Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn trường THPT chuyên Nguyễn Quang Diêu, Đồng Tháp (Lần 2)

Đề thi thử THPT chuyên Nguyễn Quang Diêu (Lần 2)
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi từ Câu 1 đến Câu 3:

“Mới đây, các giáo sư tâm lí học ở Trường Đại học York và Toronto (Canada) đã tìm ra những bằng chứng để chứng mình rằng: Đọc sách văn học thực sự giúp con người trở nên thông minh và tốt tính hơn.

Những nghiên cứu của các giáo sư đã cho thấy những người thường xuyên đọc sách văn học thường có khả năng thấu hiểu, cảm thông và nhìn nhận sự việc từ nhiều góc độ. Ngược lại, những cá nhân có khả năng thấu cảm tốt cũng thường lựa chọn sách văn học để đọc.

Sau khi đã tìm thấy mối liên hệ hai chiều ở đối tượng độc giả là người lớn, các nhà nghiên cứu tiếp tục tiến hành với trẻ nhỏ và nhận thấy những điều thú vị, rằng những trẻ được đọc nhiều sách truyện thường có cách ứng xử ôn hoà, thân thiện hơn, thậm chí trở thành đứa trẻ được yêu mến nhất trong nhóm bạn.

Đọc một “nội dung sâu sắc” khác với cách đọc “mì ăn liền” của chúng ta khi lướt qua các trang mạng. Hiện tại, việc thực sự đọc, chìm lắng vào một nội dung văn học là việc ngày càng hiếm thấy trong đời sống đương đại.

Theo các nhà tâm lí học, việc chú tâm đọc một nội dung sâu sắc có tầm quan trọng đối với mỗi cá nhân giống như việc người ta cần bảo tồn những công trình lịch sử hay những tác phẩm nghệ thuật quý giá. Việc thiếu đi thói quen đọc nghiêm túc sẽ gây ảnh hưởng tới sự phát triển trí tuệ và cảm xúc của những thế hệ “sống trên mạng”.

(Trích Đọc sách văn học giúp chúng ta thông minh hơn? Theo http:/www dantricom.vn)

Câu 1:
Anh/ chị hiểu như thế nào về ý kiến của tác giả bài viết: “Đọc một “nội dung sâu sắc” khác với cách đọc “mì ăn liền” của chúng ta khi lướt qua các trang mạng”?
  • – Tham khảo một số ý sau:
    • Cách đọc một “nội dung sâu sắc”: Thái độ đọc nghiêm túc, thật sự chìm lắng vào thế giới văn học, chú ý nhập tâm để thấu cảm và rút ra bài học sâu sắc cho bản thân.
    • Cách đọc “mì ăn liền”: Thái độ đọc lướt nhanh, sơ sài, qua loa, không hiểu đúng và sâu sắc giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật của tác phẩm, không thấy được ý nghĩa nhân văn tác phẩm đó đem lại.

    → Câu nói mang tính định hướng về một cách đọc sách văn học đúng đắn, tích cực.

Câu 2.
Theo anh/chị, vì sao tác giả bài viết lại cho rằng: “Việc thiếu đi thói quen đọc nghiêm túc sẽ gây ảnh hưởng tới sự phát triển trí tuệ và cảm xúc của những thế hệ “sống trên mạng”?
  • HS có nhiều cách diễn đạt:
    • Không có thói quen đọc nghiêm túc, thiếu chú tâm, không thực sự chìm lắng vào thế giới của văn học khiến con người thiếu đi sự nhạy bén, thông minh; không có khả năng thấu hiểu, cảm thông, chia sẻ; không có khả năng nhìn nhận vấn đề trong cuộc sống từ nhiều góc độ.
    • Việc thiếu thói quen đọc sách nghiêm túc khiến con người không biết cách ứng xử ôn hòa, thân thiện; thậm chí không được yêu thương.
Câu 3.
Thông điệp sâu sắc nhất anh/ chị rút ra cho bản thân từ văn bản trên (trình bày trong một đoạn văn từ 5 – 7 dòng).
    • HS biết tạo lập một đoạn văn, không sai các lỗi diễn đạt, không quá dung lượng quy định.
    • HS rút ra một trong số những thông điệp sau đây:
      • Cần hình thành thói quen đọc sách văn học
      • Rèn luyện cách đọc nghiêm túc, chú tâm, thực sự chìm lắng vào thế giới văn học
      • Tránh đọc sách theo kiểu ” mì ăn liền” vì nó sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ và cảm xúc.
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm)

Viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/ chị về ý kiến được nêu trong đoạn trích ở phần Đọc hiểu: “Hiện tại, việc thực sự đọc, chìm lắng vào một nội dung văn học là việc ngày càng hiếm thấy trong đời sống đương đại”.

  • Viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/ chị về ý kiến được nêu trong đoạn trích ở phần Đọc hiểu: “Hiện tại, việc thực sự đọc, chìm lắng vào một nội dung văn học là việc ngày càng hiếm thấy trong đời sống đương đại”a. 0,25 đ
    • HS biết cách tạo lập một đoạn văn nghị luận khoảng 200 chữ theo một trong các hình thức sau: Diễn dịch, Quy nạp, Tổng-phân-hợp…. Đoạn văn sử dụng kết hợp nhiều thao tác lập luận, có lí lẽ và dẫn chứng hợp lí, thuyết phục; đảm báo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu, trình bày được suy nghĩ riêng của mình.

    b. 0,25 đ

    • Xác định đúng vấn đề nghị luận, trình bày ý kiến của bản thân về nhận định: “Hiện tại, việc thực sự đọc, chìm lắng vào một nội dung văn học là việc ngày càng hiếm thấy trong đời sống đương đại” (0,25)
    • Xác định sai hoặc nêu vấn đề chung chung, chưa dẫn được ý kiến. (0)

    c.1,0 đ

    * Yêu cầu về nội dung: HS có thể trình bày suy nghĩ của mình theo nhiều hướng khác nhau như phải có lập luận thuyết phục, đúng đắn không đi ngược với pháp luật, đạo đức:

    • Giải thích:
      • Ý kiến trên nêu lên thực trạng về thanh niên ngày nay ít chú tâm vào đọc sách văn học, chủ yếu đọc các thông tin qua mạng Internet một cách vội vàng theo kiểu “mì ăn liền”.
      • Đây là một thực trạng đáng báo động trong cuộc sống đương đại.
    • Bàn luận: HS có thể lập luận theo một trong các hướng sau:
      • Đồng tình:
        • Thói quen đọc sách, nhất là sách văn học, đang bị mai một bởi sự phát triển của các phương tiện thông tin hiện đại có kết nối mạng internet; người ta thường đọc trên máy tính, máy tính bảng, điện thoại thay cho việc đọc sách truyền thống.
        • Do sự phát triển của ngành công nghệ giải trí như: Phim ảnh, game show, zalo, faebook, instagram…lôi cuốn, hấp dẫn và chiếm nhiều thời gian của tuổi trẻ.
        • Hơn nữa, do nhịp sống hiện đại, người ta có xu hướng đọc những tác phẩm ngắn mang tính giải trí nhất thời hoặc đọc lướt nội dung của văn bản để nắm được ý chính…
        • Cách đọc “mì ăn liền” ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ và cảm xúc của thế hệ trẻ.
        • ….
      • Không đồng tình:
        • Việc đọc thông tin qua các phương tiện nghe nhìn có kết nối mạng internet đang diễn ra phổ biến và rất cần thiết trong xã hội hiện đại thời hội nhập.
        • Những tác phấm văn học có giá trị được in thành sách vẫn có sức hấp dẫn lớn đối với nhiều người.
        • Không phải tất cả mọi người đều quay lưng với văn học đích thực. Thực tế vẫn có bạn trẻ say mê đọc sách văn học và tham gia sáng tác văn học.
      • Vừa đồng tình vừa không đồng tình: HS kết hợp hai lập luận trên.

    * Nêu dẫn chứng

    – Đáp ứng 1/2 đến 2/3 các yêu cầu trên (0,75)
    – Đáp ứng được 1/3 các yêu cầu trên (0,5)
    – Không đáp ứng được bất kì yêu cầu nào trong các yêu cầu trên (0)

    e. 0,25 đ

    – Bài viết có sáng tạo, ấn tượng, có dấu ấn cá nhân.

    d. 0,25 đ

    – Không sai Chính tả, dùng từ, đặt câu (Hoặc có 1 vài lỗi nhỏ, không đáng kể)

Câu 2. (5,0 điểm)

Có ý kiến cho rằng: “Nhân vật Mị trong truyện ngắn “Vợ Chồng A Phủ” là một thành công của Tô Hoài trong việc xây dựng con người thức tỉnh”.

Qua tác phẩm Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài, anh/chị hãy làm sáng tỏ nhận định trên.

  • Có ý kiến cho rằng: “Nhân vật Mị trong truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” là một thành công của Tô Hoài trong việc xây dựng con người thức tỉnh”. Qua tác phẩm Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài, anh/chị hãy làm sáng tỏ nhận định trên.* Yêu cầu chung: Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận văn học để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.a. 0,5 đ
    • Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: Trình bày đầy đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết luận. Phần Mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; phần Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần Kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được ấn tượng, cảm xúc sâu đậm của cá nhân. (0,5)
    • Trình bày đầy đủ ba phần Mở bài, Thân bài, Kết luận, nhưng các phần chưa thể hiện được đầy đủ yêu cầu trên; phần Thân bài chỉ có 1 đoạn văn. (0,25)
    • Thiếu Mở bài hoặc Kết luận, Thân bài chỉ có 1 đoạn văn hoặc cả bài viết chỉ có 1 đoạn văn. (0)

    b. 0,5 đ

    • Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Nhân vật Mị trong truyện ngắn Vợ Chồng A Phủ là một thành công của Tô Hoài trong việc xây dựng con người thức tỉnh. (0,5)
    • Xác định chưa rõ vấn đề cần nghị luận, chỉ nêu chung chung (0,25)
    • Xác định sai vấn đề cần nghị luận, trình bày lạc đề. (0)

    c. 3,0 đ

    – Chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp; các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm (trong đó phải có thao tác phân tích, so sánh); biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng

    – Đảm bảo các yêu cầu trên; có thể trình bày theo định hướng sau:

    1. Giới thiệu về tác giả, tác phẩm

    2. Giải thích:

    • “Con người thức tỉnh” trong văn học: kiểu nhân vật có số phận bất hạnh, khổ đau bị chà đạp, áp bức đến cam chịu nhẫn nhục nhưng cuối cùng “hồi sinh”, bừng thức về quyền sống, quyền hạnh phúc, giá trị làm người.
    • Trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài, Mị là kiểu nhân vật thức tỉnh với vẻ bề ngoài cam chịu, nhẫn nhục nhưng bên trong có sức sống tiềm tàng, mãnh liệt luôn khát khao yêu thương, khao khát hạnh phúc và tự do.

    → Mị điển hình cho kiểu nhân vật “con người thức tỉnh”, một trong những thành công của Tô Hoài trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ.

    3. Phân tích quá trình thức tỉnh của Mị.

    3.1. Tình cảnh tủi nhục của kiếp dâu gạt nợ.

    • Trước khi bị bắt về làm dâu gạt, Mị là cô gái xinh đẹp, tài năng, phẩm hạnh.
    • Sau khi bị bắt về làm dâu gạt nợ, Mị phải sống cuộc đời nô lệ, làm việc quần quật, bị áp bức, bóc lột cả về thể xác lẫn tinh thần.
    • Mị bị tê liệt sức sống, không còn sức phản kháng, sống mà như chết, vô hồn, vô cảm, cam chịu “lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa”.

    → Mị điển hình cho số phận bi kịch của người lao động miền núi dưới ách thực dân phong kiến.

    3.2. Sức sống trỗi dậy trong đêm tình mùa xuân.

    • Tác động của ngoại cảnh: Hồng Ngài ăn tết sớm, khung cảnh mùa xuân rực rỡ, đặc biệt âm thanh tiếng sáo đã tác động đến sự thức tỉnh của Mị.
    • Biểu hiện của sự thức tỉnh: Diễn biến tâm trạng và hành động
      • Mị uống rượu “ực từng bát” → Hồi nhớ và tiếc xót cho quá khứ tươi đẹp → căm phẫn thực tại “có nắm lá ngón trong tay lúc này Mị sẽ ăn cho chết ngay” → Ý thức về tuổi xuân của mình, “Mị còn trẻ” → ý thức về quyền sống, quyền tự do “Mị muốn đi chơi. Bao nhiêu người có chồng cũng đi chơi ngày tết”.
      • Mị xắn miếng mỡ bỏ vào đĩa đèn cho sáng, vén tóc, lấy váy hoa, sửa soạn đi chơi bất chấp sự có mặt của A Sử; như không hề biết mình bị trói, Mị vùng bước đi trong niềm khao khát mãnh liệt → chuỗi hành động liên tiếp, gấp gáp.

    → Diễn biến tâm trạng đầy phức tạp của Mị thể hiện sự thức tỉnh của con người luôn khao khát yêu thương, tự do, hạnh phúc.

    3.3. Sự phản kháng của Mị trong đêm đông cắt dây cởi trói cho A Phủ

    • Tâm trạng của Mị trước khi nhìn thấy dòng nước mắt của A Phủ: Mị thản nhiên thức dậy thổi lửa hơ tay, “Nếu A Phủ là cái xác chết đứng đấy cũng thế thôi”.
    • Tâm trạng và hành động của Mị khi nhìn thấy dòng nước mắt của A Phủ:
      • Dòng nước mắt của A Phủ đã tác động mạnh mẽ đến sự thức tỉnh của Mị: Mị nhớ lại nỗi đau của chính mình, từng bị trói “nước mắt chảy xuống miệng, xuống cổ không biết lau đi được” → đồng cảm với nỗi khổ đau của A Phủ “chết đau, chết đói, chết rét, phải chết” → nhận ra tội ác của cha con thống lí “chúng nó thật độc ác” → cắt nghĩa về sự phi lí, bất công “người kia việc gì phải chết”
      • Hành động cắt dây cởi trói cho A Phủ và chạy theo A Phủ, bỏ trốn khỏi Hồng Ngài là biểu hiện cao nhất của con người thức tỉnh.

    → Quá trình đấu tranh từ tự phát đến tự giác của con người thức tỉnh, Mị giải thoát cho A Phủ cũng là tự giải thoát chính mình khỏi địa ngục trần gian.

    3.4. Nghệ thuật xây dựng nhân vật Mị – kiểu con người thức tỉnh.

    • Nghệ thuật miêu tả nội tâm nhân vật tinh tế, sâu sắc.
    • Lối trần thuật hấp dẫn có sự kết hợp hài hòa giữa kể và tả.
    • Ngôn ngữ giàu chất thơ, đậm phong vị Tây Bắc.

    3. Đánh giá:

    • Ý kiến trên đánh giá xác đáng về sự thành công của ngòi bút Tô Hoài trong việc xây dựng nhân vật Mị- kiểu con người thức tỉnh. Tuy chịu nhiều bất hạnh, khổ đau nhưng có sức sống tiềm tàng, mãnh liệt, luôn vươn lên đấu tranh giành cuộc sống tự do, hạnh phúc.
    • Nhân vật Mị góp phần làm nên giá trị nhân đạo, giá trị hiện thực sâu sắc cho thiên truyện.
    • Nhân vật Mị mang đậm dấu ấn phong cách của người nghệ sĩ tài hoa, luôn trăn trở về số phận con người nhất là người phụ nữ.

    – Cơ bản đáp ứng được các yêu cầu trên, song một trong các luận điểm (giải thích, chứng minh, bình luận) còn chưa đầy đủ hoặc liên kết chưa thật chặt chẽ. (1,5 – 1,75)

    – Đáp ứng 1/2 đến 2/3 các yêu cầu trên. (1,0 – 1,25)
    – Đáp ứng được 1/3 các yêu cầu trên (0,5 – 0,75)
    – Không đáp ứng được bất kì yêu cầu nào trong các yêu cầu trên. (0)

    d. 0,5 đ

    • Sáng tạo: Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm,…); văn viết giàu cảm xúc; thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt; có liên hệ so sánh trong quá trình phân tích, có quan điểm và thái độ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật. (0,5)
    • Có một số cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; thể hiện được một số suy nghĩ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật. (0,25)
    • Không có cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; không có quan điểm và thái độ riêng hoặc quan điểm, thái độ trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật. (0)

    e. 0,5 đ

    • Không sai chính tả, dùng từ, đặt câu (Hoặc có 1 vài lỗi nhỏ, không đáng kể) (0,5)
    • Mắc một số lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu. (0,25)
    • Mắc nhiều lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu. (0)
  • Đáp án đúng của hệ thống

Thảo luận cho bài: Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn trường THPT chuyên Nguyễn Quang Diêu, Đồng Tháp (Lần 2)