Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn trường THPT thị xã Quảng Trị (Lần 2)

Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 THPT thị xã Quảng Trị (Lần 2)
I. PHẦN ĐỌC – HIỂU (3,0 điểm)

Đọc văn bản sau đây và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 3:

…Khi nhìn cuộc đời với ánh mắt tiêu cực, người ta sẽ luôn thấy hoài nghi, lo âu, sợ hãi. Lúc đó, người ta sẽ không làm việc tốt hơn, ít yêu thương hơn, ít cống hiến hơn; sẽ đánh mất tiềm năng và sự tốt đẹp trong bản thân họ. Sự quá tải thông tin tiêu cực sẽ làm mất niềm tin, không mang lại cho xã hội sự an toàn hơn và không giúp cho cuộc sống tốt đẹp hơn.

…Khi gửi niềm tin yêu vào con người, nếu ta là một người sống hết mình vì mọi người, luôn tin tưởng, sẵn sàng bao dung và tha thứ thì ta sẽ có niềm tin và sẽ sống có ý nghĩa hơn.

Chúng ta không nên chỉ nhìn vào những mặt trái của cuộc sống rồi vội đánh mất niềm tin vào bản thân, vào thế giới xung quanh. Trách nhiệm tìm lại niềm tin vào cuộc sống phải là tự thân mỗi người. Hãy tự vấn ta đã và sẽ làm gì cho cuộc đời này, cho xã hội này ngày càng đáng sống hơn. Đừng nghĩ là xã hội vô cảm và dần thiếu vắng người tốt. Lòng tốt vẫn quanh đây. Chúng ta không sợ người xấu mà chỉ sợ người tốt không làm gì.

(Đừng đánh mất niềm tin của Diệp Văn Sơn, báo Người lao động số ra ngày 30/8/2015)

Câu 1: Theo tác giả, những nguyên nhân nào khiến con người mất niềm tin?
  • Những nguyên nhân khiến con người mất niềm tin là:
    • Sự quá tải thông tin tiêu cực.
    • Chỉ nhìn vào mặt trái cuộc sống.
Câu 2: Vì sao tác giả cho rằng: “Trách nhiệm tìm lại niềm tin vào cuộc sống phải là tự thân mỗi người”?
  • Tác giả cho rằng: “Trách nhiệm tìm lại niềm tin vào cuộc sống phải là tự thân mỗi người” vì:
    • Niềm tin con người phụ thuộc vào cách nhìn cuộc sống của họ.
    • Cuộc sống không hoàn toàn xấu. Xã hội không thiếu vắng những con người tốt.
    • Phải tìm lại niềm tin để mỗi người sống có ý nghĩa hơn.
Câu 3: Văn bản trên đã mang đến cho anh/chị thông điệp gì? Ý nghĩa của thông điệp ấy đối với cuộc sống cá nhân?
    • Văn bản trên đã mang đến cho chúng ta thông điệp: Hãy giữ vững niềm tin trong cuộc sống.
    • Ý nghĩa của thông điệp ấy đối với cuộc sống cá nhân: Không nên nhìn đời bằng ánh mắt tiêu cực. Đừng nghĩ là xã hội vô cảm và dần thiếu vắng người tốt. Người tốt vẫn quanh ta. Hãy xây dựng cho mình một lối sống tích cực, tốt đẹp hơn.
II. PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1: Hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 từ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến trong đoạn trích ở phần Đọc – hiểu: “Chúng ta không sợ người xấu mà chỉ sợ người tốt không làm gì.”

  • 1. Dẫn dắt, giới thiệu vấn đề cần bàn.2. “Giải thích: “Chúng ta không sợ người xấu mà chỉ sợ người tốt không làm gì.”
    • Trong cuộc đời, người xấu thật đáng sợ, nhưng đáng sợ hơn là người tốt không tham gia vào việc chống lại cái xấu, cái ác.
    • Câu nói mang ý nghĩa phê phán sự thờ ơ, dửng dưng, vô cảm của những người được cho là tốt trong cuộc sống hiện nay.

    3. Chứng minh, bàn luận:

    Không sợ kẻ xấu vì khi ta biết họ xấu ta sẽ dễ dàng đề phòng, ngăn chặn, đấu tranh. Trong xã hội hiện nay người tốt vẫn nhiều hơn kẻ xấu. Thế nhưng nếu người tốt không làm gì để ngăn chặn kẻ xấu thì kẻ xấu sẽ lộng hành khiến cho cuộc sống ngày càng trở nên ảm đạm hơn. (Dẫn chứng về sự hèn nhát, dửng dưng của người được cho là tốt trước hành động xấu xa của người xấu như chống tiêu cực, tệ nạn xã hội…)

    => Xã hội cần lên án sự thiếu trách nhiệm của người tốt trước việc đấu tranh chống kẻ xấu bởi vì “người tốt không làm gì” còn tệ hại hơn kẻ xấu.

    4. Bài học nhận thức và hành động:

    Cần thấy được sự nguy hiểm của những người được cho là tốt nhưng lại không làm gì trong việc đấu tranh chống lại cái xấu, cái ác. Cần lên án với cả loại người này để xã hội ngày càng tốt đẹp hơn. 0,25

Câu 2: Về đoạn trích tùy bút Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân ở sách giáo khoa Ngữ văn lớp 12 (tập 1), có ý kiến cho rằng: “Đó là một công trình khảo cứu công phu”. Nhưng ý kiến khác lại nhấn mạnh: “Đó là một áng văn giàu tính thẩm mĩ”.

Từ việc cảm nhận đoạn trích đã học, anh/chị hãy bình luận những ý kiến trên.

  • I. Mở bài: Vài nét về tác giả, tác phẩm, vấn đề cần bàn luận:
    • Nguyễn Tuân là một nhà văn tài năng với một phong cách độc đáo.
    • Tuỳ bút Sông Đà là kết quả chuyến đi thực tế Tây Bắc trong và sau kháng chiến chống Pháp.
    • Nêu 2 ý kiến cần nghị luận

    II. Thân bài

    1. Giải thích ý kiến:

    • Công trình khảo cứu công phu: Là một tác phẩm được tạo nên từ công sức tìm tòi, nghiên cứu dựa trên các tài liệu phong phú. Nó thể hiện vốn sống và tầm hiểu biết sâu rông của nhà văn. Nó đem đến cho người đọc những hiểu biết phong phú về các đặc điểm, tính chất của đối tượng được đề cập…
    • Áng văn giàu tính thẩm mĩ: Là tác phẩm nghệ thuật đạt đến độ hoàn hảo trong việc tái hiện cái đẹp, khơi gợi những hứng thú và khả năng cảm nhận cái đẹp ở người đọc thông qua cách viết tài hoa, độc đáo của người nghệ sĩ…

    2. Phân tích biểu hiện:

    a) Công trình khảo cứu công phu

    Tác giả huy động một vốn kiến thức tổng hợp khá đồ sộ về rất nhiều ngành khoa học và nghệ thuật.

    • Địa lí: Đặc điểm địa hình, địa thế, dòng chảy của sông, các con thác dọc sông Đà, sắc nước mỗi mùa…
    • Lịch sử: Tên sông qua các thời kì và lịch sử sông Đà: thời tiền sử, thời Hùng Vương, thời phong kiến, thời kháng chiến, thời xây dựng chủ nghĩa xã hội…
    • Văn học, văn hoá: Hình ảnh con sông Đà trong thơ văn: Nguyễn Quang Bích, gợi nhớ thơ Lí Bạch, thơ Ba Lan, Tản Đà… Đời sống vật chất (đốt lửa trong hang đá, nướng ống cơm lam) và tinh thần (bàn cá anh vũ, cá dầm xanh…)
    • Các kiến thức khác: quân sự, thể thao, âm nhạc, hội hoạ, điện ảnh, sân khấu…
    • Sự am hiểu tường tận về công việc lái đò, và khả năng chinh phục thiên nhiên của người dân lao động Tây Bắc…

    b) Áng văn giàu tính thẩm mĩ

    • Người đọc có được khoái cảm thẩm mĩ thực sự trước vẻ đẹp tuyệt vời của con sông Đà hung bạo và trữ tình; vẻ đẹp của ông đò anh hùng và nghệ sĩ. Bên cạnh đó, người đọc còn được thưởng thức vẻ đẹp của một thiên anh hùng ca và một bản tình ca say đắm về thiên nhiên và cuộc sống. (Chứng minh qua chi tiết nghệ thuật)
    • Nhà văn đã biến những thông tin khô khan, tư liệu lạnh lùng thành hình tượng sống động, có đời sống, có tâm lí, tính cách, số phận cụ thể. (Chứng minh qua chi tiết nghệ thuật)
    • Giá trị thẩm mĩ còn thể hiện ở thể văn Tuỳ bút vừa thực tế vừa tự do phóng túng, ở tài năng lựa chọn ngôn ngữ và sử dụng ngôn ngữ của Nguyễn Tuân.

    3. Bình luận hai ý kiến:

    • Hai ý kiến đều đề cập đến những vẻ đẹp khác nhau của đoạn trích tuỳ bút. Ý kiến thứ nhất nhấn mạnh trí tuệ uyên bác, lao động nghệ thuật nghiêm túc, công phu và tình yêu đối với những người lao động bình thường của nhà văn. Ý kiến thứ hai thể hiện chất tài hoa, tài tử, sự sáng tạo độc đáo trong cách miêu tả vẻ đẹp thiên nhiên và con người của Nguyễn Tuân sau Cách mạng tháng Tám…
    • Bàn luận chung: Hai ý kiến tuy khác nhau nhưng không đối lập mà bổ sung cho nhau, giúp người đọc có cái nhìn sâu sắc và thấu đáo hơn về vẻ đẹp của tác phẩm và sự vận động trong phong cách nghệ thuật của nhà văn Nguyễn Tuân sau Cách mạng tháng Tám…

    III. Kết bài

    • Người lái đò sông Đà là tác phẩm tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân sau Cách mạng tháng Tám. Với sự tài hoa, uyên bác của mình nhà văn đã khắc họa thành công vẻ đẹp con người và thiên nhiên Tây Bắc. Qua đó, tác giả gửi gắm tình yêu thiên nhiên, con người nơi đây vốn được xem như “chất vàng mười”, một thứ vàng đã qua thử lửa. Tác phẩm này vừa là” một công trình khảo cứu công phu” vừa là “một áng văn giàu tính thẩm mĩ” mà Nguyễn Tuân đã để lại cho muôn đời sau.
    • Đọc “Người lái đò sông Đà” ta thấy yêu hơn về vẻ đẹp phong phú của thiên nhiên và con người Việt Nam. Từ đó, chúng ta hiểu rõ hơn về trách nhiệm của bản thân trong việc bảo vệ cảnh quan thên nhiên tuyệt đẹp của quê hương đất nước mình.

Thảo luận cho bài: Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn trường THPT thị xã Quảng Trị (Lần 2)