Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2015 môn Ngữ văn trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn, Quảng Trị

Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2015 THPT Chuyên Lê Quý Đôn
Phần I. Đọc hiểu (3,0 điểm)

Đọc đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi từ 1 đến 4:

Ta chào Việt Bắc, ta xuôi,
Quê hương cách mạng muôn đời suy tôn
Mẹ nghèo vẫn cố nuôi con:
Lúc bùi măng nứa, khi ngon củ mài,
Sẻ từng hạt muối cắn đôi,
Nhà sàn chung ở, chăn sui đắp cùng.

(Xuân Diệu – Ta chào Việt Bắc, về xuôi)

Câu 1.
Hãy cho biết đoạn thơ trên được viết bằng thể thơ gì? Trình bày ngắn gọn nội dung đoạn thơ trên? (0,5 điểm);
 – Đoạn thơ trên được viết bằng thể thơ lục bát;
– Nội dung: Cảm xúc bâng khuâng và tình cảm biết ơn sâu nặng với đồng bào Việt Bắc của cán bộ chiến sĩ khi Trung ương Đảng rời chiến khu về thủ đô Hà Nội.
Câu 2.
Đọc đoạn thơ trên, anh/chị liên tưởng tới đoạn trích nào đã học trong chương trình Ngữ văn 12? Chỉ ra điểm tương đồng của đoạn trích đã học với đoạn thơ này? (0,5 điểm);
 – Đoạn thơ gợi người đọc liên tưởng tới đoạn trích Việt Bắc của Tố Hữu;
– Điểm tương đồng:
+ Hình thức: đều viết bằng thể thơ lục bát.
+ Nội dung: thể hiện tình cảm luyến lưu, bịn rịn, lòng biết ơn của những chiến sĩ cách mạng với đồng bào Việt Bắc.
Câu 3.
Xác định nhân vật giao tiếp của đoạn thơ trên? (0,25);
Nhân vật giao tiếp của đoạn thơ trên: Ta/ Việt Bắc (Mẹ nghèo)
Câu 4.
Cảm nhận về đoạn thơ trên, một học sinh đã viết như sau: “Qua những dòng thơ viết về Việt Bắc đã cho người đọc thấy được tình cảm tha thiết, sâu nặng của thi nhân đối với mảnh đất này.” Hãy chỉ ra lỗi sai của bạn học sinh và sửa lại cho đúng. (0,25 điểm)
 – Lỗi bạn học sinh mắc phải trong câu văn là lỗi về ngữ pháp: Câu thiếu chủ ngữ (nhầm lẫn giữa trạng ngữ và chủ ngữ)
– Sửa lại: thêm từ làm chủ ngữ (thí sinh có thể sửa theo nhiều cách để làm cho câu đủ thành phần nòng cốt). Ví dụ: Qua những dòng thơ viết về Việt Bắc, Xuân Diệu đã cho người đọc thấy được tình cảm thiết tha sâu nặng của thi nhân đối với mảnh đất này.
Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi từ 5 đến 8:

Thời gian trôi qua kẽ tay, đưa mùa hạ cuối chợt về ngẩn ngơ chẳng cho ai kịp giữ. Tuổi học trò trôi đi trên từng trang lưu bút, mùa phượng cuối ùa về cho ai tiếc những tà áo dài trắng bay…
Một thời áo trắng trong veo và tinh khôi đến thế, ôm sao cho hết, ôm sao để được tròn đầy cho những gì đã qua…
Cơn mưa cuối chiều chở nhớ và thương, những vòng xe quay đều rồi cuộn những tháng năm hóa thành kỉ niệm.
Ghế đá lặng im không nói, những ô gạch lát buồn tênh không muốn cất lời…
Tiếng ríu rít ve sầu kêu trên vòm lá, tiếng mùa hè lại đến, tiếng một mùa học trò nữa lại đi…
Mùa phượng cuối gọi buồn về cho những luyến tiếc thời gian… Mùa không ai bảo ai, mắt buồn ngấn lệ…
Có những mùa yêu chưa xa đã nhớ, có những mùa chở thương nhớ vội quá chẳng kịp về…
Góc sân trường, một cánh hoa rơi mong manh cho mùa hạ cuối… Và còn mãi trong tim ta, những dấu yêu một thời…

(Lạc Hi – Viết cho mùa phượng cuối)

Câu 5.
Hãy cho biết đoạn văn trên viết theo kiểu phong cách ngôn ngữ nào? (0,25 điểm);
Đoạn văn được Lạc Hi viết theo phong cách ngôn ngữ nghệ thuật;
Câu 6.
Phương thức biểu đạt chính của đoạn văn này là gì? (0,25 điểm);
 Phương thức biểu đạt chính của đoạn văn là biểu cảm;
Câu 7.
Xác định và phân tích hiệu quả thẩm mĩ của biện pháp tu từ ở câu văn: “Ghế đá lặng im không nói, những ô gạch lát buồn tênh không muốn cất lời…” (0,5 điểm);
 – Câu văn “Ghế đá lặng im không nói, những ô gạch lát buồn tênh không muốn cất lời…” được tác giả sử dụng biện pháp nghệ thuật nhân hóa;
– Hiệu quả thẩm mĩ: nghệ thuật nhân hóa khiến sự vật (ghế đá, những ô gạch) trở nên gần gũi, thân thiết, gắn bó; câu văn vì thế cũng trở nên ấn tượng, đặc sắc hơn;
Câu 8.
Đoạn văn tách dòng khá linh hoạt, sử dụng tương đối nhiều dấu chấm lửng (…), theo anh/chị những biểu hiện nghệ thuật đó chứa dụng ý gì của người viết? (0,5 điểm).
 Đoạn văn tách dòng khá linh hoạt, sử dụng tương đối nhiều dấu chấm lửng thể hiện sự bâng khuâng, rối bời, sự xúc động, nghẹn ngào của người viết.
II. Làm văn (7,0 điểm)
Câu 1. (3,0 điểm)

Mặc dù có quan hệ khá thân thiết với tỷ phú trẻ Mark Zuckerberg – ông trùm facebook, nhưng Bill Gates – chủ tịch tập đoàn Microsoft, cũng thú nhận rằng ông rất lười vào facebook. Lý do chính ông đưa ra là: “Có quá nhiều lời đề nghị trên mạng xã hội mà tôi không thể từ chối. Do đó cách tốt nhất là tôi ít sử dụng mạng xã hội”.

Hành động đó của Bill Gates gợi cho anh/chị những suy ngẫm gì ?

Giải thích để hiểu hết ý câu nói:
– Bill Gates là thương hiệu toàn cầu ‡ có nhiều lời đề nghị trên mạng xã hội (mời kết bạn, tham gia comment – bình luận, trao đổi về tất cả những vấn đề của đời sống được cư dân mạng đưa lên); nguyên tắc tham gia facebook thì phải hồi đáp để đảm bảo nhu cầu của đối tượng giao tiếp, là phép lịch sự của người được mời và rõ ràng một người như Bill Gates thì không thể từ chối.
– Vì thế tôi ít sử dụng mạng xã hội – lười vào facebook ‡ mạng xã hội không thực sự thiết thực, ý nghĩa đối với Bill Gates ‡ giúp ông tiết kiệm thời gian (khi mất công hồi đáp những vấn đề không liên quan thậm chí là nhảm nhí).Suy ngẫm của người viết: hs có thể trình bày những chủ quan nhưng phải hợp lí và thuyết phục. Dưới đây là những ý để tham khảo:
– Những suy nghĩ và hành động của Bill Gates gợi cho chúng ta thấy được một thực tế hiện nay: chúng ta (từ người lớn đến trẻ em/ đủ mọi thành phần lứa tuổi) đều dành quá nhiều thời gian trong ngày để sử dụng các trang mạng xã hội… đôi khi những trang mạng xã hội ấy lại kéo ta vào những chuyện không thực sự cần thiết, ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống…;
– Góc suy ngẫm phản đề: Một thực tế không thể phủ nhận là Thế giới ngày càng phẳng hơn bởi nhờ các trang mạng xã hội (Facebook, Zalo…). Nó giúp con người xóa bỏ ranh giới về không gian địa lí, giao tiếp trở nên nhanh chóng, thân thiện và gần gũi hơn…Bài học nhận thức và hành động: hs có thể có những nhận thức và hành động khác nhưng phải hợp lí và thuyết phục. Dưới đây là những ý để tham khảo:
– Nhận thức: hành động của Bill Gates rất đáng được trân trọng bởi có lẽ ông là một trong số ít người trên thế giới thoát được những cám dỗ do facebook mang lại. Từ đó giúp ông có thời gian để tập trung sức lực cho công việc và cống hiến; Tuy nhiên, những trang mạng xã hội như facebook, zalo là những phát minh lớn, là tinh hoa của nhân loại. Nếu con người đứng ngoài hoặc thờ ơ với nó cũng có những thiệt thòi nhất định…
– Hành động: con người đặc biệt là giới trẻ phải biết điều tiết để sử dụng những trang mạng xã hội một cách phù hợp; xem đó là một công cụ hỗ trợ, giúp chúng ta cập nhật những thông tin tích cực… thì cuộc sống sẽ trở nên thú vị, ý nghĩa hơn.
Câu 2. (4,0 điểm)

Cảm nhận của anh/chị về hai đoạn văn sau:

Cúng mẹ và cơm nước xong, mấy chị em, chú cháu thu xếp đồ đạc dời nhà. Chị Chiến ra đứng giữa sân, kéo theo cái khăn trên cổ xuống, cũng xắn tay áo để lộ hai bắp tay tròn vo sạm đỏ màu cháy nắng, rồi dang cả thân người to và chắc nịch của mình nhấc bổng một đầu bàn thờ má lên. Việt ghé vào một đầu. Nào, đưa má sang ở tạm bên nhà chú, chúng con đi đánh giặc trả thù cho ba má, đến chừng nào nước nhà độc lập con lại đưa má về. Việt khiêng trước. Chị Chiến khiêng bịch bịch phía sau. Nghe tiếng chân chị, Việt thấy thương chị lạ. Lần đầu tiên Việt mới thấy lòng mình rõ như thế. Còn mối thù thằng Mĩ thì có thể rờ thấy được, vì nó đang đè nặng trên vai.

Hai chị em khiêng má băng tắt qua dãy đất cày trước cửa, men theo chân vườn thoảng mùi hoa cam, con đường hồi trước má vẫn đi để lội hết đồng này sang bưng khác.

(Nguyễn Thi – Những đứa con trong gia đình)

Một ngón tay Tnú bốc cháy. Hai ngón, ba ngón. Không có gì đượm bằng nhựa xà nu. Lửa bắt rất nhanh. Mười ngón tay đã trở thành mười ngọn đuốc.

Tnú nhắm mắt lại, rồi mở mắt ra trừng trừng.

Trời ơi ! Cha mẹ ơi ! Anh không cảm thấy lửa ở mười đầu ngón tay nữa. Anh nghe lửa cháy trong lòng ngực, cháy ở bụng. Máu anh mặn chát ở đầu lưỡi. Răng anh đã cắn nát môi anh rồi. Anh không kêu lên. Anh Quyết nói: “Người cộng sản không thèm kêu van…”. Tnú không thèm, không thèm kêu van. Nhưng trời ơi! Cháy, cháy cả ruột đây rồi! Anh Quyết ơi! Cháy! Không, Tnú sẽ không kêu! Không!

(Nguyễn Trung Thành – Rừng xà nu)

Mở bài:
– Dẫn dắt: giới thiệu vài nét về 2 tác giả, 2 tác phẩm;
– Luận đề: giới thiệu về nội dung hoặc điểm tương đồng của 2 đoạn tríchThân bài:
1. Cảm nhận về nội dung và nghệ thuật của đoạn trích “Những đứa con trong gia đình”
– Nội dung: Qua việc miêu tả dáng vẻ của chị Chiến, những tình cảm của Việt cùng hành động của hai chị em… đoạn văn đã khéo léo làm nổi bật hình ảnh về những đau thương mất mát, sự thâm thù sâu nặng của hai chị em đối với Mĩ Ngụy đồng thời hướng đến khắc họa sự tiếp nối truyền thống bất khuất của gia đình Việt. Là đoạn văn cụ thể hóa cho hình ảnh hai chị em mang dòng sông gia đình mình đến với biển cả bao la.
– Nghệ thuật: Đoạn văn cuối được xem là một chi tiết đắt có tính tiểu thuyết (với nghệ thuật miêu tả, nghệ thuật thể hiện tâm trạng…), đoạn văn đã mang đến nhiều ý nghĩa và liên tưởng cho người đọc.2. Cảm nhận về nội dung và nghệ thuật của đoạn trích “Rừng xà nu”
– Nội dung: Đoạn văn hướng đến khắc họa những đau đớn về thể xác của nhân vật Tnú cũng như ý chí, khí phách cách mạng của con người này. Lát cắt về hình ảnh Tnú qua chi tiết này chính là sự phản chiếu cho nỗi đau và khí phách của dân làng Xô Man trước tội ác của Mĩ Ngụy.
– Nghệ thuật: Ngôn ngữ, tiết tấu nhanh → tô đậm tính kịch kết hợp với bút pháp đặc tả, liệt kê, điệp (không thèm kêu van)… đã mang đến nhiều ý nghĩa và liên tưởng cho người đọc.3. Điểm tương đồng và khác biệt – Tương đồng:
+ Hai đoạn văn là hai chi tiết đắt mang đến nhiều sức gợi cho người đọc;
+ Đều phản ánh về những đau thương mất mát cũng như ý chí quyết tâm, khí phách của dân tộc Việt Nam trong chiến tranh chống Mĩ cứu nước.
– Khác biệt:
+ Đoạn văn ở “Những đứa con trong gia đình” nghiêng về khắc họa những đau đớn, mất mát về tinh thần;
+ Đoạn văn ở “Rừng xà nu” nghiêng về khắc họa những đau đớn mất mát về thể xác.Kết bài:
– Khái quát về vai trò của chi tiết trong tác phẩm văn xuôi;
– Thấy được vẻ đẹp của khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn trong văn học Việt Nam giai đoạn 1945-1975

Thảo luận cho bài: Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2015 môn Ngữ văn trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn, Quảng Trị