mời chị ta đến giải quyết việc gia đình. Mặc dù toàn án luôn muốn hòa giải cho các cặp vợ chồng bất hòa, xích mích, nhưng với trường hợp này, tòa muốn giúp chị có một lối thoát: bỏ người đàn ông độc ác ấy. Theo người thực thi pháp luật, chỉ có con đường đó mới đảm bảo cho nạn nhân được sống bình yên. Tuy nhiên, người đàn bà làng chài đã hốt hoảng khi nghe đề xuất ấy và một mực cầu xin Đẩu đừng bắt chị ta phải bỏ chồng. Đó chính là sự lựa chọn dứt khoát của chị. Đặt sự kiện và nhân vật dưới những góc nhìn khác nhau, tác giả muốn tìm ra cái lí trong sự lựa chọn của nhân vật.
- Được tận mắt chứng kiến những gì diễn ra với người đàn bà làng chài khốn khổ, cả Đẩu và Phùng cùng đồng thanh thốt lên: “Không thể nào hiểu được!” Có lẽ đây cũng chính là cái nhìn chung của người đọc trước cảnh ngộ của người đàn bà – nhân vật chính trong truyện. Cái nhìn ấy duy lí và sòng phẳng theo cái luật chung của đời: Vợ chồng sống với nhai đã có một đàn con mà chồng xem vợ như súc vật, muốn đánh lúc nào thì đánh thì li dị là con đường đúng đắn nhất. Nhưng thực ra cái logic đơn giản và rõ ràng ấy lại tỏ ra bất lực trước nhiều điều bí ẩn của con người. Cụ thể, cách ứng xử của người đàn bà trước những vấn đề riêng tư, trong phạm vi gia đình của chị là những gì mà ta không thể lí giải một cách giản đơn.
- Trước hết, phải nói rằng, không ai có thể hiểu thấu tên đàn ông vũ phu ấy hơn người đàn bà này. Trong cách chị ta kể lại cho Phùng và Đẩu nghe những chuyện về chồng, ta nhận thấy có rất nhiều sắc thái tình cảm được biểu hiện. Đó là sự hàm ớn. Đúng, chị ta tỏ lòng biết ơn vì anh ta đã chấp nhận chị – đứa con gái xấu xí mặt rỗ vì đậu mùa – để chị biết thế nào là tổ ấm gia đình và có được niềm hạnh phúc làm mẹ. Trong lời kể của chị, có khi nghe vang lên âm hưởng lời bào chữa cho hành động tàn nhẫn của chồng. Đó là cảm xúc của chị khi nói về những lúc “vợ chồng con cái chúng tôi sống hòa thuận, vui vẻ”. Và như để người ta thông cảm cho sự cục cằn, vũ phu của chồng, chị ta luôn luôn nhận lỗi về mình với cái điệp khúc: “giá tôi đẻ ít đi”, “cái lỗi chính là đám đàn bà ở thuyền đẻ nhiều quá”… Dường như với chị ta, chuyện đòn vọt, chì chiết của người chồng trong hoàn cảnh khốn cùng của cuộc sống cũng tự nhiên như sóng gió của những ngày biển động. Chị thản nhiên chấp nhận điều đó như một phần tất yếu của đời mình. Càng theo dõi những lời kể của người đàn bà về gia cảnh riêng, ta càng thấu cái điều tưởng không thể hiểu nổi ở chị ta hóa ra lại không phải là chuyện hoàn toàn phi lí. Tại sao chị không bỏ quách chồng đi cho rảnh nợ? Thì chị có bao giờ xem người đàn ông này là của nợ đâu! Chị không thể hình dung trên chiếc thuyền vó lênh đênh lại có thể thiếu vắng một người đàn ông, dù cho đó là người đàn ông “man rợ, tàn bạo”.
- Nguồn gốc sức mạnh giúp chị nhẫn nhục, cam chịu những trận đòn dữ dằn của chồng chính là đàn con. Bỏ chồng, nghĩa là một gia đình đổ vỡ, bầy con nheo nhóc không nơi nương tựa. Đó là điều khủng khiếp nhất mà người đàn bà khốn khổ này không bao giờ dám nghĩ tới. “Mong các chú cách mạng thông cảm cho, đám đàn bà hàng chài ở thuyền chúng tôi cần phải có người đàn ông để chèo chống khi phong ba, để cùng làm ăn nuôi nấng đặng một sắp con nhà nào cũng trên dưới chục đứa. Ông trời sinh ra người đàn bà là để đẻ con, rồi nuôi con cho đến khi khôn lớn cho nên phải gánh lấy cái khổ”. Cái nụ cười bất giác ửng sáng lên trên khuôn mặt xấu xí của chị ta khi nói những câu này dường như đã soi rõ tất cả. “Sống cho con chứ không thể sống cho mình”, mọi căn nguyên, mọi bí ẩn chẳng phải đã trở nên sáng rõ từ lời bộc bạch thành thực đó hay sao?
- Giờ đây, ta mới hiểu vì sao đời người đàn bà tận khổ ấy vẫn có lúc chắt chiu được những niềm vui. Ấy những lúc “ngồi nhìn nhìn đàn con tôi chúng nó được ăn no…”. Và khi đàn con đã lớn, chị xin chồng cho được chịu đòn trên bờ, bởi chị biết những lần roi đánh vào thân thể người mẹ mãi mãi in những vết thương trong lòng trẻ con. Rồi chị tìm cách thu xếp để thằng Phác – đứa con trai lớn – đến ở với ông ngoại “vì sợ thằng bé có thể làm điều gì dại dột với bố nó”. Mọi toan tính của chị lặng lẽ âm thầm, được dẫn dắt bởi sự tỉnh táo chắt ra từ nỗi đau và tình thương. Chỉ có điều, tất cả đều thái quá, vượt ngưỡng, đến mức bất bình thường, khó hiểu đối với người đời.
- Không bỏ chồng, không trút tất cả trách nhiệm cho chồng, vì người đàn bà ấy hiểu sâu sắc rằng, tát cả chỉ vì cái đói, cái túng quẫn. Sinh duy nhất của gia đình chục đứa con là cái thuyền lưới vó. Mọi được mất phó mặc cho trời. “Động biển suốt hàng tháng, cả nhà vợ chông con cái toàn ăn cây xương rồng luộc chấm muối…”. Thật hiếm khi được nhìn đàn con ăn no, vì thực tế là triền miên đói khát. Đói khát là bất lực, cùng đường, chẳng biết phải làm gì.
Như vậy, sự lựa chọn của người đàn bà làng chài thoạt nhìn tưởng rất phi lí, khó hiểu, song nếu ta đặt mình vào hoàn cảnh của chị, ta mới thấy sự nhẫn nhục trước những trận đòn, sự cam chịu sống chung trên một con thuyền để giữ vẹn nguyên gia đình… là những điều tất yếu. Cáu lí của nhân vật – nếu có thể nói như vậy – là cái lí của trái tim. Ấy là trái tim của một người mẹ quên mình vì con.