Em hãy đọc đoạn thơ sau và trả lời các câu hỏi nêu dưới:
Những mùa quả mẹ tôi hái được
Mẹ vẫn trông vào tay mẹ vun trồng
Những mùa quả lặn rồi lại mọc
Như mặt trời, khi như mặt trăng.
Lũ chúng tôi từ tay mẹ lớn lên
Còn những bí và bầu thì lớn xuống
Chúng mang dáng giọt mồ hôi mặn
Rỏ xuống lòng thầm lặng mẹ tôi.
Và chúng tôi, một thứ quả trên đời
Bảy mươi tuổi mẹ mong ngày được hái
Tôi hoảng sợ, ngày bàn tay mẹ mỏi
Mình vẫn còn một thứ quả non xanh.
( Mẹ và Quả – Nguyễn Khoa Điềm).
Trả lời:
Phương thức biểu đạt chính của bài thơ trên là: ……………..
- biểu cảm
Trả lời:
Nội dung chính của bài thơ là: …………….
- Thể hiện cảm động tình mẫu tử thiêng liêng: tình mẹ dành cho con và tình cảm yêu thương, kính trọng, biết ơn chân thành của người con đối với mẹ.
Xác định biện pháp tu từ được tác giả sử dụng trong hai câu thơ sau và nêu tác dụng nghệ thuật của biện pháp tu từ đó:
“Lũ chúng tôi từ tay mẹ lớn lên
Còn những bí và bầu thì lớn xuống”
Trả lời:
– Biện pháp tu từ được tác giả sử dụng là: …………..
– Tác dụng nghệ thuật: …………..
- – Biện pháp tu từ được tác giả sử dụng là: Nhân hóa ( bí và bầu cũng “lớn”), đối lập ( Lớn lên, lớn xuống); hoán dụ (tay mẹ).
– Tác dụng nghệ thuật: (“Bí và bầu” là thành quả lao động “vun trồng” của mẹ; “Con” là kết quả của sự sinh thành, dưỡng dục, là niềm tin, sự kỳ vọng của mẹ) => Nhấn mạnh sự hi sinh thầm lặng và công lao trời bể của mẹ, đồng thời thể hiện nỗi thấu hiểu và lòng biết ơn sâu sắc của nhà thơ đối với mẹ.
- Câu thơ “Tôi hoảng sợ, ngày bàn tay mẹ mỏi / Mình vẫn còn một thứ quả non xanh”, bằng nghệ thuật nói giảm nói tránh ‘mỏi” và biện pháp ẩn dụ “quả non xanh”, tác giả thể hiện nỗi niềm lo lắng đến hốt hoảng khi nghĩ đến một ngày mẹ tuổi đã già mà mình vẫn chưa đủ khôn lớn, trưởng thành, vẫn là “ một thứ quả non xanh”, chưa thể thành “trái chín” mẹ mong.
Qua lời tâm sự của tác giả khi nghĩ về mẹ, tự trong lòng mỗi chúng ta dấy lên lòng kính yêu vô hạn đối với cha mẹ và mỗi người đều tự nhủ phải sống sao cho xứng đáng với công lao sinh thành, dưỡng dục của mẹ cha.
Em sẽ chọn nghề gì trong tương lai? Trình bày quan điểm của em về việc lựa chọn nghề nghiệp cho bản thân?
- Yêu cầu nêu được những ý cơ bản sau:a. Mở bài: Dẫn dắt, đưa ra vấn đề cần nghị luận:- Với HS lớp 12 – những HS cuối cấp, chúng ta sắp phải đưa ra một quyết định hệ trọng, một quyết định ảnh hưởng lâu dài tới tương lai của chính bản thân đó là quyết định lựa chọn một nghề nghiệp cho tương lai.
– Mỗi chúng ta cần phải có một quan điểm rõ ràng, đúng đắn về việc lựa chọn nghề nghiệp để có thể thành công trong cuộc sống và tránh được sự ân hận sau này.
b. Thân bài:
* Giải thích “nghề “: Là một lĩnh vực lao động mà trong đó, nhờ được đào tạo, con người có được những tri thức, những kỹ năng để làm ra các loại sản phẩm vật chất hay tinh thần nào đó đáp ứng được những nhu cầu xã hội và đem lại lợi ích thiết thực, lâu dài cho bản thân.
* Bàn luận về việc lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai:
– Nghề nghiệp là vấn đề gắn bó lâu dài với cuộc sống mỗi người:
+ Nếu lựa chọn đúng nghề, ta sẽ có niềm say mê, hứng thú với công việc, có cơ hội phát huy năng lực …
+ Nếu lựa chọn sai nghề ta sẽ mất cơ hội, công việc trở thành gánh nặng …
– Thuận lợi, khó khăn trong việc lựa chọn nghề hiện nay:
+ Thuận lợi: xã hội ngày càng phát triển, ngành nghề ngày càng đa dạng, mở ra nhiều cơ hội lựa chọn nghề nghiệp cho thanh niên.
+ Khó khăn: Nhu cầu xã hội ngày càng cao đòi hỏi chất lượng tay nghề của người lao động phải giỏi; Một số ngành được xã hội đề cao hứa hẹn mức thu nhập tốt thì lại có quá nhiều người theo học dẫn tới tình trạng thiếu việc làm …
– Quan điểm chọn nghề: (HS trình bày quan điểm kết hợp với phân tích, đưa dẫn chứng)
+ Phải phù hợp với năng lực và niềm say mê, sở thích của bản thân
+ Có đủ các điều kiện để có thể theo học nghề mà mình chọn: (Chiều cao, sức khỏe, tài chính, lý lịch ….)
+ Không nên chạy theo những công việc thời thượng bởi nhu cầu xã hội biến đổi không ngừng, không chọn nghề theo sở thích của người khác.
+ Khi đã chọn được nghề thì phải có ý thức trau dồi nghề nghiệp của mình
–> Giỏi nghề sẽ không bao giờ lo thất nghiệp mà ngược lại sẽ có cuộc sống sung túc, ổn định “ nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”.
– Em sẽ chọn nghề gì? Lý do vì sao lại chọn nghề đó? (HS tự do trình bày tuy nhiên phải mang ý nghĩa tích cực, phù hợp với đạo đức và sự tiến bộ của xã hội)
* Bài học nhận thức và hành động:
– Mỗi người cần nhận thức được khả năng thật sự của bản thân để lựa chọn nghề nghiệp cho phù hợp.
– Khi lựa chọn nghề nghiệp chúng ta cần có sự kết hợp hài hoà giữa năng lực và sở thích. Trong đó năng lực đóng vai trò quyết định.c. KL: Khái quát lại vấn đề …
Cảm nhận về vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên và con người qua đoạn thơ sau:
Ta về, mình có nhớ ta
Ta về, ta nhớ những hoa cùng người.
Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.
Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang.
Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình
Rừng thu trăng rọi hòa bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung.
(Trích Việt Bắc – Tố Hữu – SGK Ngữ Văn 12 tập 1)
- Gợi ý trả lời:1/ Yêu cầu về kỹ năng:Học sinh biết cách làm bài văn nghị luận về một tác phẩm, đoạn trích thơ.
Kết cấu chặt chẽ, bố cục rõ ràng, diễn đạt lưu loát, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
2/ Yêu cầu về kiến thức:
Trên cơ sở hiểu biết về nhà thơ Tố Hữu và bài thơ Việt Bắc cũng như cái hay cái đẹp của đoạn thơ, học sinh có thể trình bày, sắp xếp theo nhiều cách khác nhau nhưng phải đảm bảo các ý chính sau:
a/ MB: – Giới thiệu tác giả – tác phẩm – đoạn trích
b/ TB:
NỘI DUNG: Đoạn thơ bộc lộ nỗi nhớ tha thiết của tác giả về vẻ đẹp của thiên nhiên và con người Việt Bắc
* 2 câu đầu: – Câu hỏi tu từ với cách xưng hô mình – ta ngọt ngào là lời ướm hỏi, cách tạo cớ để giãi bày nỗi nhớ -> khéo léo
– Người về nhớ “hoa cùng người”, nhớ về những gì đẹp nhất của núi rừng VB. Tác giả đã lựa chọn thật đắt hình ảnh đối xứng Hoa – Người, “hoa” là hình ảnh ẩn dụ: vẻ đẹp của thiên nhiên. Tương xứng với hoa là vẻ đẹp con người VB – hoa của đất -> Cách nói tế nhị và duyên dáng.
* 8 câu sau:
– Vẻ đẹp của thiên nhiên: Bức tranh tứ bình – bốn mùa của núi rừng Việt Bắc. Bằng bút pháp hội họa tài hoa, tác giả làm bật lên vẻ đẹp đặc trưng của núi rừng VB bốn mùa Xuân – Hạ – thu –Đông. Cảnh vật sinh động, tươi tắn sắc màu:
+ Mùa đông: Trên cái nền xanh lặng lẽ, trầm tĩnh của rừng già giữa mùa đông lạnh giá, bỗng nở bừng những bông hoa chuối đỏ tươi như những đốm lửa nhỏ xua tan cái lạnh lẽo của mùa đông + Ánh nắng hiếm hoi -> Đem lại cảm giác mùa đông nơi đây không lạnh – một cảm nhận tinh tế và độc đáo của nhà thơ
+ Xuân sang: Núi rừng VB tràn ngập màu trắng tinh khiết của hoa mơ. “Mơ nở”-> Gợi hình ảnh rừng hoa đang bung nở – bức tranh động. “Trắng rừng”- trắng cả không gian, trắng cả thời gian mùa xuân.
=> Vẻ đẹp đặc trưng của mùa xuân VB.
+ Hè về: Một tiếng ve kêu khiến không gian xao động, cảnh vật như chuyển động. Tiếng ve như hiệu lệnh khiến rừng Phách đột ngột “đổ” vàng. Sự chuyển mùa được biểu hiện qua sự chuyển màu trên thảo mộc cỏ cây. Sắc “vàng” – đặc trưng của mùa hè VB -> Cảm nhận độc đáo.
+ Mùa thu: Nói tới mùa thu không thể thiếu trăng thu. Tác giả cảm nhận ánh trăng tràn trên những cánh rừng, rọi qua vòm lá đem đến vẻ đẹp của sự thanh bình … Trăng + tiếng hát -> lãng mạn
– Vẻ đẹp của con người: Bức tứ bình về vẻ đẹp phẩm chất, tâm hồn con người
+ Đó là những con người khỏe khoắn, tự tin, làm chủ thiên nhiên, núi rừng.
+ Con người khéo léo cần mẫn trong công việc.
+ Con người chịu thương, chịu khó, nhưng cũng rất duyên dáng dịu dàng
+ Con người ân tình và rất mực thủy chung.=> Nỗi nhớ đằm sâu nhất, gốc rễ của mọi nỗi nhớ là vẻ đẹp con người VB.
NGHỆ THUẬT: – Bút pháp tả cảnh (giàu chất hội họa, sự phối hợp hài hòa từ đường nét, màu sắc, ánh sáng…) tả người độc đáo tài hoa (con người hiện lên với vẻ đẹp phẩm chất, tâm hồn). Không sử dụng bút pháp ước lệ, tác giả sử dụng bút pháp tả thực đem đến một cảm nhận thực, cảm xúc thực cho người đọc. Sự đan xen giữa cảnh và người khiến bức tranh sinh động, ấm áp, hài hòa.
– Âm hưởng chung của đoạn thơ là nỗi nhớ nhung tha thiết: Điệp từ “nhớ”
– Nhịp thơ lục bát nhịp nhàng, uyển chuyển, êm đềm như khúc hát dân ca. Đoạn thơ giàu tính tạo hình, giàu âm hưởng, cấu trúc hài hòa, cân đối, đậm chất trữ tình => Góp phần thể hiện tấm lòng, tình cảm gắn bó, mến yêu của người cán bộ kháng chiến đối với thiên nhiên và con người Việt Bắc.
c/ KL: Đánh giá khái quát giá trị nội dung, nghệ thuật đoạn thơ và tài năng tác giả.