Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn trường THPT chuyên Lương Thế Vinh, Đồng Nai (Lần 2)

Đề thi thửTHPT chuyên Lương Thế Vinh (Lần 2)
I. Đọc hiểu (3.0 điểm)

Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:

[…] Đứng trước bức Mona Lisa ở Bảo tàng Louvre, Paris, tất cả du khách đều nhìn kiệt tác này qua màn hình điện thoại của mình. Dường như họ chỉ có thể trải nghiệm thế giới thông qua một lớp màng điện tử. Cái gì không được ghi vào bộ nhớ điện thoại, cái đó không tồn tại.

Người ta đánh đổi mọi riêng tư thầm kín để chạy theo một quá trình tự trình diễn vô tận, không có thời điểm hạ màn, với mục tiêu tạo tối đa sự chú ý của người khác.

Sự chú ý là ôxy, và mỗi cái post (1) là một cố gắng để người ta ngoi lên mặt nước chốc lát, để rồi lại bị làn sóng mới của newsfeed (2) tràn qua nhấn chìm. Mỗi lần ngoi lên là một lần chống lại cảm giác bị bỏ rơi, bị nằm ngoài cuộc.

Ý nghĩa và sự thành công của một ngày nghỉ, của một chuyến đi, rộng hơn là của cả cuộc đời, được đo bởi số lượng like (3).

Đã tới lúc chúng ta cần tách ra khỏi đám đông, khước từ chuyên chế của nó. Người ta chỉ có thể lắng nghe tiếng nói bên trong mình nếu bỏ được ra ngoài sự ồn ào xung quanh.

Chúng ta cần đứng riêng để tìm ra mình, để bảo vệ tư duy độc lập và nuôi dưỡng ý thức trách nhiệm. Triết gia Soren Kierkegaard coi đám đông là tập hợp những người lẩn tránh sự nhọc nhằn của quá trình phát triển bản thân. Ma lực của đám đông đã được nhắc tới từ rất sớm.[…]

Trạng thái một mình là cần thiết để phát triển bản sắc và nuôi dưỡng sự sáng tạo.[…] Một mình không có nghĩa là phải tách khỏi người khác một cách vật lý.

Một mình là một quan điểm sống, một trạng thái tinh thần độc lập, nó không được đo bởi khoảng cách vật lý giữa một cá nhân và những người xung quanh.

(Trích Vẻ đẹp của người đứng một mình, Đặng Hoàng Giang – Theo tuoitre.vn, 12/8/2015)

* Các thuật ngữ của Facebook (nghĩa thông thường): (1) post: bài đăng, (2) newsfeed: những tin tức được cập nhật trên trang chủ, (3) like: thích

Câu 1 (0,5 điểm):
Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của văn bản trên
  • Phương thức biểu đạt chính: nghị luận
Câu 2 (0,5 điểm):
Văn bản đã đề cập đến những hiện tượng gì trong đời xã hội hiện đại?
  • Văn bản đã đề cập đến những hiện tượng trong đời sống xã hội hiện đại
    • Hiện tượng sống ảo.
    • Hiện tượng chạy theo đám đông.
Câu 3 (1,0 điểm):
Xác định và nêu hiệu quả của biện pháp tu từ được sử dụng trong câu văn: Sự chú ý là ôxy, và mỗi cái post là một cố gắng để người ta ngoi lên mặt nước chốc lát, để rồi lại bị làn sóng mới của newsfeed tràn qua nhấn chìm
    • Biện pháp so sánh.
    • Hiệu quả: nhấn mạnh một thực tế là thế giới ảo đã trở thành cuộc sống và con người phụ thuộc quá nhiều vào nó.
Câu 4 (1,0 điểm):
Khi dùng cụm từ ma lực của đám đông, tác giả muốn nói lên điều gì?
  • Dùng cụm từ ma lực của đám đông, tác giả muốn nói đến sức mạnh của đám đông
    • Đám đông khiến con người nảy sinh tâm lí cho rằng những điều đám đông thừa nhận là đúng, nên có sức mạnh lôi kéo, tạo thành xu thế, trào lưu, dễ dẫn đến những sai lầm.
    • Đám đông có thể khiến con người đánh mất chính mình.
II. Làm văn (7.0 điểm)
Câu 1:
Hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến: Trạng thái một mình là cần thiết để phát triển bản sắc và nuôi dưỡng sự sáng tạo.
  • * Yêu cầu về kĩ năng: biết cách viết đoạn văn; đoạn văn hoàn chỉnh chặt chẽ; diễn đạt lưu loát, không mắc lỗi diễn đạt, lỗi chính tả; đảm bảo dung lượng như yêu cầu của đề. 0.5đ* Yêu cầu về kiến thức: 1.5đ
    • “Trạng thái một mình” là trạng thái tinh thần thể hiện sự độc lập trong tư duy, trong hành động.
    • Trạng thái một mình giúp con người được là chính mình, có thể suy nghĩ, nhận thức thấu đáo về nhiều vấn đề, tạo thói quen tư duy độc lập, phát huy được bản sắc cá nhân.
    • Trạng thái một mình giúp con người không bị ảnh hưởng, không bị chi phối bởi tư tưởng và hành động của những người xung quanh, nên sẽ có cơ hội sáng tạo và thành công.
    • Phê phán: những người có thói quen hùa theo đám đông một cách dễ dãi, hời hợt, thiếu suy nghĩ, gây nguy hại cho cộng đồng và xã hội.
    • Bài học:
      • Trong cuộc sống cần tỉnh táo “sống bằng cái đầu” của mình.
      • Biết phát huy sự sáng tạo, bản sắc cá nhân nhưng không có nghĩa là đẩy mình vào sự cô đơn. “Một mình” là để quan sát, tìm hiểu một cách có hiểu biết.
Câu 2:
Cảm nhận vẻ đẹp của đất và người Tây Bắc được thể hiện qua cảnh ngày Tết và đêm tình mùa xuân ở Hồng Ngài trong đoạn trích Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài)
  • a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận. 0.25đb. Xác định đúng vấn đề nghị luận: Vẻ đẹp của đất và người Tây Bắc được thể hiện qua cảnh ngày Tết và đêm tình mùa xuân ở Hồng Ngài. 0.25đc. Triển khai vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm, thể hiện sự cảm nhận sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. 4.0đ

    1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm, vấn đề nghị luận.

    2. Cảm nhận: Vẻ đẹp của đất và người Tây Bắc được thể hiện qua cảnh ngày Tết và đêm tình mùa xuân ở Hồng Ngài:

    • Vẻ đẹp vùng đất Tây Bắc thể hiện trong những nét văn hóa, phong tục và cảnh sắc thiên nhiên đặc trưng của vùng cao khi Tết đến.
    • Vẻ đẹp con người Tây Bắc được thể hiện qua sức sống tiềm tàng của Mị trong đêm tình mùa xuân.
    • Vẻ đẹp của ngôn ngữ, hình ảnh mang màu sắc miền núi.

    3. Đánh giá

    • Vẻ đẹp của đất và người Tây Bắc được hiện lên qua ngòi bút tả cảnh và miêu tả tâm lí tinh tế của Tô Hoài.
    • Vẻ đẹp của đất và người Tây Bắc làm nên sức hấp dẫn, chất thơ cho tác phẩm, đồng thời cũng thể hiện tấm lòng của nhà văn đối với đất và người nơi đây.

    d. Sáng tạo 0.25đ

    • Có cách diễn đạt sáng tạo.
    • Có suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ.

    e. Chính tả, dùng từ, đặt câu thí sinh có thể trình bày bài làm theo những cách khác, nhưng phải nhưng phải hợp lí, thuyết phục; GV linh hoạt trong đánh giá. 0.25đ

Thảo luận cho bài: Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn trường THPT chuyên Lương Thế Vinh, Đồng Nai (Lần 2)