Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Ngữ văn trường THPT Hương Khê, Hà Tĩnh (Lần 1)

Đề thi thử năm 2016 môn Ngữ Văn THPT Hương Khê
Mời các bạn tham khảo thêm tài liệụ:
I. PHẦN ĐỌC HIỂU

Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi từ 1 đến 4:

…(1) Cây hồ Gươm! Cây hồ Gươm! Trong đảo Ngọc giữa hồ, những cây đa, cây si, cây sanh, cây đề và những cây gạo mà ở đầu đình làng nào cũng sum suê. Thần cây đa, ma cây gạo. Cái gốc gạo hiền lành, xù xì như tảng đá vì những nhát dao tước vỏ cây từ thuở trong phố còn những cột đèn dầu thắp ở các ngã tư đường thập đạo, người ta lấy vỏ gạo về làm thuốc bóp chân sái, tay gãy – những bài thuốc ai cũng thuộc.

(2) Những cây trong đường làng thành đại thụ cũng thấy ở đây. Những gốc lộc vừng vun lại thành một khóm mà nõn lộc vừng hái để kèm ăn gỏi cá mè, những cây sung cổ quái mỗi mùa xuân vẫn trổ lá, quả sung muối dưa, lá sung lót gói nem trên Phùng nhắm với rượu gạo Mễ Trì của ba làng Mai. Và những cây me, cây sấu vốn mọc trước ngõ, canh nấu quả me chua, nước rau muống luộc giầm sấu, sấu non đem làm chắm trẻ con nào cũng mê.

(3) Cả những cây thường chỉ thấy trong cánh đồng trũng cũng la liệt ven hồ. Ở những đồng sâu, đồng xa, buổi trưa ngày mùa không kịp về làng, người cày đánh trâu vác bừa, quảy mạ lên nghỉ trưa tránh nắng bên những mái cầu mái quán dưới bóng cây chôi, cây nhội, sum suê xanh già như những chiếc quạt thóc dựng đứng….

(Theo Tô Hoài)

Câu 1.
Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích trên? (0,25 điểm)
 Phương thức biểu đạt chính: Thuyết minh.
– Điểm 0,25: Trả lời đúng theo ý trên.
– Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời
Câu 2.
Đặt nhan đề cho đoạn trích? (0,25 điểm)
 Đặt nhan đề cho đoạn trích: Cây hồ Gươm.
– Điểm 0,25: Trả lời đúng theo ý trên.
– Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời.
Câu 3.

Phát hiện và phân tích hiệu quả diễn đạt của các biện pháp tu từ ở đoạn (1) trong đoạn trích trên? (0,5 điểm).

Biện pháp tu từ: Liệt kê, so sánh, nhân hóa, điệp từ, điệp cấu trúc, chêm xen…
Ý nghĩa:
+ Tăng tính chính xác, hấp dẫn cho lời văn.
+ Làm nổi bật được nội dung: Sự phong phú và hữu ích của cây hồ Gươm
– Điểm 0,5: Trả lời theo cách trên.
– Điểm 0,25: Trả lời đúng ½ các biện pháp trên.
– Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời
Câu 4.
Từ đoạn trích trên, anh/chị hãy viết một đoạn văn (5-7 dòng) trình bày suy nghĩ của mình về giá trị cây xanh đối với cuộc sống? (0,5 điểm)
Đọc đoạn thơ sau đây và trả lời các câu hỏi từ Câu 5 đến Câu 8:

… Bầm ơi có rét không bầm,
Heo heo gió núi, lâm thâm mưa phùn.
Bầm ra ruộng cấy bầm run,
Chân lội dưới bùn, tay cấy mạ non.
Mạ non bầm cấy mấy đon,
Ruột gan bầm lại thương con mấy lần.
Mưa phùn ướt áo tứ thân,
Mưa bao nhiêu hạt, thương bầm bấy nhiêu…
(Trích Bầm ơi – Tố Hữu, tập thơ Việt Bắc, Nxb. Văn học, Hà Nội, 2005)
Học sinh viết đoạn văn thể hiện được giá trị của cây xanh đối với cuộc sống con người.
– Điểm 0,5: Thí sinh biết cách viết môt đoạn văn hoàn chỉnh về hình thức và nội dung với chủ đề trên và làm sáng tỏ được ý kiến trên một cách thuyết phục.
– Điểm 0,25: Thí sinh biết cách viết môt đoạn văn hoàn chỉnh về hình thức và nội dung nhưng chưa làm sáng tỏ được ý kiến trên một cách thuyết phục.
– Điểm 0: Không đáp ứng được bất kì yêu cầu nào trong các yêu cầu trên.
Câu 5:
Xác định phong cách ngôn ngữ của đoạn thơ? (0,25 điểm)
 Phong cách ngôn ngữ của đoạn thơ:
Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật/ Nghệ thuật.
– Điểm 0,25: Trả lời đúng theo ý trên.
– Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời.
Câu 6:
Nội dung của đoạn thơ? (0,25 điểm)
 Nội dung của đoạn thơ: Khắc họa hình ảnh người mẹ vất vả và tình cảm của người con đối với mẹ.
– Điểm 0, 25: Trả lời đúng theo ý trên.
– Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời.
Câu 7:

Tìm và phân tích hiệu quả của những từ ngữ thể hiện nỗi vất vả của người mẹ trong đoạn thơ? (0,5 điểm)Các từ ngữ thể hiện nỗi vất vả của người mẹ: Bầm run, chân lội dưới bùn, ướt áo tứ thân. Hiệu quả: Diễn tả chân thật, sinh động về hình ảnh người mẹ lam lũ, vất vả.

– Điểm 0,5: Trả lời theo cách trên
– Điểm 0,25: Trả lời đúng ½ yêu cầu trên.
– Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời.
Câu 8:
Anh/chị hãy viết một đoạn văn ngắn từ 5 -7 dòng thể hiện tình cảm của mình đối với mẹ? (0,5 điểm)
 Học sinh viết đoạn văn thể hiện được tình cảm và thái độ đối với mẹ.
– Điểm 0,5: Thí sinh biết cách viết môt đoạn văn hoàn chỉnh về hình thức và nội dung với chủ đề trên và đáp ứng được yêu cầu trên một cách thuyết phục.
– Điểm 0,25: Thí sinh biết cách viết môt đoạn văn hoàn chỉnh về hình thức và nội dung nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu trên một cách thuyết phục.
– Điểm 0: Không đáp ứng được bất kì yêu cầu nào trong các yêu cầu trên.
II. PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1: (3,0 điểm)
Nhà văn Pháp Đơ Xtan cho rằng: “Nếu hiểu biết thấu đáo thì sẽ tha thứ được tất cả, con người sẽ trở nên biết khoan dung”.
Anh/chị hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 600 từ) bày tỏ suy nghĩ của mình về ý kiến trên?
 Yêu cầu chung: Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận xã hội để tạo lập văn bản. Bài viết có bố cục đầy đủ, rõ ràng, văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
Yêu cầu cụ thể
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận (0,5 điểm)
– Điểm 0,5: Trình bày đầy đủ ba phần: Mở – Thân – Kết bài. Phần mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; Thân bài tổ chức thành nhiều đoạn liên kết chặt chẽ cùng làm sáng tỏ vấn đề; Kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được nhận thức bản thân.
– Điểm 0,25: Trình bày đầy đủ ba phần: Mở – Thân – Kết bài. Nhưng các phần chưa thể hiện đầy đủ các yêu cầu trên; phần Thân bài chỉ có một đoạn văn. Điểm 0: Thiếu mở bài hoặc kết luận, thân bài hoặc cả bài chỉ có một đoạn văn
b. Xác định được chủ đề cần bàn luận (0,5 điểm)
Điểm 0,5: Hiểu biết thấu đáo là cơ sở của lòng khoan dung.
Điểm 0,25: Xác định chưa rõ vấn đề nghị luận, nêu chung chung.
Điểm 0: Xác định sai, trình bày lạc sang vấn đề khác
c. Chia vấn đề nghị luận thành các luận điểm; các luận điểm triển khai trình tự hợp lí, liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các TTLL để triển khai các luận điểm
(Bài làm vận dụng hiệu quả các thao tác lập luận cơ bản: Giải thích, phân tích,chúng minh, bình luận); biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng; dẫn chứng lấy từ thực tiễn đời sống, cụ thể và sinh động (1,0 điểm):
Điểm 1,0: Đảm bảo các yêu cầu trên; có thể trình bày theo định hướng sau:
+ Giải thích ý kiến:
– Hiểu biết thấu đáo: Là biết rõ, hiểu tường tận, đến nơi đến chốn
– Tha thứ, khoan dung: Không trách cứ, không trừng phạt, rộng lượng tha thứ cho người có lỗi
– Nghĩa cả câu: Nếu hiểu con người đến nơi đến chốn thì ta sẽ dễ dàng bỏ qua, không trách cứ, không trừng phạt, sẽ rộng lượng tha thứ cho mội lỗi lầm.
+ Bàn bạc mở rộng vấn đề:
– Ý kiến trên là đúng đắn (dùng lí lẽ, dẫn chứng để làm sáng tỏ)
– Đã là con người thì không ai có thể tránh khỏi lỗi lầm. Có những lỗi lầm do vô ý phạm phải, nhưng cũng có những lỗi lầm do thiếu hiểu biết mà gây ra. Khi chúng ta hiểu biết thấu đáo những nguyên nhân chủ quan, khách quan của con người, khi chúng ta không còn những mối nghi ngờ lẫn nhau thì chúng ta sẽ bao dung, độ lượng hơn với sai lầm của người khác. Sự thấu hiểu, đồng cảm, sẻ chia là cơ sở để tha thứ, khoan dung…
– Chính sự hiểu biết thấu đáo, sự tha thứ, khoan dung sẽ làm cho con người nhận ra lỗi lầm để từ đó quay về với cái đúng, cái thiện.
– Khi ta có tấm lòng khoan dung cho người khác thì ta nhận lại sự thanh thản trong tâm hồn.
– Khi con người có sự tha thứ và khoan dung với nhau sẽ làm cho cuộc sống vui vẻ, tốt đẹp hơn và đó là một trong những yếu tố để xây dựng một xã hội thân thiện, bình đẳng, tiến bộ…
– Tuy nhiên bên cạnh những con người hiểu mình, hiểu người, hiểu lẽ đời, hiểu quy luật của cuộc sống để tha thứ cho lỗi lầm của người khác thì cũng có những con người cố chấp, ích kỉ không mở lòng với mọi người.
– Cần phân biệt tha thứ, khoan dung với nhẹ dạ, cả tin.
+ Bài học nhận thức và hành động.
– Khẳng định tính đúng đắn của ý kiến.
– Muốn có sự hiểu biết thấu đáo, con người cần phải nâng cao sự hiểu biết của mình về con người và đặt mình vào vị trí của người khác để có cái nhìn thể tất . Đó không chỉ là con người sinh học mà còn là con người tâm lí, con người xã hội, nhân văn với tất cả sự phong phú, phức tạp của nó; với tất cả mặt mạnh, mặt yếu của nó.
– Để có sự hiểu biết thấu đáo con người cần phải có tình yêu thương đồng loại…
– Điểm 0,75: Cơ bản đáp ứng được các yêu cầu trên, song một trong các luận điểm (giải thích, chứng minh, bình luận) còn chưa đầy đủ hoặc liên kết chưa thật chặt chẽ.
– Điểm 0,5: Đáp ứng 1/2 đến 2/3 các yêu cầu trên.
– Điểm 0,25: Đáp ứng được 1/3 các yêu cầu trên.
– Điểm 0: Không đáp ứng được bất kì yêu cầu nào trong các yêu cầu trên.
d. Sáng tạo:
– Điểm 0,5: Có cách diễn đạt sáng tạo, độc đáo; thể hiện được quan điểm và thái độ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
– Điểm 0,25: Có một số cách diễn đạt sáng tạo, độc đáo; thể hiện được một số suy nghĩ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
– Điểm 0: Không có cách diễn đạt sáng tạo, độc đáo không có quan điểm và thái độ riêng hoặc quan điểm và thái độ trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
e. Chính tả, dùng từ, đặt câu
– Điểm 0,5: Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
– Điểm 0,25: Mắc một số lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
– Điểm 0: Mắc nhiều lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
Câu 2: (4,0 điểm)
Bàn về thiên nhiên miền Tây trong bài thơ Tây Tiến (Quang Dũng) có ý kiến cho rằng: Thiên nhiên miền Tây khắc nghiệt, dữ dội.
Ý kiến khác lại nhấn mạnh: Thiên nhiên miền Tây thơ mộng, trữ tình.
Bằng hiểu biết về bài thơ Tây Tiến (Quang Dũng), anh/chị hãy bình luận các ý kiến trên?
 Yêu cầu chung: Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận văn học để tạo lập văn bản. Bài viết có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết, không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
Yêu cầu cụ thể:
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận:
– Điểm 0,5: Trình bày đầy đủ ba phần: Mở – Thân – Kết bài. Phần mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; Thân bài tổ chức thành nhiều đoạn liên kết chặt chẽ cùng làm sáng tỏ vấn đề; Kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được ấn tượng, cảm xúc sâu đậm của cá nhân.
– Điểm 0,25: Trình bày đầy đủ ba phần: Mở – Thân – Kết bài. Nhưng các phần chưa thể hiện đầy đủ các yêu cầu trên; phần thân bài chỉ có một đoạn văn.
– Điểm 0: Thiếu mở bài hoặc kết luận, thân bài hoặc cả bài chỉ có một đoạn văn.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Đặc điểm về bức tranh thiên nhiên miền Tây trong bài thơ Tây Tiến.
– Điểm 0,5: Xác định đúng vấn đề cần nghị luận:
– Điểm 0,25: Xác định chưa rõ vấn đề nghị luận, nêu chung chung.
– Điểm 0: Xác định sai, trình bày lạc sang vấn đề khác.
c. Chia vấn đề nghị luận thành các luận điểm; các luận điểm triển khai trình tự hợp lí, liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các TTLL để triển khai các luận điểm (vận dụng hiệu quả các thao tác lập luận cơ bản: Giải thích, phân tích, bình luận); biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng:
Điểm 2,0: Đảm bảo các yêu cầu trên; có thể trình bày theo định hướng sau:
– Giới thiệu về tác giả, tác phẩm, luận đề.
– Giải thích ý kiến:
+ Ý kiến thứ nhất: Khẳng định bức tranh thiên nhiên miền Tây với bao khó khăn, gay gắt, tác động đáng sợ đến mức khó chịu đựng nổi.
+ Ý kiến thứ hai: Khẳng định khung cảnh miền Tây với vẻ đẹp rất nên thơ, gợi lên những cảm xúc dịu dàng và đẹp đẽ.
Cảm nhận về thiên nhiên miền Tây:
– Thiên nhiên miền Tây khắc nghiệt, dữ dội:
+ Các địa danh xa xôi, heo hút: Sài Khao, Mường Lát, Pha Luông, Mường Hịch, Mai Châu.
+ Các hình ảnh miêu tả: núi cao, vực thẳm, rừng dày, đèo dốc, sương rừng, mưa núi, thác gầm, cọp dữ..
+ Nét vẽ táo bạo, gân guốc, những câu thơ nhiều thanh trắc, sử dụng nghệ thuật đối, điệp từ, điệp cấu trúc…
– Thiên nhiên miền Tây thơ mộng, trữ tình:
+ Các hình ảnh sương mờ bao phủ cả vùng Tây Bắc rộng lớn, hoa về trong đêm hơi, những ngôi nhà bồng bềnh trong biển sương mờ,…
+ Khung cảnh dòng sông chiều sương giăng mắc đẹp, mênh mang, huyền ảo, tĩnh lặng, có hồn.
+ Nét vẽ mềm mại, tinh tế, những câu thơ nhiều thanh bằng, biện pháp nhân hóa, điệp cấu trúc, gợi ít tả nhiều khắc họa thần thái của cảnh vật…
Đánh giá khái quát:
– Cả hai ý kiến không mâu thuẫn mà bổ sung cho nhau, giúp người đọc cảm nhận hình tượng một cách trọn vẹn.
– Nếu sự khắc nghiệt, dữ dội của thiên nhiên miền Tây làm nổi bật sự can trường, dũng cảm thì vẻ thơ mộng, trữ tình lại tô đậm phẩm chất lãng mạn, hào hoa của người lính Hà thành..
– Nhà thơ đã phối hợp giữa yếu tố hiện thực và bút pháp lãng mạn (đối lập) để khắc họa vẻ đẹp đối lập của thiên nhiên miền Tây. Thí sinh có thể có những cảm nhận và diễn đạt khác nhưng phải hợp lí, có sức thuyết phục.
– Điểm 1,5 – 1,75: Cơ bản đáp ứng được các yêu cầu trên, song một trong các luận điểm (phân tích, so sánh) còn chưa được trình bày đầy đủ hoặc liên kết chưa thực sự chặt chẽ.
– Điểm 1,0 -1,25 : Đáp ứng 1/2 đến 2/3 các yêu cầu trên.
– Điểm 0,5 – 0,75: Đáp ứng được 1/3 các yêu cầu trên.
– Điểm 0,25: Hầu như không đáp ứng được yêu cầu nào trong các yêu cầu trên.
– Điểm 0: Không đáp ứng được bất kì yêu cầu nào trong các yêu cầu trên.
d. Sáng tạo
– Điểm 0,5: Có cách diễn đạt sáng tạo, độc đáo; văn viết giàu cảm xúc; thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt; có quan điểm, thái độ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
– Điểm 0,25: Có một số cách diễn đạt sáng tạo, độc đáo; thể hiện được một số suy nghĩ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
– Điểm 0: Không có cách diễn đạt sáng tạo, độc đáo không có quan điểm và thái độ riêng hoặc quan điểm và thái độ trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
e. Chính tả, dùng từ, đặt câu
– Điểm 0,5: Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
– Điểm 0,25: Mắc một số lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
– Điểm 0: Mắc nhiều lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu

Thảo luận cho bài: Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Ngữ văn trường THPT Hương Khê, Hà Tĩnh (Lần 1)