Đề thi minh họa THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ Văn (Lần 3)

Đề thi minh họa THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ Văn (Lần 3)
I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu nêu ở dưới:

Thế giới của chúng ta có muôn vàn điều thú vị để khám phá. Cho dù bạn đang ở độ tuổi nào, bạn cũng nên phá vỡ các giới hạn của nhận thức và luyện cho mình kĩ năng quan sát bằng cách ra khỏi nhà, ra ngoài thiên nhiên và chú ý tới mọi điều xung quanh. Hãy đặt cho bản thân những câu hỏi như: “Tại sao…? Tại sao không…?” và thử tự tìm các câu trả lời hay sự trợ giúp của những người quen biết. Đừng bao giờ tự cao tự đại nói rằng: “Tôi đã biết hết rồi, anh/chị sẽ không chỉ cho tôi được điều gì mới đâu!”. Vì chỉ khi chúng ta nhận thức được rằng vẫn còn nhiều điều có thể học, chúng ta mới có thể bổ sung được nhiều kiến thức mới.

Hãy nghe nhạc cổ điển, đến thăm các viện bảo tàng và các phòng trưng bày nghệ thuật, hãy đọc sách về nhiều chủ đề khác nhau, hãy có những sở thích như khiêu vũ, chơi đàn, hội họa hay tập luyện một bộ môn thể thao. Dù bạn chọn cho mình bộ môn nào đi nữa, bạn cũng nên theo học đến cùng và tìm hiểu không ngừng nghỉ cho đến khi đạt được kiến thức sâu sắc
về lĩnh vực đó mới thôi. Đừng chỉ “chạm đến một lần rồi bỏ xó”. Hãy quyết tâm rèn luyện và củng cố trí tò mò để nó trở thành một phần trong cá tính của bạn. Biết đâu, trong một lần tò mò hay thắc mắc như vậy, bạn sẽ tìm ra được niềm đam mê cho bản thân. Có khát vọng khám phá và tìm tòi là một trong những động lực giúp bạn tiếp cận với thế giới và vươn ra biển lớn.

(Trích Tìm kiếm niềm đam mê, theo Hộ chiếu xanh đi quanh thế giới, Nhà xuất bản Thế giới, 2017, tr17-18)

Câu 1 (0,5 điểm):
Ở mỗi đoạn văn trên đây, tác giả đã sử dụng cách trình bày nào trong các cách sau: diễn dịch, quy nạp, tổng phân hợp, móc xích, song hành?
    • Đoạn (1): Tổng – phân – hợp;
    • Đoạn (2): Qui nạp.
Câu 2 (0,5 điểm):
Theo tác giả, chúng ta sẽ có được lợi ích gì khi “nhận thức được rằng vẫn còn nhiều điều có thể học”?
  • Theo tác giả, chúng ta sẽ “bổ sung được nhiều kiến thức mới” khi “nhận thức được rằng vẫn còn nhiều điều có thể học”.
Câu 3 (1,0 điểm):
Tại sao tác giả cho rằng “Biết đâu, trong một lần tò mò hay thắc mắc như vậy, bạn sẽ tìm ra được niềm đam mê cho bản thân”?
  • Tác giả cho rằng “Biết đâu, trong một lần tò mò hay thắc mắc như vậy, bạn sẽ tìm ra được niềm đam mê cho bản thân”, vì có tò mò hay thắc mắc thì mới có động lực mong muốn phát hiện ra những điều mới mẻ và khi tìm hiểu những điều mới mẻ, chúng ta mới có cơ hội để phát hiện ra điều mình thích, điều mình đam mê là gì.
Câu 4 (1,0 điểm):
Theo anh/chị, cần làm thế nào để niềm đam mê khám phá những điều kì diệu “trở thành một phần trong cá tính”?
  • Để niềm đam mê khám phá những điều kì diệu “trở thành một phần trong cá tính”, cần:
    • Không ngừng khám phá thế giới bằng cách đọc (để thu nhận, khám phá tri thức), đi (để trải nghiệm), viết (để lưu giữ)… – thật nhiều và theo cách của riêng mình;
    • Nỗ lực hết mình để biến niềm đam mê khám phá thành bước ngoặt lớn mang đến hạnh phúc, thành công cho bản thân..
II. LÀM VĂN (7.0 điểm)

Câu 1 (2.0 điểm):
Từ nội dung phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của việc tìm ra niềm đam mê thực sự của chính mình trong cuộc sống.

  • * Về kĩ năng tạo lập đoạn văn
    • Biết cách tạo lập một đoạn văn (khoảng 200 chữ) theo một trong các mô hình như: diễn dịch, qui nạp, tổng – phân – hợp, song hành, móc xích. Các câu trong đoạn đảm bảo có sự gắn kết chặt chẽ, thể hiện tập trung những suy nghĩ của thí sinh về ý nghĩa của việc tìm ra niềm đam mê thực sự của chính mình trong cuộc sống.
    • Diễn đạt trôi chảy, trình bày sạch đẹp; không xuống dòng khi chưa hết đoạn; chữ viết rõ ràng, đúng chính tả.

    * Về nội dung đoạn văn

    Thí sinh có thể bày tỏ những suy nghĩ khác nhau về ý nghĩa của việc tìm ra niềm đam mê thực sự của chính mình trong cuộc sống được gợi ra từ đoạn trích thuộc phần đọc hiểu. Chẳng hạn:

    • Đam mê là kết quả của quá trình trải nghiệm lâu dài của mỗi người trong cuộc sống. Không phải ai cũng có đam mê và không phải ai cũng dễ dàng tìm ra niềm đam mê trong cuộc đời.
    • Việc tìm ra được niềm đam mê thực sự trong cuộc sống sự giúp mỗi người biết mình là ai; biết cần làm gì để biến đam mê thành thành công; sẵn sàng dấn thân, thậm chí hi sinh để tìm ra và thực hiện niềm đam mê của mình; nhận thức được mục đích và cảm nhận được ý nghĩa của cuộc đời…

    * Về sự sáng tạo

    Đoạn văn thể hiện sự tìm tòi, sáng tạo của thí sinh ở một trong các phương diện dưới đây:

    • Có quan điểm/suy nghĩ riêng về ý nghĩa của việc tìm ra niềm đam mê thực sự của chính mình trong cuộc sống và trình bày một cách sâu sắc, thuyết phục.
    • Ngôn ngữ chọn lọc; biết sử dụng đa dạng các kiểu câu để thể hiện dụng ý của ngƣời viết; sử dụng nhuần nhuyễn một số phép tu từ…
Câu 2 (5,0 điểm):

Về nhân vật Tràng trong truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân, có ý kiến cho rằng: Tràng là gã trai quê nông nổi, liều lĩnh. Lại có ý kiến nhấn mạnh: Đó là một con người đầy khao khát, tốt bụng.
Bằng cảm nhận của mình về nhân vật Tràng, anh/chị hãy bình luận các ý kiến trên

  • * Về kĩ năng tạo lập văn bản nghị luận văn học
    • Học sinh biết sử dụng linh hoạt hiệu quả các thao tác lập luận phân tích, chứng minh, bình luận, so sánh; bố cục bài viết mạch lạc, đảm bảo tính liên kết giữa các phần.
    • Diễn đạt trôi chảy, có cảm xúc, lập luận chặt chẽ có sức thuyết phục; biết cách chọn và phân tích dẫn chứng để làm sáng tỏ vấn đề; chữ viết rõ ràng, đúng chính tả.

    * Về nội dung của bài viết

    Thí sinh có thể trình bày bài viết theo nhiều cách khác nhau, song cần đảm bảo được một số yêu cầu sau:

    • Giới thiệu vài nét về tác giả, tác phẩm, các ý kiến:
      • Kim Lân là một trong những nhà văn tiêu biểu của văn học Việt Nam hiện đại. Ông là cây bút chuyên viết truyện ngắn, thường viết về nông thôn và người nông dân.
      • Vợ nhặt là một trong những truyện ngắn xuất sắc của Kim Lân, xoay quanh đề tài người nông dân nghèo trong xã hội Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám. Truyện khắc họa thành công hình tượng nhân vật Tràng.
    • Cảm nhận về hình tượng nhân vật Tràng:
      • Tràng là một anh chàng nhà nghèo, dân ngụ cư, ngoại hình xoàng xĩnh và xấu xí, có tật vừa đi vừa nói nhảm những điều đang nghĩ – Tràng hội tụ đủ những yếu tố… ế vợ.
      • Diễn biến tâm trạng của Tràng được Kim Lân tập trung miêu tả một cách mộc mạc mà tinh tế, sâu sắc qua các đoạn: buổi chiều ngày hôm trƣớc (trên đường cùng người đàn bà về nhà; khi hai người về đến nhà Tràng và Tràng thưa chuyện với mẹ) và buổi sáng ngày hôm sau.

    Thí sinh phân tích diễn biến tâm trạng của Tràng ở các đoạn trên để thấy được sự tốt bụng và niềm khát khao hạnh phúc, khát khao sống mãnh liệt, niềm tin, niềm hi vọng mãnh liệt vào tương lai… ở nhân vật. Chú ý lựa chọn dẫn chứng tiêu biểu để làm sáng tỏ vấn đề.

    • Bình luận các ý kiến:
      • Ý kiến thứ nhất (Tràng là người đầy khao khát, tốt bụng) hoàn toàn xác đáng, thể hiện nhận thức đúng đắn về vẻ đẹp nhân cách của Tràng.
      • Ý kiến thứ hai có vẻ như hướng sự tập trung vào chi tiết Tràng chậc lưỡi đồng ý để người đàn bà theo về nhà mà không suy tính trước sau một cách kĩ càng. Nhưng thực chất, cái chậc lưỡi – sự đồng tình của Tràng chỉ là “hiện tượng”, không phải là “bản chất”. Ẩn sau nó chính là lòng tốt, là ý thức sẻ chia, cưu mang, đùm bọc của một con người với một con người trong hoàn cảnh khốn cùng; là khát vọng tình yêu, khát vọng hạnh phúc, khát vọng sống… bản năng, đời thường của bất kì con người nào.
      • Ý kiến thứ nhất có phần phiến diện, chủ quan, không thể hiện được sự cảm nhận đúng đắn, sâu sắc về hình tượng nhân vật cũng như về tư tưởng chủ đề của tác phẩm.
      • Hai ý kiến có phần đối lập, trái chiều. Trong đó, ý kiến thứ nhất cần được giới hạn trong sự cảm nhận về chi tiết Tràng chậc lưỡi chấp nhận để người đàn bà theo không mình về nhà; đồng thời cần được bổ sung bởi ý kiến thứ hai để thấy được bản chất cốt lõi trong hành động/ cách ứng xử của Tràng với người vợ nhặt.
      • Để khắc họa hình tượng nhân vật Tràng với các đặc điểm khao khát, tốt bụng, Kim Lân đã đặt nhân vật vào một tình huống éo le; tập trung khắc họa nhân vật thông qua lời nói, cử chỉ, hành động, những suy nghĩ, tâm trạng cụ thể…
      • Nhân vật Tràng, với bao nỗi khát khao và lòng tốt bụng, là hình ảnh tiêu biểu cho hình tượng người lao động nghèo Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám. Kim Lân đã thể hiện rất rõ sự thấu hiểu, đồng cảm, yêu thương, trân trọng của mình đối với Tràng, rộng lòng vun đắp cho hạnh phúc của Tràng – đây chính là những biểu hiện của lòng nhân đạo sâu sắc.

    * Về sự sáng tạo:

    – Nội dung: Có ý tưởng sâu sắc, thuyết phục. Bài viết bộc lộ suy nghĩ mới mẻ nhƣng hợp lí, thể hiện rõ phong cách cá nhân của người viết.

    – Kĩ năng viết: Có những tìm tòi, lựa chọn từ ngữ, hình ảnh; sử dụng đa dạng các kiểu câu để thể hiện dụng ý của người viết (câu cảm thán, câu đặc biệt); sử dụng phù hợp, hiệu quả một số phép tu từ…

Thảo luận cho bài: Đề thi minh họa THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ Văn (Lần 3)