Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn năm 2016 trường THPT Hà Huy Tập, Nghệ An

Đề thi thử Quốc gia môn Ngữ văn THPT Hà Huy Tập
I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu từ Câu 1 đến Câu 3

Chẳng ai muốn làm hành khất
Tội trời đày ở nhân gian
Con không được cười giễu họ
Dù họ hôi hám úa tàn

Nhà mình sát đường, họ đến
Có cho thì có là bao
Con không bao giờ được hỏi
Quê hương họ ở nơi nào.

(…)

Mình tạm gọi là no ấm
Ai biết cơ trời vần xoay
Lòng tốt gửi vào thiên hạ
Biết đâu nuôi bố sau này.

(Trần Nhuận Minh, Dặn con, Nhà thơ và hoa cỏ, NXB Văn học, 1993)

Câu 1.
Chỉ ra phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích?
 Phương thức biểu đạt chính: Biểu cảm
Câu 2.
Hãy tìm trong vốn từ tiếng Việt từ đồng nghĩa với từ hành khất? Theo anh/chị, vì sao tác giả dùng từ hành khất thay vì các từ đồng nghĩa khác?
 Từ đồng nghĩa với từ hành khất: ăn xin, ăn mày
Tác giả dùng từ hành khất vì:
– Tác dụng phối thanh
– Hành khất là từ Hán Việt có sắc thái trang trọng, khác với sắc thái trung tính của các từ thuần Việt ăn xin, ăn mày, do đó phù hợp với cảm xúc của nhân vật trữ tình trong lời dặn con (phải tôn trọng, giữ thể diện cho những người hành khất)
Câu 3.
Anh/chị có suy nghĩ gì về lời dặn con của người bố trong đoạn trích? (trình bày khoảng 5 đến 7 dòng)
 Suy nghĩ về lời dặn con của người bố trong đoạn trích
Thí sinh có thể trình bày nhiều cách, nhiều nội dung, sau đây là một phương án:
– Những lời dặn thể hiện tinh thần nhân văn: thương yêu con người, tôn trọng con người
– Những lời dặn đầy sự chiêm nghiệm sâu sắc về lẽ đời như: cơ trời vần xoay, lòng tốt, cho và nhận… khiến con người phải suy nghĩ về cách sống
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu từ Câu 4 đến Câu 7

Nhiều người Việt kiếm tiền bằng mọi giá, đánh đổi cả liêm xỉ, danh dự để có tiền. Sự kiếm tiền nào độc ác hơn là kiếm tiền trên sức khỏe và mạng sống đồng bào mình? Trung bình hai giờ đồng hồ có ba mươi người chết vì bệnh ung thư – một con số tàn nhẫn đến rợn người. Bao giờ người Việt mới thôi độc ác với nhau? Đó là câu hỏi trăn trở của không biết bao nhiêu người có lương tâm và dường như đến thời điểm này họ vẫn đang bất lực. Làm thế nào để con người biết yêu thương nhau hơn? Đơn giản vậy thôi nhưng nó quyết định vận mệnh của cả dân tộc, cả thế giới này. Người nông dân chỉ cần thương người tiêu dùng một chút đã không nhẫn tâm tưới thuốc độc lên rau củ quả để đào huyệt chôn đồng bào mình và chôn sống chính mình. Các quan chức chỉ cần bớt lãng phí một chút thôi, sẽ có bao nhiêu bệnh viện được xây và bao nhiêu đứa trẻ được đến trường.

(Lê Bình, trích Tạp chí kinh tế xuân Bính Thân – Phẳng hay không phẳng, VTV1, 12/2/2016)

Câu 4.
Đoạn trích trên được trình bày theo phong cách ngôn ngữ nào?
 Đoạn trích được trình bày theo phong cách ngôn ngữ Báo chí/Chính luận/ kết hợp hai phong cách ngôn ngữ: Báo chí, Chính luận
Câu 5.
Tác giả thể hiện thái độ gì đối với các vấn đề còn tồn tại của xã hội? Thái độ đó được bộc lộ qua những yếu tố ngôn ngữ nào?
 Thái độ của tác giả: day dứt, đau đớn, lên án….
Bộc lộ qua các yếu tố ngôn ngữ:
– Câu: nhiều câu hỏi, câu nêu giả thiết…
– Từ ngữ giàu sắc thái biểu cảm: đánh đổi liêm xỉ, độc ác, tàn nhẫn đến rợn người, nhẫn tâm, chôn sống…
Câu 6.
Theo tác giả, vấn đề cơ bản nhất cần giải quyết là gì?
 Vấn đề cơ bản nhất cần giải quyết: Làm thế nào để con người biết yêu thương nhau hơn?/ Bao giờ người Việt mới thôi độc ác với nhau?
Câu 7.
Từ góc độ cá nhân, anh/chị hãy trả lời câu hỏi: Bao giờ người Việt mới thôi độc ác với nhau? (trình bày khoảng 5 đến 7 dòng)
 Trả lời câu hỏi: Bao giờ người Việt mới thôi độc ác với nhau?
Thí sinh có thể trình bày nhiều cách, sau đây là một phương án:
– Người Việt thôi độc ác với nhau khi không muốn độc ác: mỗi cá nhân tự nâng cao ý thức đạo đức; giáo dục tác động vào nhận thức, vào lương tri của tất cả mọi người
– Người Việt thôi độc ác với nhau khi không dám độc ác: có những quy định về xử phạt nặng đủ sức răn đe để họ sợ không dám gây tội ác
– Người Việt thôi độc ác với nhau khi không thể độc ác: các cơ quan chức năng vào cuộc giám sát chặt chẽ mọi khâu để cái ác cái xấu không có cơ hội tồn tại. Người tiêu dùng phải thông thái, dũng cảm để cái ác cái xấu không có đất tồn tại
II. PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (3,0 điểm)

Nhà thơ  Robert Frost (1874 – 1963) từng nói:

“Trong rừng có nhiều lối đi.
Và tôi chọn lối đi không có dấu chân người”.

Nhà văn Lỗ Tấn (1881 – 1936) lại nói: “Kì thực trên mặt đất vốn làm gì có đường, người ta đi mãi thì thành đường thôi”.

Anh/chị sẽ chọn lối đi chưa có dấu chân người hay lối đi đã được người ta đi mãi thành đường? Hãy viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) bày tỏ ý kiến của bản thân.

Chọn lối đi chưa có dấu chân người hay lối đi đã được người ta đi mãi thành đường?

a. Chọn lối đi chưa có dấu chân người hay lối đi đã được người ta đi mãi thành đường?
Có đủ các phần Mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Hai bài học về cách sống: một cách sống dựa theo thói quen, lối mòn; một cách sống dũng cảm, đương đầu với thử thách, tinh thần sáng tạo
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; rút ra bài học nhận thức và hành động (Thí sinh trình bày ý kiến phù hợp, có thể lựa chọn một trong hai lối đi hoặc cả hai)
* Giải thích
– Lối đi đã được người ta đi mãi thành đường: lối đi cũ, cách làm cũ, dễ dàng, đã quen thuộc, đã nhiều người thực hiện,
– Lối đi chưa có dấu chân người: lối đi, cách làm sáng tạo, mạo hiểm, dũng cảm đối đầu với khó khăn
– Bằng cách nói hình ảnh, hai câu nói trên nêu lên những lựa chọn khác nhau để làm nên thành công trong hành trình cuộc sống của mỗi con người. Mỗi người có một lựa chọn riêng, mỗi lối đi đều có những thuận lợi và khó khăn riêng
* Bàn luận
– Mỗi lối đi đều có những thuận lợi và khó khăn riêng
+ Lối đi đã được người ta đi mãi thành đường: đây là lối đi an toàn, nhiều thuận lợi vì đã có người đi trước, mình có thể rút kinh nghiệm để thành công, đến đích sớm. Tuy nhiên con người sẽ không còn nhiều cơ hội để tìm ra cái mới, tìm cơ hội chinh phục và khám phá
+ Lối đi không có dấu chân người: đây là lối đi, cách thức nhiều trở ngại, nhiều khó khăn phải đối đầu, buộc con người phải dũng cảm, phải sáng tao, thậm chí mạo hiểm. Lối đi ấy có thể có rủi ro, nhưng con người phải biết chấp nhận để có được thành công cho lần sau. Nếu thành công, con người có niềm vui, niềm hạnh phúc của người tiên phong, người mở đầu.
– Hai ý kiến trên thực chất bổ sung cho nhau, con người sẽ có được thành công khi vừa biết kế thừa kinh nghiệm của người đi trước, tìm lối đi an toàn, lại vừa sáng tạo kiếm tìm cái mới như một sự khởi nghiệp
– Tuy nhiên, chọn lối đi người ta đi mãi thành đường không có nghĩa là bảo thủ, kì thị cái mới vùi dập tinh thần sáng tạo; chọn “lối đi chưa có dấu chân người” không có nghĩa là liều lĩnh, dại dột, mạo hiểm đến thất bại một cách vô nghĩa .
* Bài học nhận thức và hành động
– Nhận thức được tính đúng đắn trong từng quan niệm sống – Biết tôi luyện và vận dụng các phẩm chất linh hoạt, sáng tạo, dũng cảm trong từng tình huống cụ thể của đời sống để có được thành công.
d. Sáng tạo
Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận
e. Chính tả, dùng từ, đặt câu
Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu
Câu 2 (4,0 điểm)

“Sức thu hút của thơ Tố Hữu với những thế hệ người đọc mấy chục năm qua chủ yếu là ở (…) tính dân tộc đậm đà”.

(Ngữ văn 12 Nâng cao, Tập 2, NXB Giáo dục, 2008, tr 100)

Cảm nhận của anh/chị về tính dân tộc trong đoạn trích Việt Bắc của nhà thơ Tố Hữu (Ngữ văn 12, Tập một). Từ đó, anh/chị suy nghĩ gì về trách nhiệm của bản thân trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc?

 Cảm nhận về tính dân tộc trong đoạn trích Việt Bắc của nhà thơ Tố Hữu. Từ đó suy nghĩ về trách nhiệm của bản thân trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận
Có đủ các phần Mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
tính dân tộc trong đoạn trích Việt Bắc; trách nhiệm của bản thân trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; nhận thức về trách nhiệm của bản thân
* Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm
* Tính dân tộc trong tác phẩm văn học
Tính dân tộc là phẩm chất tư tưởng, thẩm mỹ độc đáo của sáng tác văn học thể hiện sự gắn bó giữa tác phẩm văn học với văn hóa và tinh thần dân tộc. Mỗi dân tộc trên thế giới đều có cuộc sống, cách cảm thụ thế giới và hệ giá trị riêng do truyền thống văn hóa, phong tục tập quán, tâm lí và ngôn ngữ tạo thành. Sự biểu hiện tập trung các phương diện ấy vào nội dung và hình thức của tác phẩm làm thành tính dân tộc của văn học. Tính dân tộc thể hiện ở cảnh sắc thiên nhiên, nhịp điệu đời sống, cái nhìn và tính cách dân tộc; đặc biệt là ở các hình thức thể loại là phương tiện ngôn từ mà dân tộc ấy ưa chuộng.
* Tính dân tộc trong đoạn trích Việt Bắc thể hiện ở nhiều phương diện
– Nội dung
+ Những bức tranh chân thực, đậm đà bản sắc dân tộc về thiên nhiên và con người Việt Bắc được tái hiện trong tình cảm thiết tha, gắn bó sâu sắc của tác giả
+ Tình nghĩa của người cán bộ và đồng bào Việt Bắc với cách mạng và kháng chiến, với Bác Hồ là những tình cảm cách mạng sâu đậm của thời đại mới. Những tình cảm ấy tiếp nối mạch nguồn yêu nước, đạo lí ân tình thủy chung vốn là truyền thống dân tộc ta.
– Nghệ thuật
+ Thể thơ lục bát truyền thống được vận dụng tài tình
+ Lối kết cấu đối đáp trong ca dao được sử dụng thích hợp với nội dung tư tưởng bài thơ
+ Chất liệu ca dao được vận dụng phong phú
+ Lối nói giàu hình ảnh, cách chuyển nghĩa truyền thống (so sánh, ẩn dụ…) sử dụng thích hợp tạo nên phong vị dân gian
*Đánh giá
– Tính dân tộc làm cho Việt Bắc mang vẻ đẹp nhuần nhị của thơ ca truyền thống, vì vậy có sức hấp dẫn, thu hút đặc biệt với nhiều thế hệ người Việt, đặc biệt trong kháng chiến.
– Tính dân tộc là một nét đặc sắc trong phong cách nghệ thuật thơ Tố Hữu
*Suy nghĩ về trách nhiệm của bản thân trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc (HS trình bày gọn, thái độ chân thành, có trách nhiệm)
d. Sáng tạo
Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận
e. Chính tả, dùng từ, đặt câu
Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu

Thảo luận cho bài: Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn năm 2016 trường THPT Hà Huy Tập, Nghệ An