Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
Trên mạng xã hội, mỗi người là một ông bầu của chính mình trong cuộc xây dựng cho mình một hình ảnh cá nhân. Chúng ta đã trở nên kỳ quặc mà không hề biết. Hãy hình dung cách đây mười năm, trong một buổi họp lớp, một người bỗng nhiên liên tiếp quẳng ảnh con cái, ảnh dã ngoại công ty, ảnh con mèo, ảnh bữa nhậu, ảnh lái ô tô, ảnh hai bàn chân mình, ảnh mình trong buồng tắm lên bàn – chắc hẳn người đó sẽ nhận được những ánh mắt ái ngại (…)
Chiếc smartphone đã trở thành một ô cửa nhỏ dẫn người ta thoát khỏi sự buồn chán của bản thân, và cái rung nhẹ báo tin có thông báo mới của nó bao giờ cũng đầy hứa hẹn. Nhưng càng kết nối, càng online, thì cái đám đông rộn ràng kia lại càng làm chúng ta cô đơn hơn. Chỗ này một cái like, chỗ kia một cái mặt cười, khắp nơi là những câu nói cụt lủn, phần lớn các tương tác trên mạng hời hợt và vội vã. Càng bận rộn để giao tiếp nhiều thì chúng ta lại càng không có gì để nói trong mỗi giao tiếp. Ngược với cảm giác đầy đặn, được bồi đắp khi chúng ta đứng trước thiên nhiên hay một tác phẩm nghệ thuật lớn, trên mạng xã hội ta bị xáo trộn, bứt dứt, và ghen tị với cuộc sống của người khác như một người đói khát nhìn một bữa tiệc linh đình qua cửa sổ mà không thể bỏ đi. Đêm khuya, khi các chấm xanh trên danh sách friend dần dần tắt, người ta cuộn lên cuộn xuống cái news feed để hòng tìm một status bị bỏ sót, một cứu rỗi kéo dài vài giây, một cái nhìn qua lỗ khóa vào cuộc sống của một người xa lạ, để làm tê liệt cảm giác trống rỗng.
(Trích Bức xúc không làm ta vô can, Đặng Hoàng Giang, tr. 76 – 77 NXB Hội Nhà văn, 2016)
- Đoạn trích bàn về ảnh hưởng của mạng xã hội đến đời sống tinh thần.
-
- Lợi ích: dẫn người ta thoát khỏi sự buồn chán của bản thân.
- Tổn hại: càng kết nối càng cô đơn; càng bận rộn để giao tiếp càng không có gì để nói trong mỗi giao tiếp.
- Tác giả cho rằng, những trải nghiệm trên mạng xã hội sẽ ngược với cảm giác đầy đặn, được bồi đắp khi chúng ta đứng trước thiên nhiên hay một tác phẩm nghệ thuật lớn vì:
- Những gì diễn ra trên mạng xã hội chỉ làm ta cảm thấy bứt dứt, ghen tị với cuộc sống của người khác, làm cho người ta trở nên nhỏ nhen, tầm thường.
- Những trải nghiệm trên mạng xã hội chỉ là cuộc sống ảo; thông tin xô bồ.
Câu 1:
Từ nội dung đoạn trích phần Đọc hiểu, hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về hiện tượng sống ảo của giới trẻ hiện nay.
- a. Đảm bảo thể thức của đoạn văn, sử dụng phương thức biểu đạt chính: nghị luận.
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: hiện tượng sống ảo trong giới trẻ hiện nay.
c. Nội dung nghị luận: thí sinh có thể trình bày suy nghĩ theo nhiều cách, dưới dây là một số gợi ý về nội dung:- Sống ảo là một khái niệm rộng nhưng trong văn cảnh đoạn trích phần đọc hiểu, khái niệm này được hiểu là giao tiếp với thế giới bên ngoài qua mạng internet.
- Biểu hiện của sống ảo: nghiện trò chơi điện tử trực tuyến; nghiện facebook; kết bạn, giao tiếp qua mạng internet,…
- Nêu thực trạng và những tác động của hiện tượng sống ảo với giới trẻ.
- Nêu giải pháp hạn chế tình trạng sống ảo hoặc biến thế giới ảo thành nguồn tài nguyên hữu ích phục vụ cho cuộc sống.
d. Sáng tạo: có quan điểm riêng, suy nghĩ mới mẻ, phù hợp với đặc trưng tiếp nhận văn học, diễn đạt bằng ngôn ngữ của mình.
e. Chính tả, ngữ pháp: đảm bảo các quy tắc về chính tả, dùng từ, đặt câu,…
Cảm nhận của anh/chị về hai đoạn trích sau:
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi.
(Trích Tây Tiến, Quang Dũng, Ngữ văn 12, tập 1, tr. 88, NXB Giáo dục, 2011)
Những đường Việt Bắc của ta
Đêm đêm rầm rập như là đất rung
Quân đi điệp điệp trùng trùng
Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan.
Dân công đỏ đuốc từng đoàn
Bước chân nát đá muôn tàn lửa bay.
Nghìn đêm thăm thẳm sương dày
Đèn pha bật sáng như ngày mai lên.
(Trích Việt Bắc, Tố Hữu, Ngữ văn 12, tập 1, tr.112, NXB Giáo dục, 2011)
- a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận
Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề,Kết bài kết luận được vấn đề.
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm
* Giới thiệu khái quát về hai tác giả, tác phẩm và hai đoạn trích.
* Đoạn thơ trong Tây tiến của Quang Dũng:- Miêu tả những con đường hành quân của người lính vừa điệp trùng, hiểm trở lại vừa mĩ lệ, nên thơ.
- Ẩn sau bức tranh thiên nhiên là hình tượng người lính vừa nhọc nhằn chinh phục những dốc núi lại vừa say mêtrước vẻ đẹp của miền rừng; vừa mang tầm vóc kì vĩ (với súng ngửi trời) lại vừa mang tâm hồn tinh tế, nhạy cảm với cái đẹp.
- Đoạn thơ thể hiện sự tài hoa của hồn thơ Quang Dũng khi sử dụng rất hiệu quả cách ngắt nhịp, cách phối thanh, các từ láy.
* Đoạn thơ trong Việt Bắc của Tố Hữu:
- Tái hiện hình ảnh những con đường ra trận từ căn cứ địa Việt Bắc vào đêm đêm. Đó là hình ảnh sinh động về cuộc chiến tranh nhân dân, cuộc kháng chiến toàn dân và toàn diện.
- Hình ảnh những đoàn quân, những đoàn dân công hiện lên với khí thế vô cùng mạnh mẽ. Mạch vận động của hình ảnh thơ từ đêm tối đến “đèn pha bật sáng như ngày mai lên” thể hiện niềm tin vững chắc vào tương lai.
- Để tái hiện không khí ra trận, tác giả đã sử dụng những từ láy, biện pháp khoa trương,… khiến đoạn thơ mang âm hưởng hào hùng, đậm chất anh hùng ca.
* Đánh giá chung: cùng miêu tả những con đường hành quân miền rừng núi nhưng nếu ở Tây Tiến, thiên nhiên có phần lấn át bởi sự hoang sơ, hiểm trở và con người hiện ra gián tiếp thì ở Việt Bắc, thiên nhiên ẩn đi, chỉ còn con người với khí thế rầm rập như là đất rung; Đoạn thơ trong Tây Tiến thiên về ngợi ca vẻ đẹp của hình tượng người lính còn đoạn thơ trong Việt Bắc lại tập trung ca ngợi sức mạnh của cuộc chiến tranh nhân dân; ….
d. Sáng tạo: có quan điểm riêng, suy nghĩ mới mẻ, phù hợp với đặc trưng tiếp nhận văn học, diễn đạt bằng ngôn ngữ của mình; làm bật nét riêng của mỗi đoạn thơ,…
e. Chính tả, ngữ pháp: đảm bảo các quy tắc về chính tả, dùng từ, đặt câu,…