Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn trường THPT chuyên Đại học Vinh (Lần 2)

Đề thi thử môn Ngữ Văn THPT chuyên Đại học Vinh (Lần 2)
I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu từ Câu 1 đến Câu 4:

Xin bạn bình tâm
Tôi chẳng bao giờ là nhà thơ tên tuổi cả
Danh hiệu đó xin nhường cho người khác
Tôi chỉ mong mình tự do
Để được là mình
Viết điều mình mong ước
Giữa cái thời sống là đeo đuổi
Danh hiệu, bạc tiền, ghế cao, nhà rộng
Tôi chọn tự do
Thi sĩ

Tự do trước hết là chính mình
Không chiều lụy mình
Ngỏng cổ nghe lời khen tặng
Với tôi
Sự ân thưởng một câu nói vui bạn bè
Chiếc lá xanh bên đường
Chân mây chiều rạng rỡ
Tự do là tất cả
Những ràng buộc trong sạch
Giữa con người và con người
Con người cùng ngoại vật

Không ngã giá
Thật bình dị
Tự do làm tâm hồn ta lớn lên
Trong chiều kích vũ trụ

(Tự do – Nguyễn Khoa Điềm, Tạp chí Sông Hương, số 292, tháng 6/2013)

Đề thi thử môn Ngữ Văn THPT chuyên Đại học Vinh (Lần 2)

Đề thi thử môn Ngữ Văn THPT chuyên Đại học Vinh (Lần 2)

Câu 1:
Văn bản trên thuộc phong cách ngôn ngữ nào? Được viết bằng thể thơ gì?
    • Văn bản trên thuộc phong cách ngôn ngữ nghệ thuật.
    • Văn bản được viết bằng thể thơ tự do.
Câu 2:
Chỉ ra và phân tích tác dụng nghệ thuật của biện pháp tu từ nổi bật nhất mà tác giả sử dụng trong văn bản
    • Biện pháp tu từ nổi bật nhất mà tác giả sử dụng trong văn bản là phép điệp từ. Đặc biệt là điệp từ “Tôi”, “Tự do”.
    • Tác dụng nghệ thuật:
      • Nhấn mạnh, làm rõ ý niệm về tự do của người nghệ sĩ.
      • Thể hiện niềm khát khao, ý thức vươn tới để đạt được sự tự do không chỉ trong sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sĩ nói riêng, mà còn trong tâm hồn, trong cuộc sống của con người nói chung.
Câu 3:
Anh/chị hiểu thế nào về hai câu thơ: Tự do làm tâm hồn ta lớn lên/ Trong chiều kích vũ trụ?
  • Giải thích hai câu thơ: “Tự do làm tâm hồn ta lớn lên/ Trong chiều kích vũ trụ”
    • Hai câu thơ khẳng định ý nghĩa của tự do đối với tâm hồn con người: Khi có được sự tự do thì con người sẽ vượt thoát mọi giới hạn, phá bỏ những rào cản, ràng buộc và sự chật hẹp, nhỏ bé để vươn tới đời sống tinh thần phong phú, đẹp đẽ, lớn lao hơn. Từ đó sẽ làm chủ được bản thân, làm chủ cuộc sống, và tâm hồn được nâng lên trong chiều kích rộng lớn, vô biên của vũ trụ.
    • Hai câu thơ không chỉ bày tỏ nhận thức, tình cảm của tác giả, mà còn gợi lên ở mỗi người khao khát hướng tới cuộc sống tự do.
Câu 4:
Căn cứ vào nội dung văn bản, anh/chị hãy giải thích nhan đề Tự do theo quan niệm của Nguyễn Khoa Điềm
  • Giải thích nhan đề “Tự do” theo quan niệm của tác giả Nguyễn Khoa Điềm:
    • Nhan đề đã tập trung thể hiện nội dung chính của văn bản cũng như quan điểm, tư tưởng của tác giả – đó là vấn đề “Tự do”. Trước hết, với người nghệ sĩ, tự do là được chính mình, được sáng tạo và viết điều mình mong ước; tự do là không bị ràng buộc bởi vật chất, danh lợi, lời khen – chê của dư luận…Tự do cũng có thể là tất cả những “ràng buộc trong sạch” trong những mối quan hệ vô tư, tự nhiên, đẹp đẽ và cao thượng…
    • Đây không chỉ là quan niệm của người nghệ sĩ về tự do trong sáng tạo nghệ thuật nói riêng, mà cũng là một quan niệm, nhận thức về vấn đề tự do cho cuộc sống của con người nói chung.
II. PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1:
Anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của mình về ý kiến được nêu ra trong văn bản ở phần Đọc hiểu: Tự do trước hết là chính mình.
  • a. Đảm bảo cấu trúc đoạn văn nghị luận 200 chữCó đủ các phần mở đoạn, phát triển đoạn, kết đoạn. Mở đoạn nêu được vấn đề, phát triển đoạn triển khai được vấn đề, kết đoạn kết luận được vấn đề.b. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; rút ra bài học nhận thức và hành động.

    * Giải thích: Tự do là chính mình

    • Tự do: là trạng thái không bị giam hãm về thể xác và tinh thần, không bị ép buộc phải làm theo những điều mình không muốn mà được tự lựa chọn và hành động theo đúng với ý chí, nguyện vọng của bản thân. Đó là điều mỗi cá nhân và cả nhân loại luôn khao khát hướng đến và đấu tranh để bảo vệ.
    • Ý kiến đưa ra một cách định nghĩa về tự do: chính là trạng thái con người được sống thực với chính mình, được làm điều mình muốn, không phải bắt buộc làm theo những điều người khác sai khiến hay trở thành người khác. Chỉ khi được sống đúng là chính mình, con người mới có sự tự do đích thực.

    * Bàn luận:

    • Ý kiến trên đã khái quát đúng đắn bản chất của sự tự do: chỉ khi được sống đúng là chính mình, con người mới có sự tự do đích thực. Vì sao lại như vậy?
      • Tự do không phải là điều người khác có thể ban phát cho ta, có thể giảng giải giúp ta hiểu mà chỉ có bản thân mỗi người mới cảm nhận, mới nhận biết được mình có thực sự được tự do hay không?
      • Được là chính mình đồng nghĩa với việc con người đã dám xóa bỏ tất cả mọi rào cản, khuôn khổ, ràng buộc vốn dĩ giam hãm bản thân để giải phóng cá nhân, cá tính, bản ngã; để dám sống với những điều mình ao ước, dám hành động theo những điều mình suy nghĩ, được tự lựa chọn cách sống mà mình cho là đúng và được quyết định cuộc đời, số phận của mình…
      • Chỉ là chính mình con người mới có sự tự do ở bất cứ đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào, kể cả khi bị giam cầm về thể xác. Còn nếu không được là chính mình thì dù có được tự do về thân thể, chúng ta vẫn bị giam hãm trong cái bóng của người khác, bị “cầm tù” về tinh thần, không bao giờ có được sự tự do đích thực.
    • Bàn luận mở rộng:
      • Tự do là chính mình không đồng nghĩa với việc chúng ta được tùy ý làm theo tất cả những điều mình muốn, mình nghĩ mà bất chấp các chuẩn mực đạo đức, quy định pháp luật và lợi ích của cộng đồng. Đó hoàn toàn không phải là thứ tự do cá nhân ích kỉ. Chỉ khi sự tự do của cá nhân thống nhất với sự tự do của cộng đồng, dân tộc thì sự tự do ấy mới chính đáng, bền vững.
      • Không hẳn cứ sống là chính mình thì con người sẽ mặc nhiên có được sự tự do. Để có tự do, nhiều khi chúng ta phải hành động, phải đấu tranh, dũng cảm chống lại những định kiến hẹp hòi, những ràng buộc vô lối, những quy định khắc nghiệt để bảo vệ quyền tự do của chính mình.

    * Rút ra bài học nhận thức và hành động đúng đắn, phù hợp.

    c. Sáng tạo: có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.

Câu 2:
Anh/chị hãy phân tích cuộc chiến đấu giữa ông lái đò với con Sông Đà hung bạo trong tùy bút Người lái đò Sông Đà của nhà văn Nguyễn Tuân để làm rõ chất vàng của thiên nhiên cùng “thứ vàng mười đã qua thử lửa” ở tâm hồn của những con người lao động và chiến đấu trên miền núi sông hùng vĩ và thơ mộng (Ngữ văn 12, Tập một, Nxb. Giáo dục Việt Nam, 2016, tr.185).
  • a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề.b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luậnc. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; thể hiện sự cảm nhận sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm (trong đó phải có thao tác phân tích, so sánh); biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng. Thí sinh có thể triển khai bài làm theo nhiều cách nhưng phải đảm bảo nội dung chính sau:

    * Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm:

    • Nguyễn Tuân là một trong những nhà văn xuất sắc của nền văn xuôi Việt Nam hiện đại, với phong cách nghệ thuật độc đáo, tài hoa, uyên bác.
    • Người lái đò Sông Đà trích tập tùy bút Sông Đà (1960) tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật của ông, được viết sau chuyến đi thực tế tới miền Tây Bắc.
    • Nổi bật trong thiên tùy bút này là cuộc chiến đấu giữa ông lái đò với con Sông Đà hung bạo. Qua đây, tác giả nhằm ca ngợi chất vàng của thiên nhiên cùng “thứ vàng mười đã qua thử lửa” ở tâm hồn của những con người lao động và chiến đấu trên miền núi sông hùng vĩ và thơ mộng.

    * Giải thích: Chất vàng ở đây chỉ vẻ đẹp và sự quí giá của thiên nhiên. Còn “thứ vàng mười đã qua thử lửa” chỉ vẻ đẹp và giá trị của người lao động, cụ thể là ông lái đò. Đó là vẻ đẹp tâm hồn, phẩm chất quí giá của người lao động bình dị, vô danh đã được tôi luyện trong cuộc sống, chiến đấu với thiên nhiên dữ dội. Vẻ đẹp ấy chói sáng hơn, quí giá hơn tất cả.

    * Phân tích cuộc chiến đấu giữa ông lái đò với con Sông Đà hung bạo để thấy rõ chất vàng của thiên nhiên và “thứ vàng mười đã qua thử lửa” của con người lao động Tây Bắc.

    Tác giả đã viết những trang văn mang đầy không khí chiến trận về cuộc chiến đấu căng thẳng, quyết liệt giữa con Sông Đà hung bạo, dữ dội với ông lái đò. Qua đó, vẻ đẹp của thiên nhiên và con người lao động hiện lên rõ nét.

    • Chất vàng của thiên nhiên Tây Bắc thể hiện qua vẻ dữ dội, hùng vĩ của thác nước và thạch trận Đà Giang.
      • Thác nước: Được miêu tả từ xa đến gần, đặc tả âm thanh với nhiều cung bậc, trường độ liên tiếp và cường độ tăng tiến không ngừng; nhà văn miêu tả nó hiện lên như một thủy quái nham hiểm, hung hãn, ngày đêm điên cuồng gầm thét đe dọa tính mạng con người; đặc biệt bằng việc sử dụng biện pháp so sánh phóng đại “nó rống lên như tiếng một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu tre nứa nổ lửa, đang phá tuông rừng lửa…” . Từ đó, tác giả đã lột tả được sự dữ dội đến tột cùng của thiên nhiên Tây Bắc.
      • Thạch trận: Ở đây tác giả sử dụng nhiều biện pháp nghệ thuật, miêu tả dưới nhiều góc độ, cùng kiến thức của nhiều bộ môn khác nhau để khắc họa sự hung bạo, hùng vĩ của con sông.
        • Miêu tả khái quát: Tác giả giúp người đọc có cái nhìn toàn cảnh, hình dung được địa thế hiểm trở của Đà Giang.
        • Miêu tả cận cảnh, cụ thể: Nhà văn triệt để sử dụng thủ pháp nhân hóa, cùng cách miêu tả cận cảnh chân dung, phong thái, cử chỉ, nhiệm vụ của từng hòn đá một cách cụ thể, sống động. Về diện mạo: tên nào cũng nhăn nhúm, ngỗ ngược như những tên côn đò hung hãn; về phong thái: tất cả đều toát lên tính cách hung bạo; mỗi hòn đá trên sông đảm nhận những nhiệm vụ khác nhau; thạch trận được chia làm 3 trùng vi khiến Sông Đà hiện lên như một trận đồ bát quái đầy nham hiểm; ngoài ra Sông Đà còn huy động thêm sự chi viện sóng nước. Qua đó, ta thấy Đà Giang quyết tâm huy động mọi trí lực sức lực để tiêu diệt người lái đò.
        • Sự hung bạo của Sông Đà tạo nên vẻ đẹp hùng vĩ, dữ dội, đầy sức mạnh, và tiềm năng thủy điện của thiên nhiên Tây Bắc. Đó chính là chất vàng quí giá. Ngoài ra, nó còn góp phần tạo phông nền qua nhằm làm nổi bật vẻ đẹp của người lao động trong cuộc sống mới.
    • “Thứ vàng mười đã qua thử lửa” của con người lao động Tây Bắc.
      • Ông lái đò là người trí dũng song toàn.
        • Giàu kinh nghiệm sông nước, am hiểu sâu sắc qui luật phục kích, binh pháp của thần sông thần đá. Hơn mười năm chèo đò ông ông đã nắm chắc tính cách từng hòn đá với âm mưu thâm độc của dòng sông. Chính sự am hiểu đó đã giúp người lái đò có được sự mưu trí, khôn khéo trong quá trình chinh phục và chiến thắng nó.
        • Lòng dũng cảm vô song: ông lái đò hiện lên như một vị tướng tài ba lẫm liệt tả xung hữu đột trên chiến trường Đà giang.
          • Ở trùng vi thạch trận một: Ông lái đò đã bị thương, mặt méo bệch nhưng vẫn cố nén vết thương, hai chân vẫn kẹp lấy cuống lái, tiếng chỉ huy vẫn ngắn gọn tỉnh táo.
          • Ở trùng vi thứ hai: ông lái đò hiện lên đầy hiên ngang, lẫm liệt, hoàn toàn làm chủ thế trận. Một loạt động từ chỉ những động tác mạnh, chính xác, đầy quyết đoán đã thể hiện được phẩm chất đó.
          • Ở trùng vi thứ ba: ông đò hiện lên như một cảm tử quân phóng thẳng con thuyền chọc thủng tuyến phòng vệ cuối cùng của thác nước Đà giang.
      • Ông lái đò là người rất mực tài hoa, nghệ sĩ. Khái niệm tài hoa nghệ sĩ trong sáng tác của Nguyễn Tuân có nghĩa rộng. Bất cứ ai trình độ làm việc đạt đến mức tinh vi, siêu phàm đều được xem là nghệ sĩ.
        • Ông đò đã làm chủ được qui luật sông nước, đạt được tới trình độ tự do và nghệ thuật trong nghề nghiệp của mình. Ông có sự am hiểu tường tận, sâu sắc con Sông Đà vì vậy ông đã đưa con thuyền tránh được tất cả cửa tử để đi vào cửa sinh. Ông thay đổi chiến thuật rất linh hoạt nhằm phù hợp với sự hung dữ của Đà giang.
        • Bàn tay chèo lái rất mềm mại. Con thuyền dưới tay ông vừa mạnh mẽ, vừa duyên dáng, uyển chuyển. Nó như một mũi tên tre xuyên nhanh qua hơi nước, vừa xuyên vừa tự động lái được, lượn được. Đúng là tay lái ra hoa.

    * Đánh giá

    • Nội dung:
      • Qua cuộc thủy chiến, tác giả đã khắc họa, ca ngợi chất vàng của thiên nhiên và thứ vàng mười đã qua thử lửa của con người lao động Tây Bắc nói riêng và của con người Việt Nam nói chung trong cuộc sống mới.
      • Từ đó, nổi bật cái tôi tài hoa, uyên bác, có tình yêu và sự say mê với cảnh sắc thiên nhiên, con người của quê hương đất nước.
      • Phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân bên cạnh những nét ổn định có sự vận động mới mẻ: nếu trước cách mạng tháng tám, ông quan niệm cái đẹp chỉ thuộc về quá khứ, tồn tại ở lớp người đặc tuyển thì nay đối tượng và phạm vi cái đẹp có sự mở rộng hơn.
    • Nghệ thuật: Nghệ thuật dựng cảnh, khắc họa nhân vật chân thực, sống động, hấp dẫn; đặt nhân vật vào tình huống đặc sắc, đầy kịch tính; vận dụng vốn hiểu biết ở nhiều lĩnh vực khác nhau để làm nổi bật vẻ đẹp của thiên nhiên và con người; ngôn ngữ phong phú, giàu nhạc tính, giàu chất tạo hình; câu văn co duỗi linh hoạt, nhịp nhàng; có nhiều liên tưởng, so sánh táo bạo; sử dụng linh hoạt các thủ pháp như trùng điệp, nhân hóa, so sánh…

    d. Sáng tạo
    Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.

    e. Chính tả, dùng từ, đặt câu
    Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.

Thảo luận cho bài: Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn trường THPT chuyên Đại học Vinh (Lần 2)