Đề thi thử THPT Quốc Gia môn Ngữ văn lần 3 năm học 2015 – 2016 trường THPT Đa Phúc, Hà Nội

Đề thi thử THPT Quốc Gia môn Ngữ Văn lần 3 THPT Đa Phúc
I. PHẦN ĐỌC HIỂU

Đọc đoạn thơ sau và trả lời các câu hỏi 1, 2, 3, 4.

Trái đất rộng giàu sang bao thứ tiếng
Cao quý thâm trầm rực rỡ vui tươi
Tiếng Việt rung rinh nhịp đập trái tim người
Như tiếng sáo như dây đàn máu nhỏ.
Buồm lộng sóng xô, mai về trúc nhớ
Phá cũi lồng vời vợi cánh chim bay
Tiếng nghẹn ngào như đời mẹ đắng cay
Tiếng trong trẻo như hồn dân tộc Việt.
Mỗi sớm dậy nghe bốn bề thân thiết
Người qua đường chung tiếng Việt cùng tôi
Như vị muối chung lòng biển mặn
Như dòng sông thương mến chảy muôn đời.

                                       (trích Tiếng Việt – Lưu Quang Vũ)

(Lưu Quang Vũ – Thơ và đời. NXB Văn hóa-thông tin. H. 1999.tr.322-325)

Câu 1.
Hãy cho biết phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích?
 Phương thức biểu đạt chính trong đoạn trích: biểu cảm.
Câu 2.
Ghi lại ngắn gọn nội dung đoạn thơ.
 Đoạn thơ thể hiện tình cảm yêu mến tha thiết, thái độ trân trọng thành kính đối với vẻ đẹp, sự giàu có và ý nghĩa thiêng liêng của tiếng Việt.
Câu 3.
Cho biết tác dụng của biện pháp tu từ so sánh được sử dụng trong dòng thơ: “Tiếng nghẹn ngào như đời mẹ đắng cay / Tiếng trong trẻo như hồn dân tộc Việt.”
 Tác dụng của phép tu từ được sử dụng trong 2 câu thơ: vẻ đẹp, sự gắn bó máu thịt của tiếng Việt đối với số phận mỗi cá nhân cũng như cả dân tộc.
Câu 4.
Ghi lại suy nghĩ (khoảng 5-7 câu văn) của bản thân về những tình cảm mà tác giả Lưu Quang Vũ gửi gắm trong những dòng thơ trên.
 Bảo đảm dung lượng (5 – 7 câu), thể hiện rõ ràng nhận xét, suy nghĩ của bản thân về những xúc cảm sâu sắc, chân thành mà nhà thơ đã bộc lộ trong đoạn trích.
Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi 5, 6, 7, 8.

“…thực phẩm bẩn chính là kẻ sát nhân thầm lặng, ảnh hưởng và di hại đến nhiều thế hệ làm kiệt quệ giống nòi, người tiêu dùng có còn đủ tỉnh táo để phân biệt trong ma trận thực phẩm đang giăng như mạng nhện ấy đâu là sạch, đâu là bẩn hay lực bất tòng tâm để rồi “nhắm mắt đưa chân”.

Nếu không có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn kịp thời, rồi đây 10, 20 năm sau tỷ lệ mắc ung thư và tâm thần của người Việt sẽ còn cao hơn rất nhiều, mọi nỗ lực để nâng cao chất lượng cuộc sống, cải tạo giống nòi chẳng nhẽ bó tay trước những người đang đầu độc dân tộc mình!

Phát triển sẽ là gì nếu không phải giúp người dân nâng cao đời sống, tạo môi trường lành mạnh, an toàn để mỗi chúng ta sống và đóng góp cho xã hội, nhưng thực phẩm bẩn tràn lan như hiện nay như là cái u ác tính cho cả dân tộc, nếu không cắt bỏ sẽ di căn thành ung thư, hãy hành động ngay hôm nay đừng để lúc vô phương cứu chữa.”

              (Trích Vấn nạn thực phẩm bẩn, chẳng nhẽ bó tay? Ths Trương Khắc Hà.)

Câu 5.
Hãy cho biết văn bản trên viết theo phong cách ngôn ngữ nào?
 Văn bản được viết theo phong cách ngôn ngữ chính luận
Câu 6.
Các cụm từ “kẻ sát nhân thầm lặng”, “ma trận thực phẩm đang giăng như mạng nhện” được sử dụng có tác dụng như thế nào trong việc thể hiện đặc điểm phong cách ngôn ngữ mà anh (chị) vừa xác định?
 Các cụm từ “kẻ sát nhân thầm lặng”, “ma trận thực phẩm đang giăng như mạng nhện” được sử dụng có tác dụng thể hiện thái độ phê phán, tính chất thuyết phục mạnh mẽ của phong cách ngôn ngữ chính luận.
Câu 7.
Tác giả bài viết đã chỉ ra những mối nguy hại nào của thực phẩm bẩn?
 Tác giả bài viết đã chỉ ra những mối nguy hại của thực phẩm bẩn:

+ 10, 20 năm sau tỷ lệ mắc ung thư và tâm thần của người Việt sẽ còn cao hơn rất nhiều;
+ Nỗ lực để nâng cao chất lượng sống, cải tạo nòi giống không đạt kết quả.

Câu 8.

Theo anh (chị), khi viết “thực phẩm bẩn tràn lan như hiện nay như là cái u ác tính cho cả dân tộc, nếu không cắt bỏ sẽ di căn thành ung thư, hãy hành động ngay hôm nay đừng để lúc vô phương cứu chữa.”, tác giả muốn nói lên điều gì?

 Khi viết: “thực phẩm bẩn tràn lan như hiện nay như là cái u ác tính cho cả dân tộc, nếu không cắt bỏ sẽ di căn thành ung thư, hãy hành động ngay hôm nay đừng để lúc vô phương cứu chữa.”, tác giả muốn kêu gọi tất cả mọi người hãy hành động khẩn cấp để chống lại mối nguy hại khủng khiếp của thực phẩm bẩn tràn lan hiện nay.
II. PHẦN LÀM VĂN
Câu 1Thế giới công nghệ thông tin giúp gắn kết những con người cách xa nhau hàng ngàn cây số nhưng cũng khiến cho những người thân thiết đang sống bên nhau trở nên xa cách.

Hãy trình bày suy nghĩ (khoảng 600 chữ) của anh (chị) về hiện tượng trên.

 Viết bài văn nghị luận trình bày suy nghĩ của mình về vấn đề: công nghệ thông tin giúp gắn kết những con người cách xa nhau hàng ngàn cây số nhưng cũng khiến cho những người thân thiết đang sống bên nhau trở nên xa cách. 

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận, có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Thế giới công nghệ – những mặt tích cực và tiêu cực của nó.
c. Triển khai vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm, vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ lí lẽ và dẫn chứng, rút ra bài học nhận thức và hành động
– Giải thích:
+ Thế giới công nghệ: thế giới hiện đại với những thành tựu to lớn trong lĩnh vực khoa học công nghệ, nhất là thông tin.
+ Ý nghĩa của cả câu:
– Trình bày suy nghĩ:
+ Nhận thức về những thành tựu mà thế giới công nghệ đem đến cho con người: sự bùng nổ thông tin, khoảng cách địa lý không còn là ngăn trở con người gắn kết với nhau. Từ đó, có thái độ đúng trước những cơ hội mà con người có được trong thế giới công nghệ: tích cực nắm bắt thông tin khoa học, kỹ thuật, kinh tế, quân sự…., chủ động hội nhập, phát triển.
+ Nhận thức về những mặt trái của những sản phẩm công nghệ đối với con người: thói quen sống ảo, rời xa những giá trị và nếp sống truyền thống, thái độ thờ ơ, thậm chí vô cảm với những người xung quanh. Từ đó, ý thức được sự cần thiết của những quan tâm, chia sẻ với mọi người.
– Liên hệ, mở rộng:
+ Cách thức khai thác, sử dụng các sản phẩm công nghệ có thể làm cho nó trở nên hữu ích nhưng cũng có thể khiến con người lệ thuộc vào nó, đánh mất những năng lực cảm xúc – năng lực thể hiện sự sống có ý nghĩa của con người.
+ Rút ra bài học cho bản thân: biết sử dụng những thành tựu công nghệ để nâng cao đời sống của bản thân
d. Sáng tạo: sử dụng ngôn ngữ theo cách thức riêng của bản thân để bàn luận và thể hiện suy nghĩ sâu sắc mới mẻ về vấn đề mà đề yêu cầu.
e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu

Câu 2.

Về bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh, có ý kiến cho rằng: Tình yêu của người phụ nữ trong bài thơ vừa vẹn nguyên biểu hiện muôn đời của tình yêu truyền thống vừa mang tính hiện đại của tình yêu hôm nay.

Bằng cảm nhận về tình yêu của người phụ nữ trong bài thơ Sóng, anh/chị hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.

 Chứng minh ý kiến: Tình yêu của người phụ nữ trong bài thơ vừa vẹn nguyên biểu hiện muôn đời của tình yêu truyền thống vừa mang tính hiện đại của tình yêu hôm nay.

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: có đầy đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài chứng minh ý kiến nêu ra. Phần mở bài biết dẫn dắt hợp lí, nêu được vấn đề; phần thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau và cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được ấn tượng, cảm xúc sâu đậm của cá nhân.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Tình yêu trong bài thơ Sóng mang tính chất truyền thống như tình yêu muôn đời và mang tính chất hiện đại của tình yêu hôm nay.
c. Triển khai vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm, vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ lí lẽ và dẫn chứng, rút ra nhận xét về sáng tạo của tác giả trong tác phẩm.
* Giới thiệu khái quát về tác giả Xuân Quỳnh, tác phẩm Sóng và cách thể hiện tình yêu trong bài thơ Sóng.
* Giải thích ý kiến:
– Tình yêu của người phụ nữ vẹn nguyên biểu hiện muôn đời của tình yêu truyền thống.
+ Vẹn nguyện biểu hiện muôn đời: không suy suyển, không thay đổi những gì có từ xa xưa và được bảo tồn cho đến ngày nay
+ Trong tình yêu nét đẹp truyền thống là đằm thắm, dịu dàng, thủy chung……
– Tình yêu của người phụ nữ mang tính hiện đại của tình yêu hôm nay.
+ Hiện đại: Là quan niệm ngày nay, quan niệm mới mẻ, không bị ràng buộc bởi ý thức hệ tư tưởng phong kiến.
+ Trong tình yêu sự hiện đại mới mẻ được thể hiện: Chủ động bày tỏ những khao khát yêu đương mãnh liệt, khát vọng mạnh mẽ táo bạo về những rung động cảm xúc trong lòng, tin vào sức mạnh của tình yêu.
=> Khẳng định: ý kiến cho thấy bài thơ thể hiện quan niệm của Xuân Quỳnh về tình yêu mang vẻ đẹp truyền thống đồng thời rất mực mới  mẻ, hiện đại.
* Phân tích, chứng minh
– Tình yêu vẹn nguyên biểu hiện muôn đời của tình yêu truyền thống.
+ Nỗi nhớ thương trong tình yêu: thường trực, da diết suốt đêm ngày….
+ Sự thủy chung trong tình yêu: Luôn hướng về người mình yêu.
+ Khát vọng trong tình yêu: Khát vọng về mái ấm gia đình hạnh phúc. Giống như sóng hành trình đi tìm hạnh phúc cho dù lắm chông gai nhưng người phụ nữ vẫn tin tưởng cập bến.
– Tình yêu hiện đại hôm nay
+ Tình yêu nhiều cung bậc, phong phú, đa dạng: dữ dội, dịu êm, ồn ào, lặng lẽ……
+ Tình yêu mạnh bạo, chủ động bày tỏ những khát khao yêu đương mãnh liệt và rung động rạo rực trong lòng. Không còn sự thụ động, chờ đợi tình yêu mà chủ động kiếm tìm tình yêu đích thực.
+ Người con gái dám sống hết mình cho tình yêu, hòa nhập tình yêu cá nhân vào tình yêu rộng lớn của cuộc đời.
– Nghệ thuật:
+ Thể thơ năm chữ; nhịp điệu thơ đa dạng, linh hoạt tạo nên âm hưởng của những con sóng: lúc dạt dào sôi nổi, lúc sâu lắng dịu êm phù hợp với tâm tư, trạng, thái tình cảm của tâm hồn.
+ Ngôn ngữ bình dị kết hợp thủ pháp nhân hóa, ẩn dụ, các cặp từ tương phản, đối lập, các điệp từ; Cặp hình tượng sóng và em sóng đôi, bổ sung, hòa quyện vào nhau cùng diễn tả vẻ đẹp tâm hồn của người con gái đang yêu.
* Bình luận, đánh giá ý kiến:
– Ý kiến hoàn toàn đúng bởi qua ý kiến ta thấy được những vẻ đẹp, những khía cạnh khác nhau trong tâm hồn người phụ nữ khi yêu. Thấy được những quan niệm mới mẻ, hiện đại, táo bạo chân thực, mãnh liệt, nồng nàn, đắm say của Xuân Quỳnh về tình yêu…..
– Ý kiến giúp người đọc có cái nhìn sâu sắc, đầy đủ về bài thơ……
– Đánh giá về bài thơ……….
d. Sáng tạo: Sử dụng ngôn ngữ theo cách thức riêng của bản thân để bàn luận và thể hiện suy nghĩ sâu sắc mới mẻ về vấn đề mà đề yêu cầu
e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo qui tắc chính tả, dùng từ, đặt câu

Thảo luận cho bài: Đề thi thử THPT Quốc Gia môn Ngữ văn lần 3 năm học 2015 – 2016 trường THPT Đa Phúc, Hà Nội