Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:
Vào một buổi chiều mùa xuân lạnh lẽo, một cậu con trai dắt người cha mù vào quán. Cậu con trai trạc mười tám mười chín tuổi, quần áo đơn giản, lộ rõ vẻ nghèo túng, nhưng từ cậu lại toát lên nét trầm tĩnh của người có học. Cậu con trai tiến đến trước mặt tôi nói to: “Cho hai bát mì bò!”. Tôi đang định viết hoá đơn, thì cậu ta hướng về phía tôi và xua xua tay rồi chỉ tay vào bảng giá treo ở trên tường nói nhỏ với tôi chỉ làm một bát mì cho thịt bò, bát kia chỉ cần rắc chút hành là được. Lúc đầu, tôi hơi hoảng, nhưng sau đó chợt hiểu ra ngay. Hoá ra, cậu ta gọi to hai bát mì thịt bò như vậy là cố tình để cho người cha nghe thấy, thực ra thì tiền không đủ, nhưng lại không muốn cho cha biết. Tôi cười với cậu ta tỏ vẻ hiểu ý.
Nhà bếp nhanh nhẹn bê lên ngay hai bát mì nóng hổi. Cậu con trai chuyển bát mì bò đến trước mặt cha, ân cần chăm sóc: “Cha, có mì rồi, cha ăn đi thôi, cha cẩn thận kẻo nóng đấy ạ!”. Rồi cậu ta tự bưng bát mì nước về phía mình. Người cha không vội ăn ngay, ông cầm đũa dò dẫm đưa qua đưa lại trong bát. Mãi lâu sau, ông mới gắp trúng một miếng thịt, vội vàng bỏ miếng thịt vào bát của người con. “Ăn đi con, con ăn nhiều thêm một chút, ăn no rồi học hành chăm chỉ, sắp thi tốt nghiệp rồi, nếu mà thi đỗ đại học, sau này làm người có ích cho xã hội”. Người cha nói với giọng hiền từ, đôi mắt tuy mờ đục vô hồn, nhưng trên khuôn mặt đầy nếp nhăn lại sáng lên nụ cười ấm áp. Điều khiến cho tôi ngạc nhiên đó là, cái cậu con trai đó không hề cản trở việc cha gắp thịt cho mình, mà cứ im như thóc đón nhận miếng thịt từ bát của cha, rồi lại lặng lẽ gắp miếng thịt đó trả về. Cứ lặp đi lặp lại như vậy, dường như thịt trong bát của người cha cứ gắp lại đầy, gắp mãi không hết. “Cái quán này thật tử tế quá, một bát mì mà biết bao nhiêu là thịt”. Ông lão cảm động nói. Kẻ đứng ngay bên cạnh là tôi, chợt toát hết cả mồ hôi, trong bát chỉ có vài mẩu thịt tội nghiệp, quắt queo bằng móng tay, lại mỏng chẳng khác gì xác ve. Người con trai nghe vậy vội vàng tiếp lời cha: “Cha à, cha ăn mau đi, bát của con đầy ắp không biết để vào đâu rồi đây này”. “Ừ… ừ, con ăn nhanh lên, ăn mì bò thực ra cũng có chất lắm đấy”.
Hành động và lời nói của hai cha con đã làm chúng tôi rất xúc động. Chẳng biết từ khi nào, bà chủ cũng đã ra đứng cạnh tôi, lặng lẽ nhìn hai cha con họ. Vừa lúc đó, cậu Trương đầu bếp bê lên một đĩa thịt bò vừa thái, bà chủ dẩu dẩu môi ra hiệu bảo cậu đặt lên bàn của hai cha con nọ. Cậu con trai ngẩng đầu tròn mắt nhìn một lúc, bàn này chỉ có mỗi hai cha con cậu ngồi, cậu ta vội vàng hỏi lại: “Anh để nhầm bàn rồi thì phải, chúng tôi không gọi thịt bò”. Bà chủ mỉm cười bước lại chỗ họ: “Không nhầm đâu, hôm nay chúng tôi kỉ niệm ngày mở quán, đĩa thịt này là quà biếu khách hàng”. Cậu con trai cười cười, không hỏi gì thêm. Cậu lại gắp thêm vài miếng thịt vào bát người cha, sau đó, bỏ phần còn thừa vào trong một cái túi nhựa. Chúng tôi cứ im lặng chờ cho hai cha con ăn xong, rồi lại dõi mắt tiễn hai cha con ra khỏi quán. Mãi khi cậu Trương đi thu bát đĩa, đột nhiên kêu lên khe khẽ. Hoá ra, đáy bát của cậu con trai đè lên mấy tờ tiền giấy, vừa đúng giá tiền của một đĩa thịt bò, được viết trên bảng giá của cửa hàng. Cùng lúc, tôi, bà chủ, và cả cậu Trương chẳng ai nói lên lời, chỉ lặng lẽ thở dài, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng.
(San San – Hữu Bằng, http://songdep.xitrum.net/nghethuatsong/689.html)
- Phương thức tự sự
- Nhan đề: Hai bát mì, Chuyện cha con người mù…
- Cậu con trai trả lại tiền vì lòng tự trọng, không vì nghèo khổ mà tự tiện nhận đồ của người khác, cậu kín đáo trả lại tiền vì không muốn bà chủ quán phải khó xử
- Tình cảm cha con rất chân thành, sâu sắc, cảm động:
- Người con: yêu thương, tận tụy, hiếu thảo với người cha khuyết tật. Điều đó được thể hiện qua những việc mà cậu thực hiện: gọi to hai bát mì, gắp trả lại thịt vào bát cha…
- Người cha mù cũng rất yêu thương và chăm chút cho con trai: Gắp thịt cho con từ bát mình, nhắc con ăn nhiều để học tốt…
Anh/ chị hãy viết một bài văn khoảng 200 từ về bài học cuộc sống được rút ra qua câu chuyện phần đọc – hiểu.
- Yêu cầu về hình thức: bài viết đảm bảo cấu trúc, xác định đúng vấn đề, bố cục, rõ ràng, diễn đạt, dùng từ, đặt câu chính xácYêu cầu về nội dung: Học sinh có thể lựa chọn 1 đến 3 bài học được rút ra từ câu chuyện:* Bài học về tình yêu thương, lòng hiếu thảo
- Cậu con trai trong câu chuyện là một tấm gương về lòng hiếu thảo
- Mỗi con người cần phải có lòng hiếu thảo, luôn đối xử tốt, chăm sóc, yêu thương, phụng dưỡng, vâng lời, thờ phụng… cha mẹ, ông bà, bởi họ là những người đã sinh thành và dưỡng nuôi ta khôn lớn, luôn dành cho ta những gì tốt đẹp nhất trên cuộc đời này.
- Lòng hiếu thảo sẽ giúp con cháu trưởng thành hơn, sống có trách nhiệm, giúp gắn kết các thế hệ trong gia đình, sống trong môi trường tràn ngập yêu thương
- Lòng hiếu thảo luôn luôn được tôn vinh, ngưỡng mộ, đó là tiêu chuẩn luân lí, đạo đức là nét đẹp văn hóa dân tộc
- Cần phải lên án những người sống bất hiếu, đối xử tàn nhẫn, bỏ rơi cha mẹ già.
* Bài học về lòng tự trọng
- Cậu con trai trong câu chuyện đã cho chúng ta một bài học về lòng tự trọng
- Lòng tự trọng là ý thức biết coi trọng và giữ gìn phẩm cách, danh dự của chính mình.
- Người có lòng tự trọng luôn sống trung thực, biết nhận ra khuyết điểm của bản thân, luôn biết giữ gìn phẩm giá, nhân cách trong mọi hoàn cảnh
- Mỗi con người cần phải có lòng tự trọng, tự trọng khác với tự ái, tự cao, tự đại.
- Cần lên án, phê phán những con người không có lòng tự trọng. Nếu không có lòng tự trọng con người sẽ trở nên hèn hạ, vị kỷ, giả dối.
* Bài học về kỹ năng sống: cách ứng xử thông minh, khéo léo trong các tình huống
- Cậu con trai trong câu chuyện thể hiện tình yêu thương, lòng hiếu thảo với cha qua những hành động rất thông minh, thuần thục: Gọi to hai bát mì, ra hiệu cho người bán hàng, im lặng gắp lại thịt vào bát người cha… Những lời nói dối ân cần giúp người cha trở nên vui vẻ, lạc quan về cuộc sống. Cậu trả lại tiền cho đĩa thịt bò một cách kín đáo đó là cách xử sự lịch thiệp, tinh tế.
- Trong cuộc sống, có nhiều tình huống xảy ra đòi hỏi mỗi người phải có những hành động, lời nói, cách ứng xử phù hợp, khéo léo, thông minh, chân thành để giải quyết thành công tình huống đó.
- Trong nhiều trường hợp đôi khi người ta vẫn cần những lời nói dối, nhưng lời nói dối đó phải cần thiết, phải xuất phát từ tình yêu thương mới đem lại điều tốt đẹp, tránh làm tổn thương, đau khổ cho người khác
Cùng tái hiện vẻ đẹp của những đoàn quân ra trận, mỗi nhà thơ lại có cách khám phá và thể hiện riêng. Trong bài “Tây Tiến”, Quang Dũng viết:
“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”.
Trong thi phẩm “Việt Bắc”, Tố Hữu viết:
“Những đường Việt Bắc của ta
Đêm đêm rầm rập như là đất rung
Quân đi điệp điệp trùng trùng
Ánh sao đầu súng bạn cũng mũ nan”.
Cảm nhận của anh/chị về hai đoạn thơ trên.
- a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luậnCó đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề.b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Những khám phá riêng về vẻ đẹp của những đoàn quân ra trận qua hai đoạn thơ
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm, luận cứ
Đoạn thơ trong bài thơ “Tây Tiến”:
* Vẻ đẹp bi hùng của đoàn quân Tây Tiến
- Cái bi thương được gợi lên từ những cụm từ không mọc tóc, quân xanh màu lá, những khó khăn, thiếu thốn, bệnh sốt rét làm người lính da xanh, tóc rụng, thân hình tiều tụy
- Cái hùng: Vẻ đẹp kiêu dũng của người lính thể hiện ở sự vượt lên coi thường gian khổ
- Âm vang mạnh mẽ của hai chữ đoàn binh
- Không mọc tóc: thế chủ động, thể hiện dáng vẻ ngang tàng, đọc đáo
- Đoàn quân mang trên mình màu xanh dữ dội của núi rừng
- Cụm từ “dữ oai hùm: vẻ dữ dội, kiêu hùng của những con hổ nơi rừng thiêng, đó là sức mạnh nội tâm, khí phách”.
* Vẻ đẹp oai hùng, lãng mạn, hào hoa
- Giấc mộng anh hùng: qua ánh mắt biểu hiện sự chuyển động sục sôi của nội tâm: Căm thù, uất hận, khát vọng, ý chí mãnh liệt hướng về nhiệm vụ chiến đấu, ước nguyện lập chiến công: Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
- Giấc mơ lãng mạn: Hà Nội, người con gái Hà thành duyên dáng, thanh lịch, yểu điệu đêm đêm vẫn hiện lên trong giấc mơ da diết của những tâm hồn mơ mộng, lãng mạn, những trái tim khao khát yêu thương. Nỗi nhớ đó là động lực cho ý chí chiến đấu, cho niềm tin chiến thắng, ngày trở về.
Đoạn thơ trong bài thơ “Việt Bắc”
* Vẻ đẹp hào hùng của đoàn quân: Sức mạnh của sự đông đảo, khí thế, ý chí, quyết tâm
- Đại từ sở hữu “của ta” vang lên một cách dõng dạc thể hiện niềm tự hào của những con người được làm chủ đất nước, đồng thời khẳng định Việt Bắc là chiến khu tự do.
- Khí thế cuộc kháng chiến được tiến hiện qua các nẻo đường ra quân hướng tới chiến trường. Từ láy rầm rập mô tả những bước chân mạnh mẽ, khẩn trương, gấp gáp, biện pháp nói quá: mặt đất như rung chuyển dưới bước chân người chiến sĩ
- Từ láy điệp điệp trùng trùng: Gợi tả đoàn quân như những đợt sóng trào dâng, nối tiếp nhau như một sức mạnh vô tận
- Vẻ đẹp lãng mạn: Hình ảnh Ánh sao đầu súng vừa hiện thực vừa lãng mạn
- Nguồn sáng lấp lánh của ngôi sao trên trời ở góc nhìn nhất định sao như treo trên đầu mũi súng
- Ánh sáng lấp lánh của ngôi sao trên mũ nan của người chiến sĩ
- Nguồn sáng lấp lánh của ngôi sao lí tưởng gợi vẻ đẹp trong tâm hồn người lính cụ Hồ.
* So sánh hai đoạn thơ:
- Giống nhau: Đều khắc họa người lính với vẻ đẹp vừa hào hùng, vừa lãng mạn, bay bổng.
- Khác nhau:
- Trong đoạn thơ thuộc bài thơ “Tây Tiến”, vẻ đẹp hào hùng của người lính phảng phất sự bi thương.
- Trong đoạn thơ thuộc bài thơ “Việt Bắc”, vẻ đẹp lãng mạn của người lính còn được Tố Hữu gắn liền với hiện thực.
d. Sáng tạo
Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về hai đoạn thơe. Chính tả, dùng từ, đặt câu
Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.