Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn trường THPT Quế Võ số 1, Bắc Ninh (Lần 2)

Đề thi thử Ngữ Văn THPT Quế Võ số 1 (Lần 2)
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích dưới đây và trả lời câu hỏi từ Câu 1 đến Câu 3:

Tỉ phú Hồng Kông Yu Pang – Lin vừa qua đời ở tuổi 93, để lại di chúc hiến toàn bộ tài sản trị giá khoảng 2 tỉ USD cho hoạt động từ thiện. Ông giải thích hành động của mình: “Nếu các con tôi giỏi hơn tôi thì chẳng cần phải để nhiều tiền cho chúng. Nếu chúng kém cỏi thì có nhiều tiền cũng chỉ có hại cho chúng mà thôi”. Yu Pang – Lin không phải là người đầu tiên trên thế giới “keo kiệt” với con nhưng lại hào phóng với xã hội. Người giàu nhất thế giới- Bill Gates – từng tuyên bố sẽ chỉ để lại cho con 0, 05% tổng tài sản kếch xù của mình. Báo chí hỏi tại sao lại như vậy, ông trả lời đại ý: Con tôi là con người thì phải tự kiếm sống, không chỉ kiếm sống để phục vụ chính bản thân mình mà còn phải góp phần thúc đẩy xã hội. Đã là con người thì phải lao động. Tại sao tôi phải cho con tôi tiền?

(…) Có người nói rằng, có hai thứ mà cha mẹ cần trang bị cho con cái và chỉ hai thứ đó là đủ, còn không, nếu có để lại cho con thứ gì đi nữa mà thiếu hai thứ đó thì coi như chưa cho con gì cả. Hai thứ đó là: ý thức tự chịu trách nhiệm về bản thân mình và năng lực để tự chịu trách nhiệm.

(Theo Nhật Huy, Không để lại tiền cho con, Dẫn theo http://tuoitre.vn ngày 10/5/2015)

Câu 1.
Anh/ chị có đồng ý với ý kiến: “Đã là con người thì phải lao động” không? Vì sao?
  •  Đây là ý kiến đúng đắn. Bởi vì lao động là trách nhiệm của mỗi người, không chỉ để nuôi sống bản thân và phát triển tiềm năng của mỗi người mà còn góp phần phát triển xã hội
Câu 2.
Vì sao những người cha tỉ phú như Yu Pang – Lin, Bill Gates … không muốn để lại nhiều của cải cho con cái?
    • Nếu các con họ giỏi thì chúng sẽ tự kiếm tiền. Nếu chúng kém cỏi thì có nhiều tiền cũng chỉ có hại cho chúng mà thôi (chúng sẽ lười biếng, ỷ lại)
    • Đã là con người thì phải tự kiếm sống, không chỉ kiếm sống để phục vụ chính bản thân mình mà còn phải góp phần thúc đẩy xã hội phát triển
Câu 3.
Anh/ chị hiểu: “ý thức tự chịu trách nhiệm về bản thân mình và năng lực để tự chịu trách nhiệm” nghĩa là gì?
    • Con người phải có ý thức tự chịu trách nhiệm về mọi suy nghĩ, hành động, về trí tuệ, nhân cách của chính mình.
    • Có năng lực để tự chịu trách nhiệm nghĩa là phải có tri thức (kiến thức chuyên môn, hiểu biết về đời sống), có khả năng lao động – sáng tạo, có đạo đức – phẩm chất
Đề thi thử Ngữ Văn THPT Quế Võ số 1 (Lần 2)

Đề thi thử Ngữ Văn THPT Quế Võ số 1 (Lần 2)

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1. Hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/ chị về ý kiến trong đoạn trích ở phần Đọc hiểu: Có người nói rằng, có hai thứ mà cha mẹ cần trang bị cho con cái và chỉ hai thứ đó là đủ, còn không, nếu có để lại cho con thứ gì đi nữa mà thiếu hai thứ đó thì coi như chưa cho con gì cả. Hai thứ đó là: ý thức tự chịu trách nhiệm về bản thân mình và năng lực để tự chịu trách nhiệm.

  • I. Yêu cầu chung: Thí sinh phải biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận xã hội để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng, văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.II. Yêu cầu cụ thể:1) Đảm bảo cấu trúc đoạn văn nghị luận (0,25 điểm):
    • Điểm 0,25 điểm: Trình bày đầy đủ các phần Mở đoạn, Thân đoạn, Kết đoạn. Phần Mở đoạn biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; phần Thân đoạn biết tổ chức thành nhiều câu văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần Kết đoạn khái quát được vấn đề và thể hiện được nhận thức của cá nhân.
    • Điểm 0: Thiếu Mở đoạn hoặc Thân đoạn chỉ có 1 câu văn hoặc cả đoạn văn bị chia nhỏ thành nhiều đoạn.

    2) Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0,25 điểm): Vai trò, ý nghĩa của ý thức và năng lực tự chịu trách nhiệm đối với cuộc sống và sự nghiệp của mỗi người.

    3) Chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp; các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm (trong đó phải có thao tác giải thích, chứng minh, bình luận); biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng; dẫn chứng phải lấy từ thực tiễn đời sống, cụ thể và sinh động (1,25 điểm):

    a) Giới thiệu vấn đề (0,25 điểm): Vai trò, ý nghĩa của ý thức và năng lực tự chịu trách nhiệm đối với cuộc sống và sự nghiệp của mỗi người

    b) Giải thích (0,25 điểm):

    • Ý thức tự chịu trách nhiệm về bản thân mình: chịu trách nhiệm về mọi suy nghĩ, hành động, sự trưởng thành về trí tuệ và nhân cách của chính mình.
    • Năng lực để tự chịu trách nhiệm bao gồm:
      • Tri thức (Hiểu biết về cuộc sống và thế giới xung quanh, kiến thức chuyên môn…)
      • Khả năng lao động, sáng tạo.
      • Đạo đức, nhân cách: lòng trung thực, nghị lực sống, quan niệm sống đúng đắn…

    c. Bàn luận (0,5 điểm):

    • Ý thức và năng lực tự chịu trách nhiệm về bản thân mình giúp con người có nhận thức và hành động đúng đắn trong cuộc sống, biết tự trọng cá nhân và tôn trọng người khác, luôn đòi hỏi chính mình nỗ lực vươn lên để sáng tạo và cống hiến.
    • Có ý thức và năng lực tự chịu trách nhiệm về bản thân, con người có tài sản gốc quý báu để sinh lời, không phải “vay mượn”, không phải sống nhờ người khác.
    • Lấy dẫn chứng bàn luận, chứng minh.

    c. Bài học nhận thức và hành động (0,25 điểm)

    • Mỗi người cần rèn luyện – tích lũy cho mình kiến thức, năng lực, phẩm chất để có ý thức tự chịu trách nhiệm về bản thân mình và năng lực để tự chịu trách nhiệm.

    4) Sáng tạo – Chính tả, dùng từ, đặt câu (0,25 điểm)

    • Điểm 0,25: Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm,…); thể hiện được quan điểm và thái độ riêng, sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
    • Điểm 0: Không có cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; không có quan điểm và thái độ riêng hoặc quan điểm, thái độ trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
    • Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.
Câu 2. Phân tích hai nhân vật Việt và Chiến trong truyện ngắn Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi
  • I. Yêu cầu chung: Thí sinh phải biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận văn học để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng, văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.II. Yêu cầu cụ thể:1) Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận (0,5 điểm):
    • Điểm 0,5 điểm: Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề.
    • Điểm 0: Thiếu mở bài hoặc kết luận, thân bài chỉ có 1 đoạn văn hoặc cả bài viết chỉ có 1 đoạn văn.

    2) Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0,5 điểm): Vẻ đẹp của những đứa con trong gia đình Nam bộ giàu truyền thống cách mạng.

    3) Chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp; các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm; biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng (3.5 điểm)

    a, Giới thiệu vấn đề: (0,25 điểm):

    • Tác phẩm viết thành công về con người Nam bộ trong kháng chiến chống Mĩ của tác giả Nguyễn Thi
    • Nhân vật chiến và Việt tiêu biểu cho những người con Nam bộ

    b, Phân tích hai nhân vật (3,0 điểm):

    b1. Nét tính cách chung của hai chị em (1.0 điểm)

    • Hai chị em cùng sinh ra trong một gia đình chịu nhiều mất mát đau thương (cùng chứng kiến cái chết đau thương của ba và má).
    • Hai chị em có chung mối thù với bọn xâm lược. Tuy còn nhỏ tuổi, chí căm thù đã thôi thúc hai chị em cùng một ý nghĩ: phải trả thù cho ba má, và có cùng nguyện vọng: được cầm súng đánh giặc.
    • Tình yêu thương là vẻ đẹp tâm hồn của hai chị em. Tình cảm này được thể hiện sâu sắc và cảm động nhất trong cái đêm chị em giành nhau ghi tên tòng quân và sáng hôm sau trước khi lên đường nhập ngũ cùng khiêng bàn thờ má sang nhà chú Năm
    • Cả hai chị em đều là những chiến sĩ gan góc dũng cảm. Đánh giặc là niềm say mê lớn nhất của hai chị em Việt và Chiến cũng là của tuổi trẻ miền Nam trong những năm tháng ấy: “Hạnh phúc của tuổi trẻ là trên trận tuyến đánh quân thù”.
    • Hai chị em Việt đều có những nét rất ngây thơ thậm chí có phần trẻ con (giành nhau bắt ếch nhiều hay ít, giành nhau thành tích bắn tàu chiến giặc và giành nhau ghi tên tòng quân).

    b2. Nét tính cách riêng của hai chị em (2.0 điểm)

    * Nét riêng ở Chiến (1.0 điểm)

    • Chiến kế thừa cả vóc dáng và tính nết tốt đẹp của má- Người mẹ ngã xuống nhưng dòng sông truyền thống vẫn chảy. (0.5 điểm )
      • Chiến mang vóc dáng của má: “hai bắp tay tròn vo sạm đỏ màu cháy nắng… thân người to và chắc nịch”. Đó là dáng vẻ của những con người sinh ra để gánh vác, để chống chọi, để chịu đựng và để chiến thắng.
      • Chiến đặc biệt giống má ở sự đảm đang, tháo vát, biết lo liệu, thu xếp việc nhà. Trong cái đêm sắp xa nhà đi bộ đội: Chiến y hệt má (nói nghe in như má vậy). Hình ảnh người mẹ như bao bọc lấy Chiến, từ cái lối nằm với thằng út em trên giường ở trong buồng nói với ra đến lối hứ một cái “cóc” rồi trở mình. Đến nỗi chỉ trong một khoảng thời gian ngắn ngủi trong đêm, Việt đã không dưới ba lần thấy chị giống in má, có khác chỉ là ở chỗ chị “không bẻ tay rồi đập vào bắp vế than mỏi” mà thôi. Chính Chiến cũng thấy mình trong đêm ấy đang hòa vào trong mẹ: “Tao cũng đã lựa ý nếu má còn sống chắc má tính vậy, nên tao cũng tính vậy”.
    • Chiến mang vẻ đẹp riêng của thế hệ mình (0.5 điểm)
      • Hơn Việt chừng một tuổi nhưng Chiến người lớn hơn hẳn, trân trọng truyền thống gia đình: có thể bỏ ăn, kiên trì để đánh vần cuốn sổ gia đình.
      • Tính cách “người lớn” ở Chiến còn thể hiện ở sự nhường nhịn. Tuy có lúc giành nhau với em tranh công bắt ếch, đánh tàu giặc, đi tòng quân nhưng cuối cùng bao giờ cô cũng nhường em hết trừ việc đi tòng quân (vì không muốn em chịu đau thương mất mát)
      • Với quyết tâm đánh giặc, với lời thề quyết tử cho tổ quốc quyết sinh: giặc còn thì tao mất…
      • Vẻ đẹp nữ tính: mang vào chiến trường chiếc gương soi – hành trang của cô gái mới lớn.

    => Nguyễn Thi đã xây dựng nhân vật Chiến vừa có cá tính vừa phù hợp với lứa tuổi, giới tính. Chiến là nhân vật được hồi tưởng qua Việt nhưng đã gây được ấn tượng sâu sắc

    * Nét riêng ở Việt (1.0 điểm)

    • Việt là cậu con trai lộc ngộc, vô tư đang tuổi ăn tuổi lớn, còn rất trẻ con:
      • Việt hay tranh giành với.
      • Đêm trước ngày ra đi, Chiến nói với em những lời nghiêm trang thì Việt lúc “lăn kềnh ra ván cười khì khì”, lúc lại rình “chụp một con đom đóm úp trong lòng tay”, ngủ lúc nào không hay.
      • Vào bộ đội, Việt lại đem theo một cái súng cao su – cây ná thun.
    • Nhưng sự vô tư không ngăn cản Việt trở nên một anh hùng (ngay từ bé, Việt đã dám xông vào đá cái thằng đã giết cha mình. Khi trở thành một chiến sĩ, mặc dù chỉ có một mình, bị thương, lạc đồng đội, đôi mắt không còn nhìn thấy gì, toàn thân đau đớn, chỉ còn một ngón tay cử động được, Việt vẫn quyết tâm chiến đấu với quân thù)

    => Việt là một thành công đáng kể trong cách xây dựng nhân vật của Nguyễn Thi. Tuy còn hồn nhiên và còn bé nhỏ trước chị nhưng trước kẻ thù Việt lại vụt lớn lên, chững chạc trong tư thế của một người chiến sĩ, một đứa con Nam bộ đáng tự hào.

    c) Đánh giá chung (0.25 điểm)

    • Chiến và Việt là khúc sông sau chảy mạnh và đi xa hơn trong dòng sông truyền thống gia đình, là những đứa con đáng tự hào của gia đình và quê hương Nam bộ anh hùng. Vẻ đẹp của hai chị em cũng là vẻ đẹp của thanh niên Việt Nam thời chống Mĩ, vẻ đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

    4) Sáng tạo (0,25 điểm)

    • Điểm 0,25: Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm,…); thể hiện được quan điểm và thái độ riêng, sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
    • Điểm 0: Không có cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; không có quan điểm và thái độ riêng hoặc quan điểm, thái độ trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

    5) Chính tả, dùng từ, đặt câu (0,25 điểm): Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.

Thảo luận cho bài: Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn trường THPT Quế Võ số 1, Bắc Ninh (Lần 2)