Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Ngữ Văn trường THPT Trần Phú, Hà Tĩnh

Đề thi thử THPT Trần Phú Quốc gia
Phần I. Đọc- hiểu (3 điểm)
Đọc đoạn văn sau và trả lời câu hỏi từ câu 1 đến câu 4:

“19.5.70

Được thư mẹ… mẹ của con ơi, mỗi dòng chữ, mỗi lời nói của mẹ thấm nặng yêu thương, như những dòng máu chảy về trái tim khao khát nhớ thương của con. Ôi! Có ai hiểu lòng con ao ước được về sống giữa gia đình, dù chỉ là giây lát đến mức nào không? Con vẫn hiểu điều đó từ lúc bước chân lên chiếc ôtô đưa con vào con đường bom đạn. Nhưng con vẫn ra đi vì lí tưởng. Ba năm qua, trên từng chặng đường con bước, trong muôn vàn âm thanh hỗn hợp của chiến trường, bao giờ cũng có một âm thanh dịu dàng tha thiết mà sao có một âm lượng cao hơn tất cả mọi đạn bom sấm sét vang lên trong lòng con. Đó là tiếng nói của miền Bắc yêu thương, của mẹ, của ba, của em, của tất cả. Từ hàng lim xào xạc trên đường Đại La, từ tiếng sóng sông Hồng dào dạt vỗ đến cả âm thanh hỗn tạp của cuộc sống Thủ đô vẫn vang vọng trong con không một phút nào nguôi cả.”

                             (Trích: “Nhật kí Đặng Thuỳ Trâm”, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2005)

Câu 1:
Đoạn văn được viết theo phong cách ngôn ngữ nào? Nêu ngắn gọn đặc trưng của phong cách ngôn ngữ đó  (0,5 điểm)
 – Đoạn văn trên viết theo phong cách ngôn ngữ sinh hoạt (0,25đ)
– Đặc trưng của phong cách ngôn ngữ sinh hoạt là: tính cụ thể, tính cảm xúc, tính cá thể. (0,25đ)
Câu 2:
Đoạn văn trên viết trong hoàn cảnh nào của lịch sử dân tộc? (0,25 điểm)
 Đoạn văn trên viết trong hoàn cảnh cuộc kháng chống Mĩ cứu nước của dân tộc
Câu 3:
Theo anh/chị, ghi nhật kí có lợi gì cho sự phát triển ngôn ngữ của mình? (0,25 điểm)
 Viết nhật kí có lợi cho sự phát triển ngôn ngữ bản thân: trau chuốt được ngôn ngữ, làm giàu vốn từ, hành văn giàu cảm xúc, rèn luyện kĩ năng diễn đạt.
Câu 4:
Từ đoạn văn trên anh (chị) nghĩ gì về lí tưởng của những người trẻ tuổi trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc? (trình bày trong khoảng 5- 7 dòng) (0,5 điểm)
 Lí tưởng của những người trẻ tuổi trong các cuộc kháng chiến của dân tộc: họ gác lại những tình cảm riêng tư cá nhân, đi theo tiếng gọi của Tổ quốc, họ mang trong mình bầu nhiệt huyết, niềm tin, niềm hi vọng, đến với các cuộc chiến bằng tình yêu đất nước thiết tha…
Đọc đoạn thơ sau và trả lời các câu hỏi từ câu 5 đến câu 8:

“Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang,
Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng;
Đây mùa thu tới- mùa thu tới
Với áo mơ phai dệt lá vàng.

Hơn một loài hoa đã rụng cành
Trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh:
Những luồng run rẩy rung rinh lá…
Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh.”

(Trích “Đây mùa thu tới” – Xuân Diệu)

Câu 5:
Xác định phương thức biểu đạt được sử dụng trong đoạn thơ? (0,25 điểm)
 Phương thức biểu đạt trong đoạn thơ trên: miêu tả, biểu cảm
Câu 6:
Anh/chị hiểu thế nào về từ “rũa” trong cụm từ “sắc đỏ rũa màu xanh”? (0,25 điểm)
 Từ “rũa“ được hiểu là sự lấn át của sắc đỏ với màu xanh của lá cây.
Câu 7:
Chỉ ra và nêu hiệu quả của một biện pháp tu từ trong câu thơ: “Những luồng run rẩy rung rinh lá…” ? (0,5 điểm)
 – Trong câu thơ sử dụng biện pháp tu từ ngữ âm: điệp âm “r“
– Tác dụng: nhấn mạnh ý nghĩa và cảm xúc, tăng sức biểu cảm cho câu thơ, thể hiện sự chuyển đổi tinh tế, sâu sắc của cảnh vật.
Câu 8:
Nội dung chính của đoạn thơ? (0,5 điểm)
Nội dung: Nhà thơ miêu tả bức tranh mùa thu buồn nhưng đẹp với những hình ảnh thiên nhiên: rặng liễu, lá vàng, một vài loài hoa lìa cành, màu đỏ của sắc thu đã lấn át màu xanh, những cành cây khô gầy, mỏng manh. Nhà thơ đã cảm nhận được nét tinh tế, dịu nhẹ, buồn lặng của cảnh sắc mùa thu.
Phần II. Làm văn (7 điểm)
Câu 1. (3 điểm)

“Nghịch cảnh là lí do khiến một số người ngã gục nhưng cũng là cơ hội để số khác bứt phá”
(William Arthur Ward)
Viết một bài văn nghị luận khoảng 600 từ, trình bày suy nghĩ của anh/ chị về ý kiến trên.

 Trình bày ý kiến về nhận định: “Nghịch cảnh là lí do khiến một số người ngã gục nhưng cũng là cơ hội để số khác bứt phá”

* Yêu cầu về kĩ năng: Biết sử dụng các thao tác để làm bài văn nghị luận. Đảm bảo cấu trúc 3 phần. Diễn đạt trong sáng, mạch lạc, trình bày rõ ràng, sạch đẹp…
Ý 1
Giải thích: Nghịch cảnh là gì?
– Nghịch cảnh: là hoàn cảnh không thuận lợi, trớ trêu, nghịch lí, éo le mà con người không mong muốn trong cuộc sống.
– Nghịch cảnh là lí do khiến một số người ngã gục nhưng cũng là cơ hội để số khác bứt phá: nghĩa là trước nghịch cảnh, có một số người chùn bước, không thể bước tiếp nhưng với một số khác trước nghịch cảnh lại nỗ lực, quyết tâm và bước tiếp.
=>Vấn đề nghị luận: Khẳng định quá trình nhận thức, thái độ ứng xử, hành động của con người trước nghịch cảnh.
Ý 2
Bàn luận ý kiến:
– Nghịch cảnh là sự tồn tại không thể tránh khỏi trong cuộc sống.
– Tại sao khi đối diện nghịch cảnh, một số người ngã gục? Một số lại bứt phá? Vì không dám vượt lên hoàn cảnh, không đủ niềm tin và nghị lực vào chính mình. Nhưng với những ai biết biến khó khăn thành cơ hội, dám đối mặt với hoàn cảnh cùng với sự quyết tâm, nỗ lực không ngừng thì nghịch cảnh chính là thước đo bản lĩnh con người.
– Phê phán quan niệm và hành động sai lầm: chạy trốn hay đầu hàng nghịch cảnh, thiếu tỉnh táo, sáng suốt khi gặp hoàn cảnh éo le, ngang trái, dễ thất bại trong công việc, thậm chí bị kẻ thù lợi dụng. (Lấy dẫn chứng)
– Đề cao những tấm gương biết đi lên từ nghịch cảnh, biến khó khăn thành động lực hành động (Lấy dẫn chứng)
Ý 3
Bài học nhận thức và hành động:
– Nghịch cảnh là hoàn cảnh khó khăn mà đời người không ai không phải trải qua, phải chấp nhận nó nhưng không được ngã gục, phải vượt qua nghịch cảnh.
– Phải sống mạnh mẽ, giàu niềm tin, hi vọng, quyết tâm chinh phục cuộc sống, vượt qua trở ngại, giành lấy những điều tốt đẹp cho cuộc sống của mình.

Câu 2. (4 điểm)

Đánh giá về đoạn trích “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm, Sách Ngữ văn 12, tập I nhận định: “Đóng góp riêng của đoạn trích là ở sự nhấn mạnh tư tưởng Đất nước của nhân dân và sử dụng nhuần nhị, sáng tạo các chất liệu văn hoá dân gian.”
Bằng việc cảm nhận đoạn thơ sau hãy làm sáng tỏ nhận định trên:

“Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu
Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái
Gót ngựa của Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại
Chín mươi chín con voi góp mình dựng đất Tổ Hùng Vương
Những con rồng nằm im góp dòng sông xanh thẳm
Người học trò nghèo góp cho Đất Nước mình núi Bút, non Nghiên
Con cóc,con gà quê hương cùng góp cho Hạ Long thành thắng cảnh
Những người dân nào đã góp tên Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm
Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi
Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha
Ôi Đất Nước sau bốn nghìn năm đi đâu ta cũng thấy
Những cuộc đời đã hoá núi sông ta…”

(Trích: “Đất Nước”- Trường ca Mặt đường khát vọng – Nguyễn Khoa Điềm)

* Yêu cầu về kĩ năng: Biết sử dụng các thao tác để làm bài văn nghị luận . Đảm bảo cấu trúc 3 phần . Diễn đạt trong sáng, mạch lạc, trình bày rõ ràng, sạch đẹp…
Ý 1
– Giới thiệu chung:
– Những nét chính về tác giả và tác phẩm
– Đề tài Đất Nước được nhiều nhà thơ, nhà văn phản ánh; mỗi người có những phát hiện, cảm nhận riêng làm nên gương muôn màu của Đất nước.
Ý 2
Phân tích đoạn thơ làm rõ: Tư tưởng Đất Nước của nhân dân
– Khẳng định tư tưởng Đất Nước của nhân dân là tư tưởng bao trùm và xuyên suốt đoạn thơ, chương V của bản trường ca Mặt đường khát vọng.
– Biểu hiện của tư tưởng Đất Nước của nhân dân:
+ Vai trò của nhân dân- Nhân dân đã làm nên Đất Nước: sự hoá thân của nhân dân vào không gian địa lí, điểm tô cho dáng hình xứ sở, tạc nên thế núi hình sông, góp thành những danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp cho Đất Nước.
+ Các địa danh được nhắc đến đều gắn liền với một huyền thoại, huyền tích và sự thật về nhân dân trong lịch sử, từ đó làm nên tên tuổi của các địa danh đó, trở thành những danh thắng, những di tích lịch sử được nhiều người biết đến: những người vợ nhớ chồng- núi Vọng Phu, cặp vợ chồng yêu nhau- hòn Trống Mái, người học trò nghèo- núi Bút, non Nghiên….
+ Mỗi danh thắng không chỉ tô điểm cho Đất Nước mà còn ẩn chứa vẻ đẹp tâm hồn của nhân dân: sự thuỷ chung, tình nghĩa vợ chồng, tinh thần hiếu học, ý thức về cội nguồn, tinh thần yêu nước…
– Tác giả đã có những phát hiện riêng, mới mẻ về Đất Nước: không nói lên sự trù phú tươi đẹp của Đất Nước mà chú ý đến những miền đất, những địa danh với tên gọi dân dã; không chỉ nhìn các danh thắng ở vẻ đẹp bên ngoài mà phát hiện sự hoá thân của nhân dân trong mỗi danh thắng đó.
Ý 3

Phân tích đoạn thơ làm rõ việc dử dụng nhuần nhị, sáng tạo các chất liệu văn hoá dân gian:
– Sử dụng các truyền thuyết, truyện kể, huyền thoại liệt kê những sơn danh , địa danh , danh thắng của Đất Nước
– Giọng điệu tâm tình thiết tha, sâu lắng
– Tác giả đã sử dụng rất khéo léo, giàu tính sáng tạo, dù là những chất liệu quen thuộc bao đời nay khi ở trong trang viết của ông để lại dấu ấn riêng của nhà thơ, vừa lạ vừa quen.
Ý 4
Đánh giá:
– Đoạn thơ là những phát hiện và đóng góp mới mẻ của nhà thơ về đề tài Đất nước trong văn học.
– Đoạn trích là một minh chứng cho phong cách thơ Nguyễn Khoa Điềm: giàu chất suy tư, giọng thơ trữ tình- chính luận sâu lắng .
* Lưu ý:
– Học sinh có thể trình bày theo những kết cấu khác nhau và có những cảm nhận riêng của mình nhưng cần phải đáp ứng yêu cầu của đề.
– Khuyến khích những bài làm có tính sáng tạo.

Thảo luận cho bài: Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Ngữ Văn trường THPT Trần Phú, Hà Tĩnh